Quyết định 10/2020/QĐ-UBND quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vườn Quốc gia Tràm Chim
Số hiệu: 10/2020/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp Người ký: Nguyễn Văn Dương
Ngày ban hành: 23/04/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Cán bộ, công chức, viên chức, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2020/QĐ-UBND

Đồng Tháp, ngày 23 tháng 4 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VƯỜN QUỐC GIA TRÀM CHIM

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng;

Căn cứ Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 253/1998/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển hạng mục Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tràm Chim thành Vườn Quốc gia Tràm Chim và phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 1999 - 2003;

Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững;

Theo đề nghị của Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim và Giám đốc Sở Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 5 năm 2020 và thay thế Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2017 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vườn Quốc gia Tràm Chim tỉnh Đồng Tháp.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp;
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT/UBND Tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Công báo Tỉnh; Cổng thông tin điện tử Tỉnh;
- Lưu: VT, NC/TCD-NC (V).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Dương

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VƯỜN QUỐC GIA TRÀM CHIM
(Ban hành kèm theo Quyết định số:10/2020/QĐ-UBND Ngày 23 tháng 4 năm 2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Chương I

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG

Điều 1. Vị trí

1. Vườn Quốc gia Tràm Chim là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc

Uỷ ban nhân dân Tỉnh; chịu sự quản lý nhà nước về chuyên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chịu sự quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Vườn Quốc gia Tràm Chim là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trụ sở đặt tại khóm 4, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Điều 2. Chức năng

Vườn Quốc gia Tràm Chim có chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân Tỉnh về tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long thành một mẫu chuẩn Quốc gia về hệ sinh thái đất ngập nước vùng lụt kín Đồng Tháp Mười; đặc biệt bảo tồn nguồn gen, bảo tồn loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; bảo tồn những giá trị độc đáo về văn hóa, di tích cấp quốc gia và lịch sử cách mạng; nghiên cứu, khai thác hợp lý hệ sinh thái của vùng vì lợi ích Quốc gia và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, sinh thái chung của vùng Đông Nam Á; phát huy các giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và được phép cho thuê dịch vụ môi trường theo quy định. Phối hợp tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động du lịch, kết hợp chương trình nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn

Vườn Quốc gia Tràm Chim có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh về quy hoạch, kế hoạch phát triển, chương trình, dự án về chính sách hợp tác đầu tư, bảo tồn, khai thác để phát triển bền vững Vườn Quốc gia Tràm Chim thành khu cảnh quan thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, giáo dục môi trường của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

2. Xây dựng và thực thi các phương án bảo vệ, tái tạo cảnh quan thiên nhiên; cung cấp các khu cư trú thích hợp cho các loài chim quý hiếm và tạo điều kiện thuận lợi cho các loài động, thực vật hoang dã khác phát triển bền vững, cụ thể như sau:

a) Quy hoạch kiến trúc cảnh quan của Vườn Quốc gia Tràm Chim nhằm định hướng các hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ trong một không gian kiến trúc có hoạch định, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và cảnh quan của Đồng Tháp Mười; đồng thời thống nhất giữa các công trình xây dựng cơ bản và các công trình phục vụ phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;

b) Xây dựng các dự án, đề án, phương án, kế hoạch kêu gọi đầu tư phù hợp với tiềm năng và đúng quy định pháp luật.

3. Bảo tồn và phát triển tài nguyên thực vật và động vật, gồm:

a) Quản lý điều tiết nước thích ứng với nhu cầu bảo tồn đa dạng sinh học và tiêu chí của Công ước Ramsar;

b) Nghiên cứu thử nghiệm việc đốt có kiểm soát đồng cỏ;

c) Phục hồi, phát triển bền vững một số loài động, thực vật đặc trưng tiêu biểu của Vườn Quốc gia Tràm Chim và vùng Đồng Tháp Mười; đồng thời, trồng cây phân tán bản địa, tạo cảnh quan môi trường;

d) Quản lý tài nguyên rừng;

đ) Triển khai các công trình nghiên cứu và giám sát về đa dạng sinh học;

e) Tạo lập một số điểm (ao, hồ, lung, rọc) trong Vườn Quốc gia Tràm Chim phù hợp với điều kiện tự nhiên để bảo tồn và phát triển hài hoà các loài động, thực vật bản địa.

4. Quản lý, phát triển nguồn lợi thuỷ sản, gồm các nội dung:

a) Bổ sung nguồn giống thủy sản bản địa vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Tràm Chim, nhằm tăng số lượng thuỷ sản đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười và của Vườn Quốc gia Tràm Chim, tạo điều kiện thuận lợi để tăng thêm nguồn thức ăn, thu hút các loài chim nước và một số loài động vật sống trên cạn sử dụng cá làm thức ăn và làm nơi cư trú tại vùng lõi của Vườn Quốc gia Tràm Chim;

b) Tạo nơi cư trú thích hợp cho các loài cá đồng bên trong Vườn Quốc gia Tràm Chim, nhằm lưu giữ cá bố, mẹ, cá nhỏ để bổ sung cho nguồn giống tự nhiên và tăng số lượng quần thể cá.

5. Quản lý tài nguyên nước, gồm các nội dung:

a) Điều tiết chế độ thuỷ văn nhằm nâng cao chất lượng nước trong Vườn Quốc gia Tràm Chim cho phù hợp với điều kiện sinh sống của các loài thực vật và động vật; duy trì, tái tạo những đặc điểm về địa mạo, thuỷ văn và cảnh quan thiên nhiên phù hợp với những đặc trưng cơ bản của vùng Đồng Tháp Mười, làm cơ sở để bảo tồn và tái tạo các nguồn gen thực vật và động vật;

b) Tạo một "Khu ngập nước" để làm khu tích nước thường xuyên cho các loài chim nước sinh sống và phòng cháy, chữa cháy rừng;

- Bảo vệ tài nguyên rừng, cây bản địa, thuỷ sản, đồng cỏ, đất, nước, các loại rong, tảo và phiêu sinh động, thực vật;

- Xây dựng các chương trình nghiên cứu và thiết lập hệ thống quản lý, giám sát môi trường và đa dạng sinh học.

c) Lập phương án, kế hoạch sử dụng các nguồn vốn Nhà nước, hợp tác đầu tư, bảo tồn và theo dõi thanh, quyết toán các khối lượng hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và tiết kiệm theo quy định của pháp luật. Xây dựng và thực thi các phương án, quy hoạch quản lý, điều tiết nước nhằm duy trì, tái tạo những đặc điểm địa mạo thuỷ văn và cảnh quan thiên nhiên làm cơ sở để bảo tồn, tái tạo nguồn gen thực vật, động vật, tạo điều kiện thích hợp ở vùng ngập nước. Nâng cấp hệ thống đê bao phù hợp với quản lý thuỷ văn của Vườn và các cống, đập phục vụ cho việc quản lý điều tiết nước, nhu cầu giao thông, tuần tra, canh gác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.

6. Tổ chức quản lý, bảo vệ cảnh quan, gồm các nội dung sau:

a) Xây dựng hệ thống thông tin điện tử, biển báo, bảng hướng dẫn tuyên truyền để gắn kết con người với thiên nhiên, phục vụ cho việc bảo vệ và phát triển Vườn Quốc gia Tràm Chim;

b) Tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng về các giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước;

c) Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ và phát triển Vườn Quốc gia Tràm Chim;

d) Xây dựng cơ chế thích hợp để Nhân dân địa phương tự nguyện tham gia bảo vệ, ngăn chặn tình trạng di dân tự do lấn chiếm đất đai và xây dựng trái phép trong khu vực của Vườn Quốc gia Tràm Chim, phối hợp với các tổ chức có liên quan xây dựng quy chế đồng quản lý;

đ) Được trang bị công cụ, dụng cụ hỗ trợ và phương tiện chuyên dùng theo quy định của pháp luật; được phép phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm vào khu vực cấm thuộc quyền quản lý.

7. Nghiên cứu và giám sát môi trường, gồm các nội dung sau:

a) Nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nhân văn vùng Đồng Tháp Mười; nghiên cứu sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và những diễn biến của các yếu tố môi trường tác động đến khu hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim;

b) Nghiên cứu, bảo tồn tính đa dạng sinh học và quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên của hệ sinh thái đất ngập nước thuộc thẩm quyền quản lý của Vườn Quốc gia Tràm Chim theo quy định.

c) Giám sát xu thế phát triển của động vật hoang dã, trong đó có các loài chim nước quý hiếm và đặc biệt là loài sếu cổ trụi (Grus Antigone Sharpii).

8. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, gồm các nội dung sau:

a) Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, thu thập nguồn gen, mẫu vật di truyền; theo dõi, tổ chức xây dựng, q uản lý cơ sở dữ liệu và lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của khu bảo tồn; có biện pháp phòng, trừ dịch bệnh trong khu bảo tồn; tổ chức kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại đến hệ sinh thái của Vườn;

b) Nghiên cứu khoa học theo chương trình, đề tài, dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, báo cáo kết quả hoạt động lên cơ quan quản lý cấp trên theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân có các hoạt động về thực hành, thực tập, thực hiện các chuyên đề, đề tài nghiên cứu; lập hồ sơ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định các chương trình, kế hoạch, biện pháp quản lý, bảo tồn, khai thác lâu dài.

9. Hợp tác quốc tế:

Xây dựng chương trình, dự án hợp tác quốc tế về quản lý, bảo vệ, cứu hộ, bảo tồn, phát triển tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

10. Tổ chức dịch vụ môi trường rừng:

Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo vệ, duy trì vẻ đẹp, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng phục vụ cho kinh doanh dịch vụ du lịch; Hấp thụ và lưu giữ cacbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; quản lý rừng bền vững và tăng trưởng xanh; cung ứng bãi sinh sản, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố môi trường, hệ sinh thái để nuôi trồng thuỷ sản.

11. Tổ chức nuôi, cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật rừng. Tiếp nhận các loài bản địa hoặc các loài phù hợp với sinh cảnh tự nhiên của Vườn Quốc gia Tràm Chim hoặc các loài được phép nghiên cứu khoa học trong đề tài do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; tái thả sinh vật về môi trường sống tự nhiên của chúng sau khi cứu hộ; nuôi bán hoang dã (phải có kết luận xét nghiệm kiểm dịch của cơ quan chức năng theo quy định), nhằm mục đích tái thả sinh vật về môi trường tự nhiên và phục vụ nghiên cứu khoa học; nghiên cứu, duy trì giống gốc, cung cấp nguồn giống cho phát triển gây nuôi theo quy định; thu thập mẫu vật, nguồn gen sinh vật theo quy định; lưu trữ, bảo tồn nguồn gen các loài nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; nghiên cứu, thu thập các thông tin về sinh học và cung ứng nguồn giống sinh vật, dịch vụ về thú y cho các tổ chức và cá nhân để gây nuôi, phát triển bền vững theo quy định của pháp luật.

12. Tham mưu cấp thẩm quyền trong việc thực hiện các biện pháp phát triển và khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên rừng, hệ sinh thái, nguồn lợi động vật, thực vật trong Vườn Quốc gia Tràm Chim.

13. Thu và quản lý các nguồn thu từ các dịch vụ phục vụ và các khoản thu khác theo quy định; hạch toán theo quy định hiện hành của đơn vị sự nghiệp có thu.

14. Tổ chức thực hiện công tác bảo vệ an toàn về tài nguyên môi trường, tài sản của đơn vị và của khách; đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, những hành vi xâm phạm đến di tích cấp Quốc gia; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội thuộc khu vực quản lý của Vườn Quốc gia Tràm Chim.

15. Phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát và chủ động tổ chức thực hiện các nội dung sau:

a) Thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, chống cháy nổ trong khu vực quản lý của Vườn Quốc gia Tràm Chim;

b) Thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn người dân xâm nhập trái phép vào Vườn Quốc gia Tràm Chim;

c) Thường xuyên kiểm tra an toàn các phương tiện thuỷ, bằng lái tàu, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho du khách;

d) Tuyên truyền đối với du khách, Nhân dân địa phương, học sinh, sinh viên và cộng tác viên bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn đa dạng sinh học; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, chống cháy nổ;

đ) Thực hiện công tác hợp tác trong và ngoài nước về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, môi trường;

e) Thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp, Luật Thuỷ sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, tiêu chí Ramsar và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

16. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo tình hình diễn biến tài nguyên rừng; tình hình kết quả hoạt động của đơn vị theo quy định.

17. Quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính, tài sản được giao theo quy định hiện hành và phân cấp quản lý của Uỷ ban nhân dân Tỉnh.

18. Phối hợp với chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân sống trong vùng đệm; nghiên cứu các mô hình lâm nghiệp, mô hình khuyến lâm, khuyến nông , khuyến ngư ở vùng đệm, mô hình làng du lịch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho Nhân dân vùng đệm.

19. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh phân công.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim

a) Vườn Quốc gia Tràm Chim làm việc theo chế độ Thủ trưởng, Giám đốc là người đứng đầu, trực tiếp quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm về toàn bộ các hoạt động của Vườn Quốc gia Tràm Chim trước Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh và trước pháp luật về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công, nhằm đạt được những mục tiêu của các dự án đầu tư xây dựng, các quyết định, chỉ thị, kế hoạch của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về lĩnh vực quản lý, khai thác, bảo tồn và tái tạo tài nguyên thiên nhiên (bao gồm: tài nguyên đất, nước, tài nguyên động, thực vật) tại Vườn Quốc gia Tràm Chim;

b) Giúp việc cho Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim có không quá 03 (ba) Phó Giám đốc. Phó Giám đốc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Giám đốc, được Giám đốc phân công phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về kết quả công tác được giao;

c) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, cách chức Giám đốc, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh quyết định theo tiêu chuẩn chức danh và quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý cán bộ. Việc khen thưởng, kỷ luật Giám đốc, các Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim thực hiện theo quy định của pháp luật;

d) Căn cứ vào chức danh, tiêu chuẩn ngạch, quy định của pháp luật, phân cấp, phân công quản lý của Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim thực hiện việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật viên chức, nhân viên của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, Đội bảo vệ rừng chuyên trách và đơn vị trực thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim.

2. Cơ cấu tổ chức

a) Các phòng chuyên môn:

- Phòng Tổ chức - Hành chính;

- Phòng Kế hoạch - Tài chính;

- Đội bảo vệ rừng chuyên trách thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim: Đơn vị chịu sự chỉ đạo quản lý trực tiếp, toàn diện của Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim; đồng thời, chịu sự hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Chi cục Kiểm lâm Tỉnh.

b) Đơn vị sự nghiệp trực thuộc: Trung tâm Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim, có tư cách pháp nhân, trụ sở làm việc và con dấu riêng.

3. Số lượng người làm việc

a) Số lượng người làm việc của Vườn Quốc gia Tràm Chim được Uỷ ban nhân dân Tỉnh giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

b) Việc tuyển dụng, sử dụng, bố trí công chức, viên chức, hợp đồng lao động của Vườn Quốc gia Tràm Chim thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp, phân công quản lý của Uỷ ban nhân dân Tỉnh.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 5. Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim có trách nhiệm

1. Tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

2. Căn cứ Quy định này và quy định của pháp luật hiện hành, ban hành quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim và xây dựng quy chế hoạt động của đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.

Điều 6. Sửa đổi, bổ sung

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi để thống nhất, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.





Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp Ban hành: 16/11/2018 | Cập nhật: 16/11/2018