Quyết định 08/2016/QĐ-UBND quy định quản lý hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Số hiệu: 08/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre Người ký: Cao Văn Trọng
Ngày ban hành: 02/02/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2016/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 02 tháng 02 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NUÔI TÔM BIỂN THÂM CANH, BÁN THÂM CANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;

Căn cứ Thông tư số 17/2014/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 6 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi;

Căn cứ Thông tư số 22/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 7 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 78/TTr-SNN ngày 12 tháng 01 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 4024/2002/QĐ-UB ngày 10 tháng 12 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định về quản lý hoạt động nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NUÔI TÔM BIỂN THÂM CANH, BÁN THÂM CANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND ngày 02 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi áp dụng: Quy định này quy định về quản lý các hoạt động nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh và tôm chân trắng thâm canh trên địa bàn tỉnh Bến Tre (gọi tắt là nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh).

2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Cơ sở nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh (sau đây gọi là cơ sở nuôi) là nơi diễn ra hoạt động nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh; tôm chân trắng thâm canh do cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ.

2. Nuôi tôm biển thâm canh: Là hình thức nuôi tôm biển hoàn toàn dựa vào thức ăn bên ngoài với mật độ thả nuôi từ 20 con/m2 trở lên đối với tôm sú và từ 60 con/m2 trở lên đối với tôm chân trắng.

3. Nuôi tôm biển bán thâm canh: Là hình thức nuôi tôm biển hoàn toàn dựa vào thức ăn bên ngoài với mật độ thả nuôi từ 10 đến dưới 20 con/m2.

4. Đánh giá tác động môi trường: Là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.

Chương II

ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG NUÔI TÔM BIỂN THÂM CANH, BÁN THÂM CANH

Điều 3. Điều kiện chung

1. Cơ sở nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tuân thủ đúng khung lịch thời vụ nuôi tôm biển hàng năm do cơ quan có thẩm quyền quy định.

3. Có Sổ theo dõi hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh được Ủy ban nhân dân xã, thị trấn xác nhận.

4. Điều kiện về ao nuôi, ao chứa (lắng), ao xử lý nước thải; điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm thực hiện theo quy định tại Mục 2 và Mục 2.2 - QCVN 02 - 19: 2014/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Cơ sở nuôi tôm nước lợ - Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Riêng khu vực chứa bùn thực hiện theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Điều 4. Điều kiện về bảo vệ môi trường vùng nuôi

1. Đối với cơ sở nuôi có diện tích mặt nước từ 0,5ha đến dưới 10ha phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và từ 10ha trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 và tại Điểm a, Khoản 1, Điều 18 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường.

2. Trước khi nạo vét bùn đáy ao nuôi tôm biển, chủ cơ sở nuôi phải chuẩn bị khu vực chứa có bờ bao không để đất, bùn và chất thải khác tràn ra sông, rạch và các khu vực lân cận. Đồng thời, thông báo trực tiếp đến Ban quản lý vùng nuôi thủy sản để kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường nuôi xung quanh.

Điều 5. Điều kiện về hồ sơ theo dõi hoạt động nuôi tôm biển

1. Hồ sơ theo dõi hoạt động nuôi tôm biển bao gồm: Giấy chứng nhận kiểm dịch; giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y thủy sản; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (nếu có); sổ theo dõi hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh.

2. Hồ sơ theo dõi hoạt động nuôi tôm biển phải lưu trữ tại cơ sở nuôi ít nhất 01 năm.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ SỞ NUÔI

Điều 6. Thực hiện các quy định về nuôi tôm biển

1. Đăng ký nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh tại Ủy ban nhân dân xã, thị trấn nơi xây dựng cơ sở nuôi để được cấp Sổ theo dõi hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh. Đơn đăng ký nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh được ban hành kèm theo Phụ lục 01 của Quy định này. Cơ sở nuôi được xây dựng thuộc địa bàn từ 02 xã trở lên thì đăng ký nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh tại Ủy ban nhân dân xã được xây dựng có diện tích lớn hơn; cơ sở nuôi được xây dựng tại địa bàn từ 02 huyện trở lên thì phải đăng ký nuôi tôm biển ở tất cả các huyện có xây dựng cơ sở nuôi.

2. Ghi chép đầy đủ các nội dung trong Sổ theo dõi hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh được ban hành kèm theo Phụ lục 2 của Quy định này.

3. Đăng ký kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư 41/2010/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 7 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản.

4. Đăng ký cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

a) Đối với cơ sở nuôi có đăng ký kinh doanh thì đăng ký cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tại Chi cục Thủy sản Bến Tre theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

b) Đối với cơ sở nuôi không có đăng ký kinh doanh thì đăng ký bản cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tại Ủy ban nhân dân xã, thị trấn theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

5. Tuân thủ đúng các quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường được quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Quy định này.

6. Kịp thời phản ảnh với cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động nuôi.

7. Khi có dịch bệnh xảy ra, phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định nhằm hạn chế thiệt hại, chống lây lan ra diện rộng.

Điều 7. Tham gia hoạt động Ban quản lý vùng nuôi thủy sản

1. Tham dự đầy đủ các cuộc họp và các buổi sinh hoạt do Ban Quản lý vùng nuôi triệu tập; tích cực tham gia các hoạt động của Ban Quản lý vùng nuôi, đóng góp ý kiến về chủ trương, biện pháp quản lý Nhà nước trong việc phát triển nuôi thủy sản.

2. Chấp hành và thực hiện đúng theo quy định, quy chế hoạt động vùng nuôi thủy sản.

Điều 8. Tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh

1. Công tác phòng bệnh tôm nuôi:

a) Thực hiện theo đúng kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản hàng năm và chương trình giám sát dịch bệnh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan có thẩm quyền ban hành.

b) Sử dụng tôm giống thả nuôi phải có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền cấp.

c) Cơ sở nuôi phải cải tạo ao nuôi với các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mầm bệnh và cải thiện chất lượng đáy ao, bảo đảm thời gian gián đoạn tối thiểu 01 tháng sau mỗi đợt nuôi tôm biển.

d) Cơ sở nuôi phải thực hiện đầy đủ các nội dung trong công tác phòng bệnh được quy định tại Khoản 2, Điều 9 Thông tư số 17/2014/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 6 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi.

2. Công tác chống dịch bệnh tôm nuôi.

a) Chủ cơ sở nuôi khi phát hiện tôm nuôi bị nhiễm các bệnh nguy hiểm được quy định tại Thông tư 38/2012/TT-BNNPTNT ngày 02 tháng 8 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch, phải tuyệt đối không được xả nước trong ao bị nhiễm bệnh ra môi trường tự nhiên, đồng thời trực tiếp báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền (Ban Quản lý vùng nuôi thủy sản, cán bộ Thú y xã hoặc Ủy ban nhân dân xã) để được hướng dẫn cách ly, xử lý.

b) Đối với tôm nuôi bị nhiễm bệnh hoặc có dấu hiệu nhiễm bệnh và đạt kích cỡ thu hoạch, sau khi được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền thì tiến hành thu hoạch, nhưng không được tự ý xả thải nước và xác tôm chết trực tiếp ra kênh rạch và môi trường xung quanh; sau khi thu hoạch xong nước ao nuôi tôm phải được xử lý trước khi xả thải.

c) Ao nuôi tôm biển bị bệnh đã được xử lý hóa chất dập dịch, tối thiểu 10 ngày tính từ ngày xử lý hóa chất, cơ sở nuôi mới được xả nước ra ngoài môi trường bên ngoài.

d) Cơ sở nuôi phải thực hiện đầy đủ các nội dung trong công tác chống dịch bệnh thủy sản được quy định tại Điều 10, Điều 16, Khoản 1 Điều 17, Khoản 1 Điều 18, Điều 20 và Điều 21 Thông tư số 17/2014/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 6 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 9. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong việc vận động, tuyên truyền thực hiện tốt Quy định này thì được chính quyền địa phương đề nghị Ngành chức năng khen thưởng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 10. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh nêu tại Quy định này sẽ bị xử lý theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan; đồng thời không được đề xuất để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh Truyền hình, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai Quy định này cho các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện.

b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm dịch giống thủy sản, phòng chống dịch bệnh thủy sản; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho các cơ sở nuôi; kiểm tra, xử lý vi phạm thuộc phạm vi quản lý của Ngành.

c) Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Hướng dẫn thực hiện các quy định bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi tôm biển trên địa bàn tỉnh.

b) Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường.

c) Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động nuôi tôm biển trên địa bàn tỉnh.

d) Xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 19 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Phê duyệt dự toán kinh phí của cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân xã, thị trấn có liên quan đến công tác triển khai và tổ chức thực hiện Quy định này.

b) Xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường.

c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn xử lý hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

d) Quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản theo Quyết định số 31/2012/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Quy định phân cấp quản lý hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã, thị trấn

a) Tổ chức triển khai, tuyên truyền nội dung của Quy định này đến các cơ sở nuôi trên địa bàn quản lý.

b) Quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản theo Quyết định số 31/2012/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Quy định phân cấp quản lý hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

c) Tổ chức tiếp nhận đơn đăng ký nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh và cấp Sổ theo dõi hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn quản lý. Định kỳ hàng tuần báo cáo kết quả đăng ký nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh; tình hình nuôi tôm biển và công tác phòng, chống dịch bệnh về cơ quan quản lý thủy sản cấp huyện để tổng hợp báo cáo theo quy định.

d) Chỉ đạo Ban Quản lý vùng nuôi thủy sản hoặc Cán bộ môi trường cấp xã thực hiện kiểm tra, giám sát nạo vét bùn đáy ao, xả thảy mầm bệnh và báo cáo kịp thời các trường hợp bơm bùn, xả thải mầm bệnh chưa qua xử lý ra kênh rạch tự nhiên về Ủy ban nhân dân xã, thị trấn để xử lý.

Trong quá trình thực hiện Quy định này, các văn bản được dẫn chiếu để áp dụng khi có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì được dẫn chiếu áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó. Ngoài ra, nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc, các sở, ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện liên quan báo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

Phụ lục 1

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

 

ĐƠN ĐĂNG KÝ
Nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh

Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã/thị trấn…………………….

- Họ tên chủ cơ sở nuôi (hoặc người đại diện):…………………………………..…………………

……………………………………………………………………………………………………………

- Địa chỉ liên hệ:………………………………………………………………….………………………

………………………………………………………………………………......................................

- Điện thoại:…………………………………………………………………………………………….

- Địa chỉ khu nuôi:……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………

- Đối tượng khu nuôi:…………………………………………………………………………………

- Sơ đồ bố trí mặt bằng của cơ sở nuôi (đính kèm).

- Tổng diện tích chung cơ sở nuôi:………….m2.

- Tổng diện tích mặt nước ao nuôi:……….. m2, số lượng ao nuôi:…………ao.

- Diện tích mặt nước ao lắng cấp:………….m2, số lượng: ……………….ao.

- Diện tích mặt nước ao xử lý thải:………….m2, số lượng:……………….ao.

- Diện tích khu vực chứa bùn (ao chứa bùn):……………….m2.

- Loại đất (sở hữu hoặc cho thuê):………………………………………………

- Mật độ thả giống: Tôm sú……con/m2; tôm chân trắng……..con/m2.

Đề nghị Ủy ban nhân dân xã/ thị trấn cấp Sổ theo dõi hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh.

Tôi xin cam đoan việc khai báo trên hoàn toàn đúng sự thật./.

 

 

…………….., ngày……tháng…..năm……..
CHỦ CƠ SỞ NUÔI
(Ký và ghi họ tên

 

Phụ lục 2

SƠ ĐỒ

Bố trí mặt bằng của cơ sở nuôi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHỦ CƠ SỞ
(Ký và ghi họ tên)

 

* Ghi chú: Cần thể hiện đầy đủ các thông tin sau

1. Kênh cấp nước: Ghi tên sông, rạch lấy nước.

2. Kênh thoát nước: Ghi tên sông, kênh rạch xả nước.

3. Khu hành chính bao gồm: Khu làm việc và nhà ở công nhân.

4. Khu vực nhà kho: Chứa thức ăn, hóa chất, phế phẩm sinh học, vật tư.

5. Hệ thống ao gồm: Ao nuôi; ao lắng; ao xử lý nước thải và ao chứa bùn thải.