Quyết định 03/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định thu thủy lợi phí, tiền nước trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành
Số hiệu: 03/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Lữ Ngọc Cư
Ngày ban hành: 25/01/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 03/2010/QĐ-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 25 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THU THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH ngày 28/8/2001 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/04/2001 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP , ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 115/2008/NĐ-CP , ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ;
Căn cứ Thông tư số 36/2009/TT-BTC , ngày 26 tháng 02 năm 2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 115/2008/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ;
Theo đề nghị của Liên Sở: Tài chính, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 436/LS-TTr ngày 30/11/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thu thủy lợi phí, tiền nước trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 37/2005/QĐ-UBND, ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:  
- Như điều 4;
- Website Chính phủ;
- Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra VB- Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ NN&PTNT;
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Uỷ ban MTTQVN tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Tài chính, Tư pháp, Thông tin & Truyền thông;
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Các phòng thuộc VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TCTM (V70b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

QUY ĐỊNH

THU THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2010/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2010 của UBND tỉnh)

Để duy trì và khai thác tốt các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh, bảo đảm sự đóng góp công bằng, hợp lý của những tổ chức và cá nhân được hưởng lợi về nước, khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu tưới tiêu cho sản xuất và nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định mức thủy lợi phí, tiền nước trên địa bàn tỉnh như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này điều chỉnh các quan hệ thu, chi, cấp bù, quản lý và sử dụng các khoản thu thủy lợi phí, tiền nước đối với các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ nước hoặc làm các dịch vụ khác thuộc phạm vi phục vụ của các hệ thống công trình thủy lợi do Nhà nước quản lý (bao gồm: hồ chứa, đập, cống, kênh, tạo nguồn nước…) kể cả nguồn nước từ sông, suối tự nhiên trên địa bàn tỉnh nhưng do Nhà nước đầu tư nạo vét; các công trình thủy lợi được đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách Nhà nước hoặc có một phần vốn ngân sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi .

Điều 2. Các khoản thu thủy lợi phí, tiền nước được sử dụng để tổ chức quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG NỘP VÀ MIỄN GIẢM THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC

Điều 3. Thu thủy lợi phí là khỏan thu từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, sử dụng nguồn nước gồm:

1. Diện tích đất vượt hạn mức giao cho hộ gia đình, cá nhân.

2. Các doanh nghiệp hoạt động cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nước cấp cho các nhà máy nước sạch, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại hồ chứa, nuôi cá bè; sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh du lịch, nghỉ mát, giải trí, vận tải qua cống và các dịch vụ khác được hưởng lợi từ công trình thủy lợi.

Điều 4. Các khoản thu tiền thủy lợi phí tiền nước từ các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi để phục vụ cho các mục đích không phải sản xuất nông nghiệp được nêu tại Điều 3 Quyết định này được tính vào giá thành, phí lưu thông hàng năm theo quy định hiện hành của đơn vị sử dụng nước.

Điều 5. Miễn, giảm thu thủy lợi phí đối với:

1. Hộ gia đình, cá nhân có đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong hạn mức giao đất nông nghiệp, bao gồm: diện tích đất do Nhà nước giao cho các hộ gia đình cá nhân; đất mặt nước được thừa kế, cho, tặng; đất, mặt nước mà hộ gia đình nhận chuyển nhượng hợp pháp; đất mặt nước các hộ gia đình, cá nhân được giao hoặc đấu thầu quyền sử dụng đất 5% công ích do địa phương quản lý.

Tổng diện tích đất, mặt nước của mỗi hộ, cá nhân nằm trong hạn mức giao đất nông nghiệp thuộc phạm vi được miễn thủy lợi phí nêu trên, thực hiện theo quy định tại Điều 5, Quyết định số 32/2007/QĐ-UBND ngày 24/8/2007 của UBND tỉnh. Phần diện tích vượt hạn mức giao đất nông nghiệp thì không được miễn thủy lợi phí.

2. Đối với các địa bàn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, thì được miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất, mặt nước dùng vào nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, không phân biệt trong hay ngoài hạn mức giao đất.

3. Đối với diện tích đất, mặt nước các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán của các doanh nghiệp, nông, lâm trường không thuộc phạm vi được miễn thủy lợi phí.

4. Trong trường hợp thiên tai xảy ra gây mất mùa, thiệt hại về năng suất, sản lượng cây trồng quy định tại Nghị định số 143/2003/NĐ-CP thì được miễn, giảm thủy lợi phí, tiền nước theo các mức sau:

- Thiệt hại dưới 30% sản lượng được giảm 50% thủy lợi phí.

- Thiệt hại 30% đến dưới 50% sản lượng được giảm 70% thủy lợi phí.

- Thiệt hại từ 50% sản lượng trở lên được miễn 100% thủy lợi phí.

Trình tự thủ tục hồ sơ miễn, giảm thu thủy lợi phí trong trường hợp bị thiên tai, mất mùa. Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi thành lập đoàn kiểm tra đánh giá mức độ thiệt hại, lập biên bản kiểm tra xác định mức độ thiệt hại.

Thành phần đoàn kiểm tra gồm: Đại diện chính quyền xã; người dùng nước và các ngành liên quan thuộc cấp huyện, thị xã, thành phố.

5. Không miễn thủy lợi phí đối với các tổ chức, cá nhân dùng nước theo thỏa thuận để phục vụ cho hoạt động của các tổ hợp tác dùng nước từ vị trí cống đầu kênh của hợp tác dùng nước đến mặt ruộng.

Chương III

MỨC THU THỦY LỢI PHÍ VÀ TIỀN NƯỚC

Điều 6. Thủy lợi phí và tiền nước được thu bằng đồng Việt Nam. Mức thu được quy định cụ thể như sau:

1. Mức thu thủy lợi phí đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước trồng lúa.

a) Trường hợp tưới tiêu bằng chủ động: Thì mức thu thủy lợi phí như sau:

- Tưới tiêu bằng động lực: mức thu là 751.000 đồng/ha/vụ.

- Tưới tiêu bằng trọng lực: mức thu là 658.000 đồng/ha/vụ.

- Tưới tiêu kết hợp bằng trọng lực và động lực hỗ trợ: mức thu là 728.000 động/ha/vụ.

b) Trường hợp tưới tiêu chủ động một phần (nguồn nước tự nhiên hoặc công trình thủy lợi tạo nguồn do Nhà nước đầu tư như kênh, mương):

Diện tích được tưới từ công trình thủy lợi nhưng còn thất thường và hộ dùng nước phải bơm, tát hơn 1/3 (một phần ba) số lần tưới ghi trong hợp đồng, thì mức thu bằng 60% mức thu trên.

c) Trường hợp tưới tạo nguồn:

Diện tích được tưới từ công trình thủy lợi nhưng hộ dùng nước phải bơm, tát nước vào ruộng hoàn toàn.

- Mức thu tưới tiêu bằng trọng lực bằng 40% trường hợp tưới chủ động.

- Mức thu tưới tiêu bằng động lực bằng 50% trường hợp tưới chủ động.

d) Mức thu thủy lợi phí tưới tiêu cho gieo mạ, cây công nghiệp ngắn ngày, rau màu tính bằng 40% mức thu thủy lợi phí đối với đất trồng lúa (tưới cho bơm điện và hồ đập kênh cống).

2. Mức thu thủy lợi phí đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước để phục vụ cho các mục đích không phải sản xuất cây lương thực.

a) Mức thu thủy lợi phí tưới tiêu cho cây công nghiệp dài ngày (Cà phê, ca cao, hồ tiêu vv...): mức thu 1.066.700đồng/ha/năm cho bơm điện; hồ đập, kênh cống 702.800đồng/ha/năm.

b) Mức thu thủy lợi phí tưới tiêu cho cây ăn quả, hoa và cây dược liệu và các loại cây trồng khác: mức thu 850 đồng/m3 cho bơm điện, hồ đập, kênh cống 700 đồng/m3.

c) Cấp nước để nuôi trồng thủy sản: mức thu bằng 700 đồng/m3 cho bơm điện, hồ đập, kênh cống 500 đồng/m3 nếu tính theo m3; cung ứng tính theo mặt thoáng: mức thu 2.500 đống/m2, áp dụng chung cho cả bơm điện, hồ đập kênh cống.

3. Mức thu tiền nước đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước, hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi không phải sản xuất nông nghiệp:

a) Cấp nước cho nhà máy nước để cung cấp cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ: mức thu bằng 1.500 đồng/m3 cho bơm điện, hồ đập, kênh cống 750 đồng/m3.

b) Cấp nước cho nhà máy nước để cung cấp cho nhà máy nước sinh hoạt cho chăn nuôi: mức thu bằng 1.100 đồng/m3 cho bơm điện, hồ đập, kênh cống 750 đồng/m3. Tiền nước được đưa vào giá bán nước của nhà máy cấp nước.

c) Sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh nuôi trồng thủy sản: mức thu tính bằng tỷ lệ 9% trên doanh thu sản lượng thủy sản đánh bắt được.

d) Sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh du lịch, giải trí: mức thu tính bằng tỷ lệ 12% trên doanh thu về hoạt động du lịch, giải trí.

e) Sử dụng nước từ công trình thủy điện để phát điện: mức thu tính bằng tỷ lệ 10% trên doanh thu sản lượng điện thương phẩm.

- Trường hợp lấy nước theo khối lượng thì mức tiền nước được tính từ vị trí nhận được nước của tổ chức cá nhân sử dụng nước.

+ Mức thu thủy lợi phí quy định tại điểm, khoản 1, 2, 3 Điều 6 được tính từ công trình đầu mối của công trình thủy lợi đến ví trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước.

+ Mức thu về phí dịch vụ lấy nước từ sau cống đầu kênh đến mặt ruộng (kênh nội đồng), tổ chức hợp tác xã dùng nước thỏa thuận mức thu với tổ chức, cá nhân sử dụng nước, nhưng không quá mức giá trần do UBND tỉnh quy định.

Điều 7. Đối với các công trình không thuộc ngân sách Nhà nước đầu tư.

1. Mức thu thủy lợi phí đối với các công trình thủy lợi được đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách Nhà nước hoặc có một phần vốn ngân sách Nhà nước do đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi thỏa thuận với hộ dùng nước, mức thu tối đa không quá 1,2 lần mức thu thủy lợi phí các công trình thủy lợi được đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước.

2. Mức miễn thủy lợi phí, tiền nước đối với các công trình đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách hoặc có một phần vốn ngân sách Nhà nước được hỗ trợ thủy lợi phí, mức hỗ trợ tối đa không quá 1,2 lần mức thu của công trình thủy lợi do ngân sách đầu tư.

3. Đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi căn cứ nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; diện tích, biện pháp tưới; chi phí quản lý, vận hành công trình, xây dựng mức thu thủy lợi phí và thỏa thuận với hộ dùng nước, gửi Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt mức thu thủy lợi phí cho từng công trình thủy lợi .

Chương IV

TỔ CHỨC THU VÀ SỬ DỤNG THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC

Điều 8. Tổ chức thu thủy lợi phí, tiền nước:

Phương thức thanh toán, thời gian thanh toán thủy lợi phí, tiền nước của tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ công trình thủy lợi được quy định tại khoản 1, Điều 16 Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi được quy định như sau:

1. Doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, tổ chức hợp tác dùng nước phải ký kết hợp đồng tưới, tiêu ngay từ đầu vụ sản xuất với tổ chức, cá nhân làm dịch vụ hoặc sử dụng nước và thu thủy lợi phí theo hợp đồng đã được ký kết với thời hạn muộn nhất là 01 (một) tháng sau vụ sản xuất.

2. Doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, tổ chức hợp tác dùng nước phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn lập sổ thu thủy lợi phí, tiền nước cho từng tổ chức, cá nhân sử dụng nước làm cơ sở thu thủy lợi phí.

3. Doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, tổ chức hợp tác dùng nước khai thác công trình thủy lợi, tổ chức hợp tác dùng nước thu thủy lợi phí đối với doanh nghiệp kinh doanh điện lực, du lịch, giải trí, quy định tại khoản 2, Điều 16 Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi được thực hiện định kỳ 6 tháng một lần.

Điều 9. Các tổ chức được Ngân sách Nhà nước cấp bù thủy lợi phí:

Các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi (sau đây gọi là đơn vị quản lý thủy nông) thực hiện nhiệm vụ tưới nước cho diện tích được miễn thủy lợi phí thực hiện theo quy định tại khoản 3, mục II, Thông tư số 36/2009/TT-BTC , ngày 26/02/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số Điều của Nghị định số 115/2008/NĐ-CP , sửa đổi bổ sung một số Điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 10. Nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí.

1. Căn cứ vào dự toán được giao, đơn vị quản lý thủy nông lập dự toán năm chia từng quý gửi Sở Tài chính đối với cấp tỉnh, đơn vị cấp huyện gửi phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện.

2. Cấp bù thủy lợi phí được miễn cho các đơn vị quản lý thủy nông được giao kế hoạch hằng năm. Căn cứ vào dự toán ngân sách được duyệt và dự toán của đơn vị quản lý thủy nông, cơ quan tài chính cấp kinh phí cho đơn vị quản lý thủy nông hai (02) lần trong năm vào đầu qúy 1 cấp 60 % tổng kinh phí và đầu quý 3 cấp 40 % kinh phí còn lại.

3. Kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi được lấy từ nguồn thu thủy lợi phí, tiền nước và nguồn ngân sách cấp bù.

Điều 11. Điều khoản thi hành:

Các nội dung không quy định tại Quyết định này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 143/2003/NĐ-CP , ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Nghị định số 115/2008/NĐ-CP , ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Thông tư số 36/2009/TT-BTC , ngày 26/02/ 2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ./.





Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001 Ban hành: 04/04/2001 | Cập nhật: 07/01/2010