Quyết định 32/2007/QĐ-UBND quy định đối tượng từ trần được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh và chế độ mai táng, hỗ trợ mai táng phí
Số hiệu: 32/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang Người ký: Bùi Ngọc Sương
Ngày ban hành: 03/08/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2007/QĐ-UBND

Rạch Giá, ngày 03 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG TỪ TRẦN ĐƯỢC AN TÁNG TẠI NGHĨA TRANG LIỆT SỸ TỈNH VÀ CHẾ ĐỘ MAI TÁNG, HỖ TRỢ MAI TÁNG PHÍ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2001 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang và ý kiến của các sở, ban ngành có liên quan tại Tờ trình số 327/TTr-LĐTBXH ngày 03 tháng 5 năm 2007 về việc Quy định chế độ an táng đối với cán bộ, chiến sỹ từ trần và mở rộng diện tích nghĩa trang liệt sỹ tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đối tượng được an táng tại nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Kiên Giang gồm:

- Những người được xác nhận là liệt sỹ và những hài cốt liệt sỹ được quy tập về an táng tại khu vực liệt sỹ;

- Những người từ trần có tiêu chuẩn như sau được an táng tại khu vực từ trần tại nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh gồm:

+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chồng của Bà mẹ Việt Nam anh hùng (cha ruột của liệt sỹ);

+ Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (bao gồm cả thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31/12/1993) và bệnh binh có mức suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên do thương tật, bệnh tật, địa bàn công tác thuộc các chiến trường B, C, K;

+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động;

+ Cán bộ đảng viên được cấp huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên;

+ Người được công nhận là người hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945;

+ Người từ trần trong lực lượng vũ trang có cấp hàm từ thiếu tá trở lên đối với nam, đại úy trở lên đối với nữ và người giữ chức vụ Trưởng, Phó phòng, ban hoặc cấp tương đương trở lên;

+ Cán bộ đương chức hoặc nguyên chức giữ chức vụ Trưởng, Phó phòng, ban thuộc các sở, ban ngành cấp tỉnh và thành phố Rạch Giá hoặc tương đương trở lên; nếu không giữ chức vụ thì cán bộ có hệ số mức lương từ 4,74 trở lên đối với nam, 4,40 trở lên đối với nữ;

+ Người công tác thuộc các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước (đơn vị do UBND tỉnh quản lý) và người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử sang công tác ở các công ty cổ phần giữ chức vụ Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc cấp tương đương;

+ Cán bộ hưu trí khi nghỉ hưu giữ chức vụ Trưởng, Phó phòng, ban thuộc các sở, ban ngành cấp tỉnh hoặc cấp tương đương trở lên; nếu không giữ các chức vụ nêu trên, thì phải là người có thời gian tham gia công tác cách mạng từ trước ngày 30/4/1975, địa bàn công tác thuộc các chiến trường B, C, K;

+ Đối với vợ (hoặc chồng) của các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý gồm: Tỉnh ủy viên các khoá; Trưởng, Phó ban ngành cấp tỉnh và tương đương không đủ tiêu chuẩn nêu trên có nguyện vọng khi từ trần được an táng gần nhau. Đối tượng này gia đình phải chịu chi phí an táng;

+ Những trường hợp cá biệt khi từ trần không nằm trong Quy định này do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

Khi an táng tại nghĩa trang liệt sỹ phải thống nhất theo quy cách mộ do nghĩa trang quy định.

- Đối với cấp huyện, thị xã: căn cứ tiêu chuẩn quy định tại Quyết định này mà áp dụng việc an táng cho người từ trần phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Điều 2. Chế độ mai táng phí:

1. Đối tượng từ trần được hưởng mai táng phí:

- Cán bộ, công nhân, viên chức đương chức (kể cả cán bộ nhân viên xã, phường, thị trấn) có đóng bảo hiểm xã hội; người nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí;

- Cán bộ, công nhân, viên chức đang hưởng chế độ hưu trí, mất sức, chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp hàng tháng;

- Quân nhân tại ngũ, quân nhân đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp hàng tháng;

- Sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng tại ngũ, đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp hàng tháng;

- Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động;

- Cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng Tám năm 1945, cán bộ được cấp huy hiệu 40 năm tuổi Đảng;

- Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh đang hưởng trợ cấp hàng tháng;

- Thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp hàng tháng;

- Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

2. Chế độ mai táng:

a. Các đối tượng nêu tại khoản 1, Điều 2 trên đây, nếu được hưởng chế độ mai táng phí của Trung ương, theo Thông tư liên bộ số 04/LB-TT ngày 27/01/1997 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Bộ Tài chính là 1.440.000 đồng/người, thì được địa phương hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người (một triệu đồng); như vậy tổng kinh phí đối tượng được hưởng là:

1.440.000đ/người + 1.000.000đ/người = 2.440.000 đồng/người.

(Hai triệu bốn trăm bốn mươi ngàn đồng chẵn).

b. Đối tượng nêu tại khoản 1, Điều 2 trên đây, nếu không hưởng chế độ mai táng phí của Trung ương thì địa phương hỗ trợ 1.500.000 đồng/người (một triệu năm trăm ngàn đồng chẵn).

c. Các đối tượng nêu tại khoản 1, Điều 2 trên đây khi từ trần, nếu do cơ quan, đơn vị lo mai táng, ngoài việc được nhận chế độ mai táng theo Quy định này, cơ quan, đơn vị được sử dụng số tiền phúng điếu để lo chi phí mai táng; số tiền còn lại được giao cho gia đình, thân nhân của người từ trần.

Điều 3.

- Giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch triển khai và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

- Giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh hướng dẫn việc cấp phát và thanh toán mai táng phí.

- Cơ quan chủ quản quyết định về hình thức lễ tang, địa điểm tổ chức lễ tang và nơi an táng tùy theo đối tượng khi từ trần, sau khi bàn bạc thống nhất với gia đình người từ trần và thực hiện đúng quy định của Nhà nước.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, BCH Quân sự tỉnh, Công an tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này thay thế Quyết định số 424/1999/QĐ-UB ngày 25/02/1999 của UBND tỉnh Kiên Giang và Quyết định số 1861/2000/QĐ-UB ngày 14/9/2000 của UBND tỉnh Kiên Giang, về chế độ mai táng và hỗ trợ mai táng phí cho cán bộ, chiến sỹ từ trần.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UBND TỈNH KIÊN GIANG
CHỦ TỊCH




Bùi Ngọc Sương