Chỉ thị 08/2014/CT-UBND tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu: 08/2014/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Hoàng Quân
Ngày ban hành: 06/05/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/06/2014 Số công báo: Số 32
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2014/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 05 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trong thời gian qua, cùng với cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được cải thiện rõ nét. Trong quá trình từng bước xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp, bên cạnh phát triển kinh tế thì thành phố luôn chú trọng đến các vấn đề về môi trường. Ngày 13 tháng 11 năm 2008, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 21/2008/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Qua 5 năm thực hiện, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng sống của đồng bào thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì ý thức bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp, người dân cũng còn thấp, chưa chủ động và tự giác thực hiện nghĩa vụ về bảo vệ môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng nên tình hình ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại và nếu không kiểm soát thì sẽ có chiều hướng gia tăng.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống của nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các doanh nghiệp thực hiện ngay các nhiệm vụ cấp bách nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố như sau:

1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Phối hợp với các Sở - ngành liên quan và các Viện, Trường học xây dựng kế hoạch, tổ chức nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý môi trường và tài nguyên cho cán bộ quản lý môi trường của thành phố;

b) Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp kỹ thuật cao, Ủy ban nhân dân các quận - huyện tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố; tăng cường kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp có mức độ gây ô nhiễm nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu đối phó trong vận hành công trình xử lý chất thải. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành liên quan xây dựng, triển khai dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, nước mặt, nước ngầm trên địa bàn thành phố;

d) Tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản; thực hiện giám sát chất lượng nước mặt, giám sát tình trạng sạt lở bờ sông trong khu vực hoạt động nạo vét, khai thác khoáng sản lòng sông và thực hiện các giải pháp bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường đã được xác định trong dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;

đ) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các cơ quan chức năng thuộc các tỉnh giáp ranh với thành phố trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản từ khâu quy hoạch, cấp phép, kiểm tra việc thực hiện sau giấy phép và kiểm tra xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản không phép, trái phép;

e) Chủ trì kiểm tra, giám sát việc vận hành các Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh; Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp, huyện Củ Chi đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; thường xuyên giám sát việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn về các khu xử lý, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh khu xử lý rác và suốt tuyến thu gom, vận chuyển;

g) Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra theo kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011­ - 2015;

h) Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh việc xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực: thu gom và xử lý chất thải; phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải rắn đô thị, chất thải khu vực nông thôn, làng nghề, chất thải nguy hại và chất thải y tế; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giảm thiểu sử dụng túi ni lông, sản xuất, sử dụng các túi thân thiện môi trường; phát động phong trào bảo vệ nguồn nước và sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước.

2. Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao có trách nhiệm:

a) Chủ trì tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao. Chỉ cho phép các doanh nghiệp được hoạt động sản xuất khi đã đầu tư hoàn thiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường hoặc trong bản cam kết bảo vệ môi trường đã đăng ký;

b) Chủ trì, phối hợp chủ đầu tư hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp và Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Khu Công nghệ cao kiểm tra hệ thống thu gom nước thải của các doanh nghiệp trong khu, đảm bảo nước thải phát sinh từ doanh nghiệp phải được thu gom triệt để dẫn về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Giám sát hoạt động của trạm xử lý nước thải tập trung, đảm bảo trạm xử lý nước thải tập trung vận hành liên tục, ổn định và đạt quy chuẩn môi trường;

c) Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn hiện hành. Xử lý nghiêm các trường hợp xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép. Yêu cầu các chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo đúng quy định.

3. Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm:

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Thành phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý nước thải y tế, thu gom và xử lý chất thải y tế đúng quy định tại các cơ sở y tế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định.

4. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các đơn vị liên quan kiểm soát các nguồn nước thải xả vào hệ thống công trình thủy lợi; đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng; tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở mua, bán, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật; tuyên truyền, tập huấn người dân nâng cao nhận thức về mối nguy hại do thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu gây ô nhiễm môi trường;

b) Tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp nhằm hạn chế tối đa các dư lượng hóa chất đưa vào nguồn nước, việc xả nước thải từ khu nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối;

c) Phối hợp với các Sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn báo cáo tình hình xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ gia đình với lưu lượng xả thải lớn, tải lượng ô nhiễm cao.

5. Giám đốc Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên và các Sở - ngành tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025; triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư theo nội dung Quy hoạch; xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp với kế hoạch đầu tư phát triển cho từng giai đoạn; xây dựng cơ chế chính sách để huy động nguồn vốn triển khai Quy hoạch; khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước tham gia xây dựng và quản lý hệ thống cấp nước trên địa bàn Thành phố theo Quy hoạch được duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ môi trường và xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cơ sở hoạt động giao thông đường thủy nội địa; tuyên truyền, đào tạo và tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa;

c) Xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm từng bước kiểm soát, xử lý các nguồn thải từ các phương tiện giao thông đạt tiêu chuẩn môi trường quy định;

d) Đề ra các chỉ tiêu cụ thể đối với từng lĩnh vực trong hoạt động vận tải nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch đề ra về "Giảm thiểu 50% ô nhiễm môi trường và tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2015" nhằm thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường của thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

6. Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở - ngành liên quan triển khai thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của thành phố; thực hiện di dời các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm đến địa điểm phù hợp với quy hoạch ngành; tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phát triển sản xuất vật liệu xây không nung, phát triển các sản phẩm vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường; hoàn tất việc xóa bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, hiệu quả kinh tế thấp;

b) Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng trong hoạt động xây dựng gắn liền với việc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; thanh tra, kiểm tra thi công xây dựng công trình đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, là hệ thống xử lý chất thải các loại, nước thải ở các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học phải đảm bảo tiêu chuẩn quy định;

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn, tuyên truyền chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng chấp hành nghiêm công tác bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư xây dựng công trình, đặc biệt nguồn tài nguyên dưới đất.

7. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

Đẩy mạnh nghiên cứu, thẩm định, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ tái chế trong xử lý chất thải y tế, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại.

8. Giám đốc Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước Thành phố có trách nhiệm:

Chủ trì, phối hợp Sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai thực hiện một số nội dung sau:

a) Thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng điểm theo Quyết định số 936/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch chi tiết thực hiện Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

b) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố về các chương trình, dự án nghiên cứu, xây dựng các dự án tổng thể tiêu thoát nước và xử lý nước thải cho thành phố;

c) Xây dựng bản đồ rủi ro ngập lụt và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra. Nghiên cứu các khả năng ứng phó với các biến cố mưa vượt tần suất thiết kế do biến đổi khí hậu đối với các hệ thống thoát nước đô thị;

d) Tăng cường nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực tự ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng trong lĩnh vực thoát nước, chống ngập.

9. Giám đốc Công an Thành phố có trách nhiệm:

Chỉ đạo Lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ủy ban nhân dân các quận - huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố, xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định.

10. Giám đốc Sở Công Thương có trách nhiệm:

Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện thực hiện một số nội dung sau:

a) Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp hiện hữu và cụm công nghiệp theo quy hoạch trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành và thực hiện; xác định quỹ đất để di dời các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; xây dựng kế hoạch quản lý các cơ sở kinh doanh hóa chất theo quy định.

b) Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 31/2009/TTLT-BCT-BTNMT ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Bộ Công Thương - Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quyết định số 47/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

11. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình và chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện tổ chức có hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, vệ sinh đường phố, bảo vệ kênh rạch, hệ thống thoát nước tại khu dân cư, xây dựng nếp sống văn minh và mỹ quan đô thị.

12. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Lực lượng Cảnh sát môi trường và các Sở - ngành liên quan tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền quy định; xây dựng quy chế quản lý vệ sinh công cộng trên địa bàn khu phố, khóm ấp, các tổ dân phố... đảm bảo mỹ quan, môi trường đô thị;

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn;

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức sắp xếp lại hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình, các tổ chức có trụ sở đặt tại mặt tiền đường, đảm bảo rác thải không để trước vỉa hè, lề đường mà giao trực tiếp cho lực lượng thu gom rác;

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức, khảo sát, thống kê số lượng thùng rác công cộng, đánh giá mức độ đáp ứng, khả năng sử dụng của các thùng rác công cộng hiện tại trên địa bàn; đề xuất giải pháp quản lý sử dụng phù hợp với công năng hoặc đề xuất trang bị thêm thùng rác công cộng phù hợp với đặc điểm của quận - huyện;

đ) Phối hợp các Sở - ngành liên quan xây dựng kế hoạch quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, thống kê và xây dựng kế hoạch quản lý hệ thống kênh rạch trên địa bàn, có kế hoạch duy tu, nạo vét để khơi thông luồng; kiểm soát chặt việc xả thải chưa qua xử lý vào nguồn nước.

13. Đề nghị Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố và các tổ chức đoàn thể, các ban chuyên trách Hội đồng nhân dân Thành phố tăng cường thanh tra, giám sát, phối hợp kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này của các cơ quan, đơn vị, quận - huyện của Thành phố.

14. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 21/2008/CT-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố theo dõi kết quả thực hiện, kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố kịp thời chỉ đạo để đạt kết quả./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân