Chỉ thị 03/2011/CT-UBND tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Số hiệu: 03/2011/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre Người ký: Nguyễn Văn Hiếu
Ngày ban hành: 23/08/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2011/CT-UBND

Bến Tre, ngày 23 tháng 8 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Qua hơn 04 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông và 01 năm thực hiện Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân được nâng lên. So với năm 2009, năm 2010 tai nạn giao thông toàn tỉnh giảm cả về số vụ và số người chết.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa bền vững, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn biến hết sức phức tạp; so với cùng kỳ năm 2010, trong 6 tháng đầu năm 2011, tai nạn giao thông đường bộ đã xảy ra 80/69 vụ (tăng 11 vụ = 15,94%), làm chết 88/76 người (tăng 12 người = 15,79%), bị thương 41/48 người (giảm 7 người = 14,58%); va chạm giao thông đường bộ 214/211 vụ (tăng 3 vụ = 1,42%), bị thương 304/288 người (tăng 16 người = 5,56%). Nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng còn xảy ra, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, nhất là tai nạn giao thông liên quan đến xe ôtô chở khách. Tình trạng trẻ em ngồi trên xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông còn kém; trong khi đó, một số ngành, chính quyền các cấp chưa thật sự quan tâm chỉ đạo đúng mức, kịp thời công tác này; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông có lúc, có nơi chưa được duy trì thường xuyên.

Để tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Tổ chức đánh giá, kiểm điểm quá trình thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở địa phương theo tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24 tháng 02 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới. Phấn đấu đạt mục tiêu phát triển bền vững, kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đi đôi với nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông cơ sở. Địa phương nào để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và gia tăng tai nạn giao thông thì phải kiểm điểm trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh;

b) Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là quản lý trật tự hành lang an toàn giao thông, lòng, lề đường, vỉa hè; giải toả ngay những nơi bị lấn chiếm; duy trì và thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông để mọi người tự giác chấp hành khi tham gia giao thông;

c) Chủ động kiểm tra và xử lý kịp thời các hư hỏng, xuống cấp về hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo an toàn, thông suốt trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành phân lại làn đường tránh trường hợp xe di chuyển hỗn tạp; giải toả công trình, chướng ngại vật che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông; bổ sung, điều chỉnh kịp thời hệ thống cọc tiêu, biển báo đường bộ trên các tuyến đường được phân cấp quản lý, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn;

d) Cân đối kinh phí từ nguồn thu phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ để hỗ trợ cho lực lượng tuần tra, kiểm soát; trang bị phương tiện phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát giao thông như: Máy bắn tốc độ có ghi hình ảnh, máy đo nồng độ cồn nhằm đáp ứng kịp thời công tác đảm bảo an toàn giao thông tại địa phương.

2. Ban An toàn giao thông tỉnh:

a) Khẩn trương triển khai thực hiện các kế hoạch, giải pháp và chỉ đạo của Chính phủ, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tỉnh Bến Tre đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

b) Làm đầu mối phối hợp các hoạt động liên ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật an toàn giao thông; tổ chức đánh giá kết quả thực hiệntriển khai các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện Chỉ thị này.

c) Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng Khởi tổ chức thực hiện các chuyên mục, chuyên trang về an toàn giao thông với nhiều nội dung phong phú, phản ảnh kịp thời thông tin tình hình trật tự an toàn giao thông, nêu gương người tốt việc tốt, đi đôi với phê phán nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ;

d) Phối hợp với Công an tỉnh xây dựng các panô về hành vi, mức xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và tại các chốt đèn tín hiệu điều khiển giao thông trên địa bàn;

đ) Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có kế hoạch sửa chữa, bổ sung gắn mới các biển báo hiệu đường bộ; khảo sát các vị trí “điểm đen về an toàn giao thông để có kế hoạch cải tạo, khắc phục thuộc trách nhiệm quản lý.

3. Công an tỉnh:

a) Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, chú ý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như: Chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển, ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, sử dụng rượu, bia tham gia giao thông; đồng thời thông báo về địa phương, cơ quan, đơn vị có người vi phạm để tiếp tục giáo dục và xử lý, góp phần nâng cao ý thức về văn hoá giao thông của người tham gia giao thông. Xây dựng kế hoạch phòng, chống đua xe trái phép hoặc tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng trên địa bàn. Kiên quyết xử lý các trường hợp chống người thi hành công vụ; đồng thời, xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ, chiến sỹ công an có hành vi tiêu cực trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm và giải quyết tai nạn giao thông;

b) Thường xuyên phối hợp với Thanh tra giao thông và các đơn vị có liên quan mở các đợt cao điểm lập lại trật tự an toàn giao thông; kiểm tra, tháo dỡ các lều, quán dựng trái phép, lấn chiếm lòng, lề đường; kiên quyết xử lý phương tiện vi phạm theo Quyết định số 24/2010/QĐ-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Quy định quản lý hoạt động của xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe máy kéo nhỏ để vận chuyển hành khách, hàng hoá và xe dùng làm phương tiện đi lại của người khuyết tật tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Xử lý triệt để tình trạng xe lôi máy tự chế lưu thông trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường trong xóm, ấp;

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ; chú trọng giáo dục tại chỗ, giáo dục qua công tác xử lý vi phạm.

4. Sở Giao thông vận tải:

a) Tăng cường công tác quản lý an toàn kỹ thuật, thời hạn lưu hành của các loại phương tiện cơ giới, đặc biệt là phương tiện chở khách. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện giao thông, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của lái xe ôtô khách. Xử lý nghiêm khắc cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực trong công tác kiểm định và sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;

b) Phối hợp với Công an tỉnh, các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương đề xuất các phương án tổ chức giao thông, phân luồng, phân tuyến hợp lý trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, có kế hoạch duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống cầu giao thông, các đoạn đường bị sạt, lún; kiểm tra điều kiện bến bãi, những vị trí thi công không đảm bảo chất lượng; cải tạo các điểm đenvề tai nạn giao thông; bổ sung, điều chỉnh kịp thời hệ thống cọc tiêu, biển báo đường bộ trên các tuyến đường được phân cấp quản lý, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn;

c) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông, hệ thống công trình giao thông đường bộ: Điều khiển xe quá tải trọng khi qua cầu, các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, chiếm dụng vỉa hè, lòng, lề đường làm nơi họp chợ, buôn bán, để xe; vi phạm trật tự an toàn giao thông như: Họp chợ, mua bán trên cầu, trên đường, đỗ xe trái phép; vi phạm trật tự vận tải như: Xe chở quá số người quy định, chở quá tải trọng, dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Tăng cường công tác giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các trường học cho cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh nâng cao ý thức tự giác chấp hành khi tham gia giao thông; giữ gìn trật tự an toàn giao thông tại các cổng trường;

b) Quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Khuyến khích học sinh sử dụng phương tiện giao thông công cộng (xe buýt). Những trường hợp sinh viên, học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, ngoài việc bị xử lý theo quy định chung, nhà trường cần có quy định áp dụng bổ sung các hình thức kỷ luật khác, để tăng cường tính giáo dục, răn đe.

6. Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng Khởi:

a) Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đến người dân, cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông;

b) Phối hợp với Ban An toàn giao thông, các sở, ngành liên quan thường xuyên đưa tin, xây dựng các phóng sự về an toàn giao thông, tăng thời lượng phát sóng chuyên mục an toàn giao thông. Phải tạo được dư luận xã hội lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với từng người, từng gia đình; kịp thời nêu gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

7. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp tiếp tục tuyên truyền hội viên, đoàn viên gương mẫu chấp hành và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, xây dựng văn hoá giao thông.

8. Sở Y tế: Chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố có kế hoạch xử lý, sơ cứu kịp thời các trường hợp tai nạn giao thông, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng để hạn chế tối đa tai nạn giao thông dẫn đến chết người; tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng xác định nồng độ cồn các trường hợp tai nạn giao thông.

9. Sở Tài chính:

a) Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí xử phạt an toàn giao thông đường bộ theo đúng quy định của pháp luật; phân bổ và cấp phát kịp thời kinh phí cho hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông phù hợp với nhu cầu sử dụng thường xuyên của các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ưu tiên kinh phí trang bị phương tiện tuần tra kiểm soát, các máy móc thiết bị kiểm tra tốc độ, kiểm tra nồng độ cồn, hệ thống đèn tín hiệu đảm bảo an toàn giao thông;

b) Chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp với Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các địa phương, đơn vị có sử dụng nguồn kinh phí xử phạt an toàn giao thông nhằm khắc phục tình trạng sử dụng sai mục đích.

10. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; các ngành, các cấp phải có trách nhiệm giáo dục, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông để làm gương, nhất là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia. Nếu vi phạm luật giao thông, ngoài việc bị xử lý theo quy định chung, phải đưa ra giáo dục, kiểm điểm tại cơ quan, đơn vị.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 01/2009/CT-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, kịp thời kiến nghị các biện pháp xử lý để Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hiếu