Thông báo 35/TB-BTP ý kiến của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại buổi làm việc với thường trực tỉnh ủy, hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về công tác tư pháp và thi hành án dân sự
Số hiệu: 35/TB-BTP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp Người ký: Lê Hồng Sơn
Ngày ban hành: 06/05/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Hành chính tư pháp, Thi hành án, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/TB-BTP

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 2011

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CỦA BỘ TRƯỞNG HÀ HÙNG CƯỜNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH VỀ CÔNG TÁC TƯ PHÁP VÀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Ngày 05 tháng 4 năm 2011, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân (HĐND), Uỷ ban nhân dân (UBND), một số sở, ban, ngành tỉnh Quảng Bình về công tác tư pháp, thi hành án dân sự (THADS) năm 2010 và 03 tháng đầu năm 2011. Thành phần buổi làm việc, về phía Tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Huấn, Thường trực HĐND tỉnh; đại diện Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND, Công an tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, lãnh đạo Sở Tư pháp và Cục THADS tỉnh Quảng Bình1; về phía Đoàn công tác của Bộ Tư pháp có đồng chí Nguyễn Văn Luyện, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS; lãnh đạo Văn phòng Bộ, Vụ Bổ trợ tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ.

Sau khi nghe Giám đốc Sở Tư pháp, người được phân công trình bày báo cáo của UBND tỉnh về tình hình tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp và THADS tỉnh; ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã có ý kiến như sau:

I. Về kết quả công tác tư pháp, thi hành án dân sự của Tỉnh

1. Nhìn chung, công tác tư pháp, THADS tỉnh Quảng Bình đã cơ bản bám vào nhiệm vụ trọng tâm của Ngành; Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo; các ngành, đoàn thể của tỉnh đã phối hợp khá tích cực, nhờ vậy tình hình tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp và THADS tiếp tục có những chuyển biến mới. Kết quả thể hiện rõ nét trên một số lĩnh vực sau:

a) Về công tác tư pháp:

- Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật đã đi vào nền nếp, triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ Tỉnh đề ra, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nâng chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI) của Tỉnh trong những năm qua.

- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được Tỉnh quan tâm đẩy mạnh, thực chất và bám sát hơn yêu cầu đời sống xã hội, trong đó đã tập trung vào một số vấn đề thời sự hoặc nóng ở địa phương như tuyên truyền pháp luật phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, phòng chống ma tuý, an toàn giao thông; UBND Tỉnh đã ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện Ngày pháp luật trên địa bàn, theo đó chọn ngày thứ 6 của tuần thứ tư hàng tháng để cán bộ, công chức trao đổi về các văn bản quy phạm pháp luật mới, có liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ của mình. Công tác hoà giải ở cơ sở đã được phát huy hiệu quả, tỷ lệ hoà giải thành khá cao (đạt 89,9%). Việc kiện toàn tổ chức trợ giúp pháp lý bám sát lộ trình được đề ra theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; sự phối hợp giữa các ngành trong Tỉnh thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng khá tốt.

- Công tác quản lý nhà nước về hành chính tư pháp đã có cố gắng: Sở đã tham mưu cho Tỉnh ban hành kế hoạch và triển khai Luật Quốc tịch Việt Nam 2008; công tác hộ tịch, chứng thực đã đi vào nền nếp hơn so với trước.

- Công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp tiếp tục được tăng cường: công tác xã hội hoá hoạt động công chứng bước đầu đạt kết quả tốt; công tác bán đấu giá tài sản ở thành phố Đồng Hới được thực hiện đúng quy định của Nghị định số 17 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, đạt hiệu quả tương đối tốt; công tác quản lý nhà nước đối với luật sư được tăng cường, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển luật sư đến năm 2020.

- Đội ngũ cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã tiếp tục được quan tâm kiện toàn: ngày 16/7/2010 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1630/QĐ- UBND quy định số lượng cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; 05/07 huyện, thành phố thuộc Tỉnh đã có quyết định phân bổ thêm biên chế; 87 xã (55%) đã bố trí 02 biên chế công chức Tư pháp - Hộ tịch, qua đó góp phần tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền xã điều hành theo đúng pháp luật.

b) Công tác THADS được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có Chỉ thị tăng cường công tác THADS tạo bước ngoặt quan trọng trong quản lý nhà nước về THADS của Tỉnh. Các cơ quan THADS đã chú trọng giảm án tồn đọng, giải quyết triệt để khiếu nại, tố cáo và tháo gỡ khó khăn trong cưỡng chế thi hành án. Kết quả THADS đạt vượt chỉ tiêu Bộ giao cả về việc và tiền (5 tháng đầu năm 2011 đạt tỷ lệ 58% về việc và 53% về tiền). Việc kiện toàn tổ chức cán bộ THADS từ tỉnh đến huyện khá đồng bộ, góp phần tạo chuyển biến rất cơ bản trong công tác THADS.

2. Tuy nhiên, so với sự phát triển công tác tư pháp của cả nước đang được triển khai tích cực, ngày càng gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh trên địa bàn thì công tác tư pháp, THADS của Tỉnh Quảng Bình còn nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí công tác tư pháp có nguy cơ tụt hậu so với các địa phương trong khu vực, cụ thể là:

- Chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng đều (ở cấp huyện, cấp xã còn nhiều hạn chế); tiến độ xây dựng một số văn bản đề án còn chậm so với kế hoạch; chưa kịp thời hướng dẫn triển khai Thông tư số 03/2010/TT-BTP của Bộ Tư pháp về theo dõi thi hành pháp luật.

- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự đi vào chiều sâu, thiếu linh hoạt trong việc chọn lựa hình thức, biện pháp phù hợp.

- Việc triển khai một số văn bản QPPL mới trong lĩnh vực hành chính tư pháp như Luật Lý lịch tư pháp, Luật Nuôi con nuôi, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm còn chậm; chưa quản lý sát sao vấn đề hộ tịch trên địa bàn Tỉnh; các cơ quan Tòa án trong Tỉnh chưa chuyển giao bản sao bản án cho Sở Tư pháp để phục vụ công tác quản lý và cấp phiếu lý lịch tư pháp; việc triển khai Điều 22 của Luật Quốc tịch còn chậm; Sở chưa tham mưu cho Tỉnh triển khai toàn diện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên địa bàn Tỉnh.

- Công tác quy hoạch, phát triển luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Công tác giám định tư pháp của Tỉnh vẫn còn khó khăn, nhất là các lĩnh vực: giám định pháp y, pháp y tâm thần, xây dựng, tài chính. Một số cơ quan, đơn vị của Tỉnh chưa thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao một số loại tài sản để tổ chức bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật.

- Lực lượng cán bộ tư pháp từ tỉnh đến xã còn mỏng; Sở Tư pháp còn giữ mô hình Phòng Bổ trợ tư pháp và Hành chính tư pháp dẫn đến chất lượng quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực này còn hạn chế.

- Về công tác THADS, lượng án tồn đọng qua nhiều năm vẫn cao (trên 40%). Việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công tác thi hành án dân sự còn lúng túng; còn có trường hợp cán bộ bị kỷ luật.

II. Về phương hướng, nhiệm vụ của Ngành Tư pháp tỉnh Quảng Bình

Năm 2011 và các năm tiếp theo, yêu cầu đối với Ngành Tư pháp là khá nặng nề, đặc biệt tập trung triển khai thực hiện Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, với nhiều nhiệm vụ to lớn liên quan đến xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, cải cách hành chính (giai đoạn 2011 - 2020). Năm 2011, Chính phủ và các địa phương tập trung thực hiện các Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09/01/20112 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/20113 của Chính phủ. Do đó, công tác tư pháp, THADS tỉnh Quảng Bình cần được triển khai quyết liệt; tạo chuyển biến nhanh hơn trong công tác tư pháp từ tỉnh đến xã. Sở Tư pháp cần bám sát quyết liệt hơn nữa Chương trình công tác của Ngành Tư pháp để thực hiện và tham mưu đầy đủ, kịp thời hơn cho UBND tỉnh quản lý công tác tư pháp, góp phần đắc lực hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và vị trí xếp hạng Sở Tư pháp hàng năm.

Đề nghị Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Sở Tư pháp và Cục THADS tỉnh tập trung tạo chuyển biến trên những lĩnh vực sau:

1. Đẩy mạnh công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, nhất là ở cấp huyện, xã; triển khai bài bản việc tập hợp ý kiến cử tri, người dân về các dự án luật Chính phủ sẽ trình Quốc hội thảo luận, thông qua. Sở Tư pháp cần chủ động tham mưu cho Tỉnh thực hiện công tác theo dõi về thi hành pháp luật năm 2011 đối với những lĩnh vực cần quan tâm chỉ đạo theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

2. Tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Tỉnh hướng dẫn các cơ quan nhà nước tổ chức Ngày Pháp luật định kỳ hàng tháng, nhất là nghiên cứu, hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan. Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng công tác hoà giải ở cơ sở và kinh phí thực hiện.

3. Khẩn trương triển khai bài bản Luật Lý lịch tư pháp, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Nghị định số 83 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm; tích cực phối hợp với các sở, ngành trong Tỉnh rà soát người không quốc tịch trên địa bàn để đề nghị giải quyết theo quy định của Điều 22 của Luật Quốc tịch; tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi, Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, đồng thời cần lưu ý khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót trong việc giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi đối với trẻ em là người Rục.

4. Triển khai tốt Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng

về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, các văn bản quy phạm pháp luật về luật sư và chuẩn bị kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển luật sư đến năm 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chú ý quan tâm thành lập tổ chức Đảng trong Đoàn luật sư và sớm tạo điều kiện về trụ sở cho Đoàn luật sư Tỉnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động công chứng, bán đấu giá tài sản và giám định tư pháp, đặc biệt cần tạo cơ sở pháp lý cho việc sớm thành lập tổ chức hành nghề công chứng ở những địa bàn cấp huyện có điều kiện (như huyện Quảng Trạch) hoặc hỗ trợ thành lập tổ chức công chứng ở các huyện còn khó khăn.

5. Sở Tư pháp tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tăng cường số lượng biên chế đồng thời với chất lượng cán bộ tư pháp, pháp chế từ tỉnh đến xã, bảo đảm ở cấp xã có 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch, góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp trên toàn Tỉnh; đề xuất UBND tỉnh phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức của Sở, trong đó có việc tách Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp thành 02 phòng, tăng cường biên chế cho Sở đủ về số lượng và trình độ đảm đương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ ngày càng tăng của Sở.

6. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác tư pháp; triển khai kịp thời công tác báo cáo, thống kê theo Thông tư số 08/2011/TT-BTP hướng dẫn công tác thống kê của Ngành Tư pháp.

7. Nâng cao hiệu quả công tác THADS, đặc biệt là giảm số lượng án không có điều kiện thi hành. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước phải thi hành án cần gương mẫu thực hiện theo đúng Luật THADS, Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Cục THADS cần phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Tỉnh rà soát, thống kê lại và báo cáo, đề xuất giải pháp và vấn đề tài chính để Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết; sớm đề xuất Quy chế phối hợp giữa Tư pháp - Toà án - Kiểm sát - Công an về THADS, nhất là đối với các bản án tuyên không rõ liên quan đến đất đai; đề xuất việc miễn giảm thi hành án đối với các đối tượng bị ảnh hưởng của lũ lụt, thiên tai để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Tư pháp và UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí thi hành án; tạo điều kiện cho cán bộ THADS tham gia các khoá đào tạo lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước; rà soát và đưa vào diện quy hoạch cán bộ của Tỉnh đối với Lãnh đạo các cơ quan THADS.

III. Về các kiến nghị của Tỉnh

1. Về đề nghị giao Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản bán đấu giá quyền sử dụng đất ở trung tâm Tỉnh lỵ, thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất theo Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ở các huyện (theo Công văn số 38/UBND ngày 10/01/2011 của UBND tỉnh): Giao Vụ Bổ trợ tư pháp nghiên cứu, báo cáo Lãnh đạo Bộ phương án giải quyết. Trước mắt, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện mời đấu giá viên tổ chức bán đấu giá ở các huyện khi chưa thành lập được tổ chức bán đấu giá theo quy định.

2. Về việc hướng dẫn tăng cường phối hợp trong công tác THADS: Giao Cục THADS tỉnh nghiên cứu, đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo THADS của Tỉnh theo kinh nghiệm tổ chức Ban Chỉ đạo THADS của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó mở rộng thành phần gồm cả Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bảo hiểm xã hội, Chi nhánh ngân hàng nhà nước ở Tỉnh, qua đó góp phần thực hiện tốt việc thi hành án, giảm lượng án không có điều kiện thi hành (20%).

IV. Về việc thành lập Trường Trung cấp Luật tại tỉnh Quảng Bình

Giao Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất Lãnh đạo Bộ thành lập Tổ công tác của Bộ để phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan của Tỉnh để Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Quảng Bình sớm ký kết Bản Thoả thuận hợp tác về việc thành lập trường theo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, một số sở, ban, ngành tỉnh Quảng Bình ngày 05 tháng 4 năm 2011, Văn phòng xin thông báo để các đơn vị biết và tổ chức thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để báo cáo);
- Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình (để phối hợp);
- STP, Cục THADS tỉnh Quảng Bình (để thực hiện);
- Các đơn vị: Tổng cục THADS, Vụ BTTP, Vụ TCCB,
Vụ HCTP, Vụ CVĐC, Vụ PBGDPL, Vụ KH-TC,
VụPLDS-KT, Cục KTVB (để thực hiện);
- Cục CNTT (để đăng Cổng TTĐT);
- Lưu: VT, TH, BTK.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Lê Hồng Sơn

 



1 Vắng đại diện Lãnh đạo Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình.

2 Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09/01/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011

3 Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.





Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm Ban hành: 23/07/2010 | Cập nhật: 28/07/2010