Thông báo 214/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng
Số hiệu: 214/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 03/08/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 214/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2010

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỈNH LÂM ĐỒNG

Ngày 22 tháng 7 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Lâm Đồng. Cùng đi với Thủ tướng có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo Bộ Công thương. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) và 6 tháng đầu năm 2010; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong thời gian tới; ý kiến bổ sung của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Đánh giá cao sự đoàn kết, phát huy nội lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã vượt qua khó khăn, thách thức đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong 5 năm (2006 - 2010) GDP của Tỉnh tăng bình quân 14%/năm, trong đó nông lâm nghiệp tăng 10,2%, công nghiệp - xây dựng tăng 20,1%, dịch vụ tăng 17,3%; xuất khẩu tăng 20,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 32.300 tỷ đồng, tăng bình quân 25,2%/năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng GDP của Tỉnh đạt 13,1%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 13,1%, công nghiệp tăng 10,4%, dịch vụ tăng 16,4%; thu ngân sách đạt trên 1.260 tỷ đồng, tăng 25,45%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 52,8%. Cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn được quan tâm đầu tư; quy mô, chất lượng tăng trưởng kinh tế trong những năm qua đã tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của Tỉnh trong những năm tới.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm, chú trọng và có bước phát triển; công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính có những tiến bộ; giải quyết việc làm mới hàng năm cho trên 24.000 lao động; các biện pháp giảm nghèo có hiệu quả nên tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh còn 7%, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong Tỉnh được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, Lâm Đồng vẫn còn một số tồn tại, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, tài nguyên rừng, đất nông nghiệp, khoáng sản để phát triển nhanh và bền vững; tỷ trọng nông nghiệp còn cao (49%), công nghiệp, dịch vụ còn chậm phát triển; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (15%); đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI 

Về cơ bản thống nhất với mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp của Tỉnh đề ra cho thời gian tới, nhấn mạnh thêm một số điểm mà Tỉnh cần tập trung thực hiện:

1. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 đã đề ra, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo (2011 - 2015); có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nhất là đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đã được bố trí.

2. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần chỉ đạo, tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp. Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thật cụ thể, thiết thực và có tính khả thi cao, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội, thực hiện đúng quy trình, quy hoạch cán bộ, quan tâm phát triển những nhân tố mới có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt và triển vọng phát triển, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

3. Xây dựng tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, trong đó Tỉnh cần phân tích, làm rõ những kết quả đạt được để tiếp tục phát huy; những tồn tại yếu kém, nguyên nhân để có giải pháp khắc phục; có các giải pháp huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương, trước hết là điều kiện khí hậu; tài nguyên rừng, đất nông nghiệp, khoáng sản để phát triển nhanh và bền vững, trong đó chú trọng:

- Quản lý, sử dụng và phát triển mạnh kinh tế rừng; khai thác có hiệu quả trên 600 nghìn ha rừng, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp (thâm canh rau, hoa, chè, cà phê và các loại cây trồng khác) theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và phát triển thủy sản, chăn nuôi mà Tỉnh có lợi thế, gắn với công nghiệp chế biến; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng khả năng cạnh tranh và tạo ra các thương hiệu đặc thù của địa phương.

- Phát triển mạnh ngành du lịch và dịch vụ du lịch để sớm đưa ngành này trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh; khẩn trương hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác các dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, các khu biệt thự cổ tại thành phố Đà Lạt, các khu điểm du lịch hiện có và các làng nghề truyền thống. Chú trọng xây dựng hạ tầng dịch vụ du lịch, nhất là hệ thống khách sạn cao cấp cần gắn với các thương hiệu quốc tế để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

- Phát triển công nghiệp khai khoáng, trước hết là khai thác bô - xít gắn với phát triển ngành công nghiệp nhôm của cả nước, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông lâm, thủy sản có lợi thế; khai thác tốt tiềm năng thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với nhu cầu phát triển du lịch.

- Huy động có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển; tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển mạnh giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, môi trường, xóa đói, giảm nghèo…

4. Rà soát, cập nhật quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch các ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, trong đó chú trọng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc, có biện pháp xử lý ô nhiễm và bảo vệ cảnh quan, môi trường.

5. Tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp tục giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lâm Đồng để triển khai, thực hiện có hiệu quả các ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo số 151/TB-VPCP ngày 7 tháng 5 năm 2009, số 267/TB-VPCP ngày 27 tháng 8 năm 2009 và số 191/TB-VPCP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ.

2. Về việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án BOT đường cao tốc từ sân bay Liên Khương - chân đèo Prenn: yêu cầu Ủy ban nhân dân Tỉnh làm việc cụ thể với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải để xem xét, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội, Ngoại giao;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, Các Vụ: TH, KTTH, KTN, KGVX, QHQT;
- Lưu: VT, ĐP (5).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc