Thông báo số 151/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng
Số hiệu: 151/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Văn Phượng
Ngày ban hành: 07/05/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 151/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH LÂM ĐỒNG

Ngày 29 tháng 4 năm 2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã thăm và làm việc tại tỉnh Lâm Đồng. Cùng đi với Phó Thủ tướng có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và đại diện Bộ Xây dựng. Tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2009 và một số kiến nghị của Tỉnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Cùng với những thuận lợi về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và lợi thế về tự nhiên, môi trường, 4 tháng đầu năm 2009, Lâm Đồng cũng gặp nhiều khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong Tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 10,1% so với cùng kỳ năm 2008 (trong đó, nông lâm nghiệp tăng l3,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 4,8%; dịch vụ tăng 12,9%; lượng khách du lịch đạt 723 ngàn lượt tăng 7,0%); việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ và Quyết đính số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ đã có kết quả bước đầu.

Ngoài lợi thế về du lịch, Tỉnh đã hình thành được vùng chuyên canh cây trồng với hơn 120 ngàn ha cà phê, 26 ngàn ha chè, hơn 35 ngàn ha rau, hoa các loại, một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao được thử nghiệm thành công và đang nhân rộng; các dự án thủy điện quy mô lớn, vừa và nhỏ, khai thác khoáng sản quy mô công nghiệp đang được triển khai.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; Tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp để giảm nghèo có hiệu quả, nhờ đó trung bình trong 3 năm gần đây mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3,0%; kết cấu hạ tầng miền núi được ưu tiên đầu tư; chính sách dân tộc, tôn giáo được chú trọng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế Lâm Đồng còn chậm, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn; một số chỉ tiêu kinh tế 4 tháng đầu năm 2009 đạt thấp so với kế hoạch; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM CHỈ ĐẠO TRONG THỜI GIAN TỚI:

1. Thời gian còn lại để thực hiện Nghị quyết tỉnh Đảng bộ và nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 không còn nhiều, Tỉnh cần rà soát lại, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch, làm rõ nguyên nhân vì sao chưa thực hiện tốt; đồng thời phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo để chủ động chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

2. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ. Phát triển công nghiệp thủy điện, công nghiệp chế biến nông, lâm, khoáng sản; hoàn thiện và nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả.

3. Chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ; đồng thời, phát huy tính năng động, sáng tạo của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, có các giải pháp cụ thể sát tình hình thực tế nhằm thực hiện cho được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảo an sinh xã hội.

4. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dành cho kiên cố hoá trường, lớp học kết hợp với việc vươn lên đạt chuẩn quốc gia; đặc biệt chăm lo nơi ở và đời sống của giáo viên, nhất là ở vùng khó khăn; sớm triển khai Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2009 về nhà ở cho sinh viên. Nâng cấp y tế tuyến huyện nhằm hỗ trợ khám, chữa bệnh cho y tế xã, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

5. Ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới toàn điện; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ người nghèo về nhà ở.

Khẩn trương triển khai Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện nghèo Đam Rông, cần chọn thêm các xã nghèo ở một số huyện khác để tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

6. Sớm hoàn chỉnh các quy hoạch và tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, đất đai và tài nguyên môi trường; rà soát quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Lạt sau khi được công nhận là đô thị loại I; nâng cao chất lượng quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển hạ tầng.

III. VỀ NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:

1. Về nâng cấp quốc lộ 27 và quốc lộ 28, đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng; đầu tư xây dựng đường tỉnh lộ 721, tỉnh lộ 722 và các công trình thủy lợi Đạ Sị, Đạ Lây, Kazam: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định để triển khai thực hiện các dự án nêu trên. Đối với việc mở đường bay từ sân bay Liên Khuông đi Cần Thơ, Đà Nẵng và đến một số nước trong khu vực, Tỉnh thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 343/TB-VPCP ngày 22 tháng 12 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ.

2. Tỉnh chủ động xây dựng quy hoạch phát triển thành phố Đà Lạt, trên cơ sở đó lập Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc và xây dựng Bảo Lộc là thành phố trực thuộc Tỉnh theo đúng quy định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Về việc đầu tư đường tỉnh lộ 725 quy mô cấp IV miền núi (đoạn Lộc Bắc - Đạ Tẻh và dự án đầu tư đường vành đai ngoài thành phố Đà Lạt: Đồng ý về nguyên tắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để đưa vào đanh mục đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Về cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê như đối với cây lúa và cá ba sa: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Tỉnh và các Bộ, ngành liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Đối với người dân quản lý, bảo vệ rừng ở ngoài phạm vi huyện Đam Rông thực hiện theo quy định hiện hành. Việc áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ cần nghiên cứu trong tổng thể chung của cả nước.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, cân đối, bố trí vốn cho các dự án cấp điện Tây Nguyên trên địa bàn Tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành Dự án.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Tỉnh ủy, HDND, UBND tỉnh Lâm Đồng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT;
- Các Vụ: TH, KTTH, KTN, KGVX, TCCV;
- Lưu: VT, ĐP (5).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng