Quyết định 628/QĐ-UBND năm 2020 về Phương án bình ổn giá thị trường mặt hàng thiết yếu để ứng phó dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Số hiệu: 628/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Nguyễn Tuấn Hà
Ngày ban hành: 26/03/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 628/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 26 tháng 3 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN BÌNH ỔN GIÁ THỊ TRƯỜNG CÁC MẶT HÀNG THIẾT YẾU ĐỂ ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 20/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Covid-19 gây ra;

Căn cứ Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 31/01/2020 của Bộ Công Thương về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra của ngành Công Thương;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 14/TTr-SCT ngày 17/3/2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án bình ổn giá thị trường các mặt hàng thiết yếu để ứng phó dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

(Phương án cụ thể kèm theo)

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Công Thương; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương (b/c);
- TTTU (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh;
- Lưu: VT, KT (ThN_20b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Hà

 

PHƯƠNG ÁN

PHƯƠNG ÁN BÌNH ỔN GIÁ THỊ TRƯỜNG CÁC MẶT HÀNG THIẾT YẾU ĐỂ ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Kèm theo Quyết định số    /QĐ-UBND ngày 26/3/2020 của UBND tỉnh)

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 20/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Covid-19 gây ra; Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 31/01/2020 của Bộ Công Thương về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra của ngành Công Thương;

Nhằm góp phần cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trước tình hình dịch Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành “Phương án ứng phó dịch Covid-19 và các giải pháp bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” với các nội dung như sau:

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Tên Phương án: “Phương án ứng phó dịch Covid-19 và các giải pháp bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”

2. Đối tượng thực hiện: Các Siêu thị, Trung tâm thương mại, Chợ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

3. Mục tiêu:

Bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định nguồn hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân khi dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp với giá cả ổn định, không để tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

4. Nhóm hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường: Gồm 03 nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu của người dân; ưu tiên các hàng hóa sản xuất trong nước.

a) Nhóm lương thực: Gạo tẻ.

b) Nhóm thực phẩm: Muối, đường, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, sản phẩm chế biến khô.

c) Nhóm thực phẩm tươi sống: Thịt heo, thịt gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả.

II. NỘI DUNG CHÍNH

1. Nhận định tình hình thị trường và dự báo nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh trong thời điểm dịch Covid-19

Thời gian gần đây, dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của Virut Corona (Covid-19) gây ra đang có diễn biến phức tạp, có chiều hướng ngày càng tăng đã phần nào ảnh hưởng đến sức mua của thị trường do tâm lý tích trữ hàng hóa, người dân đến các Trung tâm thương mại, Siêu thị mua số lượng lớn hàng hóa nhu yếu phẩm như mì tôm, gạo, khẩu trang y tế, rau, củ quả, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống… để dùng dần ảnh hưởng đến cung cầu thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Qua rà soát cung cầu thị trường và căn cứ mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường, để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người dân trên địa bàn tỉnh, cần chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm từ 5% đến 10% (dự phòng trường hợp thu gom, tích trữ) so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng (cho khoảng 1,8 triệu dân), cụ thể như sau:

a) Nhu cầu người dân:

Stt

Mặt hàng

Đvt

Nhu cầu trong 1 tháng của tỉnh

Nhu cầu tiêu dùng trong thời điểm dịch bệnh (tăng khoảng 10%)

Số lượng

Đơn giá (triệu đồng)

Thành tiền (triệu đồng)

Thành tiền (triệu đồng)

1

Gạo (12kg/người/01 tháng)

Tấn

21.600

14

302.400

332.640

2

Dầu ăn (0,3 lít/người/ 01 tháng)

1000Lít

540

29

15.660

17.226

3

Mì gói, sản phẩm ăn liền (15 gói/người/tháng)

1000Gói

27.000

5.000

135.000

148.500

4

Nước chấm (nước mắm, xì dầu..) (0,5 lít/người/ 01 tháng)

1000Lít

900

35

31.500

34.650

5

Gia vị (bột ngọt, muối…) (0,1kg/người/tháng)

Tấn

180

25

4.500

5.850

6

Thịt heo (1,3kg/người/tháng)

Tấn

2.340

140

327.600

360.360

7

Thịt gà ta (0,8kg/người/tháng)

Tấn

1.440

115

131.100

144.210

8

Trứng gia cầm (15 quả/người/tháng)

1000quả

27.000

2.5

67.500

74.250

9

Thủy hải sản (1,3kg/người/tháng)

Tấn

2.340

180

421.200

463.320

10

Thực phẩm chế biến các loại (1,35kg/người/tháng)

Tấn

2.430

100

243.000

267.300

11

Rau củ, quả (1,5kg/người/tháng)

Tấn

2.700

20

54.000

59.400

Tổng cộng:

1.733.460

1.906.806

b) Nguồn cung sản xuất lương thực, gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk: (theo số liệu của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn)

Stt

Hạng mục

ĐVT

Dự kiến năm 2020

I

Lương thực

1

Lúa, Gạo 721

Tấn

1.200

II

Gia súc gia cầm

1

Đàn trâu

Con

39.400

2

Đàn bò

Con

264.500

3

Đàn lợn

Con

690.000

4

Đàn gia cầm

Con

11.000.000

Mức dự trữ hàng hóa được căn cứ vào nhu cầu của thị trường trong thời điểm xảy ra dịch bệnh, mặt hàng, chủng loại phù hợp nhu cầu tiêu dùng của người dân.

c) Giá trị hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp tham gia bình ổn trong đợt dịch Covid-19 như sau:

Stt

Đơn vị

Số tiền
(tỷ đồng)

Mặt hàng

Nguồn kinh phí

1

Co.opmart Buôn Ma Thuột

11

Hàng tiêu dùng

Đề nghị ngân sách hỗ trợ

2

Co.opmart Buôn Hồ

05

Hàng tiêu dùng

Đề nghị ngân sách hỗ trợ

3

Co.opmart Cư M’gar

04

Hàng tiêu dùng

Đề nghị ngân sách hỗ trợ

4

Mega Market (Metro cũ)

15

Hàng tiêu dùng

Nguồn vốn tự chủ của DN

5

Trung tâm thương mại Ea Kar

5,1

Hàng tiêu dùng

Nguồn vốn tự chủ của DN

6

Vinmart (Vincom)

20

Hàng tiêu dùng

Nguồn vốn tự chủ của DN

7

Công ty TNHH MTV Cà phê 721

8,4

Lúa, Gạo 721

Nguồn vốn tự chủ của DN

Tổng cộng

68.5

 

 

2. Kế hoạch ứng phó dịch Covid-19 và cung ứng nguồn hàng

a) Mức độ 1:

Trường hợp hiện tại, khi tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ nhiễm dịch Covid-19, tâm lý người dân sẽ có xu hướng thu gom, tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm khiến thị trường khan hiếm cục bộ tại một số thời điểm.

Yêu cầu các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tăng cường công tác dự trữ nguồn hàng hóa, nhất là các loại hàng hóa nhu yếu phẩm, chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa tăng khoảng 20% - 30% so với ngày thường. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa tiêu dùng dự trữ cụ thể về số lượng các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt heo, thịt gia cầm, thủy, hải sản, dầu ăn, nước mắm… phục vụ người dân trong thời gian chống các dịch bệnh.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Ban quản lý các chợ trên địa bàn tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, vận động tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn, đặc biệt là các nhóm hàng thiết yếu, không để hiện tượng tăng giá đột biến.

b) Mức độ 2:

Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có xuất hiện trường hợp dương tính trên địa bàn tỉnh.

Ngoài các giải pháp ở mức độ 1, các doanh nghiệp có thể chủ động để xuất các chính sách hỗ trợ của nhà nước để bảo đảm dự trữ nguồn hàng, đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục phục vụ người dân trong thời điểm dịch bệnh.

Trường hợp nguồn cung các đơn vị đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, đề nghị các doanh nghiệp, Siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh có phương án điều tiết, luân chuyển, kiểm soát lượng hàng hóa bán ra, đảm bảo mỗi người dân đều mua đủ tiêu dùng, không mua gom, tích trữ hàng hóa, đồng thời, xây dựng phương án cung cấp hàng hóa trong khu vực bị cách ly.

c) Mức độ 3:

Trong trường hợp dịch bệnh lây lan rộng trên địa bàn tỉnh thì ngoài các giải pháp ở mức độ 1 và mức độ 2, các đơn vị tham gia bình ổn, cung ứng hàng hóa trong giai đoạn dịch bệnh gồm: Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, Siêu thị Co.opmart Buôn Hồ; Siêu thị Co.opmart Cư M’gar. Các đơn vị này sẽ thực hiện việc điều tiết, luân chuyển hàng hóa thường xuyên, kịp thời từ các kho hàng hoặc giữa các điểm bán hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tại các điểm bán. Trường hợp, nếu có xảy ra khan hiếm hàng hóa thì sẽ vận chuyển hàng hóa đến điểm thiếu hàng trong vòng 24 giờ

Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh kênh phân phối thương mại điện tử. Kêu gọi người dân chủ động mua hàng online thay vì mua hàng trực tiếp như trước đây. Đồng thời, chủ động, nghiêm túc phối hợp với tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp ổn định thị trường, cung ứng hàng hóa kịp thời, chủ động đề xuất chính sách hỗ trợ dự trữ nguồn hàng khi dịch bệnh lan rộng.

d) Phương án dự phòng:

Trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, lây lan rộng trên cả nước thì ngoài các giải pháp ở mức độ 1,2,3. Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc thu gom lương thực, thực phẩm các mặt hàng thiết yếu để cung cấp, phục vụ kịp thời cho người dân trong giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh.

Ngân sách tỉnh trích trực tiếp giao cho đầu mối cung ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu đến đầu mối được giao thực hiện quản lý khu vực cách ly để phục vụ cho người dân dưới sự giám sát của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí tự chủ của doanh nghiệp.

2. Nguồn ngân sách tỉnh (trong trường hợp doanh nghiệp đề nghị ngân sách hỗ trợ với lãi suất ưu đãi).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

Nắm bắt, làm việc với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, yêu cầu các doanh nghiệp chủ động ký hợp đồng hàng hóa với nhà cung cấp, đảm bảo số lượng nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại đơn vị trong mùa dịch do vi rút Covid - 19 gây ra, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đảm bảo khi tình huống dịch bệnh xảy ra tránh tình trạng thu mua gom để dự trữ, găm hàng nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra công tác quản lý nguồn hàng thiết yếu dự trữ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh nhằm quản lý tốt công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp do vi rút Covid-19 gây ra.

2. Sở Tài Chính

Có kế hoạch dự trữ nguồn ngân sách tỉnh từ 20 - 30 tỷ đồng đề phòng khi có tình trạng khan hiếm hàng hóa đột xuất trên thị trường. Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường trong trường hợp các doanh nghiệp đề nghị ngân sách hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.

Phối hợp với Sở Công Thương và các ngành có liên quan kiểm tra giá bán các mặt hàng thiết yếu và chương trình bình ổn giá

3. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm tươi sống, đảm bảo cung ứng cho thị trường như: Thịt, trứng gia cầm, rau, củ quả đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi

4. Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; an toàn vệ sinh thực phẩm.

5. Sở Y Tế

Đảm bảo đủ nguồn cung khẩu trang y tế (thuộc thiết bị vật tư y tế) đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời điểm dịch bệnh.

Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra về vấn đề cung ứng, phân phối các trang thiết bị y tế, khẩu trang không để các cơ sở bán hàng đầu cơ, trục lợi từ việc nhu cầu sử dụng tăng cao.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan Báo, Đài để đưa tin về chương trình nội dung liên quan đến kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó dịch Covid-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ chức tuyên truyền cho người dân thực hiện việc đeo khẩu trang và sử dụng nước rửa tay ở những nơi cần thiết theo quy định của ngành y tế.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Tăng cường công tác quản lý hàng hóa thiết yếu, nắm tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường tại các chợ trên truyền thống và các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini… trên địa bàn, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Định kỳ hàng tháng, quý báo cáo về Sở Công Thương để tổng hợp báo UBND tỉnh.

Chi đạo các ngành chức năng trên địa bàn thường xuyên tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời điểm dịch Covid-19 gây ra.

8. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường

Chủ động ký hợp đồng với nhà cung cấp để kịp thời đảm bảo đủ lượng hàng dữ trữ phục vụ người dân trong mua dịch. Thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng theo quy định

Ký hợp đồng với nhà cung cấp đảm bảo đủ nguồn cung ứng khẩu trang kháng khuẩn phục vụ nhu cầu của người dân trong giai đoạn dịch bệnh.

Trường hợp thị trường có biến động như khan hiếm hàng hóa hay có hiện tượng tăng giá đột biến, doanh nghiệp phải chấp hành việc cung ứng hàng hóa theo sự điều phối của Sở Công Thương.

Định kỳ hàng ngày có báo cáo lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu và nêu những khó khăn, đề xuất về Sở Công Thương để kịp thời báo cáo UBND tỉnh có hướng chỉ đạo.

Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp tham gia bình ổn theo chức năng nhiệm vụ được phân công để triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo, tham mưu UBND tỉnh giải quyết./.