Quyết định 60/2011/QĐ-UBND Quy định Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015
Số hiệu: 60/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai Người ký: Nguyễn Văn Vịnh
Ngày ban hành: 30/12/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 60/2011/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 30 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/ĐH ngày 01/11/2010 Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 10/10/2011 của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XIV lần thứ 6 về việc phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện 7 chương trình, 27 đề án trọng tâm, giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 35/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai về Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 264/TTr-SNNPTNT ngày 30/12/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015".

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 51/2007/QĐ-UBND ngày 08/8/2007 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Vịnh

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Kèm theo Quyết định số: 60/2011/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của UBND tỉnh Lào Cai)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhằm mục tiêu sử dụng hiệu quả đất đai và khai thác được những tiềm năng, lợi thế để nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh

- Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, thủy sản (gọi chung là người sản xuất) trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo quy hoạch, kế hoạch hàng năm và có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Phạm vi điều chỉnh: Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015. Các nội dung quy định tại chính sách này nếu có văn bản khác của cấp có thẩm quyền cùng điều chỉnh thì đối tượng áp dụng chỉ được hưởng mức cao nhất của một trong các chính sách hiện hành.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Chính sách hỗ trợ tài chính

1. Trồng trọt

1.1. Khuyến khích phát triển sản xuất thâm canh, tăng vụ

- Sản xuất tăng vụ Đông trên đất ruộng 1 vụ ở vùng cao (gồm giống, phân bón đối với các loại rau, củ sản xuất hàng hóa) mức hỗ trợ tối đa: 400.000 đồng/sào (360m2) cho vụ đầu tiên; mức hỗ trợ cụ thể theo từng loại cây tăng vụ theo quy định của UBND tỉnh.

- Sản xuất ngô vụ Thu, Đông tăng vụ trên đất nương đồi ở vùng cao: Hỗ trợ 100% giá giống đối với vụ đầu tiên.

- Vùng thâm canh trọng điểm sản xuất lúa nước: Hỗ trợ giống mới, phân bón và chuyển giao kỹ thuật cho vụ đầu tiên (thâm canh lúa cải tiến SRI) với mức: 1.000.000 đồng/ha.

1.2. Hỗ trợ sản xuất hàng hóa a) Sản xuất thuốc lá

- Hỗ trợ 100% phân bón chuyên dụng cho vụ sản xuất đầu tiên (tính từ vụ Xuân 2012) thuộc vùng quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt.

- Hỗ trợ 100% cước vận chuyển than sấy hàng năm cho nông dân sản xuất thuốc lá theo diện tích gieo trồng thực tế; cự ly vận chuyển tính từ ga Phố Lu hoặc ga Lào Cai đến trung tâm xã trong vùng quy hoạch.

- Hỗ trợ một lần 12 triệu đồng/01 lò sấy thuốc lá xây mới/hộ, theo quy trình kỹ thuật sấy thuốc lá.

b) Trồng, chế biến chè chất lượng cao

- Hỗ trợ chè trồng mới (đảm bảo kỹ thuật nghiệm thu) và chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản thuộc các huyện 30a/NQ-CP, mức hỗ trợ: 20 triệu đồng/ha; các huyện còn lại, mức hỗ trợ: 10 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ trồng mới chè ô long và chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản, mức hỗ trợ: 30 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm theo tiêu chuẩn, xúc tiến thương mại theo phương án được duyệt.

2. Chăn nuôi, thủy sản

2.1. Khuyến khích phát triển chăn nuôi a) Chăn nuôi đại gia súc

- Hỗ trợ cho hộ nghèo chưa có chuồng nuôi trâu, bò với mức: 02 triệu đồng/hộ, quy mô nuôi 1 - 2 con.

- Hỗ trợ phát triển nuôi nhốt bò vàng hàng hóa và trồng cỏ, trồng ngô dày chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc trong vụ Đông theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

- Hỗ trợ xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh: Các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm (trang trại chăn nuôi tập trung) đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đảm bảo các quy định tại Quyết định số 66/2008/QĐ-BNN ngày 26/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật được hỗ trợ một lần 5 triệu đồng để mua sắm tủ thuốc thú y, xét nghiệm, chỉ đạo, quản lý và thẩm định.

- Hỗ trợ tiêm phòng cho đàn gia súc:

+ Đối với đàn đại gia súc (trâu, bò, ngựa): Ngân sách nhà nước cấp không thu tiền các loại vắc xin đối với các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT để tiêm phòng cho trâu, bò, ngựa thuộc các xã khu vực III, các thôn đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II và hộ nghèo khu vực I, II; hỗ trợ công tiêm phòng các loại vắc xin nêu trên với mức: 1.500 đồng/01 liều tiêm.

+ Đối với đàn lợn: Ngân sách nhà nước cấp không thu tiền các loại vắc xin đối với các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT để tiêm phòng cho đàn lợn tại các xã thuộc khu vực III, các thôn đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II và hộ nghèo khu vực I, II; không hỗ trợ công tiêm phòng các loại vắc xin nêu trên.

2.2. Phát triển thủy sản

- Hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa thủy lợi, mức hỗ trợ: 3 triệu đồng/01 lồng đóng mới thể tích từ 20 m3 trở lên.

- Hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật; tiếp nhận ứng dụng công nghệ sản xuất, nuôi khảo nghiệm và chọn tạo các đối tượng giống đặc sản có giá trị kinh tế cao (cá lăng, cá chiên...) theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Phát triển sản xuất, tiêu thụ giống lúa lai sản xuất tại tỉnh

Đối tượng và phạm vi áp dụng: Trung tâm Giống nông lâm nghiệp tỉnh và các hộ nông dân hợp tác sản xuất giống lúa với Trung tâm Giống nông lâm nghiệp trong vùng quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt.

3.1. Khuyến khích nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai mới

Hỗ trợ kinh phí phục vụ nghiên cứu, thu thập, chọn tạo, khảo nghiệm giống lúa mới; đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho Trung tâm Giống nông lâm nghiệp; khuyến khích chọn tạo các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh. Mức kinh phí cụ thể theo dự án được UBND tỉnh phê duyệt.

3.2. Hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai F1

- Đơn vị sản xuất được vay vốn để tổ chức sản xuất và cung ứng hạt giống lúa theo kế hoạch tỉnh phê duyệt hàng năm. Mức vay tối thiểu bằng 50% kinh phí sản xuất hạt giống lúa lai hàng năm từ nguồn ngân sách tỉnh, quỹ đầu tư phát triển hoặc các nguồn khác để chủ động vốn cho sản xuất.

- Được ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất và nhân dòng giống lúa bố mẹ và vùng sản xuất hạt giống lúa lai F1 theo dự án chuyên đề được tỉnh phê duyệt.

- Các hộ nông dân có ruộng trong vùng quy hoạch sản xuất hạt giống lúa lai được hỗ trợ một lần kinh phí chuyển đổi từ sản xuất lúa thịt sang sản xuất lúa giống là 15 triệu đồng/ha.

3.3. Hỗ trợ bảo hiểm sản xuất giống lúa lai

- Các hộ nông dân sản xuất giống lúa lai tại tỉnh trong vùng quy hoạch được Nhà nước bảo hiểm sản xuất khi bị thất thu do điều kiện bất khả kháng. Mức bảo hiểm là phần bù đắp chi phí của người dân sản xuất.

- Quỹ bảo hiểm sản xuất được trích 40% từ lợi nhuận sản xuất giống lúa hàng năm. Giao Trung tâm Giống nông lâm nghiệp quản lý quỹ, có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng quy định.

3.4. Hỗ trợ tiêu thụ giống lúa lai sản xuất tại tỉnh

- Toàn bộ giống lúa do Trung tâm Giống nông lâm nghiệp sản xuất ra được tỉnh ưu tiên tiêu thụ thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ giống lúa trên địa bàn tỉnh.

- Được tính đầy đủ các chi phí (chi phí bán hàng, lưu thông, kinh phí khuyến nông giống mới, lãi suất,...) vào giá thành giống lúa, nhằm tạo điều kiện cho đơn vị đầu tư mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giống lúa sản xuất tại Lào Cai.

Điều 4. Nguồn tài chính thực hiện chính sách

Nguồn tài chính thực hiện chính sách từ nguồn ngân sách địa phương, vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện Quyết định này; chịu trách nhiệm thẩm định về nội dung, định mức kỹ thuật thực hiện chính sách hỗ trợ;

b) Hàng năm lập kế hoạch về khối lượng nhiệm vụ cụ thể, dự toán nhu cầu hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách nông nghiệp gửi Sở Tài chính để tổng hợp.

c) Phối hợp với các sở, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để thống nhất lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chính sách trên đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả.

d) Hướng dẫn về quy mô, tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành đảm bảo thực hiện chính sách thiết thực, hiệu quả.

e) Hàng năm tổng hợp, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện, tính hiệu quả của các chính sách nông nghiệp báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để thực hiện các chính sách hàng năm.

b) Chủ trì, thẩm định các dự án đầu tư sử dụng nguồn kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ thực hiện chính sách trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí các nguồn vốn đầu tư, đảm bảo đủ kinh phí thực hiện đề án theo kế hoạch hàng năm.

3. Sở Tài chính

a) Chủ trì, thẩm định dự toán kinh phí thuộc các nguồn vốn sự nghiệp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt và giao dự toán kinh phí thực hiện chính sách cho các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trên địa bàn hiểu và triển khai thực hiện tốt chính sách này. Hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, lập dự án sản xuất nông nghiệp và phê duyệt các dự án theo thẩm quyền. Huy động thêm các nguồn lực của địa phương và trong nhân dân để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch, dự án đã được duyệt.

b) Hàng năm lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách nông nghiệp gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

c) Chủ động cân đối, bố trí ngân sách huyện, thành phố hàng năm lồng ghép với các nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh để thực hiện chính sách theo quy định.

d) Quản lý, cấp phát và thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn hàng năm theo đúng quy định.

đ) Phối hợp với các cấp, các ngành kiểm tra, giám sát; định kỳ hàng quý tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện chính sách trên địa bàn về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính.

5. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

a) Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trên địa bàn hiểu và triển khai thực hiện tốt chính sách này.

b) Thực hiện hỗ trợ kinh phí theo đúng chính sách và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo đúng chế độ quy định.

c) Định kỳ hàng quý tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND các huyện, thành phố.

6. Trách nhiệm của người sản xuất: Quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả.

Điều 6. Khen thưởng, xử lý vi phạm

a) Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia thực hiện các chương trình, dự án sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổ chức sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ theo chính sách này để phát triển sản xuất được đề nghị UBND các cấp khen thưởng theo quy định.

b) Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hành vi vi phạm chính sách này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, thống nhất với Sở Tài chính để trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.