Nghị quyết 35/2011/NQ-HĐND tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XV, nhiệm kỳ 2011 - 2016
Số hiệu: | 35/2011/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thái Bình | Người ký: | Nguyễn Hồng Diên |
Ngày ban hành: | 14/12/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/2011/NQ-HĐND |
Thái Bình, ngày 14 tháng 12 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA XV, NHIỆM KỲ 2011 - 2016
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ BA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 10/TT-HĐND ngày 28 tháng 11 năm 2011 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2011 - 2016”; Báo cáo thẩm tra số 34/BC-BPC ngày 08/12/2011 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2011 - 2016’’ với nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu. Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
2. Nội dung và giải pháp.
a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng đối với hoạt động hội đồng nhân dân. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân,Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh Uỷ ban hành chỉ thị về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016.
b) Chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy hội đồng nhân dân. Làm tốt công tác nhân sự đại biểu Hội đồng nhân dân, chức danh chủ chốt của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; quy hoạch cán bộ lãnh đạo Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân tham gia Ban Thường vụ, cấp uỷ cùng cấp. Nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm “Thành lập Ban công tác Hội đồng nhân dân cấp xã”, triển khai ở 8 xã điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Hằng năm, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn, hội thảo, giao ban trao đổi kinh nghiệm để nâng cao trình độ, năng lực hoạt động cho cán bộ chuyên trách Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.
c) Đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng nhân dân. Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Tỉnh uỷ, để Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh lựa chọn những nội dung quan trọng, tác động đến sự phát triển toàn diện, bền vững, được đông đảo cử tri quan tâm đưa vào nội dung kỳ họp. Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động đề xuất nội dung kỳ họp chuyên đề để Hội đồng nhân dân thảo luận, quyết định. Căn cứ chuơng trình, nội dung kỳ họp, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan chuẩn bị các báo cáo, đề án, tờ trình... đảm bảo chất lượng và thời gian theo luật định. Chỉ đưa vào chương trình, nội dung kỳ họp Hội đồng nhân dân xem xét, cho ý kiến hoặc quyết định những vấn đề đã được chuẩn bị chu đáo, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo luật định. Trước kỳ họp, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân phải họp để nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị ý kiến thảo luận và nội dung chất vấn. Cùng với báo cáo, đề án, tờ trình chi tiết, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra phải chuẩn bị báo cáo tóm tắt từ 5 - 7 trang để trình bày; thời gian trình bày tại hội trường từ 15 - 20 phút, trừ báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về tỉnh hình kinh tế - xã hội. Đổi mới phương pháp điều hành trong phiên họp thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng tăng thời gian thảo luận, chất vấn phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu.
d) Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân phải thực hiện theo pháp luật. Kết hợp hài hòa các hình thức giám sát của Thường trực hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng đối thoại, tranh luận từng vấn đề với tinh thần thẳng thắn, xây dựng; chất vấn phải ngắn gọn, rõ ý, thời gian không quá 2 phút/lần. Người trả lời chất vấn phải trả lời ngắn gọn, trực tiếp vào nội dung được chất vấn, thời gian trả lời theo sự điều hành của Đoàn chủ toạ. Hằng năm, Hội đồng nhân dân thành lập đoàn giám sát chuyên đề về các lĩnh vực lớn, trọng điểm mà nhân dân và cử tri quan tâm. Tăng cường giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
e) Đối mới hoạt động tiếp xúc cử tri, đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri: Tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi cư trú, nơi làm việc, những địa bàn khó khăn, nơi có nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri; tiếp xúc cử tri ở các thôn, tổ dân phố, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau. Người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tạo điều kiện để đại biểu hội đồng nhân dân thực hiện việc tiếp xúc cử tri. Phấn đấu hằng năm, đại biểu cử tri của tất cả các xã, phường, thị trấn đều được tiếp xúc với đại biểu hội đồng nhân dân trước, sau các kỳ họp của Hội đồng nhân dân.
g) Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện tiếp dân theo quy định của pháp luật. Định kỳ hàng tháng, Thường trực hội đồng nhân dân tổ chức tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân. Lịch tiếp công dân của Thường trực hội đồng nhân dân công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Hằng năm, Hội đồng nhân dân chủ động tổ chức các đoàn giám sát việc thực hiện Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các quy định của pháp luật về tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
h) Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các cơ quan, tổ chức hữu quan, cần có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; đóng góp tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và Uỷ ban nhân dân với Thường trực hội đồng nhân dân tỉnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân, tham gia xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
i) Đảm bảo các điều kiện phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Nghiên cứu, thành lập các phòng công tác trực tiếp giúp việc hoạt động các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh. Trước mắt bổ sung cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; trang bị đẩy đủ phương tiện phục vụ hoạt động của hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng Bản tin hoạt động của Hội đồng nhân dân; mở chuyên trang, chuyên mục “Đại biểu dân cử” trên Báo Thái Bình và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; tổ chức họp báo trước và sau kỳ họp để kịp thời cung cấp thông tin đến cử tri và nhân dân trong tỉnh; thiết lập kênh thông tin để tiếp nhận những ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân và cử tri với Hội đồng nhân dân và kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV, kỳ họp thứ ba thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |