Quyết định 595/QĐ-UBND năm 2020 về Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: 595/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Trần Văn Tân
Ngày ban hành: 09/03/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 595/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 09 tháng 3 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG (DDCI) THUỘC TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021;

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020;

Căn cứ Kế hoạch số 6444/KH-UBND ngày 28/10/2019 của UBND tỉnh về việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Quảng Nam năm 2019;

Xét đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tại Tờ trình số 03/TTr-HHDN ngày 05/02/2020 và Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 254/SKHĐT-TT ngày 26/02/2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Quảng Nam, cụ thể bao gồm:

1. Tính minh bạch;

2. Tính năng động;

3. Chi phí thời gian;

4. Chi phí không chính thức;

5. Cạnh tranh bình đẳng;

6. Hỗ trợ doanh nghiệp;

7. Thiết chế pháp lý;

8. Vai trò người đứng đầu;

9. Tiếp cận đất đai.

(Chi tiết tiêu chí đánh giá của từng chỉ số thành phần theo Phụ lục đính kèm)

* Chỉ số thành phần đánh giá theo từng nhóm đối tượng:

- Nhóm các Sở, Ban, ngành gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động

- Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh đánh giá và xếp hạng theo 8 chỉ số thành phần (từ 1 đến 8).

- Nhóm các huyện, thị xã, thành phố: Đánh giá và xếp hạng theo 9 chỉ số thành phần (từ 1 đến 9).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chịu trách nhiệm:

a) Xây dựng dự toán kinh phí hằng năm gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt để tổ chức thực hiện.

b) Hợp đồng với đơn vị tư vấn để thực hiện việc khảo sát, đánh giá DDCI của tỉnh năm 2019.

c) Phối hợp với đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan nghiên cứu Bộ chỉ số DDCI của tỉnh để xem xét bổ sung, xây dựng tiêu chí đánh giá mới của từng chỉ số thành phần đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn và tình hình thực tế của tỉnh trong thời gian đến..

d) Làm đầu mối hỗ trợ, cung cấp thông tin cần thiết để đơn vị tư vấn hoàn thành công việc.

đ) Tiếp nhận kết quả đánh giá, xếp hạng các cơ quan, đơn vị và dữ liệu có liên quan từ đơn vị tư vấn; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định và tổ chức công bố kết quả theo quy định.

2. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin danh sách đối tượng cần khảo sát thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch đánh giá Bộ chỉ số DDCI của tỉnh theo quy định.

3. Bưu điện tỉnh Quảng Nam tích cực phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các đơn vị liên quan để tiến hành khảo sát qua thư.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Giám đốc Công an tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Cục trưởng Cục Hải Quan tỉnh Quảng Nam, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh; Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Nam; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2199/QĐ-UBND ngày 20/7/2018 của UBND tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Phòng TM&CN Việt Nam;
- TT TU, HĐND, UBMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Đài PT-TH Quảng Nam;
- Báo Quảng Nam;
- CPVP;
- Lưu: VT, KTN, KTTH, TH, KGVX, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tân

 

PHỤ LỤC

CÁC TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CỦA TỪNG CHỈ SỐ THÀNH PHẦN DDCI
(Kèm theo Quyết định số 595/QĐ-UBND ngày 09 /3/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam)

I. CHỈ SỐ THÀNH PHẦN 1 - TÍNH MINH BẠCH

1. Khả năng tiếp cận thông tin của Sở, Ban, ngành và địa phương.

2. Cần có mối quan hệ để có thể tiếp cận được tài liệu của Sở, Ban, ngành và địa phương.

3. Mức độ đầy đủ, rõ ràng của nội dung thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính hoặc công việc có liên quan đến các đơn vị, địa phương.

4. Sự hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng khi thực hiện các thủ tục hành chính hoặc các công việc liên quan đến các Sở, Ban, ngành và địa phương.

5. Kịp thời cung cấp thông tin, văn bản khi doanh nghiệp yêu cầu.

6. Mức độ doanh nghiệp truy cập vào Website của các Sở, Ban, ngành và địa phương.

7. Tính hữu ích thông tin trên Website của các Sở, Ban, ngành và địa phương đối với doanh nghiệp.

II. CHỈ SỐ THÀNH PHẦN 2 - TÍNH NĂNG ĐỘNG

1. Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành và địa phương linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

2. Tinh thần trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành và địa phương trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh.

3. Kịp thời nắm bắt và có phương án xử lý những bất cập, vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm được giao.

4. Có hiện tượng trì hoãn/chậm trễ của Sở, Ban, ngành và địa phương khi thực hiện các quyết định/chủ trương của cấp trên.

III. CHỈ SỐ THÀNH PHẦN 3 - CHI PHÍ THỜI GIAN

1. Số lần doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra của Sở, Ban, ngành và địa phương trong năm qua.

2. Nội dung trùng lạp của các cuộc thanh tra, kiểm tra.

3. Sự tuân thủ nội dung thanh tra, kiểm tra theo Quyết định thanh tra, kiểm tra.

4. Mục đích chính của các cuộc thanh tra, kiểm tra.

5. Cán bộ hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ cho doanh nghiệp khi giải quyết công việc.

6. Mức độ tuân thủ đúng quy định về thời gian khi giải quyết thủ tục hành chính.

7. Doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để hoàn tất các thủ tục hành chính liên quan.

IV. CHỈ SỐ THÀNH PHẦN 4 - CHI PHÍ KHÔNG CHÍNH THỨC

1. Tỷ lệ % doanh nghiệp có trả chi phí không chính thức.

2. Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính hoặc các công việc liên quan tại các Sở, Ban, ngành và địa phương.

3. Các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được.

4. Công việc đạt kết quả hơn sau khi chi trả chi phí không chính thức.

5. Sự giảm bớt về chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chi trả.

V. CHỈ SỐ THÀNH PHẦN 5 - CẠNH TRANH BÌNH ĐẲNG

1. Tồn tại các doanh nghiệp sân sau và doanh nghiệp thân hữu tại các đơn vị, địa phương.

2. Có sự ưu ái trong việc tiếp cận các nguồn lực nhà nước (bao gồm: đất đai, tài chính và đấu thầu) cho doanh nghiệp sân sau và doanh nghiệp thân hữu.

3. Các doanh nghiệp lớn thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

4. Sự ưu tiên các doanh nghiệp lớn hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình giải quyết kiến nghị, khó khăn và thủ tục hành chính.

5. Sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp khác nhau.

6. Mức độ quan tâm của Sở, Ban, ngành và địa phương đến doanh nghiệp vừa và nhỏ.

VI. CHỈ SỐ THÀNH PHẦN 6 - HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

1. Cung cấp thông tin về các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

2. Chất lượng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

3. Cung cấp thông tin về các chương trình trao đổi thông tin, đối thoại doanh nghiệp.

4. Việc giải quyết vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong và sau các buổi đối thoại, gặp gỡ.

VII. CHỈ SỐ THÀNH PHẦN 7 - THIẾT CHẾ PHÁP LÝ

1. Thực thi văn bản pháp luật nghiêm minh, theo đúng quy trình, quy định.

2. Giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp thỏa đáng.

3. Phản ánh, kiến nghị, khiếu nại vượt cấp mới có thể giải quyết được vấn đề.

4. Cơ chế đảm bảo công bằng, minh bạch trong giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại.

5. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị, khiếu nại hành vi vi phạm.

VIII. CHỈ SỐ THÀNH PHẦN 8 - VAI TRÒ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

1. Có vai trò quyết định đến công tác cải cách hành chính tại cơ quan.

2. Dám quyết/dám làm và dám chịu trách nhiệm.

3. Có hành động cụ thể và thiết thực để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.

4. Lắng nghe và tiếp thu góp ý của doanh nghiệp.

5. Giải quyết nhanh chóng và triệt để các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp.

6. Trong cơ quan không có hiện tượng "Cấp trên bảo cấp dưới không nghe".

IX. CHỈ SỐ THÀNH PHẦN 9 - TIẾP CẬN ĐẤT ĐAI

(Chỉ dùng để tính điểm, xếp hạng ở các huyện, thị xã, thành phố; đối với Sở, Ban, ngành chỉ dùng để đánh giá mức độ điều hành của cơ quan nhà nước và để so sánh sự tiến bộ qua các năm nhưng không tính điểm, không dùng để xếp hạng).

1. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính về đất đai tại địa phương.

2. Thời gian thực hiện công tác xác định nguồn gốc đất được rút ngắn tại địa phương.

3. Tính chính xác trong công tác xác định nguồn gốc đất tại địa phương.

4. Đánh giá công tác thẩm định phương án bồi thường tại địa phương.

5. Tính chủ động trong giải quyết các vướng mắc về đất đai gây bức xúc tại địa phương.