Quyết định 45/2010/QĐ-UBND về Quy định chính sách hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất gạch thủ công khi di dời, chuyển đổi công nghệ hoặc chấm dứt hoạt động vào năm 2010 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
Số hiệu: 45/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Huỳnh Tấn Thành
Ngày ban hành: 14/10/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tài chính, Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 45/2010/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 14 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT GẠCH THỦ CÔNG KHI DI DỜI, CHUYỂN ĐỔI CÔNG NGHỆ HOẶC CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG VÀO NĂM 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24 tháng 7 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy định đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung;
Căn cứ Chỉ thị số 47/2002/CT-UBBT ngày 29 tháng 10 năm 2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc chấm dứt sử dụng củi rừng tự nhiên để nung gạch ngói trong các lò gạch thủ công;
Căn cứ ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại Công văn số 653/HĐND-CTHĐ ngày 04 tháng 10 năm 2010 về việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất gạch thủ công di dời, chuyển đổi công nghệ hoặc chấm dứt hoạt động trong năm 2010 trên địa bàn tỉnh;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 743/TTr-SXD ngày 06 tháng 5 năm 2010 và Công văn số 1460/SXD-KTTH ngày 10 tháng 8 năm 2010; của Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 232/STP-VB ngày 06 tháng 5 năm 2010 và của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 660/STC-QLCS ngày 09 tháng 02 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về Chính sách hỗ trợ các cơ sở di dời, chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch từ lò nung thủ công sang công nghệ mới (lò hoffman hoặc tuynel) và hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với lao động tại các cơ sở sản xuất gạch thủ công chấm dứt hoạt động vào năm 2010 (không chuyển sang công nghệ mới).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký, đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2011.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Giám đốc các Ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và thủ trưởng các đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT GẠCH THỦ CÔNG KHI DI DỜI, CHUYỂN ĐỔI CÔNG NGHỆ HOẶC CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG VÀO NĂM 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45/2010/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp); hộ sản xuất cá thể (gọi chung là cơ sở) thuộc lĩnh vực sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò nung thủ công đang hoạt động trên địa bàn tỉnh phải chuyển đổi sang công nghệ mới (lò hoffman hoặc tuynel) và di dời vào các cụm công nghiệp, làng nghề thuộc các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình hay vào vị trí mà Ủy ban nhân dân các huyện bố trí sản xuất gạch ngói hoặc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch thủ công chấm dứt hoạt động vào năm 2010.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về điều kiện và chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch thủ công thực hiện di dời và chuyển đổi sang công nghệ mới hoặc chấm dứt hoạt động trước 31 tháng 12 năm 2010.

Chương II

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Điều 3. Điều kiện hỗ trợ

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói bằng thủ công trên địa bàn tỉnh đáp ứng một trong những điều kiện sau đây sẽ được xem xét hỗ trợ:

1. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói bằng thủ công có đầy đủ cơ sở pháp lý về thủ tục đầu tư xây dựng, thực hiện di dời và chuyển đổi sang công nghệ mới (hoffman hoặc tuynel) trước ngày 31 tháng 12 năm 2010.

2. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói bằng thủ công có đầy đủ cơ sở pháp lý về thủ tục đầu tư xây dựng, chấm dứt hoạt động trước ngày 31 tháng 12 năm 2010.

Điều 4. Chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói bằng thủ công thuộc đối tượng phải di dời, chuyển đổi sang công nghệ mới (hoffman hoặc tuynel)

1. Hỗ trợ chi phí tháo dỡ cơ sở cũ, di dời và lắp đặt thiết bị máy móc tại cơ sở mới:

Được hỗ trợ 100% chi phí thực tế tháo dỡ cơ sở cũ, di dời và lắp đặt thiết bị máy móc tại cơ sở mới. Mức hỗ trợ do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận nhưng mức hỗ trợ tối đa là 08 triệu đồng cho 01 doanh nghiệp, cơ sở có đến 02 lò và 10 triệu đồng cho 01 doanh nghiệp, cơ sở có từ 03 lò trở lên.

2. Hỗ trợ ổn định đời sống cho người lao động tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói bằng lò thủ công trong thời gian tạm ngưng hoạt động sản xuất:

- Ngân sách hỗ trợ một phần thu nhập trong thời gian ngừng sản xuất để chuyển đổi, mức hỗ trợ là 06 tháng và được tính bằng 75% của thu nhập 01 tháng tính trên cơ sở 06 tháng thu nhập bình quân sau thuế của người lao động trước ngày chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp, cơ sở được cơ quan thuế xác nhận;

- Mức hỗ trợ này chỉ áp dụng cho người lao động làm việc với thời gian liên tục từ 06 tháng trở lên (có hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội) trước ngày chuyển đổi công nghệ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói bằng lò đứng thủ công.

3. Hỗ trợ lãi suất tiền vay đầu tư sản xuất:

- Mức lãi suất hỗ trợ: các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói bằng lò nung thủ công thực hiện chuyển đổi sản xuất sang công nghệ mới (hoffman hoặc tuynel) trước ngày 31 tháng 12 năm 2010 khi vay vốn tại các Ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng nhân dân sẽ được hỗ trợ lãi suất 0,5%/tháng tính trên số tiền vay của Ngân hàng thương mại hoặc Quỹ tín dụng nhân dân nhưng số tiền vay tối đa không quá 10 tỷ đồng/lò đối với lò tuynel và 03 tỷ đồng đối với lò hoffman;

- Thời gian hỗ trợ lãi suất: 6 tháng kể từ khi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vay vốn của Ngân hàng thương mại hoặc Quỹ tín dụng nhân dân để xây dựng nhà xưởng, lò sản xuất theo công nghệ mới. Thời điểm vay là thời điểm khởi công xây dựng cơ sở sản xuất.

4. Chính sách đất đai: ưu đãi về tiền thuê đất.

Được miễn tiền thuê đất 03 năm kể từ ngày xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động đối với các doanh nghiệp, cơ sở phải di dời.

Điều 5. Chính sách hỗ trợ ổn định đời sống cho người lao động đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói bằng thủ công thuộc đối tượng chấm dứt hoạt động trước ngày 31 tháng 12 năm 2010

1. Ngân sách hỗ trợ một phần thu nhập trong thời gian chuyển đổi nghề, mức hỗ trợ là 03 tháng và được tính bằng 75% lương tối thiểu theo quy định hiện hành của người lao động.

Mức hỗ trợ này chỉ áp dụng cho người lao động làm việc với thời gian liên tục từ 06 tháng trở lên (có hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội) trước ngày chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói bằng lò đứng thủ công.

2. Người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói bằng thủ công thuộc đối tượng chấm dứt hoạt động trước ngày 31 tháng 12 năm 2010 sẽ được đào tạo nghề theo quy định tại Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về Chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn đối với lao động tỉnh Bình Thuận. Cơ sở sản xuất lập danh sách lao động có nhu cầu học nghề gửi và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chính sách hỗ trợ học nghề ở địa phương.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình đôn đốc, hướng dẫn thực hiện tốt Quy định này; theo dõi, tổng hợp và định kỳ 6 tháng, 01 năm báo cáo kết quả thực hiện, các vướng mắc phát sinh tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giải quyết.

2. Ủy ban nhân dân các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình:

a) Chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chính sách này tại địa phương. Yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công phải đăng ký, cam kết thực hiện việc di dời, chuyển đổi hoặc chấm dứt hoạt động trước ngày 31 tháng 12 năm 2010;

b) Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn thủ tục hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng thụ hưởng chính sách theo Quy định này;

c) Báo cáo kết quả tổ chức thực hiện Quy định này về Sở Xây dựng vào ngày 15 tháng 12 năm 2010.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Cân đối vùng nguyên liệu cho sản xuất gạch ngói, phối hợp cùng Ủy ban nhân dân cấp huyện, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định cấp mỏ sét cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói theo quy định và theo tinh thần hạn chế, sử dụng tiết kiệm tài nguyên sét.

4. Sở Tài chính:

Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói bằng thủ công chuyển đổi công nghệ sản xuất mới hoặc chấm dứt hoạt động trước ngày 31 tháng 12 năm 2010.

Hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ, cơ quan giải quyết hồ sơ cấp phát kinh phí hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vay vốn để xây dựng nhà xưởng, lò sản xuất thực hiện chuyển đổi sản xuất sang công nghệ mới.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Hướng dẫn, chỉ đạo các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện hướng dẫn chính sách hỗ trợ học nghề ở địa phương.

6. Các Ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn huyện nêu tại Điều 1:

Áp dụng cơ chế cho vay và lãi suất cho vay thông thường theo quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Khi nhận được đầy đủ hồ sơ vay vốn và thông tin cần thiết của khách hàng, Ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng nhân dân tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay vốn cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch ngói. Trường hợp quyết định không cho vay, Ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng nhân dân phải thông báo cho khách hàng bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ từ chối cho vay.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận hàng tháng tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Xây dựng, đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến việc cho vay của các Ngân hàng thương mại và Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn các huyện nêu tại Điều 1 đối với các cơ sở sản xuất để xây dựng nhà xưởng, lò sản xuất theo công nghệ mới.

7. Cục Thuế tỉnh:

Hướng dẫn chỉ đạo các cơ quan thuế xem xét ưu đãi về tiền thuê đất cho doanh nghiệp, cơ sở theo khoản 4, Điều 4 Quy định này.

8. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch thủ công thuộc đối tượng được hỗ trợ nêu trên có trách nhiệm:

a) Đăng ký, ký cam kết về kế hoạch chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch từ lò đứng thủ công sang công nghệ mới (hoffman hoặc tuynel) hoặc chấm dứt hoạt động trước ngày 31 tháng 12 năm 2010 gởi Ủy ban nhân dân cấp huyện;

b) Lập hồ sơ để được hưởng các khoản hỗ trợ di dời theo quy định.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Các nội dung nêu tại Quy định này có hiệu lực thực hiện sau 10 ngày kể từ ngày ký, đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2011.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, thủ trưởng các sở, ban, ngành có tên nêu trên, Ủy ban nhân dân các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình chủ động phối hợp với cơ sở sản xuất thuộc đối tượng hỗ trợ nêu trên để giải quyết. Nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.