Quyết định 22/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn đối với người lao động tỉnh Bình Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
Số hiệu: 22/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Huỳnh Tấn Thành
Ngày ban hành: 10/05/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 22/2007/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 10 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DẠY NGHỀ NGẮN HẠN ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTB&XH ngày 19/01/2006 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 19/2005/TTLT-BLĐTB&XH-BTC-BKH&ĐT ngày 19/5/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 và Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23/4/2004 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động là người tàn tật;
Theo đề nghị của Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn liên tịch số 6487/LS-TC-LĐTB&XH ngày 18 tháng 12 năm 2006 về việc chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho người lao động tỉnh Bình Thuận và đề nghị của Sở Tài chính tại Công văn số 1958/STC-HSCN ngày 17/4/2007 về việc dự thảo chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn đối với lao động tỉnh Bình Thuận,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn đối với người lao động tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 80/2001/QĐ-UBBT ngày 07/12/2001 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định chính sách hỗ trợ người nghèo học nghề và Quyết định số 35/2003/QĐ-UBBT ngày 16/5/2003 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định một số chính sách phát triển xã hội hóa trên lĩnh vực đào tạo nghề.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DẠY NGHỀ NGẮN HẠN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2007 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp dụng

1. Người học nghề thuộc đối tượng áp dụng chính sách này là người trong độ tuổi lao động, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Thuận (không phân biệt ở xã, phường hay thị trấn), chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề và đủ điều kiện xét tuyển vào các khóa học nghề ngắn hạn, cụ thể:

a) Lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất canh tác do đô thị hóa hoặc do xây dựng các công trình công cộng, khu công nghiệp, khu chế xuất và các dự án khác về an ninh quốc phòng vì lợi ích quốc gia, có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp;

b) Lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật;

c) Lao động là người dân tộc thiểu số, lao động ở các xã khó khăn và xã đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

d) Lao động nữ chưa có việc làm;

e) Lao động thuộc các làng nghề nằm trong dự án khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống mà dự án không có khoản kinh phí riêng cho dạy nghề;

f) Lao động thuộc vùng chuyên canh có nhu cầu chuyển đổi nghề;

g) Lao động là thành viên trong gia đình thuộc diện hộ nghèo (có giấy chứng nhận hộ nghèo), đối tượng mồ côi không nơi nương tựa;

h) Lao động là bộ đội xuất ngũ trở về địa phương trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định xuất ngũ của cấp có thẩm quyền;

i) Lao động là người tàn tật có giấy xác nhận của Hội đồng Giám định y khoa về tình trạng tàn tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do tàn tật theo quy định hiện hành. Trường hợp những người bị khuyết tật về cơ thể, khiếm khuyết về trí tuệ thì chỉ cần giấy xác nhận của Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố;

k) Lao động nông thôn khác có nhu cầu học nghề.

2. Cơ sở dạy nghề: công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Điều kiện, nguyên tắc hỗ trợ

1. Học viên phải hoàn thành khóa học, được kiểm tra, đánh giá đạt yêu cầu và cấp chứng chỉ nghề theo quy định.

2. Các đối tượng nêu tại khoản 1, Điều 1 Quy định này chỉ được ngân sách Nhà nước (NSNN) hỗ trợ học nghề một lần/người.

3. Khóa học đã được UBND tỉnh phê duyệt trong kế hoạch hỗ trợ hàng năm, có thời gian dạy nghề từ 01 tháng đến dưới 01 năm. Ngành nghề đào tạo được xác định căn cứ theo nhu cầu chuyển dịch lao động việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và do UBND tỉnh quyết định.

4. Quy mô của một lớp học nghề từ 25 đến 30 học viên, không phân biệt người học thuộc hay không thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề.

Điều 3. Nội dung, mức, phương thức hỗ trợ và thanh, quyết toán

1. Hỗ trợ chi phí dạy nghề:

a) Người học nghề được hỗ trợ chi phí dạy nghề, mức tối đa là 300.000 đồng/học viên/tháng thực học và không quá 1.500.000 đồng/người/khóa học.

Riêng đối với đối tượng học nghề là người tàn tật, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2005/TTLT-BLĐTB&XH-BTC-BKH&ĐT ngày 19/5/2005 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

b) Kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí dạy nghề được hỗ trợ thông qua cơ sở dạy nghề, không cấp trực tiếp cho người học nghề. Cơ sở dạy nghề sử dụng khoản hỗ trợ để chi cho các nội dung theo quy định tại khoản 3, mục III của Thông tư liên tịch số 06/TTLT-BTC-BLĐTB&XH của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cụ thể gồm các nội dung chi sau:

- Chi tổ chức lớp học gồm:

+ Chi tuyển sinh, khai giảng, bế giảng, cấp chứng chỉ nghề;

+ Chi thù lao giáo viên dạy lý thuyết và giáo viên hướng dẫn thực hành nghề;

+ Chi thuê lớp học, thuê thiết bị (nếu có);

+ Chi cho công tác quản lý lớp học.

- Chi hỗ trợ nguyên vật liệu học nghề;

- Chi biên soạn chương trình, giáo trình (đối với những nghề chưa có chương trình, giáo trình giảng dạy).

* Các mức chi cho từng lớp nghề do UBND tỉnh phê duyệt.

c) Trên cơ sở kế hoạch mở lớp hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt và hợp đồng mở lớp được ký kết giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển kinh phí đến cơ sở dạy nghề để triển khai thực hiện.

Cơ sở dạy nghề quyết toán kinh phí hỗ trợ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở định mức chi được UBND tỉnh phê duyệt và số học viên hoàn thành khóa học được cấp chứng chỉ nghề theo quy định;

d) Trường hợp lớp học có số học viên tốt nghiệp nhiều hơn số học viên được ký kết trong hợp đồng thì vẫn thanh toán kinh phí hỗ trợ theo hợp đồng. Trường hợp số học viên tốt nghiệp ít hơn số học viên quy định cho mỗi lớp thì kinh phí hỗ trợ được tính toán lại theo tỷ lệ số lượng học viên thực tế tốt nghiệp được cấp chứng chỉ nghề so với sĩ số lớp theo quy định;

e) Đối với các lớp nghề tổ chức chung cho nhiều đối tượng, trong đó có các đối tượng được áp dụng chính sách hỗ trợ học nghề tham gia lớp học nghề thì cơ sở dạy nghề lập danh sách báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi mở lớp và thực hiện việc hỗ trợ cho người học nghề thuộc đối tượng tương ứng theo tỷ lệ mức kinh phí hỗ trợ quy định.

2. Hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại:

a) Học viên là thành viên của hộ nghèo (không phân biệt dân tộc), đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được hỗ trợ một phần tiền ăn, ở, đi lại. Mức hỗ trợ là 10.000 đồng/ngày thực học, 240.000 đồng/người/tháng và tối đa không quá 500.000 đồng/người/khóa học.

* Riêng đối với đối tượng học nghề là người tàn tật, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2005/TTLT-BLĐTB&XH-BTC-BKH&ĐT ngày 19/5/2005 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

b) Trên cơ sở kế hoạch mở lớp hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt, hợp đồng mở lớp ký kết với cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh và danh sách học viên thuộc đối tượng hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển kinh phí đến cơ sở dạy nghề để thực hiện. Cơ sở dạy nghề cấp kinh phí hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại cho học viên theo thời gian học, không hỗ trợ từ đầu khóa học.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: tiếp nhận kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề từ NSNN, quản lý, chi trả cho cơ sở đào tạo và quyết toán chi NSNN với Sở Tài chính.

Điều 4. Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề từ NSNN

1. Ngân sách tỉnh:

- Kinh phí sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề hàng năm;

- Kinh phí thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo hàng năm.

2. Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ nguồn kinh phí của Dự án “Tăng cường năng lực đào tạo nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục - đào tạo.

3. Lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án chương trình dự án khác trên địa bàn tỉnh.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch hàng năm về chỉ tiêu đào tạo và kinh phí dạy nghề ngắn hạn trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt;

b) Thông báo công khai kế hoạch hàng năm về chỉ tiêu và kinh phí được duyệt với các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh để đăng ký số lượng học viên;

c) Hợp đồng với các cơ sở dạy nghề đủ điều kiện (kể cả các cơ sở dạy nghề ngoài công lập) để tổ chức các khóa dạy nghề ngắn hạn cho lao động theo kế hoạch và mức chi đã được UBND tỉnh phê duyệt;

d) Lưu giữ hồ sơ, thống kê số lượng học viên đã được hỗ trợ kinh phí dạy nghề theo từng khóa học. Bảo đảm hỗ trợ kinh phí dạy nghề ngắn hạn cho các đối tượng theo đúng quy định;

đ) Kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ sở dạy nghề thực hiện. Tổng hợp báo cáo kết quả hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn lao động nông thôn định kỳ 6 tháng với UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

e) Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn.

2. Trách nhiệm của Sở Tài chính:

a) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch kinh phí dạy nghề ngắn hạn hàng năm;

b) Cấp phát kinh phí kịp thời, đầy đủ theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện;

c) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra giám sát, quản lý kinh phí dạy nghề theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Trách nhiệm của cơ sở dạy nghề:

a) Căn cứ vào chỉ tiêu phân bổ và mức kinh phí hỗ trợ, các cơ sở dạy nghề tổ chức tuyển sinh và chuẩn bị các điều kiện để dạy nghề. Trước khi tiến hành khai giảng, mở lớp, phải lập danh sách học viên và ký kết hợp đồng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Tổ chức dạy nghề đúng kế hoạch, đúng quy chế về dạy nghề ngắn hạn, đạt mục tiêu của khóa học, kiểm tra, đánh giá, cấp chứng chỉ nghề cho học viên đạt yêu cầu khi kết thúc khóa học;

c) Ghi chép biểu mẫu, sổ sách giáo vụ và lưu giữ hồ sơ lớp học nghề theo đúng quy chế dạy nghề;

d) Sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, không để thất thoát. Tập hợp và lưu giữ các chứng từ thu, chi thanh toán theo chế độ kế toán hiện hành. Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, hợp lý của chứng từ quyết toán.

4. Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố, thị xã:

a) Hàng năm, căn cứ nhu cầu học nghề trên địa bàn, lập kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn và dự trù kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề ở địa phương gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp chung toàn tỉnh;

b) Chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề ở địa phương, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, thực hiện;

c) Chỉ đạo Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính - Kế hoạch, các phòng, ban chức năng, cơ sở dạy nghề, UBND cấp xã phối hợp với các đoàn thể thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng đối tượng, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ và báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng, hàng năm theo quy định cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Trách nhiệm của người lao động tham gia học nghề:

a) Lựa chọn nghề, cơ sở dạy nghề theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Nộp đơn xin học nghề có các nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (mẫu đính kèm) cho cơ sở dạy nghề đã lựa chọn;

c) Ký hợp đồng học nghề với cơ sở dạy nghề sau khi đơn học nghề được chấp nhận. Thực hiện các nhiệm vụ của người học nghề và được hưởng các quyền lợi đối với người học nghề theo quy định hiện hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành