Quyết định 3358/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020
Số hiệu: 3358/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Phan Cao Thắng
Ngày ban hành: 12/09/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3358/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 12 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE TAXI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 60/2015/TT-BGTVT ngày 02/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014;

Căn cứ Quyết định số 3507/QĐ-UBND ngày 08/10/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tại Văn bản số 110/TTr-SGTVT ngày 30/8/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, với nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu của Đề án

- Xây dựng Đề án phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020 nhằm mục tiêu quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi đi vào nề nếp, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân và du khách trong những năm tiếp theo; làm cơ sở định hướng phát triển về số lượng xe taxi, số lượng đơn vị vận tải taxi và số lượng điểm đỗ xe taxi công cộng với quy mô phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông; từng bước nâng cao chất lượng phương tiện và chất lượng dịch vụ vận tải.

- Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

2. Định hướng phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi đến năm 2020

 a. Về phương tiện taxi

- Tổng số phương tiện vận tải taxi đến thời điểm cuối năm 2016 là 507 xe. Theo kết quả tính toán dự báo và tình hình phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, tổng số phương tiện taxi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 1.331 phương tiện, cụ thể như sau:

Chỉ tiêu

Năm dự báo

2016

2017

2018

2019

2020

Số lượng xe đang hoạt động

507

507

 

 

 

Dự báo bổ sung số lượng xe mới

 

177

240

185

222

Tổng cộng

507

684

924

1.109

1.331

- Kết quả tính toán dự báo, số lượng xe taxi phân bổ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 như sau:

STT

Huyện, thị xã, thành phố

Số lượng xe

Giai đoạn 2017 - 2018

Giai đoạn 2019 - 2020

1

Quy Nhơn

540

714

2

Hoài Nhơn

108

155

3

An Nhơn

95

137

4

Phù Cát

54

91

5

Tuy Phước

54

78

6

Phù Mỹ

20

45

7

Tây Sơn

20

44

8

Hoài Ân

10

20

9

An Lão

10

20

10

Vân Canh

8

15

11

Vĩnh Thạnh

5

12

Tổng cộng toàn tỉnh

924

1.331

b. Về điểm đỗ xe taxi công cộng

Đến thời điểm cuối năm 2016, có 18 điểm đỗ xe taxi công cộng đã được đưa vào khai thác trên địa bàn thành phố Quy Nhơn. Để đảm bảo số lượng điểm đỗ xe taxi công cộng phù hợp với tình hình phát triển phương tiện tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định, tổng số lượng điểm đỗ xe taxi công cộng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 80 điểm, cụ thể như sau:

STT

Huyện, thị xã, thành phố

Tổng số lượng điểm đỗ taxi công cộng trên địa bàn tỉnh

Giai đoạn 2017 - 2018

Giai đoạn 2019 - 2020

1

Quy Nhơn

25

31

2

Hoài Nhơn

06

08

3

An Nhơn

05

07

4

Phù Cát

05

09

5

Tuy Phước

04

06

6

Phù Mỹ

03

05

7

Tây Sơn

03

04

8

Hoài Ân

02

03

9

An Lão

02

03

10

Vân Canh

01

02

11

Vĩnh Thạnh

01

02

Tổng cộng toàn tỉnh

57

80

c. Về đơn vị kinh doanh vận tải taxi

Tổng số đơn vị kinh doanh vận tải taxi đến thời điểm cuối năm 2016 là 10 đơn vị. Căn cứ kết quả tính toán dự báo và tham khảo số liệu các tỉnh lân cận có các đặc điểm kinh tế - xã hội tương tự tỉnh Bình Định, tổng số đơn vị kinh doanh vận tải taxi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 15 đơn vị, cụ thể như sau:

Chỉ tiêu

Giai đoạn từ năm

2016

2017 - 2018

2019 - 2020

Số lượng đơn vị vận tải taxi đang hoạt động

10

10
(đầu năm 2017)

 

Dự báo bổ sung số lượng đơn vị vận tải taxi mới

 

03

02

Tổng cộng

10

13

15

4. Các giải pháp và cơ chế chính sách thực hiện Đề án

a. Giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước

Quản lý đầu tư phát triển

- Việc đầu tư phát triển phương tiện taxi: Các đơn vị vận tải taxi xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển phương tiện mới đảm bảo phù hợp với Đề án phát triển vận tải khách bằng xe taxi tỉnh Bình Định đến năm 2020; các phương tiện taxi phải đảm bảo bảo đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện hoạt động theo quy định; khuyến khích phát triển phương tiện taxi theo hướng nâng cao chất lượng, tiện nghi, an toàn và thân thiện với môi trường.

- Việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận tải khách bằng xe taxi: UBND các huyện, thị xã và thành phố Quy Nhơn quản lý việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận tải khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh, đảm phù hợp với các quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và Đề án phát triển vận tải khách bằng xe taxi tỉnh Bình Định đến năm 2020.

Tăng cường quản lý hoạt động vận tải taxi

- Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định về vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vận tải hành khách bằng xe taxi, đặc biệt là việc kiểm tra các điều kiện về kinh doanh vận tải bằng xe taxi; theo dõi, hướng dẫn các đơn vị vận tải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải và phát triển phương tiện phù hợp với Đề án phát triển vận tải khách bằng xe taxi tỉnh Bình Định đến năm 2020.

- Điều chỉnh, bổ sung số lượng đơn vị kinh doanh vận tải taxi, số lượng xe taxi hoạt động phù hợp với Đề án và tình hình thực tế.

- Thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh vận tải cho các đơn vị vận tải hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Định và cấp phù hiệu cho xe taxi theo quy định.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải cho người điều hành vận tải, đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe.

- Hướng dẫn cho các đơn vị vận tải taxi xây dựng, kê khai, niêm yết giá cước vận tải theo quy định.

- Công khai thông tin về tên, địa chỉ, điện thoại, biểu trưng (logo) của các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và số điện thoại đường dây nóng của Sở Giao thông Vận tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông Vận tải để hành khách đi xe taxi, các doanh nghiệp phản ánh trực tiếp đối với Sở Giao thông Vận tải về tình hình hoạt động của taxi.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi theo đúng quy định pháp luật.

Giải pháp quản lý về trật tự an toàn giao thông

- Tiếp tục quán triệt và thực hiện quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, cần chú trọng đến giải pháp quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực vận tải khách bằng xe taxi. Kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng lái xe taxi chạy quá tốc độ, tranh giành khách, đậu đỗ xe không đúng quy định gây mất trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

- Theo dõi, giám sát hoạt động của các xe taxi tại các điểm đỗ xe taxi công cộng trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, thị xã và các huyện, tạo điều kiện cho xe taxi đậu đỗ đúng quy định, tránh tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông.

- Chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận theo dõi, quản lý các điều kiện về an toàn giao thông tại các đơn vị kinh doanh vận tải.

- Xử lý các phương tiện vi phạm thông qua hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Các giải pháp liên quan khác

- Tập trung đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, điều hành kinh doanh vận tải bằng xe taxi; tổ chức tập huấn kỹ năng cho đội ngũ lái xe taxi; thường xuyên giám sát kỹ thuật, mỹ thuật phương tiện của các đơn vị vận tải nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, nhất là khách du lịch, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các đơn vị vận tải taxi xây dựng, kê khai, niêm yết giá cước vận tải theo quy định; góp ý các sở, ngành để đề xuất những vấn đề liên quan đến chính sách thuế đối với các đơn vị tham gia kinh doanh vận tải taxi.

b. Các giải pháp đổi mới công tác quản lý tại các đơn vị vận tải taxi

- Các đơn vị vận tải taxi cần chú trọng hơn trong công tác đổi mới quản lý, điều hành hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi.

- Quản lý chặt chẽ khâu tuyển dụng đối với người điều khiển xe taxi. Trước khi tuyển dụng lái xe, các doanh nghiệp vận tải taxi cần tiến hành kiểm tra kỹ năng điều khiển xe taxi và xử lý tình huống giao thông.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi, sử dụng phần mềm trong điều hành hoạt động taxi, cụ thể: Thông qua phần mềm và thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe, các đơn vị vận tải có thể theo dõi tình trạng hoạt động của tất cả các phương tiện taxi thuộc quản lý của đơn vị để phục vụ công tác quản lý hoạt động taxi được hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, chất lượng phục vụ hành khách bằng xe taxi.

c. Cơ chế chính sách thu hút đầu tư

- Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải bằng xe taxi theo quy định của pháp luật.

- Tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải được thuê đất dài hạn sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng bến, bãi đậu đỗ tập trung xe taxi.

- Tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải được đào tạo, tập huấn, khuyến khích các doanh nghiệp có mô hình quản lý tốt, có trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ.

- Khuyến khích đơn vị vận tải thành lập mới có 100% phương tiện đăng ký biển kiểm soát tại tỉnh Bình Định.

- Khuyến khích phát triển mới các đơn vị vận tải Taxi có thương hiệu, uy tín, chất lượng, chủ sở hữu phương tiện là đơn vị vận tải Taxi.

5. Tổ chức thực hiện

a. Sở Giao thông Vận tải

- Tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét cho chủ trương trước khi thực hiện việc cấp mới Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe Taxi, trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020 sau khi phê duyệt.

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vận tải hành khách bằng xe taxi, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các nội dung của Đề án phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020.

- Công bố Đề án để các tổ chức, cá nhân liên quan biết thực hiện.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng phổ biến pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ lái xe taxi.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để quản lý việc kê khai, niêm yết và thực hiện giá cước theo quy định.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

b. Công an tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Cảnh sát khác tổ chức tuần tra, kiểm soát nhằm giữ gìn trận tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm tra cấp giấy đăng ký, biển số cho xe taxi trên địa bàn tỉnh theo quy định.

c. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Giao thông quản lý việc kê khai, niêm yết và thực hiện giá cước vận tải bằng xe taxi.

d. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Cấp đăng ký kinh doanh, quản lý hệ thống thông tin về doanh nghiệp theo quy định, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

- Công bố thông tin về thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khách bằng taxi; các thông tin về pháp luật trong đăng ký kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

đ. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Căn cứ vào Quy hoạch xây dựng bến, bãi đỗ xe của ngành Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương, nhất là các trung tâm đô thị để tạo quỹ đất xây dựng bãi đỗ xe taxi.

- Tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình giới thiệu địa điểm, thời gian cho thuê đất cho các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng bến, bãi đỗ xe taxi tại các đô thị.

e. Sở Du lịch

- Phối hợp với các sở, ngành và đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức tuyên truyền, quảng bá rộng rãi với du khách trong và ngoài nước đến với Bình Định.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lái xe taxi nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách nhất là đối với khách du lịch.

g. Sở Khoa học và Công nghệ

- Nghiên cứu các giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng quản lý hoạt động đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu và đề ra phương pháp quản lý về chuyên ngành tiêu chuẩn chất lượng đối với taxi mét; tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất về phương tiện đo taxi mét đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

h. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Quy hoạch vị trí và quản lý các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe taxi công cộng trên địa bàn địa phương nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải trong quản lý, giám sát hoạt động vận tải khách bằng xe taxi trên địa bàn.

i. Đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi

- Chấp hành nghiêm túc các quy định trong lĩnh vực hoạt động vận tải hành khách nói chung và vận tải taxi nói riêng; thực hiện các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn của các ngành chức năng quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động vận tải bằng xe taxi.

- Nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ vận tải; thường xuyên tổ chức đào tạo bồi dưỡng và đào tạo lại cho đội ngũ lái xe đủ tiêu chuẩn, nâng cao trình độ giao tiếp, trình độ ngoại ngữ cho lái xe; xây dựng thương hiệu xe taxi riêng cho đơn vị, đảm bảo phục vụ an toàn và thuận lợi cho hành khách...

- Các đơn vị vận tải Taxi phải có bãi đậu xe với diện tích phù hợp với số lượng xe hiện có của đơn vị.

- Ưu tiên phát triển phương tiện mới, đời cao, chất lượng tốt, tăng cường đầu tư phương tiện 7 chỗ ngồi.

- Đơn vị vận tải Taxi có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế tại địa phương theo quy định.

(Chi tiết có Đề án kèm theo).

Điều 2. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Cao Thắng