Quyết định 3216/2007/QĐ-UBND về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ninh áp dụng cho giai đoạn từ năm 2008 - 2010
Số hiệu: 3216/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Vũ Nguyên Nhiệm
Ngày ban hành: 06/09/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3216/2007/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 06 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ CHI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN BẰNG NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CỦA TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN NĂM 2008 ÷ NĂM 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân ngày 16 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2007 - 2010;

Căn cứ Quyết định số 219/2006/QĐ-TTg ngày 29/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29/6/2006 và Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12/9/2006;

Căn cứ Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND ngày 04/7/2007 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2008 - 2010 của tỉnh Quảng Ninh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1880/KHĐT-TH ngày 15/8/2007; Báo cáo thẩm định số 1936/BC-STP-KTVB ngày 09/8/2007 của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ninh áp dụng cho giai đoạn từ năm 2008 ÷ năm 2010.

Điều 2. Các tiêu chí, định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách quy định tại Điều 1 của Quyết định này là cơ sở để xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển từ ngân sách của các ngành, các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kế từ ngày ký và được áp dụng từ năm ngân sách từ 2008 đến năm 2010.

Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH
CHỦ TỊCH




Vũ Nguyên Nhiệm

 

CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ

CHI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THUỘC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CỦA TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN NĂM 2008 ÷ NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3216/2007/QĐ-UBND ngày 06/9/2007 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

I/ PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TRONG CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH CỦA TỈNH

1. Nguyên tắc chung.

1.1. Việc xây dựng các tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước theo hướng phục vụ các mục tiêu, định hướng phát triển chung và mục tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực đến năm 2010; đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng về phân bổ vốn đầu tư phát triển.

1.2. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước được cân đối trên cơ sở tổng thể giữa nhu cầu đầu tư phục vụ mục tiêu tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và khả năng của ngân sách. Tập trung đầu tư những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, hoàn thiện một bước về kết cấu hạ tầng, nhằm tạo môi trường thuận lợi để huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng theo mục tiêu đề ra

1.3. Bảo đảm mối tương quan hợp lý giữa đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, quốc phòng an ninh; giữa yêu cầu phát triển các lĩnh vực trọng điểm, vùng có lợi thế phát triển và vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn, hướng tới sự phát triển đồng đều giữa các vùng và góp phần nâng cao mức sống dân cư.

2. Nguyên tắc phân bổ chi đầu tư phát triển.

2.1. Thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Các tiêu chí và định mức chi đầu tư phát triển được xây dựng cho năm 2008, được ổn định trong 3 năm của giai đoạn từ năm 2008 ¸ năm 2010;

2.2. Đảm bảo công khai, minh bạch, tạo sự cân đối giữa các vùng, miền, giữa các huyện, thị xã, thành phố.

2.3. Nguồn vốn phân bổ chi đầu tư phát triển không bao gồm nguồn thu cấp quyền sử dụng đất; nguồn thu từ tiền thuê mặt đất, mặt nước; nguồn thu từ xổ số kiến thiết.

2.4. Vốn đầu tư phát triển (vốn tập trung) sau khi đã trừ đi phần vốn cho các nội dung đầu tư thuộc trách nhiệm của tỉnh, phần còn lại được phân chia theo nguyên tắc: Dành tối đa không quá 60% bố trí cho các công trình do các Ngành thuộc tỉnh làm chủ đầu tư; dành thấp nhất (tối thiểu) 40% để bố trí cho các công trình do Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư. Các nội dung đầu tư thuộc trách nhiệm của tỉnh là:

- Vốn đối ứng ODA

- Vốn trả nợ ngân sách Trung ương

- Vốn trả lãi suất (nếu có)

- Vốn thực hiện các chương trình theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh.

- Vốn thanh toán phần của ngân sách tỉnh tại các dự án đã được thực hiện ở địa phương (các dự án do Uỷ ban Nhân dân huyện làm chủ đầu tư, thực hiện theo phương thức ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần).

3. Các tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách tỉnh cho các huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh giai đoạn 2008-2010.

Được xác định theo 5 tiêu chí sau:

a. Tiêu chí dân số, bao gồm: Tiêu chí số dân; Tiêu chí số người dân tộc thiểu số.

b. Tiêu chí trình độ phát triển, bao gồm: Tiêu chí hộ nghèo; Tiêu chí thu nội địa; Tiêu chí tỷ lệ điều tiết vào ngân sách.

c. Tiêu chí diện tích tự nhiên.

d. Tiêu chí đơn vị hành chính, bao gồm: Tiêu chí số đơn vị hành chính; Tiêu chí các xã vùng cao; Tiêu chí các xã biên giới; Tiêu chí các xã hải đảo.

đ. Tiêu chí bổ sung: Để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm phát triển của tỉnh.

3.1. Xác định số điểm của từng tiêu chí và số điểm của từng địa phương.

3.1.1. Điểm của từng tiêu chí phân bổ vốn đầu tư.

a. Tiêu chí dân số:

- Tiêu chí số dân:

+ Từ 5.000 dân ÷ 10.000 dân tính 10 điểm.

+ Trên 10.000 dân, cứ tăng 10.000 dân tính thêm 1 điểm.

(Trong khoảng tăng 10.000 dân nếu ở mức dưới 5.000 thì tính ở khung điểm dưới, trên 5.000 dân tính ở khung điểm trên).

- Tiêu chí số người dân tộc thiểu số:

+ Từ 1.000 ÷ 3.000 dân tính 2 điểm.

+ Từ 3.000 ÷ 10.000 dân tính 5 điểm.

+ Từ 10.000 ÷ 20.000 dân tính 7 điểm.

+ Trên 20.000 dân tính 9 điểm.

b. Tiêu chí trình độ phát triển:

- Tiêu chí hộ nghèo (% theo chuẩn mới)

+ Từ 2% ÷ 5% xếp 10 điểm.

+ Từ 5% trở lên, cứ tăng 5% được tăng thêm 1 điểm.

- Tiêu chí thu nội địa (không bao gồm nguồn thu cấp quyền sử dụng đất; nguồn thu từ tiền thuê mặt đất, mặt nước; nguồn thu từ xổ số kiến thiết và thu phí môi trường theo Nghị định số 137/2005/NĐ-CP). Do nguồn thu ngân sách của địa phương trong tỉnh chênh lệch nhau rất lớn nên tiêu chí thu ngân sách được phân nhiều mức khác nhau để tính điểm, song mức điểm tối đa không quá 25 điểm. Cụ thể như sau:

+ Dưới 3.000 triệu đồng xếp 10 điểm.

+ Từ 3.000 ÷ 10.000 triệu đồng, cứ tăng 2.000 triệu đồng tăng 1 điểm.

+ Từ 10.000 ÷ 30.000 triệu đồng, cứ tăng 5.000 triệu đồng tăng thêm 1 điểm.

+ Từ 30.000 ÷ 130.000 triệu đồng, cứ tăng 20.000 triệu đồng tăng thêm 1 điểm.

- Tiêu chí tỷ lệ điều tiết vào ngân sách (xác định bằng tỷ lệ % đóng góp số thu của ngân sách cấp huyện về tổng thu ngân sách). Căn cứ tính điểm như sau:

+ Dưới 1% không tính điểm.

+ Từ 1% ÷ 5% tính 1 điểm.

+ Từ 5% ÷ 20% tính 5 điểm.

+ Từ 20% ÷ 50% tính 7 điểm

+ Trên 50% tính 10 điểm.

c. Tiêu chí diện tích tự nhiên:

+ Từ 40km2 ÷ 200km2 xếp 10 điểm.

+ Từ 200km2 trở lên, cứ tăng 50km2 được tính thêm 1 điểm (trong khoảng 50km2, dưới 25km2 tính xuống khung dưới, trên 25 km2 tính mức khung trên).

d. Tiêu chí đơn vị hành chính:

- Tiêu chí số đơn vị hành chính: (Đơn vị hành chính ở đây là số lượng các xã, phường, thị trấn của các huyện, thị xã, thành phố).

+ Từ 3 ÷ 10 đơn vị hành chính xếp 10 điểm.

+ Cứ tăng 1 đơn vị hành chính được tăng thêm 1 điểm.

- Tiêu chí các xã vùng cao: (được Uỷ ban Dân tộc phê duyệt tại Quyết định số 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27/11/2006)

+ Mỗi xã vùng cao được tính 1 điểm.

- Tiêu chí các xã biên giới:

+ Mỗi xã biên giới được tính 1 điểm.

- Tiêu chí các xã hải đảo:

+ Mỗi xã hải đảo được tính 1 điểm.

đ. Tiêu chí bổ sung:

- Thành phố Hạ Long (trung tâm của tỉnh):

5 điểm

- Thị xã Móng Cái (cửa khẩu quốc tế):

3 điểm

3.1.2. Tổng số điểm phân bổ của từng địa phương:

Tổng số điểm của từng địa phương là tổng cộng số điểm được xác định theo 5 tiêu chí: dân số, trình độ phát triển, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính và tiêu chí bổ sung đối với từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố theo cách tính điểm ở Mục 3.1.1 nêu trên.

Tổng số điểm phân bổ vốn đầu tư từng địa phương

=

Điểm tiêu chí dân số

+

Điểm tiêu chí trình độ phát triển

+

Điểm tiêu chí diện tích tự nhiên

+

Điểm tiêu chí đơn vị hành chính

+

Điểm tiêu chí bổ sung

Tổng số điểm của các địa phương trên toàn tỉnh theo 5 tiêu chí là 1.196 điểm; trong đó điểm cụ thể của từng địa phương như sau:

- Thành phố Hạ Long:                                             113 điểm

- Thị xã Móng Cái:                                                 101 điểm

- Thị xã Cẩm Phả:                                                   99 điểm

- Thị xã Uông Bí:                                                     81 điểm

- Huyện Đông Triều:                                                 94 điểm

- Huyện Yên Hưng:                                                 81 điểm

- Huyện Hoành Bồ:                                                  82 điểm

- Huyện Vân Đồn:                                                    80 điểm

- Huyện Cô Tô:                                                        56 điểm

- Huyện Tiên Yên:                                                   90 điểm

- Huyện Hải Hà:                                                      84 điểm

- Huyện Đầm Hà:                                                    68 điểm

- Huyện Bình Liêu:                                                   87 điểm

- Huyện Ba Chẽ:                                                     80 điểm

3.2. Xác định mức vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương cho các huyện, thị xã, thành phố.

3.2.1. Số vốn định mức tính cho 1 điểm phân bổ vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tập trung của tỉnh, được xác định như sau:

Số vốn định mức tính cho 1 điểm phân bổ vốn đầu tư

=

Tổng nguồn vốn còn lại để phân bổ

Tổng số điểm phân bổ vốn đầu tư của tỉnh

3.2.2. Tổng số vốn cân đối cho từng địa phương, được xác định như sau:

Tổng số vốn cân đối cho từng địa phương

=

Số vốn định mức tính cho 1 điểm phân bổ vốn đầu tư

x

Số điểm phân bổ vốn đầu tư của từng địa phương

II/ NGUYÊN TẮC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI MỘT SỐ NGUỒN ĐẦU TƯ KHÁC.

1. Đối với nguồn vốn đầu tư từ khoản thu xổ số kiến thiết.

Theo quy định của Trung ương, nguồn vốn này được sử dụng toàn bộ để đầu tư các công trình phúc lợi xã hội quan trọng của địa phương, trong đó tập trung đầu tư các công trình giáo dục, y tế; không sử dụng nguồn thu này vào mục đích khác.

Để đảm bảo đầu tư tập trung theo các chương trình, dự án phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nguồn vốn này được phân bổ theo cơ cấu tập trung, giao cho các Ngành quản lý và bố trí danh mục chương trình, dự án cụ thể, trình Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định.

2. Đối với vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất

Đối với các khoản đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính: Ngân sách địa phương sử dụng toàn bộ khoản thu này để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương và tạo nguồn vốn để giải phóng mặt bằng cho đầu tư phát triển.

Trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn này được thực hiện theo Quyết định số 4168/2006/QĐ-UBND ngày 22/12/2006 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ (%) điều tiết nguồn thu giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2007 và thời kỳ ổn định ngân sách 2007-2010.

3. Đối với nguồn vốn đầu tư từ thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo Nghị định số 137/2005/NĐ-CP

Về nguyên tắc số thu trên địa phương nào được đầu tư trở lại địa phương đó và được điều tiết 100% về ngân sách huyện, thị xã, thành phố nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản (ngoài than). Đối với nguồn thu từ hoạt động khai thác than được điều tiết về ngân sách huyện theo theo tỷ lệ 30% đối với các huyện Đông Triều, Hoành Bồ và 10% đối với thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, thị xã Uông Bí để các địa phương chủ động bố trí đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn; số còn lại tập trung về tỉnh để đầu tư trở lại theo danh mục dự án được tỉnh phê duyệt (thực hiện theo Quyết định số 4168/2006/QĐ-UBND ngày 22/12/2006 của UBND tỉnh).

4. Đối với nguồn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo các mục tiêu

Nguồn vốn này đã được Trung ương phân bổ cho các chương trình, dự án cụ thể để đầu tư một số mục tiêu, có tính chất không ổn định trong cân đối ngân sách. Tỉnh giao lại cho các đơn vị được quản lý vốn của chương trình trên cơ sở mức vốn do Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu cụ thể hàng năm./.