Quyết định 32/2011/QĐ-UBND về Quy định việc sử dụng Bản đồ hiện trạng phục vụ giới thiệu hướng tuyến và xác định vị trí đối với công trình điện trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: 32/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Văn Sửu
Ngày ban hành: 18/10/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Công nghiệp, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2011/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG PHỤC VỤ GIỚI THIỆU HƯỚNG TUYẾN VÀ XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 năm 2003;

Căn cứ Luật Điện lực số 28/2004/QH11 năm 2004;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Quyết định số 19/2006/QĐ-BCN ngày 11/7/2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành tiêu chuẩn 11 TCN 18-2006 Quy phạm trang bị điện;

Căn cứ Quyết định số 54/2010/QĐ-UBND ngày 19/11/2010 của UBND Thành phố về việc ban hành quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ, sử dụng sản phẩm đo đạc và bản đồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội;

Xét đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Tờ trình số 1896/QHKT-TTr ngày 13/6/2011, Văn bản số 3096/QHKT-P7 ngày 07/9/2011 và Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp số 933/STP-VBPQ ngày 13/5/2011,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về việc sử dụng Bản đồ hiện trạng phục vụ giới thiệu hướng tuyến và xác định vị trí đối với các công trình điện trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch, các PCT UBND Thành phố;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia;
- Tổng Công ty Điện lực Hà Nội;
- CPVP, các phòng: TH, CT, XD, GT, TNMT;
- Trung tâm Công báo;
- Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬ DỤNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG PHỤC VỤ GIỚI THIỆU HƯỚNG TUYẾN VÀ XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định về việc sử dụng Bản đồ hiện trạng phục vụ giới thiệu hướng tuyến và xác định vị trí đối với các công trình điện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Đối tượng điều chỉnh: Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quản lý, đầu tư xây dựng và sử dụng các công trình điện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

- Công trình điện: là tổ hợp các phương tiện, máy móc, thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, mua bán điện; hệ thống bảo vệ công trình điện lực; hành lang bảo vệ an toàn lưới điện; đất sử dụng cho công trình điện lực và công trình phụ trợ khác.

- Đô thị: là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã, thị trấn.

- Chỉ giới đường đỏ: là đường ranh giới phân định giữa phần lô đất để xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình hạ tầng kỹ thuật.

- Quy hoạch phân khu: là việc phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới công trình kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung.

- Quy hoạch chi tiết: là việc phân chia và xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan của từng lô đất; bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội nhằm cụ thể hóa nội dung của quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung.

- Bản đồ hiện trạng: là bản đồ địa hình có thể hiện một số nội dung địa chính bao gồm: ranh giới các thửa đất, chủ sử dụng đất; các chỉ giới về quy hoạch; ranh giới sử dụng đất theo các quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (nếu có). Bản đồ hiện trạng được lập để làm hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác quy hoạch đô thị và nông thôn, công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố.

Điều 3. Một số nguyên tắc chung

1. Việc đầu tư xây dựng các công trình điện phải phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực và Quy hoạch xây dựng hoặc được cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho phép.

2. Các bản đồ hiện trạng do cơ quan, đơn vị có tư cách pháp nhân lập có hiện trạng phù hợp với thời điểm lập hồ sơ giới thiệu hướng tuyến và xác định vị trí được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận về chất lượng, kỹ thuật theo Quyết định số 54/2010/QĐ-UBND ngày 19/11/2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ, sử dụng sản phẩm đo đạc và bản đồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

3. Khuyến khích khai thác, sử dụng bản đồ đã có sẵn tại các cơ quan có thẩm quyền lưu trữ để tiết kiệm chi phí đo đạc mới.

4. Hiệu lực sử dụng của bản đồ hiện trạng: các bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500-1/2000 có hiệu lực trong thời hạn chưa quá 3 năm kể từ ngày lập, các bản đồ hiện trạng tỷ lệ lớn hơn sử dụng các bản đồ hiện trạng hiện có tại cơ quan có thẩm quyền lưu trữ.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ SỬ DỤNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG PHỤC VỤ VIỆC GIỚI THIỆU HƯỚNG TUYẾN VÀ XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH ĐIỆN

Điều 4. Trạm biến áp

1. Giới thiệu, thỏa thuận địa điểm xây dựng trạm biến áp: Vị trí xây dựng trạm biến áp đề xuất phải thể hiện trên bản đồ hiện trạng, tỷ lệ từ 1/5000 đến 1/10.000.

2. Xác định vị trí trạm biến áp: Hồ sơ xác định khu đất xây dựng trạm biến áp (chỉ giới đường đỏ, quy hoạch tổng mặt bằng) phải thể hiện trên bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500.

3. Phạm vi đo vẽ bản đồ hiện trạng: Bao gồm toàn bộ diện tích xây dựng trạm và mở rộng về xung quanh từ 20m đến 50m, có chú ý đến hướng các tuyến đường dây đấu nối và đường giao thông ra vào trạm.

Điều 5. Tuyến đường dây điện trên không

1. Giới thiệu hướng tuyến đường dây điện trên không: Hướng tuyến đường dây điện trên không phải thể hiện trên bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/5000-1/25.000, trên bản đồ hiện trạng giới thiệu hướng tuyến cần thể hiện rõ phạm vi các đoạn phải đo vẽ bản đồ tỷ lệ lớn hơn ở giai đoạn sau.

2. Xác định vị trí tuyến đường dây điện trên không:

2.1. Đối với tuyến điện đi qua các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu vực có hành lang chật hẹp, khu vực quy hoạch phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn, tại những vị trí điểm đầu, điểm cuối, đoạn vượt quốc lộ, đường sắt, khoảng vượt lớn: vị trí tuyến điện phải thể hiện trên bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500.

2.2. Đối với tuyến điện không đi qua các khu vực tại khoản 2.1 nêu trên: vị trí tuyến điện phải thể hiện trên bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/2000 (riêng tại các vị trí cột điện và công trình phụ trợ thể hiện trên bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500).

3. Phạm vi đo vẽ bản đồ hiện trạng phục vụ giới thiệu hướng tuyến và xác định vị trí tuyến điện trên không:

3.1. Đối với tuyến đường dây có cấp điện áp 500KV phạm vi đo vẽ bằng chiều dài tuyến x (nhân) hai lần chiều cao cột điện, nhưng không nhỏ hơn 150m.

3.2. Đối với tuyến đường dây có cấp điện áp 220-110KV phạm vi đo vẽ bằng chiều dài tuyến x (nhân) hai lần chiều cao cột điện, nhưng không nhỏ hơn 60m.

3.3. Riêng tại những vị trí đặc biệt như giao cắt với các đường giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật chính, khu vực đất đặc biệt (di tích, an ninh quốc phòng) cần đo vẽ theo yêu cầu thực tế nhằm hạn chế ảnh hưởng đến các công trình này theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Tuyến cáp ngầm

1. Giới thiệu hướng tuyến cáp ngầm: Hướng tuyến cáp ngầm phải thể hiện trên bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/5000-1/25.000.

2. Xác định vị trí tuyến cáp ngầm: Vị trí các tuyến cáp ngầm phải thể hiện trên bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500.

3. Phạm vi đo vẽ bản đồ hiện trạng phục vụ giới thiệu hướng tuyến và xác định vị trí tuyến cáp ngầm: Phạm vi đo vẽ bằng chiều dài tuyến x 60m. Riêng tại những vị trí đặc biệt như giao cắt với các đường giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật chính, khu vực đất đặc biệt (di tích, an ninh quốc phòng) cần đo vẽ theo yêu cầu thực tế nhằm hạn chế ảnh hưởng đến các công trình này theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Điều khoản thi hành

7.1. Công tác đo vẽ bản đồ hiện trạng được tiến hành 1 lần và kết quả này được sử dụng cho các giai đoạn tiếp theo của dự án, các nội dung quy định chi tiết khác thực hiện theo quy định.

7.2. Quy định này được triển khai thống nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các vướng mắc, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phản ánh kịp thời về UBND Thành phố và Sở Quy hoạch - Kiến trúc để nghiên cứu, tổng hợp để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp./.