Quyết định 32/2009/QĐ-UBND ban hành Đề án “Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Bạc Liêu" do Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành
Số hiệu: 32/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu Người ký: Bùi Hồng Phương
Ngày ban hành: 31/12/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------

Số: 32/2009/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 31 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CƠ SỞ DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 CỦA TỈNH BẠC LIÊU”

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 70/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về dạy nghề;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;
Căn cứ Nghị quyết số 19/2009/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu về việc “Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Bạc Liêu”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 231/TTr-SLĐTBXH ngày 24 tháng 12 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Bạc Liêu”.

Điều 2. Giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có chức năng liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, theo dõi, đôn đốc, giám sát và kiểm tra việc thực hiện đề án. Định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện đề án về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi và chỉ đạo kịp thời.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Hồng Phương

 

ĐỀ ÁN

“QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CƠ SỞ DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG 2020 CỦA TỈNH BẠC LIÊU”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2009/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)

Phần I

TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH TRONG TỈNH

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

Bạc Liêu là tỉnh thuộc Bán đảo Cà Mau, với diện tích tự nhiên là 2.582 km2, nằm ven Biển Đông, miền đất vùng cực Nam tổ quốc, là vùng đất trẻ được thiên nhiên ưu đãi nên ít bị thiên tai, lũ lụt, hội tụ khá nhiều lợi thế phát triển. Hệ thống giao thông thủy bộ được nối liền giữa các trung tâm kinh tế vùng và cả nước; quốc lộ 1A dài 61 km. Bạc Liêu có 52km đường quốc lộ, Quản lộ Phụng Hiệp nối quốc lộ 63 qua các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và 12,5km đường Nam sông Hậu. Với bờ biển dài 56km có vị thế chiến lược cho phát triển cảng biển, thế mạnh của Bạc Liêu hiện nay là nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ thương mại.

II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN:

Bạc Liêu có địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu nằm ở độ cao trên dưới 1,2m so với mực nước biển, còn lại là những giồng cát và một số khu vực trũng ngập nước quanh năm. Địa hình có xu hướng dốc từ bờ biển vào nội đồng, từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Trên địa bàn tỉnh có nhiều kênh rạch lớn như kênh Quản lộ Phụng Hiệp, kênh Cạnh Đền, kênh Phó Sinh, kênh Giá Rai;

Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm 2000 - 2300mm. Nhiệt độ trung bình 26oc, cao nhất 31,5oc, thấp nhất 22,5oc. Số giờ nắng trong năm 2500 - 2600 giờ. Độ ẩm trung bình mùa khô 80%, mùa mưa 85%. Vùng này ít chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới; không chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt hệ thống sông Cửu Long, nhưng lại chịu tác động mạnh của thủy triều Biển Đông và một phần chế độ nhật triều Biển Tây.

III. CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

1. Dân số phân theo đơn vị hành chính năm 2008

ĐVT: Người

Đơn vị

Dân số (Năm 2008)

Tổng số

Thành thị

Nông thôn

 

847.892

226.858

621.034

1. Thị xã Bạc Liêu

146.870

110.532

36.338

2. Huyện Phước Long

114.197

18.912

95.285

3. Huyện Hồng Dân

103.620

11.453

92.167

4. Huyện Vĩnh Lợi

96.672

13.448

83.224

5. Huyện Giá Rai

139.369

39.426

99.943

6. Huyện Hòa Bình

107.370

19.286

88.084

7. Huyện Đông Hải

139.794

13.801

125.993

Nguồn: Niêm giám thống kê 2008.

Toàn tỉnh có 64 xã, phường và thị trấn. Dân số năm 2008 trung bình là 847.892 người. Trong đó thị xã Bạc Liêu có dân số đông nhất tỉnh (Chiếm 17,37 % tổng dân số toàn tỉnh), huyện Vĩnh Lợi có dân số thấp nhất (Chiếm 11,4 % tổng dân số). Tỷ lệ dân số thành thị trung bình của toàn tỉnh chiếm 26,86 %.

2. Biểu đồ: Phân bố dân cư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

IV. VỀ LAO ĐỘNG - VIỆC LÀM

Dân số trong độ tuổi lao động là 527.115 người thì có 520.265 người có khả năng tham gia lao động (Chiếm 98,10%) trong đó có việc làm thường xuyên 428.309 người (Chiếm 82,32%) tuy có việc làm nhưng không thường xuyên 19.252 người (Chiếm 4,49%); không có việc làm 19.532 người (Chiếm 3,86%) và số còn lại làm nội trợ.

1. Số lao động đang làm việc: 428.309 người;

- Nông - lâm - ngư nghiệp: 303.842 lao động, chiếm 70,94%;

- Công nghiệp - xây dựng: 38.034 lao động, chiếm 8,88%.

- Thương mại dịch vụ: 86.343 lao động, chiếm 20,18%;

2. Tỷ lệ lao động thất nghiệp đang có xu hướng giảm dần, nhưng do chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, do vậy tuy tỷ lệ thất nghiệp hữu hình thấp (Chỉ 4,2%) ở khu vực thành thị nhưng tỷ lệ thất nghiệp vô hình và thất nghiệp ngắn hạn ở nông thôn chiếm tỷ lệ khá cao; theo điều tra sơ bộ, tỷ lệ này chiếm xấp xỉ 11% lao động đang làm việc trong khu vực nông thôn.

Phần II

THỰC TRẠNG CƠ SỞ DẠY NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA MẠNG LƯỚI DẠY NGHỀ

Nhìn chung trong những năm qua, sự nghiệp đào tạo nghề có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm số trường, trung tâm được củng cố và nâng lên trong công tác đào tạo nghề, số lượng và chất lượng đào tạo có chuyển biến bước đầu. Tuy nhiên hệ thống trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề trong tỉnh còn nhiều tồn tại và khó khăn. Quy mô đào tạo nhỏ bé, phân bổ chưa hợp lý ngành nghề, số lượng dạy nghề còn quá ít, hầu hết tập trung ở thị xã Bạc Liêu. Còn tại các huyện mới hình thành các trung tâm dạy nghề công lập. Đặc biệt ở khu vực nông thôn chủ yếu dạy nghề theo các lớp của đề án đào tạo nghề lao động nông thôn với quy mô nhỏ. Các điều kiện đảm bảo chất lượng còn nhiều yếu kém, ngành nghề đào tạo vừa thiếu vừa thừa, cùng trên một địa bàn có những nghề chưa có cơ sở nào dạy, nhưng có những nghề khác lại có nhiều cơ sở cùng dạy. Tính đến năm 2009 trên địa bàn tỉnh có 18 cơ sở có dạy nghề, gồm:

- 10 cơ sở dạy nghề công lập:

+ Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật, Công nghệ Bạc Liêu trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Khóm 7, đường Tôn Đức Thắng, Phường 1, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu);

+ Trường Trung cấp Nghề trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Đang xây dựng tại xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi. Trường đang hoạt động tại địa chỉ số 44 đường Lý Thường Kiệt, phường 3, TX Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu);

+ Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm trực thuộc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh; đang xây dựng tại số 89/4, đường Trần Phú, Phường 7, thị xã Bạc Liêu;

+ Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu;

+ Trung tâm Dạy nghề huyện Hòa Bình, do Ủy ban nhân dân huyện quản lý;

+ Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Lợi, do Ủy ban nhân dân huyện quản lý;

+ Trung tâm Dạy nghề huyện Giá Rai, do Ủy ban nhân dân huyện quản lý;

+ Trung tâm Dạy nghề huyện Đông Hải, do Ủy ban nhân dân huyện quản lý;

+ Trung tâm Dạy nghề huyện Hồng Dân, do Ủy ban nhân dân huyện quản lý;

+ Trung tâm Dạy nghề huyện Phước Long, do Ủy ban nhân dân huyện quản lý.

- 08 cơ sở dạy nghề ngoài công lập:

+ Trường Trung cấp Nghề tư thục STC, địa chỉ số 85/2 - Trần Phú - F7 - thị xã Bạc Liêu;

+ Cơ sở dạy nghề Ngọc Hà, địa chỉ 158, Thống Nhất - F5 - thị xã Bạc Liêu;

+ Cơ sở dạy nghề Thành Phúc, địa chỉ 45/5, Trần Phú - F7 - thị xã Bạc Liêu;

+ Cơ sở dạy nghề Tân Việt Văn, địa chỉ số 422, ấp 1, thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai - Bạc Liêu;

+ Cơ sở dạy nghề Kỹ thuật Bách Khoa - số 12/1, Võ Thị Sáu, phường 7, thị xã Bạc Liêu;

+ Cơ sở dạy nghề Sài Gòn - HPHONE - số 105/5, Trần Phú, phường 7, thị xã Bạc Liêu;

+ Cơ sở dạy nghề Đình Khôi - số 193, ấp Phước Thạnh, Xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu;

+ Cơ sở dạy nghề CHINA - MOBILE số 153/4, đường 23 tháng 8, khóm 2, phường 7, thị xã Bạc Liêu.

Trong những năm tới cần củng cố và phát triển các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, cũng như hình thành các trường dạy nghề ngoài công lập, chú ý phát triển đào tạo những ngành nghề truyền thống. Để phát triển các cơ sở này trước hết phải tổ chức điều tra thống kê số cơ sở có tham gia dạy nghề ở các huyện, thị và những ngành nghề đang được đào tạo cùng với xu hướng phát triển của những cơ sở đào tạo này. Từ đó có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ vay vốn ưu đãi có lãi xuất thấp, có chính sách miễn, giảm thuế đối với hoạt động đào tạo nghề để kích thích phát triển. Tổ chức dạy nghề theo các hình thức vừa học, vừa làm để thu tuyển vào làm việc, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề thông qua bổ túc bồi dưỡng, kiểm tra nâng bậc tay nghề trong các doanh nghiệp.

Ngoài các trung tâm, cơ sở dạy nghề kể trên còn có các hình thức dạy nghề, truyền nghề tại nhà, tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ như: Tiệm may mặc, sửa chữa xe gắn máy, uốn tóc, hớt tóc, sửa chữa điện tử… mỗi cơ sở có từ 1 - 5 người vừa học, vừa làm với thời gian không hạn chế chủ yếu là thực hành cho đến khi thạo nghề. Hiện nay dạng đào tạo này vẫn tồn tại và phát triển mạnh, nhất là các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhỏ đã thu hút một số lao động lớn tham gia học nghề.

II. THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ

1. Quy mô diện tích, mặt bằng cơ sở

a) Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật, Công nghệ Bạc Liêu

Đang thực hiện đầu tư nâng cấp cơ sở 1 với diện tích 12.312m2 nhằm đáp ứng nhu cầu số lượng học viên hàng năm. Năm 2009 được đầu tư 4,2 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy nghề theo công nghệ mới.

b) Trường Trung cấp Nghề tỉnh

Đã phê duyệt dự án xây dựng với diện tích xây dựng khoảng 7ha tổng vốn đầu tư 81 tỷ. Hiện đang xây dựng cơ bản các phòng học, các xưởng thực hành và ký túc xá mục đích thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên học tập có kết quả cao.

c) Các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm

Các trung tâm đang được xây dựng mới, hiện trạng hai trung tâm này đang xây dựng và có tham gia liên kết dạy nghề lưu động với các trung tâm dạy nghề huyện.

d) Trung tâm dạy nghề các huyện:

- Trung tâm Dạy nghề huyện Giá Rai và Phước Long là 2 cơ sở được xây dựng năm 2002 đảm bảo đúng tiêu chuẩn, nhưng trong quá trình sử dụng có một số hạng mục đang xuống cấp cần phải sửa chữa lại, Trung tâm Dạy nghề huyện Hồng Dân đã được đầu tư xây dựng mới, đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định, nhưng về diện tích đất cần phải mở rộng thêm theo kế hoạch lâu dài Trung tâm dạy nghề huyện Hồng Dân nâng lên thành Trường Trung cấp Nghề giải quyết cho lao động vùng sâu được học trung cấp nghề; trường nằm trên tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, khu công nghiệp Ngan Dừa;

- Trung tâm Dạy nghề huyện Đông Hải đang xây dựng. Hướng tới Trung tâm dạy nghề huyện Đông Hải nâng lên thành Trường Trung cấp Nghề giải quyết cho lao động vùng xa, huyện ven biển tạo cơ hội cho người lao động được học trung cấp nghề không phải đi xa;

- Trung tâm Dạy nghề huyện Giá Rai hướng tới nâng lên Trường Trung cấp Nghề vì Giá Rai có khu công nghiệp Láng Trâm;

- Trung tâm Dạy nghề huyện Hòa Bình thành lập và đi vào hoạt động được Ủy ban nhân dân huyện giải quyết trụ sở Ủy ban nhân dân huyện (Cũ) để hoạt động dạy nghề;

- Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Lợi thành lập và đi vào hoạt động được Ủy ban nhân dân huyện giải quyết dãy phòng học Trường Tiểu học Ngô Quang Nhã để làm việc, trung tâm dạy nghề thuê địa điểm dạy nghề, mở các lớp dạy nghề lưu động tại các xã dạy nghề thường xuyên. Hướng tới khi xây dựng Trường Trung cấp Nghề tại huyện Vĩnh Lợi xong thì không phát triển Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Lợi.

đ) Đào tạo nghề trong các cơ sở dạy nghề ngoài công lập

Nhìn chung đào tạo nghề trong các cơ sở dạy nghề khá lớn, là một bộ phận quan trọng trong lĩnh vực đào tạo nghề cho người lao động. Các cơ sở dạy nghề đã có lớp học, có phòng thực hành mặc dù có cơ sở phải thuê mướn mặt bằng, nhưng phần nào thể hiện vị trí quan trọng trong hệ thống dạy nghề của tỉnh. Diện tích nhà xưởng phục vụ cho dạy nghề của các cơ sở tự trang bị khi được Sở LĐ - TB và XH thẩm định đủ điều kiện cấp phép.

2. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị dạy nghề

a) Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật

Trong những năm gần đây, sự nghiệp đào tạo nghề có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị dạy nghề hàng năm được nâng lên (Năm 2006: 1,7 tỷ đồng, năm 2007: 6,5 tỷ và năm 2008: 7,5 tỷ đồng, năm 2009: 10,3 tỷ đồng). Đồng thời ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng cơ bản cho các trung tâm dạy nghề huyện Giá Rai, Phước Long, Hồng Dân và Đông Hải với tổng số tiền khoảng 12 tỷ đồng.

b) Tình trạng trang thiết bị dạy nghề

Thiết bị phục vụ chuyên môn các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề nhìn chung còn ít chủng loại, lạc hậu so với tiến bộ của xã hội, chưa thực sự phù hợp với xu thế sản xuất tiên tiến với công nghệ mới, cụ thể:

- Các trường dạy nghề: Do mức đầu tư hằng năm có giới hạn và trang thiết bị dạy nghề chưa theo kịp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, riêng Trường Trung cấp Nghề Bạc Liêu do mới thành lập trong năm 2006 nên hệ thống thiết bị chủ yếu được mua mới;

- Các trung tâm dạy nghề: Trang thiết bị mới chỉ trang bị cho một số nghề đào tạo ngắn hạn như điện dân dụng, may công nghiệp, tin học, sửa chữa động cơ, số học viên ít nên mức độ đáp ứng của thiết bị ở khoảng từ 2 ÷ 3 học viên/thiết bị;

- Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập: Do chỉ đào tạo ngắn hạn một số nghề, như: Uốn tóc, sửa chữa, cài đặt máy vi tính, tin học nên các trung tâm này đầu tư khá đồng bộ và tương đối, tuy vậy mức độ đáp ứng của thiết bị thực hành cho các học viên còn nhiều hạn chế.

Tóm lại: Số lượng các cơ sở dạy nghề của tỉnh và số lượng các học viên đào tạo và một phần cơ sở vật chất kỹ thuật, diện tích phòng học, nhà xưởng, máy móc thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập. Hàng năm Nhà nước đầu tư cho dạy nghề ngày càng tăng. Trong đó, ngân sách Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, xã hội hóa dạy nghề đã đem lại kết quả bước đầu.

3. Đội ngũ giáo viên:

Đối với các trường dạy nghề thuộc hệ thống dạy nghề của tỉnh, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn khá cao, số lượng giáo viên các trường ổn định đảm bảo khả năng dạy và truyền nghề có chất lượng cao cho học viên; riêng Trường Trung cấp nghề Bạc Liêu do mới thành lập nên số giáo viên còn ít;

Tính đến cuối năm 2009 tổng số cán bộ CNV trong các cơ sở dạy nghề là 154 người, trong đó giáo viên giảng dạy nghề 79 người (Trình độ đại học trở lên chiếm 60%) so với năm 2006 tăng 14%; lực lượng giáo viên dạy nghề được đào tạo đa dạng, trình độ chuyên môn giảng dạy lý thuyết, thực hành đạt yêu cầu…;

Các trung tâm dạy nghề thuộc các ban, ngành, đoàn thể và các huyện phần lớn mời giáo viên thỉnh giảng hoặc hợp đồng ngắn hạn theo lớp học. Nhìn chung các trung tâm này số lượng giáo viên chưa được ổn định so với hệ thống trường dạy nghề, nhưng phần nào đáp ứng khả năng dạy và truyền nghề cho học viên;

Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập hầu hết đội ngũ giáo viên là diện hợp đồng hoặc thỉnh giảng nên số lượng không ổn định, đa số các cơ sở dạy các môn tin học, may thêu, uốn tóc đều không qua trường lớp sư phạm, không được tổ chức tập huấn nghiệp vụ sư phạm;

Tóm lại: Lực lượng giáo viên trong hệ thống trường dạy nghề của tỉnh có trình độ khá về chuyên môn, được đào tạo sư phạm. Giáo viên của các cơ sở công lập có kinh nghiệm giảng dạy, được bồi dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên tỷ lệ công nhân kỹ thuật hướng dẫn thực tập vẫn còn thấp. Các cơ sở ngoài công lập ít người qua đào tạo sư phạm, do phần lớn là giáo viên mới ra trường chờ việc làm hoặc làm hợp đồng nên không ổn định, khả năng biên soạn giáo trình, giáo án môn học còn nhiều hạn chế.

4. Chương trình, giáo trình giảng dạy

Trong những năm qua do chưa có chương trình, giáo trình chuẩn do Tổng cục Dạy nghề ban hành, nên các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề dựa vào các chương trình của cơ quan chủ quản, chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo…, để tổ chức biên soạn sửa đổi, bổ sung cập nhật thêm kiến thức mới cho phù hợp với thực tiễn. Do đó nội dung chương trình và phương pháp đào tạo còn nhiều bất cập, chậm đổi mới, chưa gắn với thực tế sản xuất ở các doanh nghiệp.

Phần III

NỘI DUNG ĐỀ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI DẠY NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. NHỮNG CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CƠ SỞ DẠY NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Cơ sở pháp lý và mục đích tiến hành quy hoạch

a) Cơ sở pháp lý và căn cứ quy hoạch mạng lưới dạy nghề tỉnh Bạc Liêu

- Căn cứ Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội khóa 11, kỳ họp thứ 10;

- Quyết định số 07/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;

- Căn cứ Nghị định số 70/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về dạy nghề.

b) Mục đích quy hoạch

- Xây dựng mạng lưới cơ sở dạy nghề đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn lao động kỹ thuật phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thời kỳ 2010 - 2020. Đáp ứng nhu cầu đa dạng về sử dụng lao động của các ngành, các thành phần, các vùng kinh tế về ngành nghề, trình độ đào tạo. Đáp ứng nhu cầu học nghề cho người lao động của tỉnh và nhu cầu lao động kỹ thuật giải quyết việc làm cho lao động, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp trong tỉnh, cung ứng lao động cho các khu công nghiệp, khu chế xuất và mở rộng hợp tác lao động quốc tế thông qua xuất khẩu lao động. Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người lao động có nhu cầu học nghề đều có cơ hội được đào tạo nghề gắn với việc làm;

- Đảm bảo nguồn nhân lực cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa thời kỳ 2010 - 2020.

- Đảm bảo nguồn lao động kỹ thuật cho sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động của tỉnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và cho xuất khẩu lao động;

- Đảm bảo nguồn nhân lực cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong các lĩnh vực nông - lâm - diêm nghiệp - thủy sản, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, phục vụ các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh;

- Đảm bảo cân đối giữa nhu cầu học nghề và khả năng đào tạo nghề của hệ thống các cơ sở dạy nghề.

2. Phạm vi và đối tượng quy hoạch

a) Phạm vi quy hoạch

Quy hoạch tổng thể hệ thống dạy nghề trên phạm vi toàn tỉnh bao gồm khu vực thị xã và địa bàn các huyện, các ngành kinh tế, các tổ chức đoàn thể và các cơ sở đào tạo ngoài công lập thành một hệ thống mạng lưới dạy nghề, đủ sức đảm bảo khả năng đào tạo nghề phục vụ nhu cầu học nghề của người lao động theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.            

b) Đối tượng quy hoạch:

- Trường dạy nghề công lập, ngoài công lập;

- Trung tâm dạy nghề công lập, ngoài công lập;

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (Sau đây gọi chung là doanh nghiệp) có hoạt động dạy nghề trình độ sơ cấp.

II. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH:

- Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 phải trên cơ sở phát huy hiệu quả của các cơ sở dạy nghề hiện có và phải phù hợp, đồng bộ với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của từng ngành và của từng huyện, thị;

- Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề toàn tỉnh, đa dạng các hình thức dạy nghề, tạo điều kiện cho người lao động, thanh niên, nông dân, người dân tộc thiểu số học nghề, lập nghiệp. Phấn đấu đến năm 2010 hoàn thiện việc sắp xếp 01 trường trung cấp nghề lên thành trường cao đẳng nghề và xây dựng trường trung cấp nghề đảm bảo đúng kế hoạch được duyệt. Từ năm 2016 đến năm 2020 nâng ba trung tâm dạy nghề huyện Đông Hải, Hồng Dân và Giá Rai thành trường trung cấp nghề;

- Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư cho dạy nghề, phát triển các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, mỗi huyện đều có thêm 1 trung tâm dạy nghề ngoài công lập.

III. MỤC TIÊU CỦA QUY HOẠCH

1. Mục tiêu chung:

Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp làm việc, tham gia sản xuất và có đủ năng lực tiếp cận với trình độ khoa học tiến tiến trong khu vực, quốc tế trên các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghiệp và dịch vụ;

Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cao, đáp ứng được thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đảm bảo theo các tiêu chí của cơ cấu: khu vực kinh tế, cấp độ và ngành nghề đào tạo, phân bổ lao động, hệ thống quản lý.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 35%, trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 16% vào năm 2010; Tỷ lệ lao động qua đào tạo 55%, trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt tối thiểu 45% vào năm 2020;

- Quy mô tuyển sinh ở ba cấp đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề 30.000 người giai đoạn 2010 - 2015; 40.000 người giai đoạn 2015 – 2020;

- Từng bước nâng cấp, phát triển cơ sở dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa để tăng năng lực, chất lượng và hiệu quả;

- Xây dựng và đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình dạy nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất và tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo tạo điều kiện liên thông;

- Đến 2010 các trường, trung tâm dạy nghề có chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp với chương trình khung. Đến năm 2015, chậm nhất đến năm 2020 các trường, trung tâm dạy nghề có chương trình giáo trình dạy nghề được xây dựng theo phương pháp tiên tiến;

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề đáp ứng nhu cầu thực hiện quy hoạch về số lượng, trình độ đào tạo và cơ cấu ngành nghề;

- Phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp; đạt chuẩn trình độ đào tạo về lý thuyết, thực hành, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề; có trình độ tin học, ngoại ngữ để áp dụng vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

IV. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ TẦM NHÌN 2020

1. Định hướng chung:

- Phát triển dạy nghề là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là bộ phận quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững. Đầu tư cho dạy nghề là đầu tư phát triển, Nhà nước tăng cường đầu tư cho dạy nghề, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề;

- Gắn dạy nghề với chương trình phát triển tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh, của ngành kinh tế, vùng kinh tế, vùng dân cư, gắn với nhu cầu các doanh nghiệp và thị trường lao động theo quan hệ cung cầu trên địa bàn tỉnh, có tính đến nhu cầu lao động các khu công nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và cho xuất khẩu lao động;

- Gắn dạy nghề với giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo nâng cao mức sống cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, người dân tộc.

- Gắn dạy nghề với chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh, chú trọng đào tạo nghề phục vụ cho ngành công nghiệp, dịch vụ và đào tạo nghề cho người lao động nông thôn;

- Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo nghề gắn với yêu cầu của thị trường lao động. Nội dung chương trình phải trang bị cho người học vốn tri thức cơ bản (Kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề và tác phong công nghiệp), phải đưa nhanh công nghệ thông tin vào nội dung đào tạo, chương trình phải được thiết kế theo từng môđun để tạo thuận lợi cho người học và liên thông giữa các cấp trình độ trong hệ thống và liên thông với các bậc học khác;

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề, khuyến khích các doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động. Vì doanh nghiệp là nơi theo sát yêu cầu của sản xuất và là nơi có thể đào tạo công nhân bậc cao;

- Đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề, nhưng vẫn phải bảo đảm được loại hình Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nhất là đào tạo công nhân kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ lành nghề trình độ cao. Nhà nước giữ vai trò hoạch định khung cơ chế chính sách, các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế nếu có đủ điều kiện, có thể tham gia đào tạo;

- Nhà nước tăng ngân sách đầu tư cho đào tạo nghề, có cơ chế chính sách hợp lý để huy động và sử dụng các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Nguồn ngân sách Nhà nước ưu tiên tập trung cho các cơ sở trọng điểm và cho các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn;

- Tăng cường quản lý Nhà nước về đào tạo nghề, chú trọng quản lý nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo. Thống nhất quản lý về một đầu mối, nội dung, chương trình đào tạo, cấp phát bằng, chứng chỉ nghề, kế hoạch phát triển hệ thống các cơ sở dạy nghề;

- Đầu tư các trường dạy nghề có trọng điểm và có chất lượng…, để từng bước đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề trình độ cao, có khả năng đi tắt đón đầu, đào tạo cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế động lực đáp ứng yêu cầu của tỉnh và có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động các tỉnh trong khu vực và cho xuất khẩu lao động;

- Việc quy hoạch cần phải xem xét một cách toàn diện cả thị xã và nông thôn; công nghiệp - xây dựng, nông lâm thủy sản, thương mại - dịch vụ và các loại hình cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh;

- Các cơ sở dạy nghề được bố trí hợp lý, phù hợp với nhu cầu lao động qua đào tạo của các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh;

- Gắn đào tạo nghề với chính sách phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, tăng nhanh số lượng học sinh tốt nghiệp các cấp trên đi vào học nghề;

- Quy hoạch mạng lưới dạy nghề là quy hoạch mở, có tính chất khung được điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu của thị trường.

2. Định hướng cho từng loại hình đào tạo

a) Về đào tạo dài hạn:

- Tăng nhanh số lượng đào tạo hàng năm cả số tuyệt đối lẫn tương đối;

- Mở rộng, phát triển đào tạo những ngành nghề mới, những ngành nghề đáp ứng nhu cầu các khu công nghiệp đang hình thành trên địa bàn tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn và theo đơn đặt hàng các khu chế xuất, khu công nghiệp ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động;

- Đầu tư xây dựng mới trường dạy nghề làm nhiệm vụ chủ lực trong đào tạo dài hạn và hỗ trợ các trung tâm dạy nghề ở các huyện, thị tham gia dạy nghề dài hạn;

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kể cả nước ngoài, các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội tham gia dạy nghề dài hạn, nhất là trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn hoặc những nghề mà thị trường lao động cần, nhưng các cơ sở phi Nhà nước không đủ sức hoặc không tham gia đào tạo;

Trong thời gian trước mắt, khi các trường của tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo nghề dài hạn cần thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo nghề dài hạn với các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học của các tỉnh trong khu vực.

b) Về đào tạo ngắn hạn:

- Đào tạo số lượng chủng loại nghề theo yêu cầu đa dạng của thị trường lao động, đào tạo đón đầu theo thị trường lao động;

- Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế - xã hội tham gia công tác dạy nghề, Nhà nước giữ vai trò hoạch định cơ chế chính sách hỗ trợ;

- Các cơ sở dạy nghề của Nhà nước đảm nhận vai trò chính trong đào tạo nghề cho người lao động nông thôn và những nghề mà các cơ sở tư nhân không tham gia đào tạo;

- Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình thức đào tạo nghề tại các doanh nghiệp, ở các làng nghề truyền thống (Đan đát, thảm lục bình...), đào tạo nghề tại cộng đồng (Kèm cặp tại xưởng, tại nơi sản xuất, vừa học vừa làm...).

3. Định hướng về đào tạo nghề giai đoạn 2010 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020

a) Về hệ thống các cơ sở dạy nghề:

- Từ năm 2010 đến năm 2015:

+ 01 Trường Cao đẳng Nghề tỉnh Bạc Liêu;

+ 01 Trường Trung cấp Nghề tỉnh Bạc Liêu;

+ 05 Trung tâm Dạy nghề huyện (Phước Long, Hòa Bình, Hồng Dân, Giá Rai và Đông Hải);

+ 01 Trung tâm Dạy nghề - hỗ trợ việc làm trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu;

+ Ngoài 08 cơ sở dạy nghề ngoài công lập hiện có, sẽ cho phép thành lập thêm một số cơ sở dạy nghề nếu đủ điều kiện.

- Từ năm 2016 đến năm 2020:

+ 01 Trường Cao đẳng Nghề, 01 Trường Trung cấp Nghề tỉnh Bạc Liêu;

+ 03 Trường trung cấp nghề đặt tại 03 huyện (Hồng Dân, Giá Rai, Đông Hải) được nâng lên từ 03 trung tâm dạy nghề huyện;

+ 02 Trung tâm Dạy nghề huyện (Hòa Bình, Phước Long);

+ 01 Trung tâm dạy nghề - hỗ trợ việc làm trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu;

+ Dự kiến thành lập 14 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, 08 cơ sở dạy nghề hiện có, 06 cơ sở dạy nghề tại 06 huyện (Hồng Dân, Giá Rai, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Đông Hải) và một số cơ sở dạy nghề khác nếu có đủ điều kiện.

b) Về nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo:

Trong giai đoạn, phấn đấu xây dựng và hoàn thiện 03 hệ thống dạy nghề như sau:

- Thứ nhất: Hệ thống các trường dạy nghề công lập làm nhiệm vụ chủ lực trong việc đào tạo dài hạn, trước mắt trong thời gian tới hoàn chỉnh các thủ tục và điều kiện để nâng cấp Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật, Công nghệ Bạc Liêu lên thành Trường Cao đẳng Nghề;

- Thứ hai: Hệ thống các trung tâm dạy nghề huyện, làm nhiệm vụ đào tạo và liên kết đào tạo ngắn hạn;

- Thứ ba: Các cơ sở lớp dạy nghề tại cộng đồng, dạy nghề tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, đào tạo tại các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư...

c) Về ngành nghề đào tạo, gồm:

- Lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ;            

- Lĩnh vực sản xuất, chế biến nông - lâm - ngư - diêm nghiệp;

- Lĩnh vực công nghệ thông tin;  

- Lĩnh vực làng nghề truyền thống của địa phương và một số lĩnh vực khác theo nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

d) Về chương trình, giáo trình dạy nghề

Căn cứ Quyết định số 58/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy đinh về chương trình khung trình độ trung cấp nghề, chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, phấn đấu trong giai đoạn hoàn thành các nội dung công việc sau:

- Xây dựng và đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình dạy nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất và tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo tạo điều kiện liên thông;

- Xây dựng chương trình dạy nghề theo phương pháp phân tích đào tạo nghề; từng bước chuyển sang chương trình dạy nghề theo môđun;

- Đến 2010 các trường, trung tâm dạy nghề có chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp với chương trình khung. Đến năm 2015, chậm nhất đến năm 2020 các trường, trung tâm dạy nghề có chương trình giáo trình dạy nghề được xây dựng theo phương pháp tiên tiến.

đ) Về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề đáp ứng nhu cầu thực hiện quy hoạch về số lượng, trình độ đào tạo và cơ cấu ngành nghề;

- Mở rộng hình thức hợp đồng với chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, thợ bậc cao của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu làm giáo viên thỉnh giảng cho các cơ sở dạy nghề;

- Xây dựng dự án chuẩn hóa phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp; đạt chuẩn trình độ đào tạo về lý thuyết, thực hành, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề; có trình độ tin học, ngoại ngữ để áp dụng vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học;

- Thực hiện chế độ định kỳ bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề;

- Nâng cao năng lực quản lý của cán bộ quản lý Nhà nước về dạy nghề và chất lượng cán bộ quản lý dạy nghề các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và kiểm định chất lượng dạy nghề, xây dựng hệ thống thông tin quản lý về dạy nghề.

e) Cơ sở vật chất và trang thiết bị:

- Tranh thủ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục - đào tạo từ dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” cho trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề các huyện đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị dạy nghề theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa các hạng mục công trình đáp ứng cho hoạt động dạy nghề, phấn đấu đến năm 2015 trường và trung tâm dạy nghề các huyện 100% đạt chuẩn về đất đai, trang thiết bị, nhà xưởng, phòng học lý thuyết;

- Xây dựng dự án nâng cấp Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật, Công nghệ Bạc Liêu thành Trường Cao đẳng Nghề nhằm tranh thủ đầu tư từ nguồn vốn Trung ương tài trợ đạt chuẩn trang thiết bị, nhà xưởng, phòng học lý thuyết, xưởng thực hành ký túc xá và khu rèn luyện về thể chất.

V. NHU CẦU KINH PHÍ VÀ NHU CẦU SỬ DỤNG ĐẤT XÂY DỰNG, NÂNG CẤP, MỞ RỘNG CƠ SỞ DẠY NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020

1. Nhu cầu kinh phí

Tổng nhu cầu kinh phí cho công tác phát triển nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực quản lý đào tạo nghề (Kể cả tăng cường cơ sở vật chất nâng cao năng lực đào tạo) là 725 tỷ đồng, trong đó:

a) Năm 2010

Kinh phí đào tạo nghề và tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo công lập của tỉnh dự kiến: 200 tỷ đồng.

- Trung ương hỗ trợ gồm:

+ Từ nguồn vốn ODA 117 tỷ;

+ Nguồn vốn dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” 29 tỷ;

+ Nguồn vốn Đề án hỗ trợ nông dân, nông thôn là 7 tỷ;

+ Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 4 tỷ đồng;

+ Vay vốn tín dụng đầu tư trung tâm sát hạch lái xe là 37 tỷ;

+ Vốn vay tín dụng, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định của pháp luật các trường dạy nghề ngoài công lập là 2 tỷ đồng.

- Ngân sách tỉnh đầu tư gồm:

+ Hỗ trợ đào tạo cho người học nghề là 2 tỷ đồng;

+ Hỗ trợ tiền ăn và đi lại cho người học 2 tỷ đồng.

b) Năm 2011 - 2020

Dự kiến kinh phí Trung ương cho giai đoạn 2011 - 2020 từ dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện cho 10 năm là 525 tỷ đồng (Trung ương 435 tỷ đồng; địa phương 62 tỷ đồng và vay tín dụng là 28 tỷ đồng).

- Trung ương hỗ trợ gồm:

+ Nguồn vốn dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” 381 tỷ;

+ Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 54 tỷ đồng;

- Vốn vay tín dụng, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định của pháp luật các trường dạy nghề ngoài công lập là 28 tỷ đồng.

- Ngân sách tỉnh đầu tư gồm:

+ Hỗ trợ đào tạo cho người học nghề là 35 tỷ đồng;

+ Hỗ trợ tiền ăn và đi lại cho người học 27 tỷ đồng.

- Huy động thêm nguồn lực các trường, cơ sở dạy nghề ngoài công lập, (Doanh nghiệp, cá nhân và ngoài cộng đồng) để bổ sung cho việc thực hiện đề án.

Kinh phí dự kiến phân bổ đầu tư thực hiện cho từng năm và đến năm 2020 như sau:

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Chỉ tiêu

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng cộng

Ghi chú (Dự kiến từ 2016 - 2020)

Trường Cao đẳng Nghề

154

20

20

10

10

0

214

0

XD và nâng cấp thành lập trường trung cấp nghề công lập tỉnh, huyện

29

40

30

10

10

10

129

187

XD cơ sở vật chất cho trường trung cấp nghề ngoài công lập

2

2

2

2

2

2

12

18

XDCB các TT dạy nghề huyện

7

6

5

5

0

0

23

18

Kinh phi đào tạo hàng năm

6

7

8

9

10

10

50

45

Kinh phí hỗ trợ người học nghề

2

3

3

3

3

3

17

12

Tổng cộng

200

78

68

39

35

25

445

280

2. Nhu cầu về đất đai:

Thực hiện Công văn số 5763/BTNMT-ĐKTK ngày 25 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xác định nhu cầu sử dụng đất xây dựng các trường nghề trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cho phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai;

Tùy thuộc vào đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng của từng cơ sở dạy nghề cụ thể, các cơ cở dạy nghề trình cấp có thẩm quyền xin chủ trương và cơ chế đầu tư. Đồng thời tùy theo năng lực đầu tư của từng cơ sở dạy nghề và tính khả thi của đề án (Mở rộng, nâng cấp, xây mới...), các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định cho phép đầu tư đúng theo quy định của pháp luật về chính sách xã hội hóa dạy nghề và Luật Dạy nghề đối với việc tổ chức mạng lưới cơ sở dạy nghề theo từng cấp, từng khu vực (Trong và ngoài thành phố). Nếu thành lập trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề hoặc trung tâm dạy nghề theo Quyết định số 71/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2008 quy định như sau:

- Đối với trường cao đẳng nghề:

+ Đất sử dụng tối thiểu 20.000m2 đối với khu vực đô thị, 40.000m2 đối với khu vực ngoài đô thị;

+ Quy mô đào tạo 700 học sinh, sinh viên;

+ Số lượng nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng nghề tối thiểu là 3 nghề.

- Đối với trường trung cấp nghề:

+ Đất sử dụng tối thiểu 10.000m2 đối với khu vực đô thị, 30.000m2 đối với khu vực ngoài đô thị;

+ Quy mô đào tạo 500 học sinh;

+ Số lượng nghề đào tạo ở trình độ trung cấp nghề tối thiểu là 3 nghề.

- Đối với trung tâm dạy nghề:

+ Diện tích sử dụng tối thiểu là 1.000m2 đối với khu vực đô thị, 2.000m2 đối với khu vực ngoài đô thị;

+ Diện tích phòng học lý thuyết tối thiểu đạt 1,3m2/01 học sinh quy đổi;

+ Diện tích cơ sở thực hành tối thiểu đạt 2,5m2/01 học sinh quy đổi.

VI. VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Xác định vùng phát triển kinh tế - xã hội để đào tạo theo các hướng: Công nghệ thông tin, công nghiệp - dịch vụ, du lịch, sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng nông - lâm - diêm nghiệp - thủy, hải sản.

Đào tạo nhằm xuất khẩu lao động, hoặc gửi đi đào tạo trình độ công nghệ cao ở ngoài nước, ngoài tỉnh, để người lao động có đủ kiến thức, năng lực đáp ứng thị trường lao động của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung trong xu thế hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh hiện nay theo Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 11 tháng 8 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2008 - 2010 và định hướng đến năm 2020.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đã giao cho các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã. Các đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt Đề án này theo đúng nội dung, kế hoạch đã được duyệt và đảm bảo hiệu quả, trong đó:

1. Đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo nghề chịu trách nhiệm điều phối, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan thực hiện nội dung trong quy hoạch đào tạo nghề được duyệt trên địa bàn tỉnh, theo dõi và đôn đốc, giám sát việc thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.

2. Đối với Sở Nội vụ

Chủ trì phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc chọn, xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ chủ chốt làm công tác quản lý và đào tạo nghề; thẩm định và trình cấp có thẩm quyền đề nghị cử cán bộ đi đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng trong công tác quản lý và đào tạo nghề (Trong lĩnh vực được phân công). Thực hiện việc điều động, bổ nhiệm đối với cán bộ làm công tác quản lý đào tạo nghề trong thẩm quyền được giao.

3. Đối với sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc cụ thể hóa chủ trương phân luồng học sinh sau phổ thông cơ sở, phổ thông trung học và xây dựng chương trình liên thông liên kết trong đào tạo.

4. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội Vụ và các cơ quan liên quan cân đối ngân sách đầu tư hàng năm của tỉnh trên cơ sở đầu tư có mục tiêu về dạy nghề và chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục - đào tạo và dạy nghề của tỉnh hàng năm, trình cấp thẩm quyền quyết định để làm cơ sở thực hiện. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc huy động nguồn lực đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức kinh tế trong khu vực; đồng thời cân đối nguồn đầu tư của ngân sách tỉnh trong quá trình đối ứng.

5. Đối với sở Tài chính

Có trách nhiệm bố trí ngân sách cho các hoạt động, đồng thời có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc sử dụng kinh phí theo đúng quy định hiện hành.

6. Đối với Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường

Có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ cho mục đích phát triển mạng lưới trường nghề trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

7. Đối với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan

Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện những công việc liên quan đến ngành.

Trong quá trình thực hiện đề án, nếu có gì vướng mắc hoặc chưa phù hợp, đề nghị các ngành, các cấp phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (Qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) để xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.