Nghị quyết 19/2009/NQ-HĐND ban hành quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Bạc Liêu do Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa VII, kỳ họp thứ 17 ban hành
Số hiệu: 19/2009/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu Người ký: Nguyễn Văn Út
Ngày ban hành: 10/12/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 19/2009/NQ-HĐND

Bạc Liêu, ngày 10 tháng 12 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CƠ SỞ DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 CỦA TỈNH BẠC LIÊU

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 17

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định 70/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ về quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về dạy nghề;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới Trường cao đẳng Nghề, Trường Trung cấp Nghề, Trung tâm Dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Xét Tờ trình số 138/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2010 của tỉnh Bạc Liêu; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng nhân dân và ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Bạc Liêu như sau:

1. Mục tiêu:

Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề nhằm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp tham gia sản xuất và có đủ năng lực tiếp cận với trình độ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Định hướng từ năm 2010 đến năm 2015:

Trên địa bàn tỉnh có 01 trường cao đẳng nghề, 01 trường trung cấp nghề, 05 trung tâm dạy nghề huyện, 01 trung tâm dạy nghề - hỗ trợ việc làm trực thuộc Hội Nông dân tỉnh và một số cơ sở dạy nghề ngoài công lập.

2.2. Định hướng từ năm 2016 đến năm 2020:

Ngoài số trường đã xây dựng, nâng cấp 03 Trung tâm dạy nghề huyện Hồng Dân, Giá Rai và Đông Hải lên thành 03 trường trung cấp nghề và cho phép thành lập thêm một số cơ sở dạy nghề ngoài công lập khi có đủ điều kiện.

2.3. Về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý:

Quy hoạch, đào tạo chuẩn hóa nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý; nâng dần tỷ lệ giáo viên có trình độ sau đại học tại các trường dạy nghề; có chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ trình độ cao về công tác tại các trường dạy nghề trong tỉnh; xây dựng và thực hiện tốt chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề trong các cơ sở dạy nghề các cấp theo thẩm quyền.

3. Về kinh phí:

Tổng nguồn vốn cần huy động để đảm bảo thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh từ nay đến năm 2020 là 725 tỷ đồng (Bảy trăm hai mươi lăm tỷ đồng), cụ thể như sau:

a) Năm 2010: Kinh phí đào tạo nghề, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các trường, trung tâm dạy nghề từ nguồn ngân sách Trung ương đầu tư, ngân sách địa phương và nguồn vốn liên kết, nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động, nguồn vốn vay và các nguồn vốn khác là 200 tỷ đồng (Hai trăm tỷ đồng), trong đó, nguồn vốn từ ngân sách địa phương đầu tư là 04 tỷ đồng (Bốn tỷ đồng);

b) Giai đoạn 2011 - 2020: Dự kiến tổng mức đầu tư là 525 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đầu tư, ngân sách địa phương và nguồn vốn liên kết, nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động, nguồn vốn vay và các nguồn vốn khác, trong đó, nguồn vốn từ ngân sách địa phương đầu tư là 62 tỷ đồng (Sáu mươi hai tỷ đồng).

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa VII, kỳ họp thứ 17 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Út