Quyết định 30/2012/QĐ-UBND về Quy định dạy, học thêm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Số hiệu: 30/2012/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Người ký: Lê Thanh Dũng
Ngày ban hành: 09/10/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 30/2012/QĐ-UBND

Bà Rịa, ngày 09 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số: 1087/TTr-SGDĐT ngày 26 tháng 9 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 26/2010/QĐ-UBND ngày 26/7/2010 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc ban hành Quy định dạy thêm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh BRVT;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Như Điều 3;
- Website Sở GD&ĐT;
- Lưu: VT-THV2

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Dũng

 

QUY ĐỊNH

VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2012 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về trách nhiệm quản lý, thẩm quyền cấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (có thu tiền); việc thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

2. Văn bản này áp dụng đối với người dạy thêm và các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Điều 2. Thời gian dạy thêm

1. Dạy thêm trong nhà trường: mỗi tuần không quá 5 buổi, mỗi buổi không quá 4 tiết. Không xếp thời khóa biểu dạy thêm chung với giờ học chính khóa trên lớp và phải biên chế lớp học theo trình độ đối tượng học sinh.

2. Dạy thêm ngoài nhà trường: các trung tâm tổ chức dạy thêm thực hiện mỗi tuần không quá 5 buổi, mỗi buổi không quá 4 tiết.

- Buổi sáng: Trong khoảng từ 7 giờ đến 11 giờ 30.

- Buổi chiều: Trong khoảng từ 13 giờ 30 đến trước 20 giờ.

3. Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong khoảng thời gian sau 20giờ00 (tối) và trước 6giờ00 (sáng). Hạn chế tổ chức dạy thêm, học thêm trong ngày chủ nhật;

Điều 3. Nguyên tắc dạy thêm, học thêm

Dạy thêm, học thêm được tiến hành phải tuân thủ đúng các nguyên tắc dạy thêm, học thêm theo điều 3 và điều 4 của Thông tư 17 (Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT , ngày 16 tháng 5 năm 2012 Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Sau đây gọi tắt là thông tư 17); trong đó cần chú trọng những nguyên tắc trọng yếu sau:

1. Nội dung dạy thêm là những chuyên đề, hệ thống kiến thức nhằm củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách cho học sinh. Không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa. Không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học;

2. Dạy thêm, học thêm phải dựa trên nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Không cắt giảm những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm;

3. Khi tổ chức lớp dạy thêm, học thêm cần phân loại trình độ học sinh. Khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa;

Điều 4. Yêu cầu đối với người tham gia hoạt động dạy thêm, học thêm

1. Thực hiện các yêu cầu của điều 8 và điều 9 của thông tư 17;

2. Thủ trưởng cơ quan chỉ cho phép giáo viên dạy giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt, có lương tâm nghề nghiệp tham gia dạy thêm.

3. Kiên quyết không cho phép giáo viên có năng lực yếu hoặc có biểu hiện trù dập, phân biệt đối xử đối với học sinh, tham gia hoạt động dạy thêm, học thêm.

4. Về cơ sở vật chất; Thực hiện theo điều 10 của thông tư 17. Tuyệt đối không dùng các loại bàn ghế có kích thước không phù hợp với độ tuổi của học sinh.

Điều 5. Thu và quản lý tiền học thêm

Thực hiện theo điều 7 của thông tư 17. Ngoài ra cần lưu ý một số điểm trọng yếu sau:

1. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường:

a) Mức thu tiền học thêm được thực hiện như sau:

- Đầu năm học nhà trường xây dựng phương án thu, chi theo nguyên tắc thu đủ bù chi không có lợi nhuận, từ đó đưa ra mức thu tiền học thêm.

- Thống nhất với Cha mẹ học sinh lớp, thông qua Ban đại diện Cha mẹ học sinh nhà trường về phương án thu, chi tiền học thêm và mức thu tiền học thêm.

- Sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, trường thống nhất thông qua (tất cả các thành viên trong ban đại diện đều ký), mức thu tiền học thêm sẽ được áp dụng cho năm học đó.

b) Nội dung và tỷ lệ chi: Chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm; công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước, văn phòng phẩm; chi sửa chữa, mua sắm tài sản phục vụ dạy thêm, cụ thể:

- 80% tổng thu tiền học thêm/lớp: Chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm.

- 05% tổng thu tiền học thêm/lớp: Chi sửa chữa, mua sắm tài sản phục vụ dạy thêm.

- 15% tổng thu tiền học thêm/lớp: Chi điện, nước, văn phòng phẩm, công tác quản lý, quản sinh, bộ phận thu tiền, bảo vệ phục vụ cho công tác dạy thêm, học thêm của nhà trường.

c) Quản lý và sử dụng tiền học thêm:

- Nộp các khoản thuế theo quy định (nếu có).

- Căn cứ tỷ lệ chi Nhà trường xây dựng mức chi cụ thể cho một số nội dung chi đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của Nhà trường theo các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

- Nhà trường phải thực hiện đầy đủ hồ sơ, sổ sách kế toán, chứng từ thu, chi và thanh quyết toán theo chế độ kế toán hiện hành.

2. Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:

- Mức thu được thực hiện theo thỏa thuận giữa các tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm với người học.

- Tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế theo quy định và hướng dẫn của Cơ quan thuế.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân dạy thêm phải có nghĩa vụ nộp thuế theo đúng quy định của Nhà nước.

Chương 2.

CẤP PHÉP TỔ CHỨC DẠY THÊM, HỌC THÊM

Điều 6. Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm

1. Ủy quyền cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học phổ thông.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố ủy quyền cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học cơ sở hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học cơ sở.

Điều 7. Cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm

Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở GDĐT và Phòng GDĐT ra văn bản Hướng dẫn thực hiện các thủ tục, trình tự, hồ sơ xin cấp phép mở lớp dạy thêm, học thêm theo qui định.

Chương 3.

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY THÊM, HỌC THÊM

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Sở GDĐT có trách nhiệm quản lý việc dạy thêm học thêm; chủ động tổ chức việc thanh kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở tổ chức dạy thêm, học thêm; xử lý các trường hợp vi phạm qui định dạy thêm, học thêm.

2. Hướng dẫn việc thực hiện quy định này đối với cá nhân, tổ chức ngoài nhà trường và các đơn vị trong ngành có tham gia dạy thêm. Tổ chức quán triệt chủ trương của Nhà nước quy định về dạy thêm, học thêm đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành. Chỉ đạo các đơn vị cơ sở thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ về chuyên môn để ngăn chặn các hành vi tiêu cực, ép học sinh học thêm tràn lan trái với quy định.

3. Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng; các sở, ban, ngành liên quan tổ chức phổ biến, thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo hiệu lực của Quy định về dạy thêm, học thêm; phát hiện những biểu hiện tiêu cực, phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

4. Thẩm định, cấp và thu hồi giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân mở các lớp dạy thêm theo thẩm quyền.

5. Phối hợp với các cơ quan chức năng; các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm; phối hợp cùng các cơ quan, đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh học sinh nắm được chủ trương của Nhà nước về dạy thêm, học thêm để việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn hoạt động đạt hiệu quả.

6. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan điện thoại và địa chỉ E-mail của bộ phận tiếp dân để tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân về những vấn đề tiêu cực trong dạy thêm, học thêm trên địa bàn để kịp thời xử lý.

7. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với Ủy ban nhân dân tỉnh. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

1. Ủy quyền cho Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp phép và quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định; chủ động tổ chức việc thanh kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở tổ chức dạy thêm, học thêm cũng như việc xử lý các vi phạm.

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã (phường, thị trấn) có trách nhiệm xác nhận vào hồ sơ xin cấp hoặc gia hạn giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường cho các tổ chức và cá nhân có đủ điều kiện theo quy định.

3. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở GD&ĐT về tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

4. Phối hợp với sở Giáo dục và Đào tạo, các Ban ngành liên quan để việc tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn đảm bảo đúng theo Qui định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo

1. Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo của UBND các huyện, thành phố; của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện Quy định dạy thêm, học thêm; tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo hiệu lực của quy định về dạy thêm, học thêm; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

2. Thẩm định, cấp và thu hồi giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân mở các lớp dạy thêm theo thẩm quyền.

3. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan điện thoại và địa chỉ E-mail của bộ phận tiếp dân để tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân về những vấn đề tiêu cực trong dạy thêm, học thêm trên địa bàn để kịp thời xử lý.

4. Thực hiện việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của tổ chức, cá nhân theo quy định. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

5. Phổ biến, chỉ đạo các trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm.

6. Tổ chức hoặc phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra nội dung dạy thêm, học thêm; phát hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

7. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND cấp huyện.

Điều 11. Trách nhiệm của Hiệu trưởng và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục

1. Tổ chức và quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường dạy học theo chương trình phổ thông; bảo đảm quyền, lợi ích của người học; kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của cán bộ, giáo viên do nhà trường mình quản lý.

2. Quản lý, tổ chức việc dạy và học chính khóa, đảm bảo các nguyên tắc dạy thêm, học thêm quy định tại điều 3 của thông tư 17; quản lý việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh, xác nhận các nội dung yêu cầu đối với người dạy thêm theo quy định tại khoản 5, điều 8 của thông tư 17 nhằm ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.

3. Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; định kỳ tổng kết theo năm học và báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm theo yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục.

4. Chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm, học thêm; quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường

1. Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

2. Quản lý và đảm bảo quyền của người học thêm, người dạy thêm. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm phải báo cáo cơ quan cấp phép và thông báo công khai cho người học thêm biết trước ít nhất là 30 ngày. Hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học thêm tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện, thanh toán đầy đủ kinh phí với người dạy thêm và các tổ chức, cá nhân liên quan.

3. Quản lý, lưu giữ và xuất trình khi được thanh tra, kiểm tra hồ sơ dạy thêm, học thêm bao gồm: hồ sơ cấp giấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; danh sách người học thêm; thời khóa biểu dạy thêm; đơn xin học thêm, hồ sơ tài chính theo quy định hiện hành.

4. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền, của cơ quan có trách nhiệm quản lý giáo dục các cấp trong việc thực hiện qui định về dạy thêm, học thêm; thực hiện báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý.

Điều 13. Các yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm trong nhà trường

1. Thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục đăng ký mở lớp dạy thêm theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng GD&ĐT.

2. Thực hiện đúng các quy định về dạy thêm. Đảm bảo việc học thêm là tự nguyện, không được ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Tự chịu trách nhiệm về tổ chức, quản lý nhóm, lớp, về nội dung chương trình và chất lượng dạy thêm. Không được lợi dụng việc mở lớp dạy thêm để truyền bá tôn giáo, xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

3. Chịu sự kiểm tra và xử lý của các cơ quan quản lý có thẩm quyền về việc thực hiện các quy định dạy thêm và an ninh trật tự tại địa phương.

4. Chỉ được mở lớp khi được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép dạy thêm và báo cáo với cơ quan cấp giấy phép khi có thay đổi về lớp học hoặc ngưng việc mở lớp.

5. Đối với các tổ chức, cá nhân mở lớp dạy thêm phải mở sổ sách thu, chi học phí, làm cơ sở cho việc quản lý và kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Chương 4.

THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 14. Thanh tra, kiểm tra

Hoạt động dạy thêm, học thêm chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục, của các cơ quan thanh tra Nhà nước, thanh tra chuyên ngành có liên quan, của chính quyền các cấp.

Điều 15. Xử lý vi phạm

1. Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm quy định về dạy thêm học thêm, có hành vi lừa đảo hoặc tổ chức dạy thêm học thêm trái quy định, vi phạm các quy định về an ninh trật tự an toàn xã hội thì tuỳ mức độ bị áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

3. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.