Quyết định 2416/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt “Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2020
Số hiệu: 2416/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái Người ký: Nguyễn Văn Ngọc
Ngày ban hành: 28/12/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2416/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 28 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC: PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2006 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999; Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000; Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính phủ về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Quyết định số 158/2001/QĐ-TTg ngày 18/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển Bưu chính, Viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng tới 2020;

Căn cứ Quyết định số 236/2005/QĐ-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông đến 2020;

Căn cứ Quyết định số 32/2006/QĐ-TTg ngày 07/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QH phát triển Viễn thông và Internet Việt Nam đến 2010;

Căn cứ Quyết định số 116/2006/QĐ-TTg ngày 26/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Yên Bái thời kỳ 2006 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 232/2005/QĐ-UBND ngày 04/8/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Quy định một số nội dung quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái;

Căn cứ Quyết định số 384/QĐ-UBND ngày 23/10/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng dự án Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 21/TTr-SBCVT ngày 14/12/2007 của Sở Bưu chính, Viễn thông về việc xin phê duyệt “Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2020” và hồ sơ dự án quy hoạch kèm theo;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 297/TTr-SKHĐT ngày 28/12/2007 về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2020” và hồ sơ dự án quy hoạch đã được chỉnh sửa, bổ sung trên cơ sở ý kiến tham gia của các chuyên gia; Ý kiến tham gia của các Sở, ngành gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư ngày 27/12/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2020”:

1. Tên dự án: Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2020.

2. Chủ dự án:

- Chủ dự án: Sở Bưu chính, Viễn thông tỉnh Yên Bái.

- Đơn vị lập dự án quy hoạch: Viện nghiên cứu chiến lược Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin - Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông).

3. Địa điểm thực hiện dự án: Trên địa bàn toàn tỉnh.

4. Nội dung quy hoạch:

4.1. Hiện trạng Bưu chính, Viễn thông tỉnh Yên Bái đến năm 2006:

4.1.1. Bưu chính:

a- Cơ sở hạ tầng bưu chính:

- Mạng bưu cục, điểm phục vụ:

Theo số liệu thống kê đến hết năm 2006 toàn tỉnh có 206 điểm phục vụ. (Trong đó bao gồm 1 bưu cục cấp 1; 8 bưu cục cấp 2; 23 bưu cục cấp 3; 153 điểm bưu điện văn hóa xã; 21 điểm đại lý bưu điện) phân bố trên toàn tỉnh. Bán kính phục vụ bình quân của một điểm phục vụ toàn tỉnh là 3,26 km, số dân phục vụ bình quân là 3.559 người.

- Trang thiết bị bưu chính:

Thống kê toàn tỉnh: 10 thiết bị máy in cước, 2 máy xóa tem, 67 cân điện tử và 2 máy gói buộc bưu kiện.

- Ứng dụng Công nghệ thông tin trong bưu chính:

Hiện mới chỉ có duy nhất bưu cục trung tâm tỉnh Yên Bái được ứng dụng CNTT trong các loại dịch vụ. Toàn bộ các bưu cục cấp 2 được ứng dụng trong các dịch vụ tiết kiện bưu điện, chuyển tiền, phát hành báo chí và ứng dụng để tính cước (chưa được ứng dụng trong dịch vụ EMS).

Có 13/23 bưu cục cấp 3 có ứng dụng CNTT trong bưu chính, nhưng ngoài bưu cục cấp 3 tại Km5 Yên Bái thì 12 bưu cục còn lại chỉ ứng dụng CNTT trong việc tính cước.

- Mạng vận chuyển bưu chính:

+ Mạng vận chuyển VNPT: Chia làm 03 cấp đường thư: 01 tuyến cấp I, 06 tuyến cấp II, 106 tuyến cấp III.

+ Mạng vận chuyển của các doanh nghiệp khác: Không phân chia theo cấp đường thư mà vận chuyển thẳng về trung tâm chia chọn.

b. Dịch vụ bưu chính:

Thống kê toàn tỉnh có 5% điểm cung cấp dịch vụ tiết kiệm Bưu điện (TKBĐ), 12% cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhanh (CTN), 12% cung cấp dịch vụ điện hoa và 10% cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh (EMS).

c. Hiện trạng lao động bưu chính:

Tổng lao động bưu chính toàn tỉnh là 231 người. Trong đó 9,96% trình độ đại học; 26,41% trung cấp; 56,71% công nhân; 6,93% lao động phổ thông.

4.1.2 .Viễn thông:

a. Cơ sở hạ tầng mạng viễn thông:

- Mạng chuyển mạch:

Bao gồm 22 điểm chuyển mạch trong đó: 1 tổng đài Host, 14 tổng đài vệ tinh, 7 tổng đài độc lập và 21 bộ tập trung thuê bao.

Dung lượng lắp đặt toàn tỉnh đạt 59.160 lines, sử dụng 42.103 lines đạt hiệu suất 71%.

- Mạng truyền dẫn:

+ Mạng truyền dẫn liên tỉnh:

Tỉnh Yên Bái gồm có ba tuyến truyền dẫn liên tỉnh: 2 tuyến của VTN (1 tuyến truyền dẫn quang, 1 tuyến viba), 1 tuyến Viettel (truyền dẫn quang).

+ Mạng truyền dẫn nội tỉnh:

Theo số liệu thống kê đến hết năm 2006 thì trên địa bàn toàn tỉnh có 72 tuyến truyền dẫn, trong đó 45 tuyến truyền dẫn quang, với tổng số 687,2 km cáp quang đã được kéo đến 8/9 trung tâm huyện (ngoại trừ huyện Mù Cang Chải). 27 tuyến truyền dẫn Viba.

- Mạng ngoại vi:

Mạng cáp gốc tỉnh Yên Bái chủ yếu là của bưu điện tỉnh. Tổng số đôi cáp lắp đặt 51.530 đôi, sử dụng 43.669 đôi.

Tại khu vực thành phố, thị xã và trung tâm các huyện cáp gốc đã được đi ngầm, còn ở khu vực các xã chủ yếu sử dụng cáp treo. Tỷ lệ ngầm hóa toàn tỉnh chiếm 78%

- Mạng thông tin di động:

Tỉnh Yên Bái hiện có 5 doanh nghiệp xây dựng hạ tầng mạng thông tin di động. 03 mạng điện thoại di động sử dụng công nghệ GSM: Vinaphone, Mobifone, Viettel. Trong đó Vinaphone có 15 trạm phát sóng (BTS), Viettel có 20 trạm, Mobifone có 01 trạm. 02 mạng điện thoại di động sử dụng công nghệ CDMA đang cung cấp dịch vụ: EVN Telecom và SFone. EVN Telecom có 07 trạm phát sóng (BTS). SFone có 02 trạm.

Thống kê theo xã: 45/159 xã có sóng điện thoại di động.

Mạng Internet và VoIP:

Mạng ADSL tỉnh Yên Bái bao gồm 15 DSLAM trong đó được đặt chủ yếu tại trung tâm thành phố Yên Bái và trung tâm các huyện. Mạng Internet băng rộng đã triển khai đến 7/9 đơn vị hành chính tỉnh Yên Bái, ngoại trừ huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, trong 7 đơn vị hành chính thì thuê bao băng rộng mới được triển khai hầu hết ở khu vực trung tâm.

b. Dịch vụ viễn thông:

Mật độ điện thoại cố định năm 2006 đạt 6,41 máy/ 100 dân.

Mật độ điện thoại di động đạt 21,26 máy/ 100 dân.

Mật độ Internet 0,2 thuê bao/100 dân, tỷ lệ người sử dụng Internet <7%.

c. Hiện trạng lao động viễn thông:

Tổng lao động viễn thông toàn tỉnh là 349 người. Trong đó 0,29% trình độ trên đại học; 28,65% trình độ đại học; 22,92% trung cấp và cao đẳng; 48,14% công nhân.

4.1.3. Đánh giá về hiện trạng Bưu chính, Viễn thông:

a. Kết quả đạt được:

Mạng lưới Bưu chính, Viễn thông có độ phủ khá tốt, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, có khả năng nâng cấp để đáp ứng các dịch vụ mới. Tất cả các xã đã có máy điện thoại, khả năng tiếp cận dịch vụ trên địa bàn thành phố và trung tâm các huyện tương đối dễ dàng…

Các loại hình dịch vụ phong phú, tuy mức độ sử dụng chưa cao.

Các dịch vụ bưu chính mới, dịch vụ điện thoại di động tăng nhanh, dịch vụ truyền thống đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm;

b. Điểm yếu:

So với các tỉnh đồng bằng, các chỉ tiêu phát triển Bưu chính, Viễn thông của Yên Bái còn ở mức thấp, mật độ người sử dụng thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước; dịch vụ Internet ADSL chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; khoảng cách về số người sử dụng dịch vụ ở nông thôn và thành thị còn khá lớn;

Đầu tư phát triển mạng ít được thực hiện theo kế hoạch dài hạn, thường bị động, chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt và kinh doanh, lợi nhuận dẫn đến sự bất cập về mạng chuyển mạch và phát triển hạ tầng mạng nội hạt, một số tụ điểm dân cư ngay trong nội thị không được đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thoại và Internet;

Mạng thông tin di động mới phủ sóng tới các trung tâm huyện, nhiều nơi độ phủ sóng còn yếu, ngay cả trên các tuyến giao thông từ trung tâm thành phố Yên Bái đến trung tâm các huyện việc phủ sóng di động vẫn rất hạn chế.

Mô hình tổ chức và hoạt động của các điểm Bưu điện Văn hoá xã chưa phù hợp, các hoạt động về văn hoá chưa nhiều, doanh thu thấp, có nơi doanh thu dưới 100.000đ/ tháng, hiệu quả xã hội không cao.

Một số chỉ tiêu chất lượng mạng lưới của Yên Bái ở mức thấp, mạng điện thoại cố định phát triển không đón đầu nhu cầu thị trường, gây bất cập về xây dựng hạ tầng, tối ưu mạng.

Có sự chênh lệch lớn giữa các huyện và thị xã, thành phố, tại thành phố Yên Bái đạt mật độ điện thoại cố định rất cao, trong khi các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu mật độ điện thoại rất thấp.

Mạng truyền dẫn vẫn sử dụng chủ yếu là truyền dẫn viba. Đặc biệt huyện Mù Cang Chải đến cuối năm 2006 vẫn chưa có cáp quang đến trung tâm huyện.

Nguồn nhân lực đã được phát triển mở rộng, đào tạo và tái đào tạo, nhưng do có nhiều công nghệ mới, môi trường kinh doanh chuyển đổi nhanh từ độc quyền sang cạnh tranh dẫn đến thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, phát triển thị trường. So với các thành phố lớn, và các tỉnh đồng bằng thì Yên Bái vẫn thiếu chuyên gia có kinh nghiệm, trình độ. Đội ngũ nhân viên ở các điểm Bưu điện Văn hoá xã chủ yếu là lao động địa phương, chưa được đào tạo đầy đủ nên chất lượng và hiệu quả rất thấp;

Tuy mạng lưới đạt độ phủ tốt nhưng mức độ sử dụng dịch vụ rất hạn chế, khách hàng đa phần sử dụng dịch vụ cơ bản (dịch vụ thoại, thư) các dịch vụ mới, dịch vụ giá trị gia tăng có doanh thu không đáng kể. Các dịch vụ liên quan đến ứng dụng chính phủ điện tử, thương mại điện tử, trợ giúp sản xuất nông nghiệp, đào tạo người dân chưa được tiếp cận. Người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ứng dụng ở mức sơ khai, Internet chưa được ứng dụng nhiều cho công việc, chủ yếu dùng cho giải trí và dịch vụ.

c. Nguyên nhân:

Xuất phát điểm nền kinh tế và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp. Các doanh nghiệp chưa có nhiều dịch vụ cung cấp các ứng dụng thiết thực, giá dịch vụ còn cao so với mức sống của người dân, trình độ sử dụng, khai thác thông tin ở nông thôn còn hạn chế.

Yên Bái mới bắt đầu có sự cạnh tranh cung cấp dịch vụ Bưu chính, Viễn thông, thị trường Bưu chính, Viễn thông còn nhỏ chủ yếu tập trung ở Thành phố, chưa hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mạng và điểm phục vụ tại các huyện và xã vùng cao.

Thiếu quy hoạch, kế hoạch dài hạn về Bưu chính, Viễn thông, dẫn đến bị động trong việc xây dựng hạ tầng mạng lưới và phát triển dịch vụ, không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

4.2. Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2015 và định hướng đến 2020:

4.2.1- Mục tiêu phát triển Bưu chính, Viễn thông:

a. Mục tiêu phát triển Bưu chính:

Phát triển các dịch vụ tài chính mới như: dịch vụ trả lương hưu, dịch vụ thanh toán, dịch vụ nhờ thu, phát cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ.

Phát triển các dịch vụ đại lý cho viễn thông như phát hóa đơn, thu cước, tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ.

Phát triển hệ thống mạng điểm phục vụ, cho phép các dịch vụ tiếp cận tới gần người dân hơn và chất lượng phục vụ được nâng cao hơn. Giảm chỉ tiêu số dân phục vụ bình quân xuống mức <2.300 người/điểm phục vụ.

Duy trì tốc độ tăng doanh thu hàng năm từ 12% - 20%.

b. Mục tiêu phát triển Viễn thông

Đến năm 2010:

Yên Bái phấn đấu các chỉ tiêu viễn thông đạt mức khá của cả nước (mật độ điện thoại toàn tỉnh phấn đấu ở mức 45máy/100 dân trong đó mật độ điện thoại cố định là 16 máy/100 dân và điện thoại di động là 29 máy/100 dân, mật độ thuê bao Internet đạt 3 máy/100 dân, số dân sử dụng Internet đạt 30 máy/100 dân).

Đẩy mạnh việc phổ cập dịch vụ điện thoại cố định và internet đến tất cả các xã trong tỉnh. Đảo đảm 100% số xã có điểm truy cập dịch vụ điện thoại công cộng, 70% số xã có điểm truy cập internet công cộng, 100% số huyện được cung cấp dịch vụ internet băng rộng.

Phổ cập các dịch vụ viễn thông tới tất cả các xã, thôn trong tỉnh; Cung cấp các dịch vụ viễn thông đa dạng phong phú cho người tiêu dùng; bảo đảm 100% người sử dụng được truy cập miễn phí các dịch vụ bắt buộc: thông tin cứu hỏa; cấp cứu ý tế; thông tin khẩn cấp về an ninh, trật tự xã hội. Duy trì và mở rộng, bảo đảm thông tin tìm kiếm, cứu nạn và phòng chống thiên tai.

Các trường học, bệnh viện được kết nối Internet; các sở, ban, ngành, chính quyền cấp tỉnh và huyện xã được kết nối Internet và kết nối với mạng diện rộng của tỉnh. Đảm bảo hạ tầng viễn thông, Internet cho ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, các dịch vụ ngân hàng, tài chính, hải quan…

Đến năm 2015:

Mật độ thuê bao toàn tỉnh đạt 85 máy/100 dân trong đó thuê bao cố định đạt 35 máy/100 dân, thuê bao di động đạt 50 máy/100 dân, mật độ thuê bao Internet đạt 9 máy/100 dân, số dân sử dụng Internet đạt 70%.

Nâng cấp chất lượng kết nối, đáp ứng được hạ tầng cho tất cả các ứng dụng của các sở ban ngành, chính quyền các cấp.

Phát triển hạ tầng mạng viễn thông khu vực nông thôn, vì theo dự báo giai đoạn này nhu cầu viễn thông ở khu vực này sẽ phát triển mạnh.

4.2.2. Nội dung Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2015 và định hướng đến 2020:

4.2.2.1 Quy hoạch phát triển về Bưu chính:

a- Điểm phục vụ:

- Thành Phố Yên Bái:

Hướng Đông phát triển áp sát tới đường 37, khu vực thị trấn Yên Bình tạo thành chuỗi không gian đô thị. Quy hoạch 5 điểm đại lý bưu điện.

Hướng Tây phát triển về khu vực xã Tuy Lộc và Nam Cường, quy hoạch 5 điểm đại lý bưu điện.

Hướng Đông Nam phát triển ra khu vực Văn Phú, xây dựng khu công nghiệp Văn Phú. Quy hoạch 5 điểm đại lý bưu điện.

Hướng Nam sông Hồng sẽ là khu vực phát triển mạnh của tỉnh, hướng ra khu vực đường cao tốc xuyên Á theo dự án của Chính phủ (Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 02/3/2005) hướng này phát triển 05 đại lý.

Ngoài ra phát triển 10 điểm tại trung tâm thành phố Yên Bái.

-Thị xã Nghĩa Lộ:

Hướng Bắc: Quy hoạch thêm 5 điểm dọc theo đường quốc lộ 32.

Hướng Tây: Phát triển 5 điểm đại lý bưu điện dọc theo đường tỉnh lộ đi Trạm Tấu.

Hướng Nam: Phát triển 5 điểm đại lý bưu điện dọc theo đường quốc lộ 32 đến hết địa phận phường Cầu Thia.

Hướng Đông: Phát triển 3 điểm đại lý bưu điện tại một số tuyến đường mới đến các khu dân cư của xã Nghĩa Lợi và xã Phù Nham.

Quy hoạch 7 điểm tại trung tâm thị xã Nghĩa Lộ.

- Huyện Văn Yên:

Quy hoạch 13 điểm tại khu vực các xã dọc quốc lộ 151.

- Huyện Lục Yên:

Quy hoạch 20 điểm tại khu vực dọc quốc lộ 70 và 152, và TT Yên Thế.

- Huyện Yên Bình:

Quy hoạch 12 điểm dọc theo quốc lộ 70 và các xã Ngọc Chấn, Xuân Long, Xuân Lai, Vũ Linh, Vĩnh Kiên.

- Huyện Văn Chấn:

Quy hoạch 12 điểm các xã dọc quốc lộ 32 và một số xã như Bình Thuận, Chấn Thịnh.

-Huyện Trạm Tấu:

Quy hoạch 10 điểm trong đó 3 điểm tại trung tâm huyện Trạm Tấu và các xã Xà Hồ, Túc Đán, Bản Mù, Lang Nhì…

-Huyện Mù Cang Chải:

Quy hoạch 10 điểm tại trung tâm huyện Mù Cang Chải và các xã: Kim Nọi, Dế Su Phình, Lao Chải, Mồ Dề…

-Huyện Trấn Yên: Quy hoạch 6 điểm đại lý bưu điện.

Như vậy: Đến năm 2015 hệ thống mạng lưới bưu cục và điểm phục vụ tỉnh Yên Bái tăng thêm 143 điểm, nâng tổng số điểm phục vụ trên toàn tỉnh là 349 điểm, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,5km, số dân phục vụ bình quân đạt 2.307 người trên một điểm phục vụ.Với hệ thống điểm phục vụ phát triển như vậy, sẽ gắn liền với nhu cầu sử dụng đất sẽ tăng lên.

Với hình thức điểm đại lý bưu điện thì địa điểm sẽ do cá nhân hộ gia đình chịu trách nhiệm.

Đối với hệ thống các điểm bưu điện văn hóa xã đã xây dựng sẽ tiến hành mở rộng diện tích, nhằm đáp ứng tốt mặt bằng thực hiện dự án phổ cập Internet đến các điểm bưu điện văn hóa xã. Diện tích để mở rộng mỗi điểm là 20m2. Với 153 điểm bưu điện văn hóa xã hiện có sẽ cần 3.060m2.

b. Trang thiết bị bưu chính:

Năm 2008: Trang bị cho 50% các bưu cục cung cấp đầy đủ các dịch vụ về bưu chính.

Năm 2010: Trang bị cho 100% các bưu cục cấp 3 là các bưu cục đa dịch vụ về bưu chính.

Năm 2012: Xây dựng xong trung tâm chia chọn cấp tỉnh.

- 100% các điểm bưu điện văn hóa xã là các điểm đa dịch vụ, cung cấp đa dịch vụ tại 153 điểm bưu điện văn hóa xã.

- Hoàn thành việc tin học hóa trong các bưu cục trên toàn tỉnh.

c. Ứng dụng tin học:

Năm 2008: ứng dụng tin học cho 50% các bưu cục.

Năm 2010: ứng dụng cho 100% các bưu cục cấp 3.

Năm 2012: ứng dụng cho 100% các điểm bưu điện văn hóa.

Đến năm 2015: Nâng cấp và thay mới các thiết bị (tái đầu tư nâng cấp).

d. Mạng vận chuyển:

Nâng tần xuất 5 tuyến đường thư cấp 2 lên 2 chuyến/ngày.

Đường thư từ huyện xuống xã, tiếp tục thực hiện thuê khoán.

e. Dịch vụ bưu chính:

Phổ cập đa dạng dịch vụ, cung cấp dịch vụ công ích và giảm thời gian hành trình.

Nâng cao chất lượng phổ cập dịch vụ, rút ngắn thời gian phát báo, công văn xuống xã, mở dịch vụ chuyển tiền, thanh toán, chuyển phát nhanh, bưu kiện toàn mạng bưu cục và tại các điểm bưu điện văn hóa xã.

Phát triển các dịch vụ làm đại lý cho viễn thông như phát hóa đơn, thu cước, tiếp nhận yêu cầu dịch vụ... Cung cấp các dịch vụ bưu chính chất lượng cao, an toàn với giá cước thấp, phù hợp thu nhập người dân.

4. 2.2.2. Quy hoạch phát triển viễn thông:

a. Mạng chuyển mạch:

Giai đoạn 2007 – 2008:

Quy hoạch mới 21 điểm chuyển mạch, đồng thời nâng cấp dung lượng các trạm chuyển mạch hiện tại.

Tổng dung lượng lắp đặt đến cuối năm 2008 là 98.072 lines.

Giai đoạn 2009 – 2010:

Nâng cấp dung lượng đảm bảo lắp đặt cuối năm 2010 là 201.360 lines (hiệu suất sử dụng mạng đạt 67%).

Giai đoạn 2011 – 2015:

Tiến hành lắp mới 2 Host:

- 01 trạm host đặt tại thị xã Nghĩa Lộ, để kết nối các điểm chuyển mạch tại các huyện Trạm tấu, huyện Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn.

- 01 trạm host đặt tại huyện Yên Bình, để kết nối các điểm chuyển mạch của huyện Lục Yên, huyện Yên Bình.

Hai trạm host hiện có tại thành phố Yên Bái, sẽ được phân bổ như sau: 01 trạm host phục vụ cho huyện Trấn Yên, huyện Văn Yên; 01 trạm host phục vụ cho thành phố Yên Bái.

b. Mạng truyền dẫn:

-Giai đoạn 2006 – 2008:

Nhu cầu sử dụng điện thoại phát triển tại các nút mạng, đồng thời gia tăng các dịch vụ mới như di động, XDSL… vì vậy cần phải đầu tư thêm các tuyến cáp quang, nâng cấp và thay thế thiết bị truyền dẫn quang mới để đáp ứng được dung lượng truyền dẫn.

Tiến hành nâng cấp, thay thế, điều chuyển, đầu tư mới 326km cáp quang.

- Giai đoạn 2009 – 2010:

Giai đoạn này các dịch vụ mạng NGN sẽ phát triển, vì vậy thiết bị truyền dẫn của tỉnh sẽ phải mở rộng hoặc thay thế:

Đầu tư tiếp đoạn cáp quang Trái Hút – Lang Thíp cự ly 30km phục vụ cho tổng đài Lâm Giang, thiết bị truy nhập V5.x khu vực Lang Thíp.

Đầu tư tuyến cáp quang cho các cụm xã có nhu cầu phát triển thuê bao để lắp đặt thiết bị tập trung thuê bao.

Nâng cấp thiết bị quang tuyến cáp quang Yên Bái – Văn Yên thành STM4.

Giai đoạn 2011 – 2015:

Cáp quang hóa đến cụm thuê bao.

Đến năm 2015 tổng dung lượng truyền dẫn nội hạt là 867 luồng E1, truyền dẫn liên tỉnh là 217 luồng E1.

c. Mạng ngoại vi:

Đến năm 2015 cần 546.197 đôi cáp gốc.

Giai đoạn 2007 – 2009 hoàn thiện ngầm hoá tại thành phố Yên Bái.

Giai đoạn 2010 – 2012 ngầm hoá >70% trên phạm vi toàn tỉnh.

Giai đoạn 2013 – 1015 ngầm hóa >80% trên phạm vi toàn tỉnh, trừ những khu vực địa hình đồi núi, phức tạp.

d. Thông tin di động:

Trong phạm vi bán kính 500m đối với nội thành thành phố Yên Bái, 2Km với khu vực thị xã Nghĩa lộ, thị trấn các huyện xây dựng 1 cột cao, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động muốn đặt trạm phát sóng trong phạm vi đó đều phải đặt tại cột cao này. Như vậy sẽ đảm bảo mỹ quan đô thị, dễ dàng hơn trong việc phối hợp sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp.

Bảng hệ thống các trạm BTS theo đơn vị hành chính sau quy hoạch

STT

Đơn vị hành chính

Tổng số BTS

Số BTS đến năm 2010

Số BTS đến năm 2015

1

TP Yên Bái

13

30

41

2

Thị xã Nghĩa Lộ

4

14

20

3

Huyện Lục Yên

5

11

15

4

Huyện Văn Yên

3

10

15

5

Huyện Mù Cang Chải

2

7

10

6

Huyện Trấn Yên

5

12

17

7

Huyện Trạm Tấu

2

6

9

8

Huyện Văn Chấn

5

17

20

9

Huyện Yên Bình

9

16

21

Toàn tỉnh

48

123

168

e. Internet:

Triển khai thiết bị truy nhập DSLAM đến trung tâm các huyện, cụm công nghiệp, khu du lịch,các xã có kinh tế phát triển trong tỉnh đảm bảo số lượng thuê bao tăng.

Quy hoạch mạng Internet đến năm 2015

STT

Đơn vị hành chính

Số cổng Internet đến 2010

Số cổng Internet đến 2015

1

Thành phố Yên Bái

9.717

22.475

2

Thị xã Nghĩa Lộ

2.221

7.965

3

Huyện Lục Yên

2.083

7.534

4

Huyện Văn Yên

2.068

7.488

5

Huyện Mù Cang Chải

449

2.407

6

Huyện Trấn Yên

1.691

6.302

7

Huyện Trạm Tấu

301

1.944

8

Huyện Văn Chấn

1.916

7.010

9

Huyện Yên Bình

2.654

9.325

Toàn tỉnh

23.100

72.450

4.2.2.3. Định hướng phát triển đến năm 2020:

a. Định hướng phát triển Bưu chính:

Hoàn thành phổ cập các dịch vụ bưu chính công ích, xây dựng các điểm phục vụ trở thành các trung tâm phục vụ tại các điểm dân cư vùng sâu, vùng xa. ứng dụng công nghệ hiện đại triển khai tự động hoá trong khai thác và tin học hoá các công đoạn bưu chính. Đến năm 2020 hoàn thành triển khai ứng dụng công nghệ tự động hoá cấp tỉnh, khâu chia chọn được tự động hoá trong toàn tỉnh do trung tâm chia chọn tự động thực hiện.

Phát triển các điểm phục vụ thành các điểm Post – Shop.

Phát triển kinh doanh với các dịch vụ mới, dịch vụ lai ghép, dịch vụ tài chính dựa trên mạng bưu chính điện tử. Tăng tỷ trọng doanh thu từ các dịch vụ mới. Doanh thu từ các dịch vụ truyền thống chiếm dưới 20% doanh thu bưu chính.

b. Định hướng phát triển viễn thông:

Xây dựng mạng chuyển mạch đa dịch vụ tốc độ cao, các thiết bị chuyển mạch đa dịch vụ (Multi-service Switch) với công nghệ chuyển mạch theo giao thức IP sẽ thay thế mạng chuyển mạch kênh truyền thống. Sau khi hình thành mạng lõi NGN sẽ triển khai hệ thống chuyển mạch NGN trong tỉnh.

Thông tin di động ứng dụng công nghệ truy nhập vô tuyến băng rộng Wimax. Cấu trúc mạng di động sẽ là mạng di động với truy nhập vô tuyến WCDMA và Wimax, phần chuyển mạch và các ứng dụng của mạng di động sẽ được tích hợp với mạng lõi NGN.

Xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng cùng đầu tư và chia sẻ hạ tầng, cho phép nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông qua việc cho thuê hạ tầng mạng (anten, cống, bể, sợi cáp…). Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có (truyền hình cáp, truyền hình số, thông tin trên đường dây điện lực…) cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet.

Mạng lõi sẽ là hạ tầng chung quốc gia do nhiều doanh nghiệp thiết lập. Mạng truy nhập do các doanh nghiệp hạ tầng xây dựng và quản lý. Cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua mạng truy nhập sẽ do nhiều doanh nghiệp cạnh tranh trên cơ sở thuê lại mạng nội hạt của doanh nghiệp hạ tầng.

Ngoài các doanh nghiệp nhà nước hiện đã có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tham gia thị trường dịch vụ viễn thông. Thúc đẩy các doanh nghiệp đã được cấp phép nhanh chóng thực sự đầu tư, cung cấp dịch vụ. Không hạn chế số doanh nghiệp bán lại và cung cấp dịch vụ.

Các tổ chức, doanh nghiệp phát thanh, truyền hình số/cáp được phép mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực viễn thông để khai thác hết năng lực của mạng phát thanh, truyền hình số/cáp.

Các doanh nghiệp trên thị trường sẽ phân tách 2 dạng là doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và doanh nghiệp cung cấp và bán lại dịch vụ.

4.2.2.4. Các giải pháp về Bưu chính, Viễn thông:

a. Bưu chính:

a.1. Phát triển thị trường bưu chính:

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường chuyển phát, phát hành báo chí; tham gia mở rộng mạng lưới phục vụ bưu chính.

- Thu hút vốn đầu tư trong tỉnh từ các nguồn tài chính nhàn rỗi.

a.2. Cung cấp các dịch vụ bưu chính cho các cơ quan Đảng, Nhà nước:

Đảm bảo phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Sở BCVT và các doanh nghiệp thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ bưu chính cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn.

a.3. Bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ bưu chính:

Thực hiện việc giám sát các doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ theo các Điều 23, 26, 31, 42, 55, 56 Pháp lệnh BCVT.

a.4. Nâng cao nhận thức:

Nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp, người dân về quản lý, kinh doanh và sử dụng dịch vụ bưu chính.

a. 5. Giải pháp công nghệ bưu chính:

Lựa chọn hình thức chuyển giao công nghệ của các quốc giai phát triển.

b. Viễn thông:

b.1. Phát triển thị trường viễn thông:

Thúc đẩy các hình thức bán lại dịch vụ Viễn thông và Internet nhằm huy động mọi nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội.

Hỗ trợ thành lập Hội các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Khuyến khích các hình thức khuyến mại cho người sử dụng dịch vụ Viễn thông theo các quy định của pháp luật.

b.2. Cung cấp các dịch vụ viễn thông cho các cơ quan Đảng, Nhà nước:

Đảm bảo phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Sở Bưu chính, Viễn thông và các doanh nghiệp thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ Viễn thông cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn.

Sở Bưu chính, Viễn thông chủ động xây dựng cơ chế chính sách cùng đầu tư, đóng góp và chia sẻ đường truyền trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Xác định rõ cơ chế ưu đãi cung cấp dịch vụ công cho các cơ quan Đảng, Nhà nước ở địa phương.

b.3. Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông, điện lực, truyền hình, giao thông vận tải và các ngành cơ sở hạ tầng khác:

Để hạn chế việc đào đường và xây dựng nhiều cột anten di động, phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển của các ngành để có kế hoạch cụ thể việc xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng như cống bể, ăngten, trên cơ sở chỉ cấp giấy phép về đào đường 1 lần trong thời hạn 3 năm. Đồng thời đề nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc các doanh nghiệp sử dụng chung hạ tầng để phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

b.4. Quản lý kết nối:

- Doanh nghiệp viễn thông có quyền yêu cầu kết nối mạng viễn thông của mình với mạng hoặc dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp khác, đồng thời có nghĩa vụ cho các doanh nghiệp viễn thông khác kết nối vào mạng hoặc dịch vụ viễn thông của mình với điều kiện công bằng và hợp lý.

- Việc kết nối các mạng viễn thông phải được thực hiện trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng.

b.5. Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển viễn thông:

Nghiên cứu và ban hành chính sách ưu đãi và đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông đến các xã, đặc biệt cung cấp dịch vụ điện thoại di động và cố định.

b.6. Huy động vốn đầu tư:

- Vốn đầu tư từ Trung ương: Sử dụng hiệu quả cao nhất nguồn quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

- Vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và dân cư trong tỉnh:

+ Đẩy mạnh việc cổ phần hóa để tăng cường thu hút các nguồn vốn.

+ Củng cố và mở rộng hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

+ Huy động tiềm năng của các thành phần kinh tế và các tầng lớp dân cư trong tỉnh (vốn tín dụng, trái phiếu công trình, vốn tự có, vốn cổ phần, vốn qua thị trường chứng khoán...) để đầu tư vào Viễn thông.

+ Thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực, khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động phát triển hạ tầng (điện, đường, trạm…) theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm sau đó cho các doanh nghiệp Viễn thông thuê lại.

- Vốn đầu tư nước ngoài:

Là một phần quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư, phát triển viễn thông, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia vào WTO trong tỉnh sẽ có liên doanh 100% vốn nước ngoài ở một số lĩnh vực.

b.7. Quản lý tiêu chuẩn chất lượng thiết bị và dịch vụ:

Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 quy tụ kinh nghiệm của quốc tế trong lĩnh vực quản lý và đảm bảo chất lượng trên cơ sở phân tích các quan hệ giữa người mua và người cung cấp (nhà sản xuất).

b.8. Phát triển nguồn nhân lực:

Quá trình hoạch định nguồn nhân lực cần thực hiện trong mối liên hệ mật thiết với quá trình hoạch định và thực hiện các chiến lược, chính sách kinh doanh chung của doanh nghiệp. Quá trình hoạch định thực hiện theo các bước:

Bước 1: Phân tích môi trường quản trị tài nguyên nhân sự.

Bước 2: Phân tích hiện trạng quản trị nguồn nhân lực.

Bước 3: Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực.

Bước 4: Phân tích quan hệ cung cầu, khả năng điều chỉnh hệ thống nguồn nhân lực.

Bước 5: Thực hiện các chương trình, biện pháp, chính sách quản trị nguồn nhân lực.

b.9. Phát triển khoa học công nghệ:

Công nghệ mới phải phù hợp với hiện trạng cơ sở hạ tầng, công nghệ hiện tại tại Việt Nam và thế giới, đảm bảo tính hiệu quả trong khai thác, sử dụng lâu dài, đảm bảo khả năng nâng cấp, phát triển và kết nối với các nước trên thế giới.

b.10. Triển khai thực hiện đồng bộ quy hoạch:

Xây dựng cơ sở hạ tầng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các ngành khác. Thực hiện đầu tư một lần đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị… giảm chi phí giải toả và đảm bảo mỹ quan.

b.11. Nâng cao nhận thức:

Tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ các công trình viễn thông, nhận thức của người sử dụng các dịch vụ viễn thông và nhận thức của các cáp chính quyền về viễn thông.

b.12. Giải pháp ngầm hóa:

Cần công khai sơ đồ cấu trúc mạng ngoại vi, công khai quy hoạch về mạng ngoại vi, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông có kế hoạch xây dựng mạng ngoại vi đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh.

b.13. Giải pháp bảo vệ cảnh quan môi trường:

Sớm thực hiện việc ngầm hóa mạng ngoại vi và quy hoạch cột sóng sử dụng chung cho các mạng di động theo đúng tiến độ đã nêu trong quy hoạch.

4.2.2.5. Các dự án ưu tiên phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Yên Bái giai đoạn đến 2015:

a. Bưu chính:

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Nội dung

Nguôn vốn

Địa điểm thực hiện

Quy mô thực hiện

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Tổng vốn

 

 

1

Phương tiện vận chuyển bưu chính

DN

5 tuyến đường thư

Đầu tư 6 xe ôtô chuyên ngành phục vụ việc nâng tần xuất các tuyến đường thư

500

500

500

500

1.000

0

0

0

0

3.000

 

2

Thiết bị bưu chính

DN

Toàn bộ các bưu cục cấp 1, 2, 3 và các điểm bưu điện văn hóa xã

Đầu tư các thiết bị phục vụ tự động hóa,tin học hóa hệ thống điểm phục vụ, xây dựng điểm chia chọn cấp tỉnh bao gồm 32 điểm bưu cục, 153 điểm bưu điện văn hóa xã và 1 trung tâm chia chọn.

60

175

325

760

965

1935

2110

3340

4340

14.010

 

 

 

Tổng

560

675

825

1.260

1.965

1.935

2.110

3.340

4.340

17.010

 

b. Viễn thông:

Đơn vị tính: Triệu đồng

Nội dung

Nguồn vốn

Địa điểm thực hiện

Quy mô thực hiện

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Tổng vốn

Mạng ngoại vi

DN

Toàn tỉnh

Xây dựng cơ sở hạ tầng ngầm hóa mạng ngoại vi đến tận thuê bao

80.156

90.888

85.196

66.793

83.243

89.155

94.392

104.913

110.438

805.173

Thiết bị chuyển mạch

DN

Toàn tỉnh

Lắp mới 17 điểm chuyển mạch mới, nâng cấp toàn bộ các tổng đài vệ tinh trên toàn tỉnh

20.039

 

 

 

 

 

 

 

 

20.039

Internet

DN

Toàn tỉnh

Phát triển 71874 thuê bao Internet băng rộng

13.831

 

 

 

 

 

 

 

 

13.831

NGN

DN

Toàn tỉnh

Phát triển mới 252.665 thuê bao NGN.

80.156

86.105

76.464

56.792

67.053

68.036

68.241

71.855

71.659

646.362

Điện thoại di động

DN

Toàn tỉnh

Phát triển 120 trạm BTS phục vụ nhu cầu cho 245.049 thuê bao di động phát triển đến năm 2015.

13.831

14.387

13.194

11.993

15.781

14.448

21.214

19.426

17.731

142.003

Truyền dẫn

DN

Toàn tỉnh

Xây dựng mới 563 km cáp quang

3.300

14.250

13.538

11.146

1.629

1.548

1.470

1.397

1.327

49.604

Viễn thông công

ích

Quỹ dịch vụ viễn thông công ích

 

Phổ cập Internet cho 6 huyện (129 xã): Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên và Văn Yên là các huyện có mật độ điện thoại dưới 2,5% và 61 xã thuộc các huyện còn lại có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và thuộc vùng được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

20.000

10.000

10.000

10.000

 

 

 

 

 

50.000

Mạng wifi

DN

 

Lắp đặt 90 điểm truy nhập không dây băng rộng.

100

100

125

125

 

 

 

 

 

450

 

 

 

Tổng

231.413

215.730

198.517

156.849

167.706

173187

185317

197.591

201.155

1.727.462

Danh mục các dự án ưu tiên phát triển Bưu chính, Viễn thông theo nguồn vốn:

Đơn vị tính: Triệu đồng

Nguồn vốn

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Tổng vốn

Doanh nghiệp

211.973

206.405

189.342

148.109

169.671

175.122

187.427

200.931

205.495

1.694.472

Quỹ dịch vụ viễn thông công ích

20.000

10.000

10.000

10.000

 

0

0

0

0

50.000

Tổng

231.973

216.405

199.342

158.109

169.671

175.122

187.427

200.931

205.495

1.744.472

4. 2.2.6. Tổng vốn đầu tư giai đoạn đến 2015:

Tổng vốn đầu tư:  1.744.472 triệu đồng

 Trong đó:

- Doanh nghiệp: 1.694.472 triệu đồng

- Quỹ dịch vụ viễn thông công ích: 50.000 triệu đồng

5. Thời gian thực hiện quy hoạch: Từ năm 2006 - 2020.

6. Tổ chức thực hiện quy hoạch:

6.1. Sở Bưu chính, Viễn thông:

- Nghiên cứu và đề xuất với uỷ ban nhân dân tỉnh các giải pháp thực hiện quy hoạch.

- Báo cáo và triển khai các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc theo dõi và chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện quy hoạch.

- Đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng tiêu chí xác định dịch vụ viễn thông công ích trên địa bàn tỉnh và xây dựng kế hoạch sử dụng Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích phát triển và phổ cập dịch vụ viễn thông công ích.

- Xây dựng và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong việc chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng đi trước đón đầu đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Hướng dẫn các doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông triển khai thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng mạng Bưu chính, Viễn thông. Yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng mạng và cung cấp đa dịch vụ.

- Phối hợp với các địa phương trong tỉnh thực hiện quy hoạch về địa điểm cung cấp dịch vụ.

- Phối hợp với các tổ chức đoàn thể tham gia phổ cập, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ.

- Phối hợp với các sở ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện các đề án trong quy hoạch.

6.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt, phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông và các sở, ban, ngành có liên quan tính toán, cân đối, huy động các nguồn lực, xây dựng các kế hoạch ngắn và dài hạn để thực hiện các dự án sử dụng Ngân sách tỉnh, tiến hành rà soát điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết.

6.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

Phối hợp với Sở Bưu chính,Viễn thông và các sở, ban, ngành, hướng dẫn các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông cùng thực hiện các đề án:

- Xây dựng hệ thống “Thư viện kỹ thuật nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản” tại các điểm bưu điện văn hoá xã hoặc tại thư viện xã.

- Xây dựng đề án “Trung tâm thông tin cơ sở”.

6.4 . Sở Giao thông -Vận tải:

Phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông và các sở, ban, ngành, hướng dẫn các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông lên kế hoạch để thực hiện ngầm hóa mạng cáp nội hạt phù hợp với quy hoạch của từng thời kỳ.

6.5. Sở Tài nguyên – Môi trường:

Phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông và các sở, ban, ngành tiến hành đo đạc, lập bản đồ và xác định giới hạn đất đai cho các điểm Bưu điện Văn hóa xã, điểm phục vụ bưu chính các đài trạm Viễn thông các thủ tục giao cấp đất cho chủ đầu tư.

6.6. Sở Tài chính:

Xây dựng cơ chế tạo điều kiện đảm bảo ưu tiên bố trí kinh phí và cấp đủ kinh phí cho quy hoạch đã được duyệt.

6.7. Sở Xây dựng:

Chủ trì, phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông, Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành qui định hướng dẫn việc xây dựng các công trình viễn thông và cáp điện thoại trong các khu đô thị đảm bảo chất lượng và mỹ quan đối với các công trình thuộc hạ tầng Bưu chính Viễn thông phù hợp với quy hoạch phát triển, thuận lợi cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ.

6.8. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh:

Phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông, các sở ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

6.9. Sở Khoa học và Công nghệ:

Phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông xây dựng và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ thông qua mạng điểm phục vụ bưu chính dưới các hình thức tài liệu, thông tin dữ liệu, hướng dẫn trực tiếp.

6.10. Sở Thương mại - Du lịch:

Phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông và các sở, ngành hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng Bưu chính, Viễn thông, phục vụ phát triển thương mại và du lịch.

6.11. Sở Công nghiệp:

Phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông các sở, ngành, hướng dẫn cho các doanh nghiệp xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề phục vụ nhu cầu phát triển của ngành.

6.12. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình quốc gia phát triển nguồn nhân lực viễn thông và CNTT do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai kết nối Internet băng rộng và các dịch vụ Bưu chính, viễn thông khác cho các cơ sở giáo dục.

6.13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân về tầm quan trọng của hệ thống thông tin và trách nhiệm đối với việc giữ gìn, bảo vệ tài sản, vật tư, cơ sở hạ tầng thông tin.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn mạng viễn thông, an ninh thông tin trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Tăng cường công tác quản lý việc xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn, nhất là đối với các trạm phát sóng thông tin di động và hệ thống cáp điện thoại ở khu vực đô thị. Tăng cường kiểm tra, xử lý hành chính và đình chỉ các công trình không thực hiện đúng các quy định.

6.14. Các doanh nghiệp:

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông căn cứ vào quy hoạch này để xây dựng chiến lược kinh doanh, quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp với định hướng phát triển của ngành, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Các Doanh nghiệp phối hợp cùng đàm phán đầu tư và sử dụng chung cơ sở hạ tầng trên nguyên tắc tiết kiện tài nguyên đảm bảo mỹ quan đô thị.

6.15. Ban quản lý các Khu Công nghiệp:

Phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông và các Sở, Ngành, hướng dẫn các doanh nghiệp xác định địa điểm để xây dựng cơ sở hạ tầng Bưu chính, Viễn thông. Đồng thời thông báo việc xây dựng cơ sở hạ tầng và kế hoạch mở rộng các khu công nghiệp.

6.16. Các sở ban ngành khác:

Phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông đối với các đề án, quy hoạch có liên quan. Đề xuất các phương án để Sở Bưu chính, Viễn thông xem xét đưa vào khi xây dựng quy hoạch và kế hoạch thực hiện.

(Có hồ sơ dự án Quy hoạch kèm theo).

Điều 2. Sở Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng, các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này, trực tiếp chỉ đạo thực hiện Quy hoạch đảm bảo nguyên tắc quản lý của nhà nước theo các quy định hiện hành, đạt hiệu quả và tiến độ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Sở Bưu chính, Viễn thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Các ngành và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Ngọc