Thông báo số 35/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum
Số hiệu: | 35/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 05/02/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH KON TUM
Ngày 18 tháng 01 năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum. Cùng thăm và làm việc với Thủ tướng có đồng chí Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009, ý kiến của các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong Tỉnh đã đạt được. Năm 2008, mặc dù có nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả khả quan: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,63%, cao nhất từ trước đến nay; thu nhân sách nhà nước tăng 19,4%. Sau 3 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006-2010, Kon Tum đã có những thay đổi đáng ghi nhận: Trong sản xuất nông nghiệp đã hình thành được một số vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn, cà phê (10 ngàn ha), cao su (30 ngàn ha), sắn nguyên liệu (38 ngàn ha), gắn với công nghiệp chế biến. Tiềm năng thủy điện đã được khai thác tốt, nhất là thủy điện vừa và nhỏ. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước chuyển biến tích cực: Tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông năm học 2007-2008 tăng 20,34%, cơ cở vật chất, chất lượng dạy và học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện; thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt khá, công tác xóa đói, giảm nghèo có tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 4-5%/năm, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong Tỉnh được nâng lên. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Tuy vậy, Kon Tum vẫn là một Tỉnh nghèo, quy mô kinh tế nhỏ. Cơ cấu kinh tế chậm đổi mới, nông nghiệp chiếm tới 47%, công nghiệp chỉ có 19%, thương mại, dịch vụ 34%. Thu nhập bình quân đầu người thấp, hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số; đời sống của đồng bào chậm cải thiện so với mặt bằng chung, còn tình trạng thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất và đất ở khá phổ biến. Công tác di dời, đền bù, tái định cư tại các dự án thủy điện còn nhiều bất cập; chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở chậm được cải thiện.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI:
Đồng tình với những nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo của Tỉnh. Nhiệm vụ đặt ra cho những năm còn lại của kế hoạch 5 năm 2006-2010, nhất là năm 2009 là rất nặng nề, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong Tỉnh phải nỗ lực phấn đấu quyết liệt hơn nữa, vượt qua khó khăn thách thức, tranh thủ, tranh thủ thời cơ thuận lợi để khai thác có hiệu quả tiềm năng của Tỉnh nhất là tiềm năng về rừng, cây công nghiệp, khoáng sản, thủy điện để phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu mà Tỉnh đã đề ra; tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tập trung chỉ đạo hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân duy trì sản xuất kinh doanh phấn đấu đạt cho được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Tích cực, chủ động nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tìm hướng phát triển cho những năm trước mắt và lâu dài.
2. Cải thiện môi trường đầu tư, có chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư mạnh hơn của mọi thành phần kinh tế: Tập trung đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội; cho giáo dục, y tế để bảo vệ sức khỏe và cải thiện đời sống của nhân dân.
3. Thực hiện tốt chính sách giáo dục, chăm lo công tác bảo hiểm y tế nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Tập trung chỉ đạo để thực hiện có kết quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 134, 135, chương trình hỗ trợ làm nhà cho người nghèo. Khẩn trương triển khai Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 2 huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông.
4. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; quan tâm tương trợ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần đoàn kết, tương trợ và bình đẳng.
5. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, coi đây là nhân tố quyết định bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; phối hợp chặt chẽ các lực lượng trên địa bàn, chủ động các phương án kịp thời để bảo đảm an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vùng biên giới.
III. VỀ NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Đồng ý bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để nâng cấp Tỉnh lộ 672 (đoạn qua trung tâm huyện Tu Mơ Rông). Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp danh mục vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009.
2. Đối với các dự án giao thông: đường từ Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh; đường từ Ya Tăng đi Sê San 3; tỉnh lộ 674; đường từ Sê San đi Quốc lộ 14C; đường từ Rô Man đi Đăk Ring: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, sớm trình Thủ tướng phương án xử lý cụ thể.
3. Về đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô thiết kế đường cấp 3 miền núi, Quốc lộ 24 từ Kon Tum đến tỉnh Quảng Ngãi: Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum nghiên cứu, lập dự án và trình duyệt theo quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tìm nguồn để đầu tư sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Đồng ý bổ sung dự toán trượt giá đối với các công trình giao thông, thủy lợi đang triển khai vào danh mục đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
5. Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng sơ đồ đường dây đấu nối bảo đảm tải điện cho các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum vào lưới điện quốc gia.
6. Về kiến nghị cơ chế đặc thù cho Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y: Giao Bộ Tài chính chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý có cơ chế tài chính chung cho các khu kinh tế cửa khẩu. Về đề nghị cho phép phương tiện tay lái bên phải vào ra Khu kinh tế: Đồng ý, chỉ xử lý cá biệt cho các trường hợp cụ thể.
7. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung Khu du lịch sinh thái Măng Đen vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia; Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy hoạch thị trấn Kon Plông thành thị trấn du lịch để tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội vùng động lực phía Đông của tỉnh Kon Tum.
8. Trước mắt không đưa sân bay Phượng Hoàng vào quy hoạch hệ thống sân bay quốc gia. Giao Bộ Giao thông vận tải xem xét khả năng xây dựng sân bay taxi.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |