Thông báo số 35/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm năm 2006 và triển khai công tác năm 2007
Số hiệu: 35/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Trần Quốc Toản
Ngày ban hành: 28/02/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 35/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2007

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TUÝ, MẠI DÂM NĂM 2006 VÀ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC NĂM 2007

Ngày 26, 27 tháng 01 năm 2007, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm năm 2006 và triển khai công tác năm 2007. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đã chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương và lãnh đạo chủ chốt của 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 11 Tổ chức Quốc tế, sứ quán và các cơ quan thông tấn báo chí trong nước.

Sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Văn hoá-Thông tin, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, ý kiến thảo luận và tham luận của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã kết luận như sau:

1. Trong năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đã có những chuyển biến tích cực; các tổ chức Đảng, các cơ quan chính quyền và toàn xã hội đã có ý thức cao hơn, quan tâm hơn, tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh đấu tranh của toàn xã hội nhằm từng bước hạn chế, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma tuý, mại dâm và giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS.

Chúng ta đã triệt phá được nhiều đường dây buôn bán ma tuý lớn; xoá bỏ hàng ngàn tụ điểm phức tạp về ma tuý; ngăn chặn việc tái trồng cây có chất ma tuý; định hình được một số mô hình tổ chức cai nghiện có hiệu quả hơn, đặc biệt là công tác quản lý, dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý, đã đem lại những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Về lĩnh vực phòng, chống mại dâm, đã kiềm chế được mức độ, phạm vi và quy mô hoạt động của tệ nạn mại dâm; các tụ điểm có hoạt động mại dâm ở một số tỉnh, thành phố và địa bàn phức tạp có xu hướng giảm rõ rệt.

Về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, chúng ta đã kiềm chế được tốc độ gia tăng số người nhiễm mới; so với các nước trong khu vực thì tốc độ gia tăng của dịch vẫn ở mức thấp và vẫn tập trung chủ yếu trong nhóm có nguy cơ cao; số bệnh nhân AIDS được tiếp cận điều trị bằng thuốc đặc hiệu kháng vi rút HIV (ARV) tăng từ hơn 3.000 người năm 2005 lên gần 7.000 người tính đến cuối năm 2006; một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS được xây dựng và ban hành, đặc biệt là Luật phòng chống HIV/AIDS đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2007, là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Trong cả ba lĩnh vực trên, trong năm qua, chúng ta đã tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành thêm được một số văn bản quy phạm pháp luật, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ và các giải pháp hiệu quả cho công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

2. Một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục:

Một số Bộ, ngành và cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của tệ nạn ma tuý, mại dâm và HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội và phát triển giống nòi, do đó chưa quan tâm đầy đủ, chưa chỉ đạo thường xuyên và kiên quyết, thậm chí có nơi còn buông lỏng chỉ đạo, quản lý nên tệ nạn ma tuý, mại dâm còn có lúc, có nơi hoạt động tăng lên, diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là điều các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục, để có sự chỉ đạo, quản lý có hiệu quả hơn.

Mặc dù các địa phương, các lực lượng chuyên trách đã có nhiều cố gắng, nhưng trong năm 2006 số người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý vẫn tăng 1,14% (1.798 người); chưa giải quyết được cơ bản tình trạng ma tuý học đường; công tác cai nghiện ma tuý ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, kết quả và hiệu quả còn thấp, có nơi chỉ đạt 10-20%, tỉ lệ tái nghiện còn cao... Công tác thông tin giáo dục, truyền thông hiệu quả chưa cao; chưa nâng cao được sự hiểu biết của người dân để biết cách tự phòng, chống HIVAIDS và tệ nạn ma tuý, mại dâm, đặc biệt là trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao; chưa nghiên cứu đề xuất việc áp dụng một số biện pháp giảm tác hại để từ đó làm thay đổi nhận thức và hành vi; việc quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tích cực cho người sau cai nghiện, người nhiễm HIV và phụ nữ mại dâm hoàn lương tái hoà nhập cộng đồng chưa được chú trọng đúng mức; những chương trình đã được Chính phủ ban hành trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS triển khai thực hiện còn chậm.

Hệ thống tổ chức trong từng lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương tuy đã tương đối ổn định và thống nhất, sự phối hợp, lồng ghép hoạt động giữa lĩnh vực phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm có được tăng cường hơn, nhưng hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của các mục tiêu và nhiệm vụ chung.

Tổng mức đầu tư của nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu và nhiệm vụ của công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; sự phân bổ và cân đối nguồn lực chưa hợp lý, còn dàn trải, kinh phí cấp cho các lực lượng trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ còn ít. Cơ chế tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn viện trợ quốc tế cũng như cơ chế thanh, quyết toán và báo cáo định kỳ chậm được sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều địa phương do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đã không bố trí nguồn lực bổ sung cho công tác này.

3. Để thực hiện công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm năm 2007, ngoài việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Đối với các Bộ, ngành ở Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, trên cơ sở những báo cáo chính thức và những ý kiến đóng góp của các đại biểu dự Hội nghị, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, xây dựng các biện pháp cụ thể, tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện, khắc phục các yếu kém, bất cập, đẩy mạnh công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; đề xuất các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung về pháp lý, về tổ chức, chính sách và chế độ liên quan, để công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm có kết quả và hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện thực tế.

Về công tác phòng, chống ma túy, Chính phủ sẽ phối hợp với Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06/CT-TW, ngày 30/11/1996 của Bộ Chính trị, xây dựng và xin ý kiến Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới để tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác này.

Thực hiện nghiêm túc việc thống kê tình hình tệ nạn ma tuý từ Trung ương đến địa phương; Giao Bộ Công an chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng đề án báo cáo Thủ tướng vào tháng 6/2007.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất việc bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống ma tuý cho phù hợp với tình hình hiện nay, báo cáo Chính phủ trong năm 2007.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đã được Chính phủ phê duyệt đề án "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người nghiện ma tuý" tổ chức đánh giá kết quả thực hiện đề án quản lý sau cai nghiện theo Nghị quyết số 16/2003/QH11, ngày 17/6/2003 của Quốc hội; tổ chức đánh giá hiệu quả các mô hình cai nghiện trong cả nước, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh xã hội hoá công tác cai nghiện, để chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác cai nghiện vào tháng 7/2007.

Về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương khẩn trương xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình hành động của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020; nghiên cứu xây dựng đề án đào tạo cán bộ y tế (kể cả đào tạo những người nhiễm HIV có đủ sức khoẻ) phục vụ trong các cơ sở điều trị và chăm sóc bệnh nhân AIDS; hoàn thiện đề án tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS trình Chính phủ vào tháng 12/2007.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phương án triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV theo quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS.

Về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn mại dâm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai các giải pháp phòng chống có hiệu quả, trong đó cần đề cao vai trò tham gia đấu tranh, giám sát của các cơ quan, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp ở từng địa phương để phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm; nghiên cứu đề xuất các giải pháp tạo cơ hội thuận lợi cho những phụ nữ lầm lỡ có điều kiện hoàn lương, tái hoà nhập cộng đồng.

Các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư: nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bố trí, điều chỉnh tăng mức kinh phí cho công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm trong giai đoạn 2007-2010; đề xuất cơ chế quản lý, điều phối, sử dụng các nguồn lực và tài chính, đặc biệt là cơ chế phân bổ để hỗ trợ những địa phương đặc biệt khó khăn, cơ chế quản lý và điều phối viện trợ quốc tế.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, có biện pháp chỉ đạo cụ thể để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; chỉ đạo sự phối hợp liên ngành thực hiện các biện pháp quyết liệt, thường xuyên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma tuý, mại dâm. Địa phương nào để tệ nạn và tội phạm gia tăng thì trước hết lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Các Bộ: Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, thường xuyên thống kê, tổng hợp số liệu một cách có hệ thống về lĩnh vực phụ trách, kết quả thực hiện nhiệm vụ, hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các hình thức khen, thưởng, động viên kịp thời những địa phương, cơ sở, cá nhân có thành tích tốt; đồng thời nhắc nhở và phê bình những địa phương chưa làm tốt.

Các cơ quan thường trực của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm cần tổ chức giao ban định kỳ, giao ban vùng, khu vực để kiểm điểm thực hiện kế hoạch hành động, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức triển khai thực hiện.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, các thành viên Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng (để báo cáo);
- Thủ tướng CP, các PTTg CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Ban Tư tưởng - Văn hoá TW;
- Ban Khoa giáo TW;
- Các thành viên UBQG p/c AIDS và p/c tệ nạn ma tuý, mại dâm;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Các Vụ: TH, KTTH, NC, VX, XDPL, ĐP, Vụ IV, Người phát ngôn của Thủ tướng, Website CP,
- Lưu: Văn thư, VX(3), Hh

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Trần Quốc Toản

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.