Quyết định 2036/QĐ-UBND năm 2018 quy định về nội dung và mức chi thực hiện mô hình thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội tỉnh Phú Yên giai đoạn 2018-2020
Số hiệu: 2036/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên Người ký: Phan Đình Phùng
Ngày ban hành: 26/10/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2036/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 26 tháng 10 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH NỘI DUNG VÀ MỨC CHI THỰC HIỆN MÔ HÌNH THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRỢ GIÚP XÃ HỘI TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2018-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thông tư số 98/2017/ TT-BTC ngày 29/9/2017 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (tại Tờ trình số: 120/TTr-SLĐTBXH ngày 02/10/2018 và văn bản của Sở Tài chính (tại Công văn số: 2875/STC-HCSN ngày 07/9/2018),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định nội dung và mức chi thực hiện mô hình thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội tỉnh Phú Yên giai đoạn 2018-2020”;

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
 PHÓ CHỦ TỊCH 





Phan Đình Phùng

 

QUY ĐỊNH

NỘI DUNG VÀ MỨC CHI THỰC HIỆN MÔ HÌNH THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TRỢ GIÚP XÃ HỘI TỈNH PHÚ YÊN (GIAI ĐOẠN 2018-2020)
(Kèm theo Quyết định số: 2036/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 của UBND tỉnh)

I. Dự án Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế (gọi tắt Dự án 1): Chi hỗ trợ Mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (Đính kèm phụ lục địa bàn thực hiện)

1. Đối tượng hỗ trợ dạy nghề

Trẻ em từ 13 đến dưới 16 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em gồm: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em không nơi nương tựa; trẻ em khuyết tật; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn gồm: Trẻ em lang thang đã hồi gia, trẻ em có nguy cơ lang thang, trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, trẻ em là đồng bào dân tộc thiểu số không có nghề nghiệp ổn định có nhu cầu học nghề nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không đủ khả năng để cho trẻ học nghề.

2. Hình thức hỗ trợ dạy nghề

Gia đình của trẻ tự liên hệ tìm kiếm cở sở dạy nghề tại cộng đồng để dạy nghề trẻ với hình thức truyền nghề. Gia đình của trẻ em, hợp đồng trực tiếp với cơ sở dạy nghề có xác nhận của UBND cấp xã, với điều kiện đảm bảo tiêu chí bền vững, gắn việc đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Sau khi hoàn thành học nghề, nếu trẻ không tự tìm việc làm, cơ sở dạy nghề có trách nhiệm tiếp nhận trẻ vào làm việc tại cơ sở với thời gian tối thiểu là 24 tháng.

3. Nội dung và mức chi hỗ trợ

3.1. Hỗ trợ chi phí học nghề

- Mức hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và chi phí đi lại theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng. Cụ thể như sau:

+ Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: Mức tối đa 06 triệu đồng/em/khóa học;

+ Trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số; trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020): Mức tối đa 04 triệu đồng/em/khóa học;

+ Trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em lang thang đã hồi gia, trẻ em có nguy cơ lang thang, trẻ em là đồng bào dân tộc thiểu số: Mức tối đa 03 triệu đồng/em/khó học.

3.2. Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại

Hỗ trợ tiền ăn và đi lại: 02 triệu đồng/em/khóa học.

4. Quy trình và hồ sơ đề nghị hỗ trợ

- Căn cứ vào danh sách đối tượng đề nghị hỗ trợ, UBND cấp xã lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ, báo cáo cho Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành kiểm tra, thẩm định mô hình và có nhận xét đối với từng trường hợp theo đề nghị của UBND cấp xã.

- Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thẩm định của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện tổng hợp gửi về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định phê duyệt mô hình hỗ trợ dạy nghề theo quy định.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề.

II. Dự án Phát triển hệ thống Bảo vệ trẻ em (gọi tắt là Dự án 2): Chi các loại mô hình hỗ trợ can thiệp, trợ giúp trẻ em, gồm: Mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt - Đính kèm phụ lục địa bàn thí điểm thực hiện.

1. Hoạt động quản lý, phát hiện, hỗ trợ đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Lập hồ sơ quản lý các đối tượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: 45.000 đồng/hồ sơ (bao gồm cả ảnh) (theo Thông tư số 98 /2017/TT-BTC của Bộ Tài chính)

2. Hoạt động hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cấp xã, huyện, tỉnh

- Phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp:

+ Hỗ trợ tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho trẻ trong thời gian lưu trú tại cơ sở trị bệnh đối với trẻ cần sự trợ giúp của cơ sở y tế (áp dụng theo mức chi tại Điểm b, Khoản 2, Điều 19 Nghị định 136/2013/ NĐ-CP của Chính phủ)

- Tổ chức các hoạt động hỗ trợ tư vấn, kết nối trị liệu tâm lý và phục hồi sức khoẻ cho trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các em trong quá trình hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và phục hồi sức khoẻ:

+ Hỗ trợ 15.000 đồng/lần (theo Thông tư số 98 /2017/TT-BTC của Bộ Tài chính) và công tác phí và xăng theo km thực tế quy định.

- Vận động cộng đồng nhận chăm sóc, nuôi dưỡng (tạm thời) các đối tượng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong trường hợp phải áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế:

+ Đối tượng được nhận trợ giúp: Áp dụng mức chi như hỗ trợ đối tượng trong thời gian lưu trú, tạm trú tại các địa điểm tạm lánh (Điểm 8, Điều 4, Thông tư 98/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính)

+ Hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng (Áp dụng mức chi theo Điều 20 Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ).

3. Hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm

3.1. Đối tượng: Thực hiện như Dự án 1.

3.2. Nội dung và mức chi hỗ trợ: Thực hiện như Dự án 1.

4. Hỗ trợ học tập: Đối với trẻ em không được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo Điều 10 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu đối với giáo dục mầm non và phổ thông tại Mục 2 Điều 1 Nghị quyết số 48/2016/NQ-HĐND ngày 15/7/2016 của HĐND tỉnh về ban hành quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập thuộc địa phương quản lý từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021 như sau:

Đơn vị tính: 1.000 đồng/tháng/học sinh

TT

Vùng

Mầm non

Trung học sơ sở

Trung học phổ thông

Lớp không bán trú

Lớp có bán trú

1

Thành thị

60

90

90

120

2

Nông thôn

30

42

36

48

3

Miền núi

15

21

18

24

5. Hỗ trợ chi phí đi lại cho trẻ khuyết tật; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trong mô hình) khám lọc bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng

Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 48/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 26/4/2013 của liên Bộ: Tài chính - Lao động -Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020.

6. Hỗ trợ vốn sản xuất

Hỗ trợ vốn sản xuất cho gia đình có trẻ lang thang, trẻ lao động xa nhà, hồi gia, trẻ em ra khỏi lao động nặng nhọc độc hại nguy hiểm, trẻ bị ảnh hưởng hoặc nhiễm HIV/AIDS, trẻ em làm trái pháp luật từ trường giáo dưỡng về, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật; mức hỗ trợ như sau:

- Hộ nghèo không quá 12 triệu đồng/hộ; cận nghèo không quá 10 triệu đồng/ hộ; hộ mới thoát nghèo không quá 8 triệu đồng/hộ;

- Mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 1 lần, tùy điều kiện sản xuất mỗi hộ có thể nhận nhiều nội dung hỗ trợ nhưng không vượt quá số tiền tối đa của từng đối tượng nêu trên.

(Áp dụng theo Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính và Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 21/9/2017 của HĐND tỉnh)

 

Phục lục: Địa bàn thực hiện Mô hình

STT

Đơn vị/năm

Tên mô hình

Ghi chú

1

- Năm 2018-2020: Triển khai trên phạm vi toàn tỉnh

Mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

 

2

- Năm 2018: Triển khai tại các xã, phường, thị trấn thuộc 04 huyện, thị xã, thành phố gồm: Phú Hòa, Đồng Xuân, Sông Cầu, Tuy An.

- Năm 2019-2020: Triển khai tại các xã, phường, thị trấn còn lại thuộc 05 huyện, thị xã, thành phố gồm: Tp Tuy Hoà, Đông Hoà, Tây Hoà, Sơn Hoà, Sông Hinh.

Mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Thực hiện theo Hướng dẫn số 765/TE-KHTH ngày 05/12/2017 của Cục Trẻ em , Bộ Lao động-TBXH

 

 





Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật trẻ em Ban hành: 09/05/2017 | Cập nhật: 09/05/2017