Quyết định 20/2010/QĐ-UBND ban hành Đề án tạo nguồn chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2020
Số hiệu: 20/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh Người ký: Nguyễn Văn Nên
Ngày ban hành: 22/04/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2010/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 22 tháng 4 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN TẠO NGUỒN CHỨC DANH BÍ THƯ ĐẢNG ỦY, CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2010-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP , ngày 06/6/2003 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 27/2009/NQ-HĐND , ngày 09/12/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh về Chính sách đào tạo và thu hút nhân tài;

Căn cứ Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND , ngày 23/3/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh về Chính sách tạo nguồn chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 119/TTr-SNV, ngày 16 tháng 4 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án tạo nguồn chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Nên

 

ĐỀ ÁN

TẠO NGUỒN CHỨC DANH BÍ THƯ ĐẢNG ỦY, CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2010 – 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND Ngày 22/4/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN

Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã), nhất là đối với các đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn và năng lực công tác, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn theo quy định, có tính kế thừa, phát triển, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo và tổ chức thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng của tỉnh từ nay và những năm tiếp theo.

Trong thời gian qua phần lớn các đồng chí cán bộ chủ chốt cấp xã (Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân) chưa được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ kiến thức về pháp luật, quản lý hành chính Nhà nước… do đó, đã bộc lộ không ít những mặt hạn chế, yếu kém về năng lực lãnh đạo, quản lý, chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ được giao, dẫn đến vẫn còn những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước chưa được triển khai sâu rộng ra nhân dân, tính hiệu quả đạt được chưa cao.

Trước yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh nhà nói riêng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, nhất là các đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phải có trình độ và năng lực lãnh đạo, quản lý tốt đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

II. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH CÁN BỘ

Toàn tỉnh có 09 huyện, thị xã (05 huyện biên giới); 95 xã, phường, thị trấn [82 xã (20 xã biên giới), 05 phường, 08 thị trấn].

1. Về số lượng cán bộ:

Tính đến tháng 01/2010, toàn tỉnh có 188 đồng chí (Bí thư Đảng uỷ xã: 94 đồng chí và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã: 94 đồng chí). Trong đó, cán bộ Nữ: 10 đồng chí - tỉ lệ 05,26 % (Bí thư Đảng uỷ xã: 06; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã: 04).

2. Về chất lượng cán bộ:

a) Độ tuổi:

Chức danh

Độ tuổi

Bí thư Đảng uỷ xã

(số lượng, %)

Chủ tịch UBND xã

(số lượng, %)

Từ 18 đến 30

00

00

Từ 31 đến 40

05 (5,31%)

15 (15,95%)

Từ 41 đến 50

59 (62,76%)

64 (68,08%)

Từ 51 đến 60

30 (31,91%)

15 (15,95%)

b) Học vấn:

Chức danh

Cấp độ

Bí thư Đảng uỷ xã

(số lượng, %)

Chủ tịch UBND xã

(số lượng, %)

Cấp 1,2

07 (7,44%)

11 (11,70%)

Cấp 3

87 (92,55%)

83 (88,29%)

c) Trình độ chuyên môn nghiệp vụ:

Chức danh

Cấp độ

Bí thư Đảng uỷ xã

(số lượng, %)

Chủ tịch UBND xã

(số lượng, %)

Chưa qua đào tạo

44 (44,80%)

55 (58,51%)

Sơ cấp

04 (4,25%)

06 (6,38%)

Trung học chuyên nghiệp

15 (15,95%)

21 (22,34%)

Cao đẳng, đại học

31 (32,97%)

12 (12,76%)

d) Trình độ lý luận chính trị:

Chức danh

Cấp độ

Bí thư Đảng uỷ xã

(số lượng, %)

Chủ tịch UBND xã

(số lượng, %)

Chưa qua đào tạo

01 (1,06%)

02 (2,12%)

Sơ cấp

00

06 (6,38%)

Trung cấp

24 (25,53%)

66 (70,21%)

Cao cấp, cử nhân

69 (73,40%)

20 (21,27%)

e) Trình độ quản lý nhà nước:

Chức danh

Cấp độ

Bí thư Đảng uỷ xã

(số lượng, %)

Chủ tịch UBND xã

(số lượng, %)

Chưa qua đào tạo

52 (55,32%)

36 (38,30%)

Bồi dưỡng

14 (14,89%)

29 (30,85%)

Trung cấp

12 (12,76%)

14 (14,89%)

Cử nhân

12 (12,76%)

15 (15,95%)

g) Trình độ ngoại ngữ:

Chức danh

Cấp độ

Bí thư Đảng uỷ xã

(số lượng, %)

Chủ tịch UBND xã

(số lượng, %)

Chưa có chứng chỉ

72 (76,59%)

89 (94,68%)

Chứng chỉ A tiếng Anh

17 (18,08%)

04 (4,25%)

Chứng chỉ B tiếng Anh

05 (5,31%)

00

Tiếng Khmer

00

01 (1,06%)

h) Trình độ tin học:

Chức danh

Cấp độ

Bí thư Đảng uỷ xã

(số lượng, %)

Chủ tịch UBND xã

(số lượng, %)

Chứng chỉ A

09 (9,57%)

08 (8,51%)

Chứng chỉ B

00

00

Trung cấp trở lên

00

00

k) Kiến thức quốc phòng - an ninh:

Chức danh

Chứng nhận

Bí thư Đảng uỷ xã

(số lượng, %)

Chủ tịch UBND xã

(số lượng, %)

Bồi dưỡng

24 (25,53%)

21 (22,34%)

3. Những ưu điểm:

- Số lượng được đảm bảo, cơ cấu độ tuổi của các đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ngày càng được trẻ hóa.

- Tổ chức bộ máy từng bước được củng cố, kiện toàn; hoạt động quản lý, điều hành hành chính của Ủy ban nhân dân xã có tiến bộ hơn, chất lượng phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

- Công tác quy hoạch gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với các chức danh Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ngày càng được chú trọng, quan tâm hơn.

4. Những hạn chế và tồn tại:

- Cơ cấu tỉ lệ cán bộ nữ còn thấp (chỉ đạt 5,26%); số lượng tuy được bảo đảm nhưng chưa đạt chất lượng theo yêu cầu.

- Trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước… Đối với các đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chưa đạt theo yêu cầu, nhất là trình độ tiếng dân tộc thiểu số (Khmer) chưa được đào tạo.

5. Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại:

- Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ còn hình thức, thiếu toàn diện, chưa thực sự căn cứ vào quá trình công tác, hiệu quả công việc, năng lực thực tiển, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị.

- Trong thời gian qua còn một số địa phương chưa kiên quyết giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ không đạt chuẩn, năng lực kém không đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

III. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

Đào tạo kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kỷ năng lãnh đạo, quản lý điều hành, có trình độ ngoại ngữ, tin học ngằm xây dựng nguồn chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ, đạt chuẩn theo quy định, có tính kế thừa, phát triển, nhằm đảm bảo sự lãnh đạo và tổ chức thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng của tỉnh từ nay và những năm tiếp theo.

2. Đối tượng và tiêu chuẩn:

a) Đối tượng:

- Người tốt nghiệp đại học;

- Dự nguồn cán bộ, công chức xã đang công tác tại cơ quan cấp xã;

- Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách đang công tác tại xã.

* Ưu tiên chọn cử đào tạo cho những người là: Đảng viên, con của liệt sĩ, thương binh và những người hưởng chính sách như thương binh, có tỉ lệ thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên; con gia đình có công với cách mạng. Cần ưu tiên chọn cử những đối tượng ở vùng biên giới, vùng dân tộc, nữ.

b) Tiêu chuẩn: Tuyển chọn những học viên hội đủ các tiêu chuẩn sau:

- Có hộ khẩu tại tỉnh Tây Ninh;

- Có độ tuổi không quá 35;

- Tốt nghiệp đại học hệ chính quy, kết quả xếp loại từ trung bình khá trở lên.

- Đáp ứng tốt các yêu cầu sơ tuyển về ngoại hình, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước và nhất là về phẩm chất chính trị, có lý lịch rõ ràng.

- Ngoài ra, phải cam kết làm việc lâu dài (có hợp đồng trách nhiệm theo quy định của pháp luật) tại các cơ quan cấp xã trong tỉnh Tây Ninh, ít nhất là 05 năm và chấp hành sự phân công, bố trí công tác của tỉnh sau khi tốt nghiệp khóa học.

3. Số lượng đào tạo:

Dự kiến đào tạo 300 học viên tạo nguồn chức danh chủ chốt cấp xã từ năm 2010 đến năm 2020. Trước mắt, từ năm 2010 - 2011 thông báo tuyển chọn khoảng 30 học viên để mở 01 khóa đào tạo, sau đó rút kinh nghiệm cho những khóa học sau. Tiếp theo từ giai đoạn 2011 - 2020 sẽ tuyển chọn đạo tạo 270 học viên/9 khóa học. Tùy theo số lượng học viên đăng ký hằng năm theo thông báo mà số lượng học viên mỗi khóa có thay đổi.

4. Nội dung đào tạo:

- Trung cấp lý luận chính trị - hành chính;

- Quản lý nhà nước;

- Kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành thực tiễn ở cơ sở;

- Tin học, ngoại ngữ nhất là tiếng Khmer cho số cán bộ vùng biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

5. Thời gian, địa điểm và hình thức đào tạo:

- Thời gian học: khoảng 14 tháng;

- Hình thức: tập trung;

- Địa điểm: tại Trường Chính trị Tây Ninh.

6. Quy trình tuyển chọn học viên:

- Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thông báo tuyển chọn học viên trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

- Các ứng viên sẽ nộp hồ sơ theo yêu cầu (có thông báo cụ thể về thành phần hồ sơ).

- Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ kiểm tra, thẩm định hồ sơ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Hội đồng đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh) trình Ban chỉ đạo xem xét, quyết định.

- Sau khi có ý kiến của Ban chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách học viên và giao cho Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và Trường Chính trị tổ chức khai giảng lớp học.

7. Quyền lợi và trách nhiệm của người được đào tạo:

a) Quyền lợi trong thời gian đào tạo:

- Đối với học viên hiện đang công tác ở xã (Công chức và những người hoạt động không chuyên trách) được hưởng nguyên lương cùng các khoản phụ cấp khác như trước khi nhập học; được hưởng trợ cấp đào tạo về lý luận chính trị và quản lý nhà nước theo Nghị quyết số 27/2009/NQ-HĐND , ngày 09/12/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VII, về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài.

- Đối với học viên là người tốt nghiệp đại học, chưa được bố trí công tác, hàng tháng sẽ được tỉnh hỗ trợ số tiền tương đương mức lương bậc 01 hệ số 2,34 của ngạch chuyên viên và được hưởng trợ cấp đào tạo về lý luận chính trị và quản lý nhà nước theo Nghị quyết số 27/2009/NQ-HĐND , ngày 09/12/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VII, về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài.

b) Quyền lợi sau khi tốt nghiệp:

- Được cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị và Quản lý nhà nước.

- Nếu là cán bộ, công chức xã được tiếp tục thực hiện công tác ở đơn vị cũ; nếu là người tốt nghiệp đại học sau đào tạo được bố trí công tác và tạo điều kiện thi tuyển để trở thành công chức.

Ngoài ra, nếu học viên nào về công tác ở vùng đặc biệt khó khăn theo tiêu chí của Trung ương và của Tỉnh thì được hưởng trợ cấp một lần với số tiền 10.000.000 đồng/học viên theo Nghị quyết số 27/2009/NQ-HĐND , ngày 09/12/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VII, về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài.

c) Trách nhiệm:

- Học viên trong quá trình được đào tạo phải có trách nhiệm tích cực học tập, phát huy năng lực tự học, tự đào tạo, chấp hành đúng nội quy của cơ sở đào tạo; khi tốt nghiệp phải tuyệt đối chấp hành sự phân công, bố trí công tác của cấp có thẩm quyền (trên cơ sở kết quả công khai về chọn nhiệm sở theo thứ hạng tốt nghiệp từ cao xuống thấp).

- Trong quá học tập, nếu học viên tự bỏ học và sau khi tốt nghiệp khóa học học viên bỏ việc hoặc không nhận công tác theo sự phân công của tỉnh, thì phải bồi thường gấp 05 (năm) lần chi phí đào tạo của tỉnh đã hỗ trợ cho học viên.

8. Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí đào tạo:

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án trong 10 năm:

a) Học phí:

9.000.000 đồng/hv/khóa học x 300 hv = 2.700.000.000 đồng.

b) Hỗ trợ sinh hoạt phí:

1.521.000 đồng/hv/tháng x 300 hv x 14 tháng = 6.388.200.000 đồng.

c) Chi phí khen thưởng học viên cuối khóa học:

4.500.000 đồng/03 hv/khóa học x 10 khóa học = 45.000.000 đồng.

d) Chi phí quản lý, điều hành thực hiện đề án:

50.000 đồng/người/tháng x 20 người x 14 tháng x 10 khóa = 140.000.000 đồng.

* Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án: 9.273.200.000 đồng.

- Nguồn kinh phí được trích từ ngân sách tỉnh. Ngoài ra còn tranh thủ nguồn kinh phí đào tạo của Chính phủ và các nguồn kinh phí khác.

- Sở Nội vụ có trách nhiệm quản lý kinh phí đào tạo của Đề án và thực hiện chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo.

- Hàng năm Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí đào tạo cụ thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện chi trả.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư dự toán, bố trí ngân sách Nhà nước để tổ chức thực hiện đề án này.

2. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trường Chính trị xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm để thực hiện đề án, kịp thời đề xuất Ban chỉ đạo xem xét để Tỉnh điều chỉnh, bổ sung những nội dung, mức kinh phí cho phù hợp với tình hình thực tế.

3. Trường Chính trị chịu trách nhiệm và phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình giảng dạy, học tập; quản lý học viên, tổ chức kiểm tra đánh giá chính xác kết quả học tập hằng tháng, cuối khóa học và cấp bằng tốt nghiệp cho học viên.

4. Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo việc tuyển chọn đối tượng ở địa phương mình tham gia khóa học và phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng ở tỉnh có kế hoạch sắp xếp, bố trí, sử dụng học viên sau khi tốt nghiệp.





Nghị định 60/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước Ban hành: 06/06/2003 | Cập nhật: 06/12/2012