Quyết định 1445/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025
Số hiệu: 1445/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình Người ký: Tống Quang Thìn
Ngày ban hành: 27/11/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1445/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 27 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi;

Căn cứ Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, giai đoạn đến năm 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 139/TTr-SLĐTBXH ngày 09 tháng 11 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021- 2025 (gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau:

A. CĂN CỨ THỰC TIỄN

Từ năm 2017, thực hiện Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án thành lập các Câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 13/02/2017). Thực hiện Đề án, trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh Ninh Bình đã thành lập được 73 CLB /143 xã, phường, thị trấn (chiếm 50%) với tổng số 4.153 thành viên; tổng số tiền huy động đóng góp Quỹ của các CLB đạt 3,63 tỷ đồng. Có 16 CLB tham gia dự án thuộc Tổ chức Help Age International từ năm 2018-2020 được tài trợ 75 triệu đồng, UBND tỉnh đối ứng cho mỗi CLB là 20 triệu đồng và CLB tự đóng góp 05 triệu đồng. Kết quả hoạt động của các CLB tiến hành đủ 8 hoạt động là 31/73 CLB (chiếm 43%); tổ chức sinh hoạt CLB thường xuyên theo tháng là 24/73 CLB (chiếm 33%); sinh hoạt 03 tháng/lần là 49/73 CLB (chiếm 67%).

Thông qua hoạt động của các CLB liên thế hệ tự giúp nhau, giai đoạn 2016- 2020, đã có 4.407 người cao tuổi được hỗ trợ trong hoạt động phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, có nhiều hộ người cao tuổi đã vươn lên thoát nghèo; 822 người cao tuổi là chủ trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ hộ kinh doanh cá thể tại địa phương; 677 người cao tuổi được tập huấn nâng cao năng lực, vận hành mô hình CLB. Sự thành công của Đề án đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phát triển bền vững xã hội.

B. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. TÊN ĐỀ ÁN

Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021 - 2025.

II. CƠ QUAN QUẢN LÝ, THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Cơ quan quản lý, thực hiện

Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Ninh Bình.

2. Cơ quan phối hợp

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Tài chính; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

III. PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Đề án nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, từ năm 2021 đến năm 2025.

IV. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

Người cao tuổi và gia đình người cao tuổi, phụ nữ và các thành viên tình nguyện khác trong cộng đồng. Đặc biệt người cao tuổi là phụ nữ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi dân tộc thiểu số, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

V. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

- Tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau nhằm duy trì và tiếp tục nhân rộng CLB, huy động sự tham gia của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi, các cấp, các ngành và cộng đồng để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ quyền lợi người cao tuổi.

- Góp phần thực hiện Chương trình Hành động của Chính phủ theo Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi; Thông tri số 20-TT/TU ngày 09/9/2020 của Tỉnh ủy Ninh Bình về việc lãnh đạo Đại hội Hội người cao tuổi cấp cơ sở và tổng kết nhiệm kỳ 2016- 2021 của Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện, cấp tỉnh.

2. Chỉ tiêu

a) Chỉ tiêu về số lượng

- Giai đoạn 2021-2025: Xây dựng thêm 50 Câu lạc bộ mới tại 8 huyện, thành phố (trong đó: Kim Sơn: 10, Nho Quan: 11, Yên Khánh: 5, Yên Mô: 5, Gia Viễn: 5, Hoa Lư: 5, TP Ninh Bình: 5, TP Tam Điệp: 4) với 3.000 thành viên, trong đó 2.700 thành viên là người cao tuổi. Chú trọng việc nhân rộng mô hình CLB đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 100% CLB đã xây dựng giai đoạn 2016 - 2020 và các câu lạc bộ mới được xây dựng.

b) Chỉ tiêu về chất lượng

- Xây dựng mỗi CLB khoảng 60 thành viên, trong đó trên 70% là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), 30% còn lại là người dưới 60 tuổi, ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn (cơ cấu giới trong CLB: 70% là phụ nữ; cơ cấu thành phần kinh tế hộ: 70% là người nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn, 30% còn lại là người có điều kiện kinh tế khá, biết cách làm ăn).

- Có ít nhất 70% CLB liên thế hệ tự giúp nhau thực hiện đủ các hoạt động và được quản lý tốt để có ít nhất 50% thành viên đủ điều kiện được vay vốn để sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, mọi thành viên được nâng cao sức khỏe về thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, kiến thức và bảo vệ quyền lợi.

- 100% CLB liên thế hệ tự giúp nhau có quỹ để tăng thu nhập và quỹ hoạt động do CLB tự quản lý theo Quy chế do CLB ban hành.

VI. HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA ĐỀ ÁN

1. Lập kế hoạch, triển khai thực hiện

- Quyết định thành lập Ban Điều hành Đề án “Nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021- 2025”; xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể về tiến độ, kinh phí, hoạt động thực hiện Đề án.

- Tổ chức hội nghị triển khai, thực hiện Đề án; xây dựng bộ tài liệu về nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động; sổ sách quản lý CLB.

- Tuyên truyền về Đề án và mô hình CLB trên các phương tiện thông tin đại chúng. Huy động nguồn lực ở các cấp, các ngành, đoàn thể và các địa phương; vận động, xây dựng Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi để hỗ trợ vốn tăng thu nhập ban đầu cho CLB.

2. Tập huấn kỹ thuật, học tập kinh nghiệm

- Tham gia đầy đủ các lớp tập huấn ban đầu về triển khai thực hiện Đề án, tập huấn tạo nguồn giảng viên địa phương do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức.

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội Người cao tuổi cấp huyện, cấp xã và thành viên Ban Chủ nhiệm CLB về thành lập, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, hoạt động của CLB. Tổ chức tập huấn nâng cao theo chuyên đề cho các Ban Chủ nhiệm CLB.

- Tổ chức đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình hoạt động CLB có hiệu quả ở các tỉnh bạn. Phối hợp, đề xuất Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cung cấp tài liệu kỹ thuật về nhân rộng CLB.

3. Xây dựng, thành lập mới và duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các CLB

- Quy mô CLB: Xây dựng mỗi CLB có 60 thành viên, trong đó trên 70% là người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, 30% còn lại là người dưới 60 tuổi; duy trì, củng cố các CLB đã thành lập, bảo đảm các chỉ tiêu, tiêu chí quy định. CLB được tổ chức ở một thôn hoặc hai thôn liền kề nhau; Ban Chủ nhiệm gồm 5 người (Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, 3 ủy viên); có tổ tình nguyện viên từ khoảng 10 người, gồm các tình nguyện viên chăm sóc tại nhà và tình nguyện viên hỗ trợ phát triển kinh tế, để giúp đỡ người cao tuổi khó khăn; có các tổ văn nghệ, tổ quản lý vốn vay tăng thu nhập…

- Cơ chế hoạt động: CLB do thành viên tự quản lý, có kế hoạch và báo cáo hằng tháng; sinh hoạt ít nhất 01 lần/tháng; chủ động xây dựng, thực hiện và giám sát các hoạt động của mình; công khai quản lý tài chính và tự tạo thu nhập thêm để chi cho các hoạt động trong thời gian triển khai và sau khi Đề án kết thúc.

- Tiêu chí lựa chọn hội viên:

+ Tự nguyện, nhiệt tình, sống ở địa bàn;

+ Muốn giúp đỡ bản thân và người khác;

+ Đồng ý nộp phí hội viên;

+ Tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt CLB và các hoạt động khác của CLB;

+ Đồng ý tuân theo Quy chế của CLB;

+ Được các hội viên khác chấp nhận.

- Đẩy mạnh các mặt hoạt động: chăm sóc sức khỏe; tăng thu nhập; chăm sóc tại nhà của tình nguyện viên; truyền thông nâng cao kiến thức; tự giúp nhau, hỗ trợ cộng đồng; bảo vệ quyền và lợi ích người cao tuổi; văn hóa, văn nghệ, thể thao; vận động nguồn lực cho CLB.

4. Huy động nguồn lực thực hiện Đề án

- Huy động nguồn lực từ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng, hỗ trợ hoạt động các câu lạc bộ.

- Chính quyền địa phương, Hội Người cao tuổi các cấp huy động nguồn lực từ các quỹ, chương trình, dự án, vận động xã hội hóa xây dựng và hỗ trợ hoạt động CLB; tạo điều kiện cho CLB liên thế hệ tự giúp nhau huy động nguồn lực, kinh phí cho xây dựng và hỗ trợ hoạt động CLB.

5. Quản lý, giám sát, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho câu lạc bộ

- Tổ chức giám sát và hướng dẫn kỹ thuật tại chỗ cho các CLB (giám sát mẫu, giám sát điểm).

- Định kỳ 6 tháng một lần tổ chức hội nghị giao ban với các CLB mới thành lập để nắm tình hình, trao đổi kinh nghiệm và định hướng các hoạt động cho CLB; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm về thực hiện Đề án và quản lý các CLB trên địa bàn tỉnh.

VII. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về câu lạc bộ

- Hợp tác với Trung ương Hội Người cao tuổi và cơ quan truyền thông địa phương để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác động và hiệu quả của CLB về chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

- Tổ chức tham quan mô hình, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để phổ biến, xây dựng CLB.

2. Huy động nguồn lực, vận động các tổ chức, xã hội, doanh nghiệp tham gia nhân rộng câu lạc bộ

- Hỗ trợ hằng năm từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và ngân sách xã nơi dự định thành lập CLB liên thế hệ tự giúp nhau.

- Vận động nguồn lực từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức chính trị, xã hội, các hội, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và cá nhân trong và ngoài tỉnh.

- Phối hợp với Ban quản lý Đề án quốc gia của Trung ương Hội tổ chức tìm kiếm nguồn lực, dự án.

3. Phối hợp với các địa phương, đơn vị tạo điều kiện hỗ trợ thành lập và hoạt động của câu lạc bộ

Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan để chỉ đạo lập dự toán ngân sách, lập kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; lồng ghép với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; huy động sự tham gia của chính quyền (theo Điều 24, Luật Người cao tuổi và Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi) để các thành viên CLB được vay vốn sản xuất giảm nghèo. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh để truyền thông, hướng dẫn CLB kiến thức sản xuất và lồng ghép nguồn lực từ chương trình nông nghiệp, nông thôn mới, bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh. Phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền, thể dục thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ… của các CLB. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh... tham gia huy động nguồn lực để thành lập, quản lý và giúp đỡ các CLB hoạt động.

VIII. KINH PHÍ

1. Nguồn kinh phí

- Nguồn ngân sách nhà nước: Hỗ trợ thực hiện các hoạt động lập kế hoạch, hướng dẫn thực hiện Đề án; tập huấn giảng viên và tập huấn ban đầu cho các địa phương, xây dựng tài liệu hướng dẫn; tuyên truyền; kiểm tra giám sát việc xây dựng, nhân rộng mô hình; tổng kết Đề án.

- Nguồn Quỹ an sinh xã hội, Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, Quỹ tín dụng, các nguồn hợp pháp khác: Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các CLB liên thế hệ tự giúp nhau.

2. Kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 3.110 triệu đồng, cụ thể như sau:

Nội dung

Kinh phí hỗ trợ theo từng năm (triệu đồng)

KP hỗ trợ cả giai đoạn (triệu đồng)

2021 (10 CLB)

2022 (10 CLB)

2023 (10 CLB)

2024 (10 CLB)

2025 (10 CLB)

Hỗ trợ trang thiết bị hoạt động ban đầu cho các CLB: Cân sức khỏe, máy đo huyết áp, tăng âm loa đài di động phục vụ truyền thông (mức 5 triệu đồng/CLB)

50

50

50

50

50

250

Hỗ trợ Quỹ tăng thu nhập của các CLB (mức 50 triệu đồng/CLB) (*)

500

500

500

500

500

2.500

Quản lý, chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án

40

40

40

40

40

200

Tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu cho Hội Người cao tuổi, cán bộ chính quyền và đoàn thể, ban chủ nhiệm CLB

40

30

30

30

30

160

Tổng cộng

630

620

620

620

620

3.110

(*) Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ mỗi CLB 20 triệu đồng; huyện/thành phố hỗ trợ 10 triệu đồng/CLB; xã/phường/thị trấn hỗ trợ 10 triệu đồng/CLB; mỗi CLB tự lo và huy động cộng đồng 10 triệu đồng.

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động của Đề án; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án.

- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ các cấp vận động nguồn lực cho việc nhân rộng CLB liên thế hệ tự giúp nhau, sử dụng nguồn quỹ an sinh xã hội và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; báo cáo UBND tỉnh, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam về kết quả thực hiện và các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, kiến nghị những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với thực tiễn của từng giai đoạn.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động của Hội Người cao tuổi, cơ quan thường trực của Ban Công tác Người cao tuổi tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện; hướng dẫn các cấp, các ngành triển khai thực hiện Đề án; tham gia kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện đề án, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các vấn đề phát sinh của CLB.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vận động các nguồn hỗ trợ phát triển ODA, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm ở địa phương.

4. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng ngân sách, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án theo quy định hiện hành.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và các đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ quan báo chí, cơ quan thông tin tuyên truyền trong tỉnh tăng cường các công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về CLB liên thế hệ tự giúp nhau, huy động nguồn lực để nhân rộng mô hình CLB trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và các đơn vị liên quan hướng dẫn CLB kiến thức sản xuất và lồng ghép nguồn lực từ chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, xây dựng nông thôn mới.

7. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và các đơn vị liên quan chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện cho các CLB được khám sức khỏe định kỳ, được tuyên truyền, phổ biến về chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi cô đơn, khó khăn. Hỗ trợ kỹ thuật để thành lập đội ngũ tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi.

8. Sở Văn hóa và Thể thao

Chủ trì, phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần cho người cao tuổi; hướng dẫn hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, dưỡng sinh... phù hợp với người cao tuổi.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Hướng dẫn các tổ chức thành viên tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của CLB, giúp đỡ vận động nguồn lực, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án tại địa phương, tạo điều kiện cho UBND các xã, phường, thị trấn thành lập và duy trì hoạt động của CLB liên thế hệ tự giúp nhau.

Điều 2. Giao Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương có liên quan tổ chức triển khai, thực hiện Đề án đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ LĐTBXH;
- Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, VP6,3,4,5,9.
TN_VP6_20.QĐ

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn

 





Nghị định 06/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật người cao tuổi Ban hành: 14/01/2011 | Cập nhật: 18/01/2011