Quyết định 14/2016/QĐ-UBND Quy định về xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La
Số hiệu: 14/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Cầm Ngọc Minh
Ngày ban hành: 13/07/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2016/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 13 tháng 7 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của liên bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính về Hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BKHĐT ngày 07 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành “Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020”;

Căn cứ Nghị quyết số 115/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 9 năm 2015 của HĐND tỉnh Sơn La quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số nội dung, công việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1001/TTr-SGTVT ngày 07 tháng 7 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 05/2014/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2014 của UBND tỉnh Sơn La ban hành Quy định về xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy; (báo cáo)
- TT HĐND tỉnh; (báo cáo)
- Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh (báo cáo);
- Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Vụ pháp chế - Bộ Giao thông vận tải;
- Như Điều 3;
- LĐVP UBND tỉnh;
- - Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT. KT, Văn. 100 bản.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cầm Ngọc Minh

 

QUY ĐỊNH

VỀ XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
(Kèm theo Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2016 của UBND tỉnh Sơn La)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này áp dụng để xây dựng đường giao thông đến bản, tiểu khu (sau đây gọi chung là bản); xây dựng đường giao thông nội bộ bản (gồm cả đường nội bộ trung tâm xã; đường nối với trụ sở trạm y tế, trường học, chợ, nhà văn hóa); xây dựng đường giao thông trục chính nội đồng tại các xã trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động xây dựng đường giao thông đến bản; xây dựng đường giao thông nội bộ bản; xây dựng đường giao thông trục chính nội đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Chương II

QUY MÔ, TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT VÀ NGÂN SÁCH HỖ TRỢ XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN

Điều 3. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn

Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn thực hiện theo Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành “Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020”, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Sơn La. Những nội dung chủ yếu như sau:

1. Đường giao thông đến bản: Xây dựng theo quy mô đường cấp B, với các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu:

a) Hướng tuyến, trắc dọc: Hướng tuyến tuân thủ quy hoạch nông thôn mới; độ dốc dọc lớn nhất Imax = 5%, châm trước một số vị trí khó khăn Ict = 14%; bán kính đường cong nằm nhỏ nhất Rmin = 15m, châm trước một số vị trí khó khăn Rc t = 12m.

b) Nền đường: Bề rộng tối thiểu Bn = 5,0m (chưa kể rãnh dọc); các vị trí khó khăn về mặt bằng, địa hình dốc ngang lớn, nhiều đá châm trước bề rộng tối thiểu Bn = 4,0m.

c) Mặt đường: Bề rộng Bm = 3,5m (trong điều kiện khó khăn về ngân sách hỗ trợ, đóng góp của nhân dân; khó khăn về mặt bằng, địa hình, địa chất châm trước Bm = 3,0m), mở rộng trong đường cong theo tiêu chuẩn; lớp mặt đường bằng bê tông xi măng mác 250 dày 18cm; lớp tạo phẳng bằng giấy dầu hoặc bằng cát dày 2cm; lớp móng bằng cấp phối thiên nhiên, cấp phối đá dăm hoặc đá dăm tiêu chuẩn dày 10cm.

2. Đường giao thông nội bộ bản: Xây dựng theo quy mô đường cấp C, với các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu như sau:

a) Hướng tuyến, trắc dọc: Hướng tuyến tuân thủ quy hoạch nông thôn mới; độ dốc dọc lớn nhất Imax = 5%, châm trước một số vị trí khó khăn Ict = 15%; bán kính đường cong nằm nhỏ nhất Rmin = 12m, châm trước một số vị trí khó khăn Rct = 10m.

b) Nền đường: Bề rộng tối thiểu Bn = 4,0m (chưa kể rãnh dọc); các vị trí khó khăn về mặt bằng, địa hình dốc ngang lớn, nhiều đá châm trước bề rộng tối thiểu Bn = 3,0m.

c) Mặt đường: Bề rộng Bm = 3,0m (trong điều kiện khó khăn về ngân sách hỗ trợ, đóng góp của nhân dân; khó khăn về mặt bằng, địa hình, địa chất châm trước bề rộng tối thiểu Bm = 2,0m), mở rộng trong đường cong theo tiêu chuẩn; lớp mặt đường bằng bê tông xi măng mác 250 dày 14cm - 16cm; lớp tạo phẳng bằng giấy dầu hoặc bằng cát dày 2cm; lớp móng bằng cấp phối thiên nhiên, cấp phối đá dăm hoặc đá dăm tiêu chuẩn dày 10cm.

3. Đường trục chính nội đồng: Xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp C, với các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu như sau:

a) Hướng tuyến, trắc dọc: Hướng tuyến tuân thủ quy hoạch nông thôn mới; độ dốc dọc lớn nhất Imax = 5%, châm trước một số vị trí khó khăn Ict = 15%; bán kính đường cong nằm nhỏ nhất Rmin = 10m, châm trước một số vị trí khó khăn Rct = 8m.

b) Nền đường: Bề rộng tối thiểu Bn = 3,0m (chưa kể rãnh dọc).

c) Mặt đường: Xây dựng tại các vị trí có độ dốc dọc ≤ 6%; bề rộng Bm = 2,0m - 3,0m; kết cấu mặt đường bằng đá thải, cấp phối thiên nhiên; chiều dày lớp mặt đường tối thiểu là 12cm.

4. Các tuyến đường có nhu cầu cần tăng quy mô xây dựng về chiều rộng nền, mặt đường thì UBND các huyện, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) xem xét, quyết định nhưng phải đảm bảo nguyên tắc chiều rộng mặt đường tối đa không quá 5,5m.

Điều 4. Ngân sách hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn

1. Ngân sách Trung ương, tỉnh

a) Hỗ trợ chi phí khảo sát, lập hồ sơ như sau:

- Đối với công trình có kỹ thuật đơn giản (nền đường cơ bản đạt quy mô, tiêu chuẩn theo quy định này; chỉ cần cải tạo, sửa chữa cục bộ một số vị trí và không có giải pháp thiết kế, xử lý phức tạp), áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình; chỉ cần lập dự toán: Hỗ trợ 05 triệu đồng/1Km;

- Đối với các công trình còn lại: Hỗ trợ chi phí khảo sát, lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật 15 triệu đồng/1Km;

- Kinh phí khảo sát, lập hồ sơ được hỗ trợ (được thanh toán) tính theo chiều dài đường được xây dựng trong năm kế hoạch (phần công việc đã khảo sát lập hồ sơ nhưng chưa triển khai xây dựng trong năm kế hoạch thì chưa được thanh toán).

b) Hỗ trợ chi phí cho công tác quản lý là 02 triệu đồng/01Km.

c) Hỗ trợ chi phí để hoàn thiện 01Km nền đường đạt quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tại Điều 3 của Quy định này; lu lèn khuôn đường, lớp móng mặt đường đạt yêu cầu kỹ thuật; mức hỗ trợ tối đa như sau:

- Đối với đường giao thông đến bản: Xã khu vực I là 50 triệu đồng; xã khu vực II là 60 triệu đồng; xã khu vực III, bản đặc biệt khó khăn (thuộc xã khu vực I, II) là 80 triệu đồng.

- Đối với đường giao thông nội bộ bản: Xã khu vực I là 10 triệu đồng; xã khu vực II là 20 triệu đồng; xã khu vực III, bản đặc biệt khó khăn (thuộc xã khu vực I, II) là 30 triệu đồng.

d) Hỗ trợ toàn bộ xi măng làm mặt đường giao thông đến bản và đường giao thông nội bộ bản; toàn bộ ống cống (đã đúc hoàn chỉnh), toàn bộ xi măng, cốt thép làm tấm bản cống để xây dựng hệ thống thoát nước ngang (nếu có) và chi phí vận chuyển xi măng, ống cống, cốt thép đến địa điểm tập kết của từng tuyến đường được xây dựng hoặc vị trí gần nhất mà ô tô vào được. Hỗ trợ chi phí vật liệu để làm mặt đường trục chính nội đồng.

2. Ngân sách huyện, xã: Hỗ trợ một phần chi phí cho hoàn thiện công trình, vật liệu, máy thi công, bờ kè ở những điểm xung yếu theo khả năng cân đối của địa phương.

 UBND cấp huyện, xã xác định cụ thể mức hỗ trợ (bằng tiền) để triển khai thực hiện; mức hỗ trợ từ ngân sách huyện, xã phải đảm bảo tổng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) tối đa bằng 90% theo dự toán được duyệt.

3. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ đối với các các tuyến đường đạt quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Điều 3 của Quy định này và mức hỗ trợ các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều này tối đa không vượt quy định tại Nghị quyết số 115/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 9 năm 2015 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số nội dung, công việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020.

Chương III

THỰC HIỆN XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN

Điều 5. Kế hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn

1. Các bản

Hàng năm căn cứ Quy hoạch, Đề án xây dựng nông thôn mới được duyệt, tình hình thực tế mạng lưới đường trong bản tổ chức họp các hộ dân trong bản để bàn bạc, xem xét khả năng huy động, đóng góp, thống nhất các tuyến đường hoặc đoạn tuyến cần xây dựng, thứ tự ưu tiên xây dựng (có biên bản thống nhất của cuộc họp); sau đó tổng hợp danh mục gửi UBND xã, trong biểu danh mục đối với mỗi tuyến đường cần nêu rõ điểm đầu, điểm cuối, chiều dài từng tuyến đường (hoặc đoạn tuyến), hiện tại là đường cũ hay phải mở mới.

2. Ủy ban nhân dân xã

Trên cơ sở đề nghị của các bản; căn cứ Quy hoạch, Đề án xây dựng nông thôn mới được duyệt và thực tế mạng lưới đường trong xã tổ chức họp với bản để thống nhất về các tuyến đường (hoặc đoạn tuyến) cần xây dựng, thứ tự ưu tiên xây dựng; tính toán khả năng bố trí ngân sách xã hỗ trợ; tổng hợp trình xin ý kiến HĐND xã, sau đó trình UBND cấp huyện, nội dung trình gồm: Biểu danh mục đối với mỗi tuyến đường (trong đó nêu rõ điểm đầu, điểm cuối, chiều dài từng tuyến đường hoặc đoạn tuyến, hiện tại là đường cũ hay phải mở mới); khả năng bố trí ngân sách xã để hỗ trợ.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện

Trên cơ sở đề xuất của các xã, chỉ đạo các phòng chuyên môn xem xét các tuyến đường (hoặc đoạn tuyến) cần xây dựng; tính toán khả năng đáp ứng của ngân sách huyện; tổng hợp danh mục (trong đó nêu rõ thứ tự ưu tiên, điểm đầu, điểm cuối, chiều dài từng tuyến đường hoặc đoạn tuyến, hiện tại là đường cũ hay phải mở mới); khả năng hỗ trợ của ngân sách huyện gửi Sở Giao thông vận tải.

4. Sở Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp danh mục các tuyến đường (hoặc đoạn tuyến) cần xây dựng để báo cáo UBND tỉnh; đồng thời gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư làm căn cứ giao kế hoạch.

5. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, kết quả xây dựng đường giao thông nông thôn của các huyện, thành phố và danh mục các tuyến đường (hoặc đoạn tuyến) do Sở Giao thông vận tải tổng hợp, tham mưu trình UBND tỉnh quyết định phân bổ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh để hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn hàng năm.

6. Thứ tự ưu tiên: Theo thứ tự từ mức độ ưu tiên cao đến thấp như sau:

a) Các tuyến đường đến bản đông dân cư, có tiềm lực phát triển; phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và được nhân dân đồng tình, cam kết tự giải phóng mặt bằng, tự nguyện đóng góp sức lao động và các nguồn lực để triển khai thực hiện.

b) Các tuyến đường nội bộ bản được nhân dân đồng tình và cam kết tự giải phóng mặt bằng, tự nguyện đóng góp sức lao động và các nguồn lực để triển khai thực hiện.

c) Các tuyến đường còn lại.

7. Đối với những tuyến đường dài, khối lượng thi công lớn, sự đóng góp của nhân dân hoặc kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước Trung ương, tỉnh, huyện, xã) trong năm kế hoạch có hạn thì có thể phân kỳ chỉ hỗ trợ từng đoạn trên tuyến đường (không nhất thiết phải xây dựng hoàn chỉnh ngay cả tuyến), nhưng phải đảm bảo nguyên tắc toàn bộ tuyến đường phải phù hợp với quy hoạch và các đoạn còn lại chưa xây dựng phải có tính khả thi về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Điều 6. Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ

1. Lập hồ sơ

a) Đối với các công trình có kỹ thuật đơn giản (nền đường cơ bản đạt quy mô, tiêu chuẩn theo Quy định này; chỉ cần cải tạo, sửa chữa cục bộ một số vị trí và không có giải pháp thiết kế, xử lý phức tạp), áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình: UBND xã tổ chức lập hồ sơ dự toán đơn giản hoặc thuê đơn vị tư vấn đủ năng lực để thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải.

b) Đối với các công trình còn lại: Phòng kinh tế hạ tầng (quản lý đô thị) hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện, thành phố thực hiện hoặc thuê tư vấn đủ năng lực để khảo sát, lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định các công trình thực hiện lập hồ sơ theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này.

d) Quy định để lập hồ sơ dự toán đơn giản:

- Dự toán công trình được tính toán và xác định theo từng công trình cụ thể; trên cơ sở khối lượng được tính toán, đo đạc theo theo phương pháp đơn giản và hệ thống định mức đơn giá xây dựng công trình của cấp thẩm quyền công bố hoặc theo mặt bằng giá tại từng địa phương.

- Chi phí nhân công để thi công xây dựng công trình được tính toán tương đương với nhân công bậc 2/7 trong định mức dự toán xây dựng công trình được cấp thẩm quyền công bố.

- Các khoản mục chi phí trong dự toán công trình gồm: Chi phí xây dựng (chỉ tính chi phí trực tiếp + thuế VAT); chi phí tư vấn; chi phí quản lý.

2. Thẩm định, phê duyệt

a) Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt: UBND cấp huyện tổ chức thẩm định, phê duyệt.

b) Nội dung thẩm định:

- Đối với công trình quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này: Xem xét tính khả thi về kỹ thuật; mặt bằng thi công; khả năng huy động vốn; sự phù hợp của công trình với quy hoạch được duyệt; tính hợp lý của các chi phí so với mặt bằng giá của địa phương, với các công trình đã và đang triển khai thực hiện; khả năng tự thực hiện của nhân dân và cộng đồng được giao thi công công trình.

- Đối với công trình quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này: Thực hiện theo đúng quy định về thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình.

Điều 7. Tổ chức thi công xây dựng, quản lý chất lượng, nghiệm thu, bàn giao công trình

1. Việc thi công xây dựng do cộng đồng dân cư bản (những người hưởng lợi trực tiếp từ việc xây dựng công trình) thực hiện theo sự chỉ đạo của xã. UBND cấp xã (chủ đầu tư) tổ chức nhân dân thi công xây dựng công trình đảm bảo đúng theo hồ sơ được duyệt, hướng dẫn của phòng hạ tầng kinh tế, (phòng quản lý đô thị) huyện, thành phố và của Sở Giao thông vận tải.

2. Phòng kinh tế và hạ tầng (phòng quản lý đô thị) hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện phối hợp với UBND xã phân công cụ thể cho cán bộ kỹ thuật phụ trách quản lý chất lượng và tiến độ từng tuyến đường. UBND cấp xã chỉ đạo thực hiện giám sát cộng đồng theo quy định.

3. Các bước nghiệm thu và thành phần nghiệm thu

a) Nghiệm thu sau khi hoàn thiện nền đường.

b) Nghiệm thu vật liệu để xây dựng mặt đường, công trình thoát nước, tường chắn (nếu có).

c) Nghiệm thu bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

d) Thành phần nghiệm thu chủ yếu gồm: UBND xã (chủ trì); Ban giám sát cộng đồng; đại diện bản.

Đối với các công trình phải lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật khi nghiệm thu bước bàn giao công trình hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng ngoài thành phần nêu trên còn có cả cán bộ phòng kinh tế và hạ tầng (quản lý đô thị) hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện.

4. Bàn giao, quản lý khai thác: Công trình sau khi xây dựng xong thì bàn giao cho bản quản lý. Trường hợp tuyến đường đi qua nhiều bản thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phân rõ phạm vi quản lý khai thác của từng bản.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ

Điều 8. Trách nhiệm của các sở, ngành

1. Sở Giao thông vận tải

a) Thẩm định danh mục các tuyến đường cần xây dựng trong năm kế hoạch; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn hàng năm.

b) Ban hành hướng dẫn các nội dung: Khảo sát, lập hồ sơ; thiết kế mẫu, kỹ thuật, trình tự thi công và quản lý đường giao thông nông thôn.

c) Kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của công trình.

d) Tổng kết, đánh giá kết quả xây dựng đường giao thông nông thôn theo kế hoạch hàng năm và đề xuất biểu dương, khen thưởng.

2. Sở Tài chính

a) Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu trình UBND tỉnh quyết định phân bổ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh để hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn hàng năm.

b) Hướng dẫn cụ thể các nội dung:

- Quy trình, hồ sơ và thủ tục hợp đồng cung ứng xi măng, ống cống, thép làm tấm bản cống;

- Công tác quản lý sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; các khoản đóng góp của nhân dân để thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn;

- Công khai nguồn kinh phí thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn.

3. Các sở, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan; kiểm tra, đôn đốc để triển khai thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn theo quy định.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Chỉ đạo phòng kinh tế hạ tầng (quản lý đô thị) hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện, thành phố: Tổ chức thẩm định, đề xuất kế hoạch xây dựng; tập huấn cho cán bộ xã, bản và bà con nhân dân tại hiện trường để thực hiện việc thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường. Tổ chức hướng dẫn cho cán bộ xã các nội dung: Cách thức đăng ký kế hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn; tổ chức khảo sát, lập hồ sơ; quản lý chất lượng công trình trong quá trình thi công; tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình; tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định. Phối hợp với UBND xã xác định vị trí vật liệu tập trung, vật liệu tận dụng trên tuyến (nếu có) để có kế hoạch khai thác, hướng dẫn người dân cách thức thực hiện.

2. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thi công công trình, việc tuân thủ quản lý chất lượng công trình đường giao thông nông thôn; phối hợp với Sở Giao thông vận tải kiểm tra chất lượng công trình khi được yêu cầu.

3. Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các nội dung: Phối hợp với các bản tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng, tham gia đóng góp nguyên vật liệu và ngày công để xây dựng đường giao thôn nông thôn; tổ chức, huy động nhân dân tham gia lao động tại hiện trường đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường; thực hiện quy chế giám sát cộng đồng; hướng dẫn các bản cách thức đăng ký kế hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn hàng năm, công khai các khoản đóng góp để người dân được biết, thống nhất ban hành hương ước, quy ước để quản lý, bảo vệ, sửa chữa công trình đảm bảo ổn định, khai thác được lâu dài.

4. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của quy định này đến nhân dân các xã trên địa bàn tỉnh; động viên, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình tích cực tham gia đóng góp, hỗ trợ phát triển đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí của Chính phủ.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Giao Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

3. Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của liên bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính về Hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành “Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020”; Nghị quyết số 115/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 9 năm 2015 của HĐND tỉnh Sơn La Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số nội dung, công việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020./.