Quyết định 12/2016/QĐ-UBND quy định mức chi hỗ trợ đối với chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh An Giang
Số hiệu: 12/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Vương Bình Thạnh
Ngày ban hành: 02/03/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2016/QĐ-UBND

An Giang, ngày 02 tháng 3 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC CHI HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN, HỢP TÁC, LIÊN KẾT GẮN SẢN XUẤT VỚI TIÊU THỤ NÔNG SẢN, XÂY DỰNG CÁNH ĐỒNG LỚN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 62/2013/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Căn cứ Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BTC ngày 08 tháng 01 năm 2014 do Bộ Tài chính hợp nhất hướng dẫn Nghị định số 88/2005/NĐ-CP về chế độ tài chính hỗ trợ sáng lập viên hợp tác xã chuẩn bị thành lập, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của hợp tác xã;

Căn cứ Nghị quyết số 13/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức chi hỗ trợ đối với chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh An Giang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 147/TTr-STC ngày 24 tháng 02 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định mức chi hỗ trợ đối với chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra VB-Bộ Tư pháp;
- TT.TU, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Các Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Trung tâm Công báo –Tin học;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC CHI HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN, HỢP TÁC, LIÊN KẾT GẮN SẢN XUẤT VỚI TIÊU THỤ NÔNG SẢN, XÂY DỰNG CÁNH ĐỒNG LỚN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 62/2013/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 02/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Quy định mức chi hỗ trợ đối với chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

b) Các nội dung về hỗ trợ đối với chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn không quy định tại Quyết định này thực hiện theo quy định tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Các doanh nghiệp trong nước có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là các tổ chức đại diện của nông dân) hoặc hộ gia đình, cá nhân, trang trại (gọi chung là nông dân).

b) Hộ gia đình, cá nhân, trang trại (nông dân) tham gia hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân.

c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (các tổ chức đại diện của nông dân) có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với doanh nghiệp hoặc nông dân.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện và nguyên tắc hỗ trợ

1. Nguồn kinh phí thực hiện:

Kinh phí thực hiện hỗ trợ đối với chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh An Giang từ ngân sách tỉnh, nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương và huy động từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Nguyên tắc hỗ trợ:

Trong trường hợp cùng thời gian, một số nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ từ các Chương trình, Dự án khác nhau thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

Điều 3. Điều kiện hỗ trợ

1. Đối với doanh nghiệp:

Thực hiện theo Khoản 2 Điều 4 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

2. Đối với tổ chức đại diện nông dân:

Thực hiện theo Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

3. Đối với nông dân:

Thực hiện theo Khoản 2 Điều 6 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và Điều 6 của Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Chương II

NỘI DUNG CHI, MỨC HỖ TRỢ, LẬP DỰ TOÁN, PHÂN BỔ KINH PHÍ HỖ TRỢ VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ

Điều 4. Nội dung chi và mức hỗ trợ

Nội dung và mức chi hỗ trợ đối với chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh An Giang được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 5. Lập dự toán, phân bổ kinh phí hỗ trợ và quyết toán kinh phí

1. Lập dự toán và phân bổ kinh phí hỗ trợ:

a) Việc hỗ trợ đối với doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân:

Căn cứ vào Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân xây dựng kế hoạch triển khai và dự toán chi tiết gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trước ngày 15/8 hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ.

Căn cứ Quyết định hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước tỉnh chuyển tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân.

b) Việc hỗ trợ đối với nông dân:

Căn cứ hợp đồng mẫu liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và biên bản nghiệm thu hợp đồng liên kết và tiêu thụ nông sản được ký giữa doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân với nông dân (có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã việc thực hiện hợp đồng của nông dân), Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo, Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trước ngày 15/8 hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Căn cứ Quyết định hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh và lịch cấp tiền hỗ trợ do Kho bạc Nhà nước cấp huyện thông báo, hộ nông dân đến Kho bạc Nhà nước cấp huyện để làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ.

2. Quyết toán kinh phí hỗ trợ:

Việc chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí hỗ trợ được thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước và nội dung hướng dẫn của Sở Tài chính về quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí được hỗ trợ theo Quy định này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Kiểm tra, giám sát, đánh giá

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan, cùng với Ủy ban nhân dân cấp huyện định kỳ tổ chức công tác kiểm tra, theo dõi, tổng hợp đánh giá, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 7. Xử lý vi phạm hợp đồng

Thực hiện theo Điều 8 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Điều 8. Trách nhiệm của các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Thực hiện theo Khoản 4 Điều 7 Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm để thực hiện các nội dung cánh đồng lớn theo quy định.

3. Sở Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí ngân sách hỗ trợ hàng năm từ nguồn kinh phí sự nghiệp cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân tham gia cánh đồng lớn theo quy định hiện hành.

b) Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, quy trình cấp phát vốn cho đối tượng hưởng lợi từ cơ chế, việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương và các đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước.

4. Sở Công Thương:

Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành liên quan, hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản từ các dự án cánh đồng lớn.

5. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Phối hợp Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phổ biến kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, công nghệ mới phục vụ cánh đồng lớn.

b) Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các Sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức đại diện của nông dân, hộ nông dân thực hiện việc giao đất hoặc cho thuê đất, miễn tiền sử dụng đất hoặc miễn tiền thuê đất theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 và Khoản 1, Điều 5, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

7. Liên minh Hợp tác xã:

Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tổ chức vận động các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng phương án trên địa bàn tỉnh.

8. Hội nông dân tỉnh:

Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ theo Quy định này đến tổ chức đại diện của nông dân và nông dân trên địa bàn tỉnh biết để thực hiện.

9. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy định này cho các tổ chức, cá nhân ở địa phương; xây dựng kế hoạch thu hút doanh nghiệp, các tổ chức đầu tư, tham gia xây dựng phương án cánh đồng lớn.

b) Tổ chức rà soát, lập kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn huyện. Hàng năm, trước ngày 15/8 tổng hợp kế hoạch, dự toán chi hỗ trợ cho nông dân có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, các tổ chức đại diện của nông dân gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

c) Đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, các công trình hạ tầng phát triển sản xuất, cơ giới hóa trên các cánh đồng lớn, nhằm tăng nhanh hiệu quả sản xuất.

d) Đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện phương án trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; phối hợp các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung quy định.

đ) Định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

10. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy định này; vận động nhân dân tích cực tham gia các phương án; phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt các nội dung quy định.

b) Lập kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

c) Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân lập và tổ chức triển khai phương án trên địa bàn xã.

d) Đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình phương án đầu tư trên địa bàn xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, các công trình hạ tầng phát triển sản xuất, cơ giới hóa… trên các cánh đồng lớn nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

đ) Xác nhận việc thực hiện hợp đồng của nông dân để làm căn cứ xem xét hỗ trợ theo Điểm b, Khoản 1, Điều 5 của Quy định này.

Điều 9. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG VÀ MỨC CHI HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN, HỢP TÁC, LIÊN KẾT GẮN SẢN XUẤT VỚI TIÊU THỤ NÔNG SẢN, XÂY DỰNG CÁNH ĐỒNG LỚN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 62/2013/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 02 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Stt

Nội dung chi

Đơn vị tính

Mức chi

A

Đối với Doanh nghiệp

 

Hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng

1

Tiền tài liệu

đồng/tài liệu/khóa đào tạo

chi theo thực tế nhưng tối đa không quá 20.000

2

Tiền ăn học viên

 

 

a

Đối với các lớp tập huấn đào tạo tổ chức tại tỉnh (Thành phố Long Xuyên)

đồng/người/ngày thực học

25.000

b

Đối với các lớp tập huấn đào tạo tổ chức tại các huyện, thị xã, Thành phố Châu Đốc

đồng/người/ngày thực học

12.000

3

Tiền xe đi lại học viên

 

 

a

Đối với trường hợp nơi đào tạo cách xa nơi cư trú từ 15km trở lên

đồng/người/ngày

15.000 nhưng tối đa không quá 75.000 đồng/người/khóa đào tạo

b

Đối với trường hợp nơi đào tạo cách xa nơi cư trú dưới 15km

đồng/người/ngày

10.000 nhưng tối đa không quá 50.000 đồng/người/khóa đào tạo

4

Tiền ở học viên

 

 

a

Đối với chương trình toàn khóa đào tạo có thời gian từ 10 ngày trở xuống

đồng/người/khóa đào tạo

Thanh toán 50% tiền thuê chỗ ở không quá chế độ công tác phí hiện hành

b

Đối với chương trình toàn khóa đào tạo có thời gian trên 10 ngày

đồng/người/ngày thực học

10.000

5

Thuê hội trường, máy chiếu, thiết bị

đồng/ngày

chi theo thực tế nhưng tối đa không quá 1.000.000

6

Chi thù lao giảng viên

đồng/buổi thực giảng

tối đa không quá 250.000

7

Văn phòng phẩm, nguyên vật liệu

đồng/khóa đào tạo

chi theo thực tế nhưng tối đa không quá 250.000

8

Nước uống

đồng/người/ngày

5.000

9

Chi công tác quản lý lớp học

 

5% trên tổng số kinh phí hỗ trợ cho lớp đào tạo

B

Đối với tổ chức đại diện của nông dân

I

Hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng

1

Tiền tài liệu

đồng/tài liệu/khóa đào tạo

chi theo thực tế nhưng tối đa không quá 40.000

2

Tiền ăn học viên

 

 

a

Đối với các lớp tập huấn đào tạo tổ chức tại tỉnh

đồng/người/ngày thực học

50.000

b

Đối với các lớp tập huấn đào tạo tổ chức tại huyện, thị xã

đồng/người/ngày thực học

25.000

3

Tiền xe đi lại học viên

 

 

a

Đối với trường hợp nơi đào tạo cách xa nơi cư trú từ 15km trở lên

 

30.000 nhưng tối đa không quá 150.000 đồng/người/khóa đào tạo

b

Đối với trường hợp nơi đào tạo cách xa nơi cư trú dưới 15km

 

20.000 nhưng tối đa không quá 100.000 đồng/người/khóa đào tạo

4

Tiền ở học viên

 

 

a

Đối với chương trình toàn khóa đào tạo có thời gian từ 10 ngày trở xuống

đồng/người/khóa đào tạo

Thanh toán tiền thuê chỗ ở không quá chế độ công tác phí hiện hành

b

Đối với chương trình toàn khóa đào tạo có thời gian trên 10 ngày

đồng/người/ngày thực học

20.000

5

Thuê hội trường, máy chiếu, thiết bị

đồng/ngày

chi theo thực tế nhưng tối đa không quá 2.000.000

6

Chi thù lao giảng viên

đồng/buổi thực giảng

tối đa không quá 500.000

7

Văn phòng phẩm, nguyên vật liệu

đồng/khóa đào tạo

chi theo thực tế nhưng tối đa không quá 500.000

8

Nước uống:

đồng/người/ngày

10.000

9

Chi công tác quản lý lớp học

 

5% trên tổng số kinh phí hỗ trợ cho lớp đào tạo

10

Chi tổ chức tham quan: Tùy theo yêu cầu của khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật có tổ chức tham quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức đại diện của nông dân được chi trả tiền thuê xe và các chi phí liên hệ để tổ chức tham quan.

II

Hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện bảo vệ thực vật chung cho các thành viên

1

Năm thứ nhất

đồng/ha

Tối đa không quá 3.250.000

2

Năm thứ hai

đồng/ha

Tối đa không quá 2.160.000

III

Hỗ trợ 1 lần đối với kinh phí tổ chức tập huấn cho cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất

1

Tiền mua tài liệu (không kể tài liệu tham khảo)

 

Hỗ trợ 50% kinh phí mua giáo trình, tài liệu theo chứng từ thanh toán của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng

2

Tiền ăn

đồng/người/ngày thực học

25.000

3

Tiền ở

 

 

a

Đối với chương trình toàn khóa đào tạo có thời gian từ 10 ngày trở xuống

đồng/người/khóa đào tạo

Hỗ trợ 50% tiền thuê chỗ ở không quá chế độ công tác phí hiện hành

b

Đối với chương trình toàn khóa đào tạo có thời gian trên 10 ngày

đồng/người/ngày thực học

10.000

4

Học phí

 

Hỗ trợ 50% tiền học phí theo mức thu học phí quy định của cơ sở đào tạo

C

Đối với nông dân

 

 

1

Hỗ trợ một lần 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để gieo trồng vụ đầu tiên trong dự án cánh đồng lớn: theo giá giống lúa tại thời điểm phát sinh

 

tối đa không quá 130 kg giống lúa/ha.

2

Hỗ trợ 100% kinh phí lưu kho tại doanh nghiệp trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản: hỗ trợ thực tế theo hợp đồng tại thời điểm phát sinh

 

tối đa không quá 03 tháng.