Quyết định 09/2009/QĐ-UBND về đề án Quản lý nghề khai thác hải sản ven bờ dựa vào cộng đồng tỉnh Quảng Nam đến năm 2015
Số hiệu: 09/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Nguyễn Ngọc Quang
Ngày ban hành: 21/04/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2009/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 21 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ NGHỀ KHAI THÁC HẢI SẢN VEN BỜ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 131/2004/QĐ-TTg ngày 16/07/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/05/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;

Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Nghị quyết số 82/2007/NQ-HĐND ngày 25/4/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục phát triển kinh tế thủy sản Quảng Nam giai đoạn 2007-2010;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp &PTNT tại tờ tình số: 109/TTr-NN&PTNT ngày 24 tháng 3 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Quản lý nghề khai thác hải sản ven bờ dựa vào cộng đồng tỉnh Quảng Nam đến năm 2015”.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Nông nghiệp &PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

ĐỀ ÁN

QUẢN LÝ NGHỀ KHAI THÁC HẢI SẢN VEN BỜ DỰ VÀO CỘNG ĐỒNG TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09 /2009/QĐ-UBND ngày 21/4/2009 của UBND tỉnh Quảng Nam)

MỞ ĐẦU

Quảng Nam có chiều dài bờ biển trên 125km, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn hơn 40.000 km2, hình thành nhiều ngư trường với nguồn lợi hải sản phong phú, có tính đa dạng sinh học cao và là nơi sinh sản, sinh trưởng của nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Theo đánh giá của các cơ quan nghiên cứu, vùng biển Quảng Nam có trữ lượng hải sản ước tính khoảng 90.000 tấn, khả năng cho phép hàng năm khai thác khoảng 42.000 tấn; trong đó, cá nổi: 30.000 tấn, cá đáy:

12.000 tấn. Cá đáy phân bố chủ yếu từ mực nước sâu 50m trở ra, các đàn cá nổi nhỏ xuất hiện ở vùng nước gần bờ chiếm khoảng 70%, còn 30% xuất hiện ở vùng nước xa bờ. Các đàn cá nổi đại dương di cư vào vùng biển Quảng Nam như cá Ngừ, Thu, kiếm cờ, nục heo…, tạo điều kiện thuận lợi để nghề khai thác hải sản phát triển.

Tuy ngư trường rộng lớn và nguồn lợi hải sản phong phú nhưng nghề cá Quảng Nam vẫn chưa khai thác hợp lý tiềm năng. Tàu thuyền nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu vươn khơi khai thác, thiếu tính an toàn trong sản xuất, cơ cấu nghề nghiệp mang nặng tính thủ công, chủ yếu khai thác ven bờ, sự mất cân đối giữa năng lực khai thác và khả năng hiện có của nguồn lợi ven bờ ngày càng tăng, làm cho nguồn lợi ven bờ bị giảm dần. Trong khi đó, những chi phí đầu vào phục vụ khai thác vẫn còn cao, đang gây ra những khó khăn lớn cho nghề khai thác hải sản. Hiệu quả kinh tế của các hoạt động khai thác hải sản ven bờ đang giảm dần nên các tàu cá buộc phải tận thu sản phẩm, từ đó gây ra áp lực lớn là giảm sút nguồn lợi hải sản ven bờ càng nghiêm trọng hơn.

Để có những giải pháp bảo vệ và tái tạo nguồn lợi hải sản, đảm bảo lợi ích lâu dài phát triển nghề khai thác hải sản một cách bền vững, tương xứng với tiềm năng vốn có, cần phải tiến hành xây dựng và phát triển mô hình quản lý nghề khai thác hải sản ven bờ dựa vào cộng đồng là vấn đề hết sức cần thiết.

Các căn cứ xây dựng đề án:

- Quyết định số 131/2004/QĐ-TTg ngày 16/07/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2010.

- Quyết định 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/08/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010.

- Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/05/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.

- Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”.

- Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.

- Nghị quyết 82/2007/NQ-HĐND ngày 25/4/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục phát triển kinh tế thủy sản Quảng Nam giai đoạn 2007-2010.

- Chương trình công tác và chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 của UBND tỉnh.

Phần I

THỰC TRẠNG NGHỀ KHAI THÁC HẢI SẢN

I. Năng lực sản xuất

1. Năng lực tàu thuyền, nghề nghiệp:

1.1. Cơ cấu tàu thuyền

Năm

Dưới 20CV

20 - 49 cv

50 - 89 cv

90 -150 cv

Trên 150CV

Tổng số

(chiếc)

Tổng công suất (cv)

2001

2184

955

90

31

40

3300

65.000

2002

2244

959

90

31

40

3364

66.000

2003

2244

959

90

31

40

3364

66.000

2004

2224

959

110

31

40

3364

70.000

2005

2273

1009

129

48

41

3500

75.000

2006

2259

1009

129

53

50

3500

75.000

2007

2335

1035

128

57

53

3608

81.994

2008

2413

1086

125

58

52

3734

82.210

Qua bảng trên ta thấy mức tăng số lượng tàu thuyền từ năm 2001 đến năm 2008 trong toàn tỉnh đạt mức bình quân 1,79%/năm, công suất bình quân tăng 3,48%/năm.

Năm 2001: 19,69 CV/tàu; Năm 2008: 22 CV/tàu.

Tuy số lượng và công suất tàu thuyền có tăng nhưng về quy mô công suất thấp so với bình quân chung của cả nước, số lượng tàu thuyền trên 90CV chiếm tỷ lệ thấp khoảng 2,95%.

Loại tàu thuyền có công suất nhỏ dưới 20CV chiếm tỷ lệ cao 64,62%, tàu thuyền từ 20 - 49CV chiếm tỷ lệ 29,08%; tàu thuyền công suất nhỏ không chỉ thiếu khả năng đánh bắt vùng khơi mà làm tăng áp lực khai thác ngư trường ven bờ dẫn đến cạn kiệt tài nguyên vùng bờ, sản lượng đạt thấp, làm cho đời sống của người dân khai thác hải sản ven bờ gặp rất nhiều khó khăn.

1.2. Cơ cấu nghề nghiệp

TT

Nhóm nghề

Nhóm công suất (cv)

Tổng số tàu theo nghề

20 <

20 – 49

50 – 89

> 90

01

Lưới kéo đơn

25

244

3

 

272

02

Rê tầng mặt

453

88

2

 

543

03

Rê 3 lớp

 

55

 

 

55

04

Vây ngày

 

6

 

17

23

05

Vây ánh sáng

 

74

67

32

173

06

Vây cá cơm

174

139

 

 

313

07

Câu tay cá

350

214

1

 

565

08

Câu tay mực xà

 

 

 

56

56

09

Pha xúc

 

1

3

4

8

10

Vó mành

 

25

1

 

26

11

Chụp mực

 

3

1

 

4

12

Bẫy ghẹ

 

22

 

 

22

13

Khác

560

215

5

1

781

Tổng tàu thuyền theo nhóm công suất

1562

1086

83

110

2841

 (Tổng số tàu thuyền đã được cấp phép nghề khai thác hải sản tính đến tháng 8/2008)

Qua bảng trên, ta thấy nghề chủ lực để phát triển khai thác hải sản của Quảng Nam vẫn là những nghề truyền thống như: lưới rê, vây, câu, kéo. Đối với nghề lưới kéo do đặc thù của vùng biển miền Trung có độ dốc lớn trong khi đó đội tàu hoạt động nghề lưới kéo có công suất nhỏ dưới 50CV nên không thể vươn khơi khai thác mà chỉ tập trung hoạt động ở vùng biển ven bờ. Các nghề lưới vây cá cơm, lưới rê và câu tay cá hoạt động tuyến lộng và tuyến bờ, tuy sản xuất ổn định, nhưng sản lượng ít, sản phẩm có giá trị kinh tế thấp, làm cho hiệu quả khai thác không cao. Một số ít tàu có công suất lớn hơn 90CV (chiếm 3,08%) hoạt động nghề lưới vây ánh sáng, vây ngày và câu mực xà hoạt động ở tuyến khơi. Bên cạnh đó, còn một số nghề không đăng ký cấp phép khai thác khá lớn (chiếm 21,8% tổng số lượng tàu thuyền); số tàu thuyền không đăng ký nghề là do sử dụng những nghề khai thác trái với quy định của Luật Thuỷ sản.

Nhìn chung, nghề khai thác hải sản ở Quảng Nam chủ yếu tập trung khai thác ở vùng biển ven bờ; đây là một trong những nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản. Do vậy, trong thời gian đến cần có những giải pháp cụ thể, giảm số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ để bảo vệ nguồn lợi hải sản một cách hợp lý mà không ảnh hưởng nhiều đến sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển.

2. Trang thiết bị hàng hải phục vụ cho đánh bắt của đội tàu:

Từ năm 2005 trở về trước, đa số tàu thuyền khai thác hải sản chưa trang bị đầy đủ các trang thiết bị hàng hải, trong những năm gần đây các tàu khai thác hải sản xa bờ đã coi trọng hơn trang thiết bị hàng hải phục vụ cho khai thác hải sản. Nhìn chung, số lượng tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ trang bị máy đàm thoại tầm xa chưa nhiều, khó khăn trong việc trao đổi thông tin liên lạc giữa tàu cá với các cơ quan chức năng trong công tác chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn sản xuất trên biển. Đối với các tàu khai thác hải sản ven bờ, các trang thiết bị hàng hải còn chưa đồng bộ, một số phương tiện vẫn chưa có. Đây là yếu tố tiềm ẩn tai nạn rất nguy hiểm đối với con người và tài sản của nghề khai thác hải sản ở tỉnh Quảng Nam khi hành nghề trên biển.

3. Công nghệ khai thác

Công nghệ khai thác của một số nghề như: Lưới rê, vây rút chì, lưới chụp mực cũng đã được du nhập và cải tiến để có hiệu quả cao hơn. Trong thời gian qua nghề lưới rê và vây đã sử dụng máy thu lưới trong quá trình sản xuất, giảm sức lao động, tăng thu nhập cho ngư dân. Song, nhìn chung công nghệ khai thác của đa số tàu thuyền còn lạc hậu, sản xuất thủ công là chính, việc du nhập nghề mới còn rất hạn chế.

4. Nguồn lực lao động và chất lượng lao động

4.1. Về lao động:

Lực lượng lao động đánh bắt hải sản của Quảng Nam tương đối dồi dào, toàn tỉnh hiện có khoảng 25.300 người trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Trong đó, lực lượng trong độ tuổi lao động ở các địa phương làm nghề cá rất lớn, một trong những vấn đề đặt ra trong những năm tới là giải quyết việc làm, phát triển nhiều ngành nghề khác để thu hút nguồn lao động này.

4.2. Chất lượng lao động:

Chất lượng lao động khai thác hải sản hầu hết đều chưa qua đào tạo hoặc đào tạo cấp bằng cho đủ chứng chỉ hành nghề chứ không được đào tạo bài bản qua trường lớp; mặt bằng trình độ dân trí của ngư dân thấp, hầu hết chưa học xong phổ thông, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tích luỹ được từ thực tế sản xuất. Với đặc thù nghề cá Quảng Nam, số lượng tàu thuyền công suất nhỏ chiếm đa số; các thuyền trưởng, máy trưởng trên tàu chưa được qua đào tạo bài bản. Đây là vấn đề hết sức khó khăn cho việc phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ cũng như chuyển đổi nghề mới.

5. Cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá tại Quảng Nam

Đến nay cơ sở hạ tầng nghề cá ở Quảng Nam phát triển còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nghề khai thác hải sản. Hầu hết các bến cá trong tỉnh là các bến cá tự nhiên, nơi trú đậu tàu thuyền theo truyền thống của địa phương. Hệ thống cảng cá đang được xây dựng và chỉ mới đưa vào hoạt động cảng cá và Âu thuyền Cù Lao Chàm nhưng do chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của xã Tân Hiệp, thành phố Hội An nên cảng cá Cù Lao Chàm đã chuyển sang phục vụ du lịch; còn lại các cảng cá An Hoà - Núi Thành, Tam Phú - Tam Kỳ và Âu thuyền Hồng Triều - Duy Xuyên đang thi công hoặc trong quá trình hoàn chỉnh. Hệ thống dịch vụ sửa chữa máy móc, tàu thuyền phát triển tương đối mạnh; tuy nhiên chủ yếu đóng tàu vỏ gỗ mà lượng gỗ phục vụ chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu nên đã gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mặt bằng, cơ sở kỹ thuật của các đơn vị này còn hạn chế, lao động chủ yếu mang tính thủ công, năng suất thấp.

II. Tình hình khai thác thuỷ sản Quảng Nam từ năm (2001 – 2008)

1. Sản lượng khai thác hải sản từ 2001 – 2008:

ĐVT: Tấn

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

Tổng sản lượng

39.657

42.886

44.866

45.702

47.372

48.688

50.235

50.000

32.375

35.015

33.781

34.312

34.493

36.035

37.311

38.000

Tôm, mực và các sản phẩm khác

7.282

7.871

11.085

11.390

12.879

12.653

12.924

12.000

Sản lượng khai thác hải sản bình quân/cv:

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

Ước 2008

Tấn/CV

0,610

0,649

0,679

0,652

0,631

0,649

0,612

0,608

Qua những số liệu trên, ta thấy sản lượng khai thác hải sản hàng năm tăng khoảng 3,40% là do tổng công suất tàu hàng năm được tăng lên, còn năng suất bình quân/cv hàng năm tăng khoảng 0,046%. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay sản lượng giảm so với năm 2006 khoảng từ 5 - 7%. Sự sụt giảm sản lượng trên không nhiều, nhưng thực tế rất lớn, vì để đạt được sản lượng đó, các tàu tăng cường độ khai thác, giảm kích thước mắt lưới cũng như sử dụng các ngư cụ huỷ diệt để nâng cao sản lượng bù đắp vào chi phí, làm cho nguồn lợi hải sản đã cạn kiệt nay càng cạn kiệt hơn.

2. Chi phí sản xuất, hiệu quả khai thác:

Qua số liệu điều tra tại các đơn vị tàu thuyền cho thấy chi phí đầu vào ngày càng cao, đầu ra sản phẩm thuỷ sản trong thời gian gần đây giá không tăng mà lại giảm, chỉ có một số loại đặc sản có giá trị kinh tế cao tăng lên nhưng những sản phẩm này ngày càng khan hiếm. Mặt khác, do nguồn lợi hải sản cạn kiệt nên để khai thác được 1kg cá lượng dầu tiêu hao lớn hơn nhiều so với những năm trước, dẫn đến hiệu quả kinh tế ngày càng thấp.

3. Thu nhập và đời sống của nhân dân:

Từ chỗ năng suất, sản lượng khai thác bình quân ngày càng giảm, chi phí sản xuất ngày càng cao, hiệu quả khai thác ngày càng thấp, mỗi lao động đi biển thu nhập hàng tháng chỉ được 700 - 800 nghìn đồng mà lại phải nuôi 3 - 4 nhân khẩu; đời sống của đại đa số bộ phận ngư dân ven biển hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, vì thu nhập và trình độ dân trí thấp nên việc đầu tư cho con cái của họ đi học là việc rất khó khăn, bên cạnh đó tính chất nghề nghiệp lại có truyền thống cha truyền con nối nên việc làm, nghề nghiệp… lại tiếp diễn nên khả năng thoát khỏi vòng luẩn quẩn này là rất khó. Do vậy, cần có chính sách hợp lý để hỗ trợ cho ngư dân, không đơn thuần chỉ là xăng dầu mà còn về chính sách đào tạo nghề nghiệp thay thế cho con em của ngư dân là rất cần thiết.

III. Nguồn lợi hải sản và ngư trường

1. Nguồn lợi hải sản:

Vùng biển Quảng Nam có nguồn lợi phong phú, đa dạng và giàu về chủng loại. Những loài cá chiếm tỷ lệ cao trong sản lượng khai thác:

- Cá nổi gồm: Cá chuồn, cá nục, cá trích, cá cơm, cá ngừ, cá thu...

- Cá đáy gồm: Cá mối, cá phèn, cá trác, cá lượng, cá lạc, cá căn,...

Đối với các loài cá nổi, cá chuồn xuất hiện từ tháng 2 - 6, cá nục xuất hiện nhiều từ tháng 4 - 6, cá trích có sản lượng cao từ tháng 6 - 8, cá cơm xuất hiện từ tháng 1 - 7, cá ngừ xuất hiện từ tháng 4 - 9, cá thu có thể đánh bắt được quanh năm, nhưng có sản lượng cao nhất từ tháng 4 - 9.

- Các loài cá nổi, chủ yếu đánh bắt trong vụ cá Nam (từ tháng 4 - 9).

- Các loài cá đáy thường đánh bắt được quanh năm nhưng vụ cá Bắc (từ tháng 10 - 3 năm sau) có sản lượng thấp hơn do thời tiết không thuận lợi.

Về trữ lượng hải sản:

- Trữ lượng hải sản trên 90.000 tấn, khả năng cho phép khai thác hàng năm khoảng 45.000 tấn. Trong đó:

+ Cá nổi: 30.000 tấn

+ Cá đáy: 15.000 tấn

- Khả năng khai thác mực khoảng 10.000 - 12.000 tấn

- Khả năng khai thác tôm, ruốc khoảng 4.000 - 6.000 tấn

Nguồn lợi hải sản ở vùng biển Quảng Nam tuy giàu về chủng loại, nhưng số lượng từng loài không nhiều, đây là một đặc điểm đáng được quan tâm trong khâu tổ chức khai thác và bố trí cơ cấu nghề nghiệp để phù hợp với ngư trường và nguồn lợi sẵn có của địa phương.

2. Ngư trường khai thác:

Vùng biển Quảng Nam nằm trong khu vực miền Trung, ngoài nguồn lợi sẵn có trong vùng, còn có một nguồn lợi khác đáng quý là nguồn lợi cá nổi đại dương hàng năm di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế nước ta. Trong đó, mực đại dương và một số đối tượng có giá trị xuất khẩu cao như các loài cá ngừ đại dương mà nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.

Những ngư trường phục vụ cho việc phát triển nghề khai thác vùng khơi đều có vị trí nằm kế cận, tiếp giáp với vùng biển Quảng Nam bao gồm:

- Bãi cá Đông Bắc Đà Nẵng.

- Bãi cá Đông Nam Quy Nhơn.

- Bãi cá Hòn Gió - Thuận An.

- Đối với nghề câu mực khơi và câu cá ngừ đại dương chủ yếu hoạt động ở vùng khơi vùng biển quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Ngư trường hoạt động của vùng biển Quảng Nam tiếp giáp với các vùng biển kế cận có nguồn lợi phong phú là điều kiện thuận lợi để phát triển một cách hợp lý nghề khai thác hải sản ở tỉnh Quảng Nam.

IV. Tình hình vi phạm luật thủy sản và các quy định của Nhà nước

Trong những năm qua tình hình vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên, dưới nhiều hình thức khác nhau mặc dù các cấp, các ngành đã quan tâm và có nhiều biện pháp để ngăn chặn và xử lý. Song tình trạng dùng kích thước mắt lưới nhỏ quá mức cho phép để khai thác thuỷ sản tuỳ tiện, dùng chất nổ, chất độc, te điện, giã... không tuân theo quy định của nhà nước vẫn còn xảy ra thường xuyên trên biển. Đây là một trong những vấn đề khó khăn trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản ven bờ đã cạn kiệt như hiện nay.

V. Tồn tại và nguyên nhân:

1. Tồn tại:

Qua đánh giá tình hình thực trạng nghề khai thác hải sản ở Quảng Nam, còn nhiều vấn đề bất hợp lý trong việc khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản như:

- Khai thác hải sản thiếu tính bền vững, môi trường, môi sinh vùng biển ngày càng bị xâm hại.

- Ngư trường, nguồn lợi hải sản ngày một suy giảm.

- Hiệu quả khai thác hải sản thấp hơn nhiều so với mức đầu tư.

- Đời sống của đại đa số ngư dân vùng biển gặp rất nhiều khó khăn.

2. Nguyên nhân:

- Tập quán nghề khai thác hải sản có từ lâu đời; mặt bằng trình độ dân trí còn thấp, ngư dân còn nghèo, không có khả năng đóng mới, cải hoán tàu thuyền lớn để vươn khơi khai thác; cơ cấu nghề nghiệp bất hợp lý; chuyển đổi nghề còn mang tính tự phát.

- Cơ sở hạ tầng, dịch vụ sửa chữa máy móc, tàu thuyền và chế biến còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu.

- Việc vay vốn từ các ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí là không thể vì không có tài sản thế chấp.

- Công tác khuyến ngư, tuyên truyền phổ biến pháp luật còn nhiều hạn chế, Luật Thuỷ sản và những quy định của Nhà nước chưa đến được với đa số ngư dân.

- Lực lượng Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản quá mỏng, trong khi địa bàn hoạt động quá rộng nên công tác tuần tra, kiểm soát trên biển để bảo vệ nguồn lợi hải sản chưa đáp ứng yêu cầu; một số loại nghề mang tính huỷ diệt nguồn lợi hải sản vẫn còn sử dụng nhiều, chưa kiểm soát để hạn chế được.

- Tàu thuyền khai thác vào mùa vụ cá sinh sản, đánh bắt cá con, khai thác tại các bãi tôm, cá sinh sản vẫn còn tiếp diễn.

- Chưa có sự phân cấp rõ ràng trong việc quản lý vùng biển và tàu thuyền khai thác hải sản trên biển.

- Công tác quản lý của các cấp chính quyền đối với nghề khai thác hải sản thiếu chặt chẽ, chưa sâu sát; chưa vào cuộc trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Qua những tồn tại và nguyên nhân trên, còn nhiều sự bất hợp lý trong nghề khai thác hải sản dẫn đến tình trạng mất cân đối trong việc khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, làm cho nguồn lợi thuỷ sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng không nhỏ đời sống kinh tế của đại đa số cộng đồng ngư dân ven biển.

Vì vậy, để khai thác có hiệu quả, bền vững và phù hợp với định hướng chung của ngành, cần phải có chiến lược quản lý nghề khai thác hải sản ven bờ dựa vào cộng đồng để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong nghề khai thác hải sản là hết sức cấp bách và cần thiết.

Phần II

MỤC TIÊU - NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

I. Mục tiêu:

Mục tiêu chung:

Áp dụng mô hình quản lý nghề khai thác hải sản ven bờ dựa vào cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản bền vững đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản, bảo vệ môi trường để từng bước nâng cao mức sống cho cộng đồng ngư dân ven biển.

Mục tiêu cụ thể:

- Tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản ven bờ dựa vào cộng đồng.

- Quản lý nguồn lợi hải sản ven bờ.

- Chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác ven bờ, giảm số lượng tàu thuyền và sản lượng khai thác hải sản ven bờ.

- Ổn định và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư ven biển.

II. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện:

1. Nhiệm vụ:

- Nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá.

- Giảm số lượng tàu thuyền khai thác hải sản ven bờ.

- Chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp sản xuất theo hướng mở rộng ngư trường ở tuyến lộng , tuyến khơi và các nghề khác.

- Quy định vùng cấm khai thác, khai thác có thời hạn đối với các loại thủy sản.

- Xây dựng mô hình quản lý nghề khai thác hải sản dựa vào cộng đồng.

2. Giải pháp thực hiện

2.1. Xây dựng tổng quan nghề khai thác hải sản Quảng Nam thời kỳ 2010 -

2015 tầm nhìn đến năm 2020.

2.2. Thành lập tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển:

- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-UB về việc đẩy mạnh tổ chức khai thác hải sản trên biển theo tổ, đội đoàn kết theo Quy chế về tổ chức khai thác hải sản trên biển theo tổ đoàn kết của ngư dân Quảng Nam đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 58/QĐ-UBND tỉnh ngày 29 tháng 8 năm 2005.

- Thành lập các tổ, đội đoàn kết sản suất trên biển đối với tất cả các tàu có công suất dưới 20CV.

2.3. Khoanh vùng quản lý:

- Điều tra, khảo sát nguồn lợi hải sản ven bờ.

- Điều tra, khảo sát số lượng nghề và tàu thuyền khai thác hải sản ven bờ để điều chỉnh cơ cấu các nghề khai thác hải sản phù hợp với khả năng cho phép khai thác nguồn lợi ven bờ.

Từ kết quả điều tra trên, đánh giá được hiện trạng nguồn lợi hải sản (trữ lượng, thành phần loài, nơi sinh sản, sinh trưởng, năng suất đánh bắt, khả năng cho phép khai thác, ...), hoạt động nghề và một số yếu tố môi trường hải dương học, hệ sinh thái có liên quan ở vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Nam để làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, khoanh vùng sinh sản, sinh trưởng giao cho ngư dân tự quản lý để bảo vệ, khai thác và tái tạo nguồn lợi hải sản.

2.4. Giảm số lượng tàu thuyền khai thác hải sản ven bờ:

- Không phát triển tàu có công suất dưới 30CV.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, không đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác hải sản đối với những tàu thuyền đóng mới không hợp pháp.

- Ban hành chính sách ưu đãi hỗ trợ cho ngư dân việc cải hoán, nâng cấp, đóng mới tàu cá khai thác hải sản xa bờ.

- Tiếp tục duy trì nghề không bị cấm như lưới mực, lưới rê các loại...; chuyển số lượng tàu thuyền khai thác hải sản các nghề cấm, nghề hạn chế vùng khai thác ở tuyến bờ sang khai thác ở tuyến lộng và tuyến khơi.

2.5. Chuyển số lao động dôi dư do sắp xếp sang làm các nghề khác:

- Đối với lao động trong độ tuổi thanh niên:

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn học nghề, tạo việc làm và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo các chính sách hiện hành của nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015. Số lượng thanh niên cần đào tạo học nghề cụ thể như sau:

Năm thực hiện

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Tổng cộng

Số lượng đào tạo nghề

200

300

300

300

300

300

300

2.000

- Đối với độ tuổi lao động ngoài tuổi thanh niên đến 50 tuổi:

Đào tạo cho ngư dân chuyển đổi nghề khai thác hải sản ven bờ sang nghề khác như: Nghề khai thác khơi, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch... Đối với lực lượng này cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân để họ chuyển đổi nghề phù hợp với khả năng của từng người.

- Đối với lao động trên 50 tuổi:

Đây chính là lực lượng lao động tập trung khai thác ở tuyến bờ với những nghề truyền thống là chủ yếu. Vì vậy, không cần chuyển đổi hoặc chuyển đổi nghề đối với những người có nguyện vọng còn lại để họ hoạt động bình thường.

2.6. Quản lý nghề khai thác hải sản ven bờ dựa vào cộng đồng:

Từ những kết quả điều tra, khảo sát nguồn lợi hải sản, số lượng nghề, tàu thuyền khai thác ven bờ, tiến hành xây dựng mô hình quản lý nghề khai thác hải sản dựa vào cộng đồng cụ thể như sau:

- Tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia quản lý nghề khai thác hải sản ven bờ dựa vào cộng đồng.

- Xây dựng quy chế, điều lệ hoạt động của nghề khai thác hải sản ven bờ dựa vào cộng đồng.

- Quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi hải sản để quản lý.

- Xây dựng mô hình quản lý nghề khai thác hải sản ven bờ.

2.7. Công tác khuyến ngư:

- Tăng cường công tác tập huấn về khai thác, sử dụng các trang thiết bị hỗ trợ cho khai thác hải sản; tuyên truyền và xây dựng mô hình khai thác hải sản và bảo quản sản phẩm trên tàu đánh cá nhằm tăng giá trị sản phẩm. Ưu tiên cho việc xây dựng các mô hình khai thác hải sản không xâm hại đến nguồn lợi và du nhập nghề mới khai thác hải sản có giá trị kinh tế cao. Tăng cường công tác đào tạo nghề mới cho ngư dân chuyển đổi nghề, du nhập nghề mới.

- Tập trung phổ biến, tuyên truyền Luật Thuỷ sản và các Nghị định của Chính phủ về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản để ngư dân hiểu và thực hiện.

2.8. Công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản:

- Hàng năm cùng với cộng đồng xây dựng, ban hành các quy định vùng cấm (bãi sinh sản của các loài thuỷ sản), mùa vụ cấm khai thác, bảo vệ hiệu quả các bãi tôm, bãi cá sinh sản; hướng dẫn, tuyên truyền ngư dân khai thác đúng quy định để từng bước tái tạo nguồn lợi hải sản đảm bảo lợi ích lâu dài.

- Quản lý tàu thuyền, nghề khai thác, đối tượng khai thác một cách chặt chẽ cả trên bờ, tại các cảng cá, bến cá và trên biển, tiến tới cấp hạn ngạch và thời hạn khai thác cho từng đơn vị thuyền nghề. Công tác quản lý tàu thuyền cần phải tiến hành chặt chẽ và toàn diện.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên biển để đảm bảo tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản thực hiện nghiêm Luật Thuỷ sản.

- Phân cấp quản lý và bảo vệ nguồn lợi hải sản đến các địa phương.

2.9. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục:

- Phổ biến pháp luật và các quy định của Nhà nước về thuỷ sản.

- Công tác phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể, các hội, hiệp hội để tuyên truyền, vận động ngư dân tự giác chấp hành nghiêm chỉnh Luật Thuỷ sản.

2.10. Nguồn vốn thực hiện:

Để có nguồn vốn thực hiện trong khai thác hải sản, ta cần tổng hợp cả bốn nguồn vốn: Vốn ngân sách, vốn vay, vốn tự có của dân và nguồn vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ.

- Nguồn vốn ngân sách hàng năm: Hỗ trợ kinh phí để đào tạo, chuyển đổi nghề khai thác hải sản và du nhập nghề mới, tham quan học tập và thuê chuyên gia đối với du nhập nghề mới và phục hồi nghề truyền thống khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao, đào tạo nghề mới cho lao động của các đơn vị thuyền nghề sau chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp không làm nghề khai thác hải sản và số lao động dôi dư sau khi chuyển đổi.

- Nguồn vốn vay: vay tín dụng trung và dài hạn từ 3 - 8 năm, với cơ cấu vốn vay: 50% nguồn vốn, vay qua ngân hàng thương mại.

- Vốn tự có huy động trong dân: Ngư dân phải sử dụng nguồn vốn tự có để đầu tư trang bị thêm về nghề nghiệp, trang thiết bị hỗ trợ cho khai thác hải sản, phần vốn tự có tham gia ít nhất phải đạt 50% tổng vốn đầu tư.

- Nguồn vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ: Dùng để điều tra, khảo sát nghiên cứu hiện trạng nguồn lợi hải sản ở vùng biển ven bờ phục vụ cho việc quy hoạch, khoanh vùng quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững; xây dựng mô hình quản lý nghề khai thác hải sản dựa vào cộng đồng.

2.11. Chính sách hỗ trợ:

- Hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình chuyển đổi nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ mới, mô hình quản lý nghề khai thác hải sản ven bờ dựa vào cộng đồng.

- Hỗ trợ kinh phí đào tạo cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng.

- Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề mới đối với số lao động dư dôi sau khi không hoạt động nghề khai thác hải sản.

- Hỗ trợ kinh phí tham quan học tập và thuê chuyên gia cho việc du nhập nghề mới, phục hồi nghề truyền thống khai thác hải sản có giá trị kinh tế cao (không trái với Luật Thuỷ sản và quy định của Nhà nước).

- Hỗ trợ kinh phí thành lập tổ đoàn kết sản xuất trên biển, chuyển đổi nghề khai thác hải sản ven bờ sang nghề khác (nghề không trái với quy định của Pháp luật).

- Hỗ trợ chênh lệch về lãi suất tiền vay, giữa vay ngân hàng thương mại và vay tín dụng ưu đãi.

2.12. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước:

Để khai thác và phát huy tốt tiềm năng thiên nhiên của biển, nguồn lợi hải sản phát triển bền vững, cần phải củng cố lại bộ máy quản lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ từ tỉnh đến xã, phường, đặc biệt là tổ chức bộ máy các phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của các huyện, thành phố và cán bộ phụ trách thuỷ sản của các xã, phường nghề cá.

- Tăng cường, đào tạo cán bộ cho Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản để nâng cao năng lực quản lý nghề cá.

- Bổ sung đủ chỉ tiêu mỗi xã, phường một cán bộ phụ trách thuỷ sản có chuyên môn sâu về thuỷ sản.

- Nâng cao trách nhiệm và phân cấp quản lý tàu thuyền, vùng biển cho chính quyền địa phương cũng như Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

- Củng cố và tổ chức các hội nghề nghiệp, nghề cá.

- Hàng năm đào tạo và đào tạo lại số cán bộ làm công tác thuỷ sản để nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn.

III. NHU CẦU ĐẦU TƯ

Để thực hiện đề án theo các yêu cầu trên cần có nguồn kinh phí như sau:

ĐVT: Triệu đồng

TT

Nội dung

Thời gian thực hiện

Tổng cộng

Nguồn vốn

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

01

Xây dựng tổng quan nghề khai thác hải sản Quảng Nam thời kỳ 2010 - 2015 có tính đến năm 2020.

150

150

 

 

 

 

 

300

Ngân sách Nhà nước

02

Thành lập tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển đối với tàu thuyền có công suất dưới 20CV

50

50

50

50

50

50

50

350

Ngân sách Nhà nước

03

Điều tra, khảo sát, nguồn lợi hải sản ven bờ

 

1200

1200

 

 

 

 

2400

Tổ chức phi chính phủ

04

Điều tra số lượng nghề khai thác hải sản ven bờ

100

100

100

100

100

 

 

500

Ngân sách Nhà nước

05

Quy hoạch vùng biển ven bờ

 

 

200

200

200

 

 

600

Tổ chức phi chính phủ

06

Khoanh vùng sinh sản, sinh trưởng; phân chia khu vực bảo vệ

 

 

 

 

500

500

 

1000

Tổ chức phi chính phủ

07

Giám sát, tuần tra, bảo vệ môi trường sống, sinh sản, sinh trưởng khu vực bảo vệ

500

500

500

500

500

500

500

3500

Tổ chức phi chính phủ

08

Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về nguồn lợi vùng biển ven bờ, ý thức cộng đồng

100

100

100

100

100

100

100

700

Ngân sách Nhà nước

09

Xây dựng mô hình chuyển đổi nghề nghiệp; ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào trong khai thác

500

500

500

500

500

500

500

3500

Ngân sách Nhà nước

10

Đào tạo và chuyển đổi nghề mới cho ngư dân

200

200

200

200

200

200

200

1400

Ngân sách Nhà nước

11

Đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng

100

100

100

100

100

100

100

700

Ngân sách Nhà nước

12

Xây dựng mô hình quản lý nghề khai thác hải sản dựa vào cộng đồng.

 

 

 

500

500

500

500

2000

Tổ chức phi chính phủ

Tổng cộng

1700

2900

2950

2250

2750

2450

1950

16950

 

Như vậy, nguồn kinh phí để thực hiện đề án đến năm 2015 là 16950 triệu đồng. Trong đó nguồn kinh phí ngân sách nhà nước 7450 triệu đồng; cụ thể năm 2009 là 1200 triệu đồng, năm 2010 là 1200 triệu đồng, năm 2011 là 1050 triệu đồng, năm 2012 là 1050 triệu đồng, năm 2013 là 1050 triệu đồng, năm 2014 là 950 triệu đồng, năm 2015 là 950 triệu đồng.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện đề án; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các ngành liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư, bố trí nguồn vốn hàng năm, tổ chức thực hiện đề án có hiệu quả.

- Hướng dẫn các huyện, thành phố ven triển khai quản lý nghề khai thác hải sản ven bờ dựa vào cộng đồng của địa phương trên cơ sở cụ thể hoá đề án.

- Cụ thể kế hoạch hàng năm cho các địa phương; tổ chức xây dựng, chỉ đạo và tổng kết mô hình để nhân ra diện rộng. Hàng năm triển khai các chương trình, đề tài về du nhập nghề mới và phục hồi nghề truyền thống.

- Tham mưu UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo triển khai và thực hiện đề án, làm thường trực ban chỉ đạo, định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cân đối kế hoạch ngân sách hàng năm trình UBND tỉnh quyết định.

3. UBND các huyện: Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn và thành phố Tam Kỳ, Hội An chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện cụ thể đề án. Hàng năm tổ chức tổng kết và báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp báo cáo ban chỉ đạo và UBND tỉnh./.