Chỉ thị 16/CT-UB năm 1985 về việc thí điểm bù giá gạo theo giá bảo đảm kinh doanh để phục vụ cán bộ công nhân viên ăn gạo tốt thoát dần ra khỏi bao cấp do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 16/CT-UB Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Võ Danh
Ngày ban hành: 18/02/1985 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 16/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 2 năm 1985

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THÍ ĐIỂM BÙ GIÁ GẠO THEO GIÁ BẢO ĐẢM KINH DOANH ĐỂ PHỤC VỤ CBCNV ĂN GẠO TỐT THOÁT DẦN RA KHỎI BAO CẤP

Từ giữa năm 1984 đến nay, thành phố tiếp nhận gạo cung cấp hàng tháng theo chỉ tiêu của Bộ Lương thực ngày càng giảm. Những tháng cuối năm 1984 và đầu 1985 việc tiếp nhận càng khó khăn hơn. Hiện nay thành phố còn nợ CBCNVC và người ăn theo cả 1 tháng gạo.

Để đảm bảo ổn định mức sống tối thiểu của cán bộ công nhân viên chức trên địa bàn thành phố, sau khi được ban Thường vụ Thành ủy chấp nhận, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Cho tiến hành thí điểm huyện Thủ Đức và quận 10 được bán gạo theo giá bảo đảm kinh doanh cho cán bộ công nhân viên, người ăn theo và các đối tượng khác do huyện Thủ Đức, quận 10 quản lý mà trước đây ăn gạo theo tiêu chuẩn định lượng với giá cung cấp và được bù giá. Từ nay cán bộ công nhân viên chức, người ăn theo và đối tượng chính sách mua gạo giá bảo đảm kinh doanh.

2. Các đối tượng ăn gạo theo chỉ đạo mới (6,5đ/kg) từ nay cũng ăn gạo theo giá bảo đảm kinh doanh nhưng không có bù giá, thành phố sẽ điểu chỉnh giá gia công hoặc điều chỉnh giá mua đối với tiểu thủ công nghiệp và thu mua nông sản theo hợp đồng kinh tế 2 chiều đối với vùng chuyên canh.

3. Cán bộ công nhân viên chức mua gạo giá bảo đảm kinh doanh tại các cửa hàng và đại lý kinh doanh lương thực theo chủng loại và số lượng cần thiết, nhưng không vượt quá định lượng sổ lương thực cung cấp.

Tiêu chuẩn tháng nào được bán trong tháng đó, tháng sau không bán lại phần tháng trước.

4. Mức bù giá tạm thời là (24đ/kg – 0,4đ/kg) = 23,6đ/kg gạo.

5. Công ty kinh doanh lương thực thành phố có trách nhiệm :

- Quản lý và sử dụng toàn bộ số tiền mặt của Công ty và số tiền tiết kiệm thu mua lương thực của nhân dân thành phố để quay vòng mua lúa, gạo và lương thực ở các tỉnh theo chỉ tiêu kế hoạch của Bộ Lương thực (cung cấp, kinh doanh) theo giá bảo đảm kinh doanh, bảo đảm đủ lương thực cho các từng lớp dân cư của thành phố, thực hiện tích cực chủ trương Nhà nước độc quyền lương thực xóa thị trường lương thực.

- Trước mắt dự trữ 1/2 tháng lương thực gối đầu cho thành phố và phấn đấu nâng dần mức dự trữ, mức gạo bán bảo đảm kinh doanh cho người lao động và nhân dân thành phố theo khả năng lương thực thu mua được nhưng không để thiếu lương thực bán cho hộ dân.

- Tính toán cải tiến bộ máy tổ chức và phương thức hoạt động để thực hiện chủ trương bán gạo theo giá bảo đảm kinh doanh nói trên cho cán bộ công nhân viên chức, đồng thời đủ sức bảo đảm ổn định thị trường lương thực thành phố trong mọi tình huống. Phải củng cố kết quả của công tác cải tạo thị trường lương thực vừa qua, tiếp tục đi sâu nghiên cứu quản lý, sử dụng các tổ chức đã cải tạo (tổ đại lý mua, đại lý bán v.v…) để nắm và quản lý chặt chẽ thị trường lương thực thành phố.

- Công ty kinh doanh lương thực cùng với các quận, huyện nỗ lực chế biến mì, màu đưa 1 tỷ lệ phù hợp vào cơ cấu cung ứng lương thực cho bữa ăn để giảm bớt định lượng gạo, thực hiện cải tạo và tổ chức lại các lực lượng chế biến tư nhân đưa vào làm chân rết cho hoạt động chế biến của ngành lương thực quận, huyện và thành phố.

- Chuyển tiền cho Sở Tài chánh kịp thời để bù giá gạo hàng tháng cho cán bộ công nhân viên chức. Sở Tài chánh cấp phát cho cán bộ công nhân viên chức làm 2 lần theo 2 kỳ lương hàng tháng.

 6. Sở Tài chánh, Sở Lương thực, Ngân hàng Nhà nước thành phố, Ban Tổ chức chánh quyền thành phố và Công ty kinh doanh lương thực thành phố chịu trách nhiệm bàn bạc, hướng dẫn tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời, chính xác. Những vấn đề cần xin chủ trương, các ngành cần kịp thời báo cáo cho Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố.

7. Về chỉ đạo và tổ chức thực hiện :

Ủy ban Nhân dân quận 10, huyện Thủ Đức báo cáo rõ chủ trương này với Thường vụ Quận ủy, Huyện ủy, vạch ra 1 kế hoạch triển khai sát hợp và chặt chẽ thận trọng. Sinh hoạt thật thông suốt trong nội bộ Đảng, thông suốt cho các ngành đoàn thể quần chúng, Mặt trận Tổ quốc của quận, huyện để cùng với cấp ủy và chánh quyền tuyên truyền giáo dục cho cán bộ công nhân viên cả gia đình hiểu rõ chủ trương này để hưởng ứng tích cực, các Ủy ban Nhân dân lắng nghe ý kiến đóng góp của cán bộ công nhân viên và quần chúng để làm tốt công việc mới mẻ này. Hết sức đề phòng bọn địch, bọn xấu tung tin xuyên tạc đẩy giá cả thị trường tăng lên.

Các Ủy ban Nhân dân các quận, huyện khác nắm chủ trương này để sau khi có cơ sở kết 2 điểm trên nếu thuận lợi sẽ triên khai cho toàn thành phố, đặc biệt là để chủ động tuyên truyền giáo dục trong nội bộ Đảng và công nhân viên chức của quận, huyện mình khi có những dư luận và bàn bạc tự phát của anh chị em. Đặc biệt là phải đề phòng địch và bọn xấu xuyên tạc tung tin xằng bậy đẩy giá lên gây rối thị trường và giá cả thì phải kịp thời dập tắt ngay.

Ngành lương thực, Công ty kinh doanh lương thực thành phố bố trí cán bộ đeo bám sát để chỉ đạo và cải tiến quản lý ngành rút kinh nghiệm kịp thời để chuẩn bị triển khai chung. Các ngành Kế hoạch, Tài chánh, Ngân hàng và Quản lý thị trường, Công an cần cử cán bộ theo dõi để giúp Ủy ban Nhân dân thành phố vạch ra các quy chế phù hợp để triển khai rộng và kịp thời chỉ đạo điểm, phát hiện kịp thời âm mưu bọn địch và bọn xấu để đối phó.

Quá trình triển khai thực hiện, Ủy ban Nhân dân quận, huyện Công ty kinh doanh lương thực thành phố các ngành liên quan phải kịp thời và thường xuyên báo cáo với Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố để có những biện pháp bổ sung, bảo đảm chủ trương trên đây của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện nghiêm chỉnh.

Các cấp chánh quyền, đoàn thể, thủ trưởng các đơn vị phải tổ chức sinh hoạt chỉ thị thông suốt trong nội bộ.

 

Không đăng báo, không đưa tin lên đài, và vô tuyến truyền hình

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Võ Danh

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.