Nghị quyết 131/NQ-HĐND năm 2006 quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao đến năm 2020 của tỉnh Sơn La
Số hiệu: | 131/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Sơn La | Người ký: | Thào Xuân Sùng |
Ngày ban hành: | 10/12/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 131/NQ-HĐND |
Sơn La, ngày 10 tháng 12 năm 2006 |
VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP THỂ DỤC - THỂ THAO ĐẾN NĂM 2020 CỦA TỈNH SƠN LA
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 57/2002/QĐ-TTg ngày 26/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao đến năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ- CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;
Căn cứ Quyết định số 384 /QĐ-TTg ngày 09/03/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La giai đoạn 2006 - 2020;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XII;
Xét Tờ trình số 167/TTr-UBND ngày 21/11/2006 của UBND tỉnh về việc phê chuẩn Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao đến năm 2020 của tỉnh Sơn La; Báo cáo thẩm tra số 227/BC-VHXH ngày 05/12/2006 của Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và tổng hợp ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Quyết định Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao đến năm 2020 của tỉnh Sơn La (có Quy hoạch chi tiết kèm theo)
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khoá XII thông qua.
1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này
2. Hội đồng nhân dân tỉnh Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và các vị đại biểu HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tăng cường tuyên truyền và giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP THỂ DỤC - THỂ THAO TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 131/NQ-HĐND ngày 10/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khoá XII, kỳ họp thứ 7)
Trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, con người là nhân tố quyết định, sức khoẻ được coi là vốn quý, có vai trò quan trọng đến sự phát triển của nòi giống, tăng cường sức lao động xã hội để sản xuất và bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo hạnh phúc của mỗi gia đình. Thể dục - thể thao là một mặt quan trọng để nâng cao sức khoẻ và đời sống văn hoá tinh thần, là phương tiện giao lưu giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
Với vị trí, vai trò của sự nghiệp thể dục - thể thao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong quá trình phát triển toàn diện kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh Sơn La nói riêng. Sự nghiệp Thể dục - Thể thao của tỉnh Sơn La phải từng bước phát triển một cách toàn diện, đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thể dục - thể thao phải là một trong những động lực góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong quá trình phát triển thể dục - thể thao nhằm sưu tầm và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Uỷ ban Thể dục - Thể thao, của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, phong trào thể dục - thể thao của tỉnh đã có những tiến bộ đáng kể. Song bên cạnh những thành tích đã đạt được, sự nghiệp thể dục - thể thao của tỉnh ta trước những yêu cầu mới, còn nhiều mặt hạn chế, cần được tập trung giải quyết. Thể dục - thể thao quần chúng phát triển chưa sâu rộng đến vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Thể thao thành tích cao phát triển còn chậm, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thể dục - thể thao nhất là ở cơ sở còn rất thiếu. Công tác xã hội hoá các hoạt động thể dục - thể thao hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ công chức, huấn luyện viên, hướng dẫn viên còn bất cập. Để đáp ứng xu thế hội nhập và nhu cầu phát triển của sự nghiệp thể dục - thể thao trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, việc xây dựng Quy hoạch sự nghiệp thể dục - thể thao của tỉnh Sơn La đến năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây sẽ là định hướng cơ bản làm căn cứ để hàng năm ngành thể dục - thể thao xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao sát với tình hình thực tế của tỉnh, để chỉ đạo, quản lý, động viên, khuyến khích và huy động được nhiều lực lượng quần chúng tham gia. Từng bước đưa sự nghiệp thể dục - thể thao tỉnh Sơn La phát triển một cách toàn diện, vững chắc, tương xứng với tiềm năng của tỉnh để đến năm 2020 Sơn La là một trong những tỉnh mạnh về phong trào thể dục - thể thao của các tỉnh miền núi phía Bắc.
1. Chỉ thị 36/CT-TW ngày 24/3/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VIII về công tác thể dục - thể thao trong giai đoạn mới;
2. Quyết định số 712/TTg ngày 30/8/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc thời kỳ 1996 - 2010;
3. Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 23/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch;
4. Quyết định số 57/2002/QĐ-TTg ngày 26/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp Thể dục - Thể thao đến năm 2010;
5. Chỉ thị 17/CT-TW ngày 23/10/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển thể dục - thể thao đến năm 2010;
6. Nghị quyết 16/NQ-TU ngày 13/3/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển thể dục - thể thao đến năm 2010;
7. Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục - thể thao;
8. Quyết định 100/2005/QĐ-TTg ngày 10/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển thể dục - thể thao xã, phường, thị trấn đến năm 2010;
9. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XII;
10. Quyết định số 384/QĐ-TTg ngày 09/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La giai đoạn 2006 - 2020;
11. Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ THỰC TRẠNG SỰ NGHIỆP THỂ DỤC - THỂ THAO TỈNH SƠN LA
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TỰ NHIÊN - KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Vị trí địa lý tỉnh Sơn La
Sơn La là một tỉnh ở vùng núi Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 14.412.500 ha, chiếm 4,27% tổng diện tích cả nước, đứng thứ 3 trong số 64 tỉnh, thành phố. Phía Bắc giáp các tỉnh Yên Bái, Lai Châu; phía Đông giáp các tỉnh Phú Thọ, Hoà bình; phía Tây giáp tỉnh Điện Biên; phía Nam giáp tỉnh Thanh Hoá. Sơn La có 250 km đường biên giới với Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Độ cao trung bình 600 - 700 m so với mặt biển, 97% diện tích tự nhiên thuộc lưu vực Sông Đà, Sông Mã, có 2 cao nguyên là cao nguyên Mộc Châu và Sơn La - Nà Sản, địa hình tương đối bằng phẳng.
Sơn La có khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi, mùa đông lạnh khô, mùa hè nóng ẩm mưa nhiều. Địa hình bị chia cắt sâu và mạnh, hình thành nhiều tiểu vùng khí hậu cho phép phát triển một nền sản xuất nông - lâm nghiệp phong phú. Vùng cao nguyên Mộc Châu phù hợp với cây trồng và vật nuôi vùng ôn đới, vùng dọc Sông Đà phù hợp với cây rừng nhiệt đới, xanh quanh năm.
Sơn La có diện tích đất lâm nghiệp chiếm 73% diện tích tự nhiên, đất đai phù hợp với nhiều loại cây. Đến năm 2005 diện tích rừng còn 577.638,09 ha, trong đó rừng sản xuất: 47.856,69 ha, với trữ lượng là: 16,5 triệu m3 gỗ và 203,3 triệu cây tre, nứa chủ yếu là rừng tự nhiên, rừng trồng có trữ lượng 154 ngàn m3 gỗ và 220 ngàn cây tre, nứa. Sơn La có nhiều loại khoáng sản khác nhau như: than, đá vôi, ni ken, vàng... (gần 150 điểm), chủ yếu là mỏ nhỏ, phân bố rải rác, trữ lượng không lớn, điều kiện khai thác không thuận lợi.
2. Đặc điểm xã hội và khái quát về nguồn nhân lực tỉnh Sơn La
Sơn La có 10 huyện và 01 thị xã với 201 xã, phường, thị trấn, dân số toàn tỉnh năm 2005 khoảng: 992.700 người, mật độ bình quân 70 người/km2, trong đó nam: 498.137 người chiếm 50,18%; nữ: 494.563 người, chiếm 49,82%. Dân số khu vực thành thị chiếm 12%; khu vực nông thôn chiếm 88% tổng dân số toàn tỉnh. Lao động trong độ tuổi khoảng 524.950 người chiếm 52,8% dân số toàn tỉnh, trong đó nam: 293.447 người, nữ: 231.503 người, lao động thành thị: 88.769 người chiếm 16,91%; lao động nông thôn 436.181 người, chiếm 83,09% tổng số lao động toàn tỉnh. Trên 80% trẻ em trong độ tuổi 6 - 14 được phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; trên 90% người lao động ở độ tuổi 15 - 35 được công nhận xoá mù chữ. Số học sinh tiếp tục tăng nhất là học sinh trung học cơ sở. Tiểu học bình quân 5 năm tăng 4,5%, trung học cơ sở tăng 18%, trung học phổ thông tăng 23,3%. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường năm học 2004 - 2005 tăng đáng kể, ngành học mầm non tăng 18%, tiểu học tăng 12,7%. Năm học 2004 -2005 tổng số có 613 trường phổ thông, tăng 263 trường so với năm học 1995-1996. Năm 2005 số học sinh lên lớp là:
- Bậc tiểu học có 85.000 học sinh.
- Bậc trung học cơ sở có 29.000 học sinh.
- Bậc trung học phổ thông có 29.500 học sinh.
- Các trường, lớp dạy, chuyên nghiệp từng bước được mở rộng cả về quy mô và loại hình nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 1995 - 2004 số lao động được đào tạo tại các cơ sở đào tạo của tỉnh là 14.658 người, trong đó khối sư phạm có 4.036 người, văn hoá - nghệ thuật 986 người, nông - lâm nghiệp 3.576 người. Ngoài ra trong những năm xây dựng thuỷ điện Sơn La sẽ có khoảng từ 2 - 3 vạn công nhân lao động trên công trường, đây là lực lượng sẽ đóng góp nhất định đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đối với ngành thể dục - thể thao: Cán bộ thể dục - thể thao hiện nay trong toàn tỉnh là 54 biên chế, trong đó 43 là đại học (35 đại học thể dục - thể thao, 8 đại học chuyên ngành khác), 2 cao đẳng thể dục - thể thao, 5 trung cấp thể dục - thể thao, còn lại là công nhân và nhân viên hành chính.
3. Một số chỉ tiêu tổng hợp kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La
Trong những năm qua tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sơn La đạt mức độ khá. Năm 2004 tốc độ tăng trưởng kinh tế là 14,21%. Tốc độ GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2001 - 2004 là: 10,6%/năm, năm 2005 đạt 16%, 6 tháng đầu năm 2006 đạt 12,04%, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm đạt 15 - 15,5%, đưa ước tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm 2006 ước đạt 13,25% (theo Báo cáo số 23/BC-BCS ngày 25/9/2006 của Ban cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh). Do tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ổn định nên GDP bình quân đầu người tăng đều qua các năm. Năm 1995 đạt 1.279.140 đồng/người (tương ứng 115 USD), năm 2000 tăng lên 2.202.878 đồng/người (142 USD), năm 2004 đạt 3.516.000 đồng/người (225 USD), năm 2005 đạt 4.150.000 đồng/người (258 USD). Đời sống nhân dân các dân tộc không ngừng được cải thiện và nâng cao, khoảng cách đô thị và nông thôn được cải thiện và rút ngắn, cụ thể:
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20% (năm 2001) xuống còn 11,5% (năm 2005) theo tiêu chí cũ, còn 41% theo tiêu chí mới.
- 80% số hộ được xem truyền hình, dự báo hết năm 2006 có 85% số hộ được xem truyền hình (theo số liệu của Báo cáo số 23/BC-BCS ngày 25/9/2006 của Ban cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh).
- Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng đều qua các năm, năm 1995 đạt 758,901 tỷ đồng, năm 2004 đạt 1.637,8 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp đạt khá, giai đoạn 2000 - 2004 giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 6,7%/năm. Trồng trọt vẫn là ngành chủ yếu, chiếm tỷ trọng từ 74,8% năm 1995 tăng lên 80,7% năm 2002 và ở mức 76,03% năm 2004 trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Sản xuất lương thực có hạt tăng khá cao và ổn định, từ 145.016 tấn năm 1995 tăng lên 243.895 tấn vào năm 2000 và đạt 352.540 tấn năm 2004. Giai đoạn 2000 - 2004 tăng bình quân năm là 9,65%, sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người tăng từ 217,8 kg/người năm 1995 tăng lên 269 kg/người vào năm 2000, đạt 361 kg/người vào năm 2004. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp 9 tháng đầu năm 2006 ước tăng 12% so với cùng kỳ, dự ước cả năm 2006 tăng 12,3%, sản lượng lương thực có hạt năm 2006 ước đạt 39,9 vạn tấn, bằng 114% kế hoạch (theo số liệu Báo cáo số 23/BC-BCS ngày 25/9/2006 của Ban cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh). Đã và đang hình thành các vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung gắn với công nghiệp chế biến như:
- Vùng chè tập trung chủ yếu ở Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Phù Yên.
- Vùng cà phê tập trung ở huyện Mai Sơn, Thị xã, Thuận Châu đang phát triển thêm tại các vùng ở huyện Sông Mã, Quỳnh Nhai.
- Vùng mía nguyên liệu tập trung được phát triển tại huyện Mai Sơn, Yên Châu, Thị xã, Bắc Yên.
- Vùng trồng dâu nuôi tằm được hình thành tại các huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Thị xã, Thuận Châu.
- Vùng cây ăn quả tập trung đã được hình thành và phát triển ở các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Thị xã...
- Về chăn nuôi trong những năm qua đã được duy trì và phát triển các đàn gia súc, gia cầm như: trâu, bò, lợn, cá, dê và các đàn gia cầm khác... Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi bình quân đạt 18%/năm trong cả giai đoạn 2000 - 2004, giai đoạn 2001 - 2005 đạt 23,85%/ năm, đã có những đóng góp đáng kể trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh thời gian qua.
Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2003 đạt 451,35 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn năm 2000 - 2004 đạt mức 18%/năm. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp khá đã góp phần đưa ngành công nghiệp - xây dựng tăng lên và chiếm 17,51% tổng giá trị GDP của tỉnh trong năm 2004. Năm 2005, cơ cấu GDP ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 19% GDP toàn tỉnh. Đến nay ngoài khu công nghiệp thuỷ điện Mường La, đã có cơ sở hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung là: cụm công nghiệp Mộc Châu, khu công nghiệp Mai Sơn, cụm công nghiệp thị xã Sơn La.
- Công tác y tế bảo vệ sức khoẻ được tăng cường, các bệnh nguy hiểm và các bệnh xã hội giảm đáng kể, y tế cơ sở được củng cố và phát triển, đến nay 11/11 huyện, thị có trung tâm y tế, 201 trạm y tế xã, phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp với tổng số 2.815 giường bệnh. Theo thống kê tốc độ tăng dân số năm 1991 - 1995 là 2,92%, năm 1996 - 2000 là 2,21%, năm 2001 - 2005 là 1,91%, dự báo tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2006 còn 1,61%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 29,1% (theo số liệu Báo cáo số 23/BC-BCS ngày 25/9/2006 của Ban cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh). 100% xã, phường có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã, phường, thị trấn có điện thoại tại trụ sở uỷ ban nhân dân xã; 11/11 huyện, thị đã được phủ sóng điện thoại di động. Toàn tỉnh có 47 trạm thu phát lại truyền hình, phủ sóng truyền hình cho 11/11 huyện, thị và một số cụm dân cư vùng cao với chất lượng ngày một nâng cao.
- Về Giáo dục - Đào tạo: đến năm 2004 toàn tỉnh có 98 xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, 72 xã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, 201 xã, phường, thị trấn duy trì phổ cập giáo dục tiểu học.
- Về Văn hoá - Thông tin: đến năm 2005 toàn tỉnh có 26 đội chiếu bóng lưu động, 01 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, trên 1.627 đội văn nghệ quần chúng, trên 50% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, dự báo đến hết năm 2006 có 55% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hoá; 25% số bản, tiểu khu, tổ dân phố có nhà văn hoá; 55% số cơ quan, đơn vị, 42% số bản, tiểu khu đạt tiêu chuẩn văn hoá; 95% số hộ được nghe Đài tiếng nói Việt Nam, 85% số hộ được xem truyền hình (số liệu Báo cáo số 23/BC-BCS ngày 25/9/2006 của Ban cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh). Xuất bản sách báo, văn hoá phẩm tăng 60 - 150% và hàng năm thực hiện được trên 1 tỷ trang in tiêu chuẩn.
Mặc dù đã có những bước phát triển tương đối khá trong thời gian gần đây, nhưng điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy đã ảnh hưởng nhất định tới quá trình phát triển của sự nghiệp thể dục - thể thao.
II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG SỰ NGHIỆP THỂ DỤC - THỂ THAO TỪ NĂM 1995 - 2006
1. Những kết quả đã đạt được: (Có các biểu số liệu cụ thể).
1.1 Phong trào thể dục - thể thao quần chúng
Ngành thể dục - thể thao tỉnh Sơn La đã chủ động, sáng tạo bám sát các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách, các quan điểm của Đảng và Nhà nước, của tỉnh để chỉ đạo và tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao. Vì vậy, phong trào thể dục - thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì và có bước phát triển với nhiều loại hình hoạt động đa dạng, phong phú. Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" tiếp tục được triển khai, thu hút đông đảo lực lượng quần chúng tham gia. Ngành đã chủ động phối hợp với các ngành, mặt trận và các đoàn thể trong quá trình chỉ đạo xây dựng, duy trì, phát triển thể dục - thể thao và tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao.
Vì vậy, phong trào thể dục - thể thao quần chúng đã phát triển ở mọi đối tượng, mọi nơi, mọi chỗ từ các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, trường học đến các bản làng xa xôi với nhiều hình thức hoạt động khác nhau. Những môn thể thao hiện đại như: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, điền kinh, cờ vua, cờ tướng, taekwondo, bơi lội, đi bộ... thu hút đông đảo lực lượng tham gia tập luyện. Các môn thể thao dân tộc như: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, đua thuyền và các trò chơi dân gian mang tính thể thao như: ném pa pao, đánh yến, tó má lẹ, đánh tu lu, tung còn... đang được khai thác và phát triển mạnh, nhất là trong khối nông thôn. Tại ngày hội văn hoá - thể thao các dân tộc tỉnh Tây Bắc năm 2003, đoàn vận động viên của tỉnh đã xếp thứ nhất toàn đoàn trên tổng số 5 đoàn tham gia; ngày hội văn hoá - thể thao các dân tộc Tây Bắc lần thứ IX năm 2005 tổ chức tại thành phố Điện Biên, đoàn vận động viên của tỉnh xếp thứ 3 toàn đoàn. Hội thi thể thao các dân tộc và lực lượng vũ trang các tỉnh khu vực Tây Bắc, đoàn vận động viên tỉnh ta xếp thứ 3 toàn đoàn trên 9 đoàn vận động viên tham gia ngày hội.
a) Khối trường học: Chương trình giáo dục thể chất được thực hiện và từng bước nâng cao chất lượng. Năm 2003 toàn tỉnh có 454 giáo viên thể dục - thể thao trong đó 376 giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học, 78 giáo viên có trình độ trung học. Năm 2005 toàn tỉnh có 460 giáo viên thể dục - thể thao. Nhiều trường đã tổ chức tốt các hoạt động ngoại khoá, các đội tuyển tập luyện, thi đấu, thu hút đông đảo lực lượng học sinh tham gia. Các môn thể thao được học sinh ưa thích và tham gia tập luyện đông đảo là: bóng đá, điền kinh, cầu lông, cờ vua, đá cầu... Để tiến tới Hội khoẻ Phù Đổng toàn tỉnh lần thứ VIII năm 2004, đã có 85% tổng số trường tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng cấp trường, 100% huyện, thị tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng ở cấp mình và chuẩn bị tốt lực lượng vận động viên tham gia thi đấu các môn thể thao tại Hội khoẻ Phù Đổng toàn tỉnh. Có 11/11 huyện thị và 100% trường phổ thông trung học với 1.053 vận động viên tham gia thi đấu tại Hội khoẻ Phù Đổng toàn tỉnh, trong đó số vận động viên thi đấu trước ngày hội là 535 vận động viên, thi đấu trong ngày hội là 518 vận động viên. Đoàn vận động viên tham gia Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ VI năm 2004 đạt 13 huy chương (3 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 6 huy chương đồng). So với Hội khoẻ Phù Đổng lần thứ V (năm 2000) tăng 9 huy chương (3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 3 huy chương đồng).
b) Khối cán bộ, công nhân, viên chức: Việc tập luyện thể dục - thể thao đã trở thành nhu cầu thường xuyên, hàng ngày của đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức. Hầu hết các ban, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí để cải tạo, xây dựng sân, bãi phục vụ cho cán bộ, công chức tập luyện như: sân bóng chuyền, cầu lông, bàn bóng bàn; nhiều ngành đã tổ chức ngày hội hoặc đại hội thể dục - thể thao truyền thống như: ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành Xây dựng, ngành Ngân hàng, ngành Tài chính...
c) Khối lực lượng vũ trang: Nhiều đơn vị đã duy trì và thực hiện tốt việc tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên và tổ chức kiểm tra chiến sĩ khoẻ, chiến sĩ công an khoẻ. Nhiều giải thể thao truyền thống được tổ chức thường xuyên, thu hút hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia luyện tập và thi đấu. Các môn thể thao như: bóng chuyền, cầu lông, bóng đá... luôn được các chiến sĩ ham thích tập luyện.
d) Khối xã, phường, thị trấn: Phong trào thể dục - thể thao đã phát triển tốt ở các khu đông dân cư, dọc đường quốc lộ và đang từng bước phát triển đến các xã vùng sâu, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Một số môn thể thao được nhân dân ưa thích và tham gia tập luyện đông đảo là: bóng đá, bóng chuyền, bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn, kéo co, bơi thuyền... Ngày 10/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thể dục - thể thao xã, phường, thị trấn đến năm 2010, ngành thể dục - thể thao đã chủ động tham mưu với Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, trước mắt triển khai chỉ đạo điểm 02 xã là: xã Chiềng Cơi, thị xã Sơn La và xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.
Sau 6 năm thực hiện cuộc vận động " Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đã có 145 xã, phường, đơn vị tổ chức lễ phát động, thu hút hàng chục ngàn người hưởng ứng tham gia. Kết quả cuộc vận động đã thực sự đi vào lòng dân và trở thành một phong trào hoạt động thể dục - thể thao rộng khắp ở mọi địa bàn, mọi đối tượng. Cuộc vận động đã và đang tiếp tục được triển khai, nhằm nâng cao chất lượng và tạo ra nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú.
1.2 Thể thao thành tích cao
Cùng với việc xây dựng và phát triển phong trào thể dục - thể thao quần chúng, ngành thể dục - thể thao Sơn La đã coi trọng tới công tác phát triển thể thao thành tích cao bằng việc tuyển chọn và tập huấn vận động viên các đội tuyển tham gia thi đấu khu vực và toàn quốc được chuẩn bị kỹ và có sự quan tâm đầu tư thích đáng. Căn cứ vào chất lượng phong trào và chất lượng chuyên môn các giải thể thao toàn tỉnh, để tuyển chọn vận động viên tập huấn tham gia thi đấu các giải khu vực và toàn quốc với phương châm: tinh, gọn, đạt thành tích cao. Hàng năm, ngành tổ chức tập huấn các đoàn vận động viên tham gia từ 14 đến 19 giải khu vực và toàn quốc, kết quả thành tích năm sau luôn cao hơn năm trước: năm 1997 không có huy chương, năm 2000 đạt 12 huy chương, năm 2002 đạt 24 huy chương, năm 2003 đạt 51 huy chương, năm 2004 đạt 46 huy chương, năm 2005 đạt 58 huy chương, 9 tháng đầu năm 2006 đạt 44 huy chương. Tại Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc lần thứ V năm 2006, đoàn vận động viên của tỉnh đạt 5 huy chương, trong đó có 02 huy chương vàng, 02 huy chương bạc, 01 huy chương đồng và xếp thứ 43 trên 66 tỉnh, thành, ngành, xếp thứ 07 trên 19 tỉnh miền núi.
Công tác đào tạo vận động viên thành tích cao: Duy trì tốt các lớp phổ cập, các lớp năng khiếu của 4 môn (được xác định là môn mũi nhọn của tỉnh): bóng đá thiếu niên, nhi đồng, taekwondo, cầu lông, điền kinh. Do được đào tạo một cách tương đối có hệ thống, cho nên một số vận động viên đã đạt thành tích cao trong quá trình thi đấu: năm 1997 không có vận động viên đạt đẳng cấp; năm 2000 có 01 vận động viên đạt kiện tướng, 01 vận động viên đạt cấp I; năm 2002 có 07 vận động viên đạt cấp I; năm 2003 có 02 vận động viên đạt kiện tướng, 01 vận động viên đạt cấp I; năm 2004 có 02 vận động viên đạt kiện tướng, 04 vận động viên đạt cấp I; năm 2005 có 02 vận động viên đạt kiện tướng, 07 vận động viên đạt cấp I; 9 tháng đầu năm 2006 có 03 vận động viên đạt kiện tướng, 06 vận động viên đạt cấp I. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo vận động viên, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/2004/QĐ-UB ngày 01/01/2004 về việc phê duyệt Đề án đào tạo vận động viên năng khiếu và vận động viên thành tích cao của tỉnh Sơn La giai đoạn 2004 - 2010.
Hệ thống tổ chức các giải thi đấu từ cơ sở đến toàn tỉnh: Để có cơ sở tuyển chọn vận động viên vào lớp năng khiếu của tỉnh và các đội tuyển tham gia thi đấu các giải khu vực và toàn quốc. Hệ thống tổ chức các giải thi đấu của tỉnh đã từng bước được cải tiến, nhằm thu hút được đông đảo lực lượng vận động viên tham gia thi đấu từ cơ sở đến toàn tỉnh, đồng thời đảm bảo thời gian tập huấn cho các đoàn vận động viên tham gia giải khu vực và toàn quốc. Hàng năm tổ chức được từ 250 đến 300 giải thể thao và các trận thi đấu giao lưu nhân ngày kỷ niệm của đất nước, địa phương, đơn vị, thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia. Đối với các giải chuyên ngành cấp tỉnh, Sở Thể dục - Thể thao tổ chức từ 10 đến 13 giải và phối hợp tổ chức hàng chục giải với các ngành khác. Tiến tới tổ chức thành công Đại hội Thể dục - Thể thao toàn tỉnh lần thứ V năm 2006, đã có 128/201 xã, phường, thị trấn tổ chức Đại hội Thể dục - Thể thao hoặc Ngày hội Văn hoá - Thể thao với trên 15.000 vận động viên tham gia, 11/11 huyện, thị và 02 ngành Công an, Bộ đội Biên phòng tổ chức Đại hội Thể dục - Thể thao có 4.874 vận động viên của 196 đơn vị tham gia. Tại Đại hội Thể dục - Thể thao toàn tỉnh có 300 vận động viên của 11 huyện, thị và ngành Công an, Bộ đội Biên phòng tham gia thi đấu và trên 2.000 quần chúng tham gia lễ khai mạc.
1.3 Công tác xã hội hoá các hoạt động thể dục - thể thao
Đây là một nhiệm vụ mà trong thời gian vừa qua ngành thể dục - thể thao đã thu được những kết quả nhất định. Đó là việc phối kết hợp với các ngành trong quá trình xây dựng, duy trì, phát triển phong trào thể dục - thể thao và tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao, trong đó có sự đóng góp về kinh phí. Một số giải thể thao toàn tỉnh do các ngành tự chuẩn bị kinh phí, cơ sở vật chất, ngành thể dục - thể thao chỉ giúp về công tác chuyên môn, điều hành các trận thi đấu, một số giải ngành đã vận động được một số doanh nghiệp tài trợ cho giải, tuy không nhiều nhưng đã tạo ra những bước chuyển biến nhất định trong nhận thức đối với việc thực hiện xã hội hoá trong các hoạt động thể dục - thể thao. Thực hiện Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục - thể thao, ngành thể dục - thể thao tiếp tục chỉ đạo các cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền vận động cơ quan, đơn vị huy động sự đóng góp của cán bộ công chức sửa sang, xây dựng sân bãi tập luyện như: sân cầu lông, nhà tập bóng bàn, sân tenis, bể bơi... Nhân dân các địa phương tự tổ chức lao động tu sửa sân, bãi từ đó thu hút được nguồn vốn của tập thể, cá nhân cùng tham gia vào các hoạt động thể dục - thể thao, với phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân làm, dân hưởng thụ.
1.4 Công tác tổ chức cán bộ
Sau hơn 10 năm sát nhập với Sở Văn hoá - Thông tin thành Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao. Ngày 15/01/2003, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La đã có Quyết định số 12/2003/QĐ-UB thành lập Sở Thể dục - Thể thao, với 21 biên chế. Bộ máy tổ chức của Sở Thể dục - Thể thao gồm: 02 phòng và 01 bộ phận với số nhân sự như sau:
- Lãnh đạo Sở : 03 biên chế.
- Phòng nghiệp vụ : 09 biên chế (01 cán bộ đi tăng cường cơ sở).
- Phòng hành chính tổng hợp: 08 biên chế (hiện nay có 07 thiếu 01 biên chế).
- Bộ phận thanh tra: 01 biên chế.
Về trình độ có 16 đại học (trong đó 06 đại học chuyên ngành khác: đại học Kinh tế - quốc dân, đại học Văn hoá quần chúng), 03 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận, 01 cử nhân chính trị, 02 trung cấp thể dục - thể thao (trong đó 01 đồng chí đang học đại học tại chức).
Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh được giao 16 biên chế, gồm:
- Lãnh đạo Trung tâm: 02 biên chế.
- Phòng huấn luyện thi đấu: 06 biên chế (còn thiếu 03 biên chế, hiện nay Trung tâm đang thử việc 01 huấn luyện viên).
- Phòng hành chính: 05 biên chế.
Trong tổng số 13 biên chế của Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh: 10 cán bộ có trình độ đại học, trong đó (8 đại học thể dục - thể thao, 1 đại học văn hoá quần chúng, 1 đại học tài chính - kế toán), 01 y sĩ, 01 công nhân lái xe.
Đối với 11 huyện, thị xã đã thành lập Phòng Văn hoá - Thông tin - Thể thao, có 8/11 huyện, thị xã thành lập Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao, còn 3 đơn vị chưa thành lập Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao là: huyện Phù Yên, Mai Sơn, Sốp Cộp. Tổng số cán bộ công tác tại Phòng Văn hoá - Thông tin - Thể thao, Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao của 11 huyện, thị là 20 đồng chí, trong đó 15 đồng chí có trình độ đại học thể dục - thể thao, 02 đồng chí cao đẳng thể dục - thể thao, 03 đồng chí trung cấp thể dục - thể thao, 07 đồng chí là trưởng, phó phòng, giám đốc, phó giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao, còn lại 13 đồng chí trực tiếp làm công tác thể dục - thể thao.
Toàn tỉnh có 201 xã, phường, thị trấn đều có cán bộ phụ trách văn hoá - thể thao, ngoài ra các tổ dân phố, bản, các đơn vị cơ sở còn có các cộng tác viên thể dục - thể thao. Như vậy, tổng số cán bộ thuộc ngành thể dục - thể thao từ cấp huyện, thị đến toàn tỉnh là 54, có 43 đồng chí tốt nghiệp đại học (trong đó có 35 là đại học thể dục - thể thao, 8 đại học chuyên ngành khác), 02 cao đẳng thể dục - thể thao, 05 là trung cấp thể dục - thể thao, còn lại là công nhân và nhân viên hành chính.
Ngoài số cán bộ thuộc ngành thể dục - thể thao, toàn tỉnh còn có 4 ngành khác có cán bộ thể dục - thể thao là: Công an tỉnh, Nhà thiếu nhi tỉnh, Bệnh viện Điều dưỡng tỉnh, ngành giáo dục - đào tạo có 460 giáo viên giảng dạy thể dục.
1.5 Cơ sở vật chất
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đầu tư xây dựng một số công trình thể dục - thể thao như: sân vận động và nhà thi đấu tỉnh, nhà tập, nhà ở cho vận động viên, nhà tập taekwondo (do tổ chức Koi Ka tài trợ) tại Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh. Xây dựng nhà văn hoá - thể thao xã, phường, với kinh phí 100 triệu đồng trở lên, trong đó tỉnh hỗ trợ 50 triệu, còn lại cơ sở huy động nhân dân đóng góp tiền và ngày công lao động. Trong đó nhà văn hoá - thể thao có thể tổ chức tập luyện được một số môn như: cờ vua, bóng bàn... San ủi sân thể thao để có thể tổ chức được một số môn như: bóng đá, bóng chuyền, điền kinh... Qua khảo sát thống kê hiện nay đất giành cho ngành thể dục - thể thao từ cấp tỉnh, huyện, thị xã, phường, thị trấn là 43.550 ha, của các cơ quan ban ngành khác quản lý là 199,33 ha, của các trường học là 180,26 ha. Do được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp nên hầu hết đất giành cho ngành thể dục - thể thao quản lý đều có vị trí tương đối thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế và quỹ đất hiện có. Tuy nhiên là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, nên một số xã đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng cao biên giới, đất giành cho thể dục - thể thao còn hạn chế như: diện tích hẹp, không bằng phẳng, một số sân bóng đá không đủ kích thước thi đấu 11 người, vị trí không thuận lợi... Cụ thể cơ sở sân bãi phục vụ các hoạt động thể dục - thể thao trong toàn tỉnh như sau:
Nhà tập thể dục - thể thao gồm 12 công trình là: Nhà thể thao 26/8, nhà tập Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh, nhà thi đấu tỉnh, nhà thiếu nhi tỉnh, trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Mộc Châu, nhà văn hoá - thể thao huyện Sông mã, huyện Mai Sơn, huyện Mộc Châu, huyện Bắc Yên, nhà tập luyện và thi đấu trường Cao đẳng sư phạm Sơn La, Công ty cổ phần Cấp nước Sơn La, Công ty sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng II.
Sân vận động có 12 sân trong đó 4 sân có khán đài A và tường bao quanh là: sân vận động huyện Phù Yên, sân vận động huyện Bắc Yên, sân vận động 3/2, sân vận động tỉnh, sân vận động huyện Mộc châu, còn lại mới chỉ là sân bóng đá. Ngoài ra, còn có khoảng 150 sân bóng đá của các xã, phường, thị trấn nhưng kích thước hẹp, chủ yếu tổ chức được giải bóng đá mi ni, bóng đá 7 người, nhiều sân mới chỉ có trong quy hoạch chưa được khai thác sử dụng.
Sân bóng chuyền: có khoảng gần 100 sân chủ yếu tập trung ở cơ sở xã, phường.
Sân cầu lông: có khoảng 300 sân cầu lông ngoài trời tập trung tại thị xã, thị trấn, trong cơ quan hành chính - sự nghiệp tự bỏ kinh phí cải tạo sân cơ quan, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có sân bãi hoạt động.
Sân Tenis: có 5 sân trong đó có 1 sân của Điện lực Sơn La, 1 sân của Sở Giao thông - Vận tải, 1 sân của Sở Thể dục - Thể thao, 1 sân của Ban quản lý Dự án Nhà máy thuỷ điện Sơn La, 1 sân tại công trình xây dựng thuỷ điện Sơn La, hiện nay 02 sân đang xây dựng tại Ban Chỉ huy quân sự tỉnh.
Bể bơi có 2 cơ sở là: Xí nghiệp dịch vụ bơi lội Thị xã, Xí nghiệp cấp nước huyện Mai Sơn thuộc Công ty cổ phần cấp nước tỉnh Sơn La, nhưng bể bơi được xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành thể dục - thể thao, mà chủ yếu làm dịch vụ phục vụ nhu cầu bơi lội trong dịp hè.
2. Những hạn chế, yếu kém tồn tại
2.1 Phong trào thể dục - thể thao quần chúng
- Phong trào thể dục - thể thao quần chúng tuy có phát triển nhưng chưa đều, mới chỉ tập trung ở khu vực thị xã, thị trấn, thị tứ, trong cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang. Khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, phong trào còn nhiều hạn chế, chủ yếu phát triển theo thời vụ, chưa liên tục và không ổn định.
- Hình thức hoạt động chưa đa đạng, ở vùng nông thôn nhiều loại hình hoạt động thể thao chưa phù hợp. Vì vậy chưa thu hút được đông đảo lực lượng quần chúng tham gia.
- Đời sống kinh tế của phần đông quần chúng nhân dân lao động còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ phục vụ cho tập luyện còn quá thiếu.
- Sự tác động của ngành tới quá trình xây dựng, duy trì và phát triển phong trào thể dục - thể thao còn hạn chế, chưa có giải pháp, biện pháp hữu hiệu với từng vùng, với tập quán, phong tục và điều kiện sinh hoạt của từng dân tộc.
2.2 Thể thao thành tích cao
- Hệ thống đào tạo vận động viên chưa hoàn chỉnh, công tác tuyển chọn thiếu cơ sở khoa học, phạm vi tuyển chọn còn hạn hẹp.
- Chưa hoàn chỉnh chương trình đào tạo vận động viên tập trung, việc triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo vận động viên năng khiếu và vận động viên thành tích cao giai đoạn 2004 - 2010 hiệu quả chưa cao, còn lúng túng.
- Đội ngũ huấn luyện viên nhiệt tình, yêu ngành, yêu nghề nhưng còn thiếu kinh nghiệm và hạn chế trong công tác đào tạo vận động viên thành tích cao.
2.3 Công tác xã hội hoá các hoạt động thể dục - thể thao
Là một tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế, sinh hoạt của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, các cơ sở kinh tế, các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy việc huy động tham gia đóng góp vào các hoạt động thể dục - thể thao còn hạn chế. Công tác xã hội hoá mới chỉ tập chung chủ yếu vào việc tổ chức các giải thể thao chuyên ngành do các ngành tự lo kinh phí và các ngành tự sửa sang sân cơ quan, công sở thành sân tập thể dục - thể thao. Chưa có sự tài trợ cho việc đào tạo vận động viên, tài trợ cho đội tuyển các môn thể thao của tỉnh, toàn bộ kinh phí đào tạo, tập huấn đều do Nhà nước cấp.
2.4 Công tác tổ chức và đội ngũ cán bộ
- Tổ chức bộ máy ngành thể dục - thể thao không ổn định, từ năm 1993 đến tháng 2/2003 là Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao, đã có ảnh hưởng nhất định tới tư tưởng cán bộ làm công tác thể dục - thể thao và phong trào thể dục - thể thao.
- Biên chế cán bộ thể dục - thể thao từ tỉnh tới cơ sở thiếu, đặc biệt ở phòng và Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao các huyện, thị, hiện nay mới chỉ có 2 cán bộ thể dục - thể thao, trong đó có nhiều đồng chí giữ cương vị trưởng, phó phòng hoặc giám đốc, phó giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao. Vì vậy hạn chế đến quá trình xây dựng và chỉ đạo phong trào thể dục - thể thao.
2.5 Về cơ sở vật chất
- Tuy đã được sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở vật chất, nhưng chưa đáp ứng được với đòi hỏi của phong trào, quỹ đất giành để xây dựng các công trình thể dục - thể thao, sân bãi phục vụ cho các hoạt động thể dục - thể thao theo quy định còn rất thiếu, nhiều cơ sở mới chỉ có đất trên văn bản của quy hoạch.
- Đặc biệt với địa hình nhiều đồi, núi cho nên đất giành để xây dựng sân bãi phục vụ giảng dạy thể dục - thể thao trong nhà trường và tổ chức các hoạt động ngoại khoá của học sinh gặp rất nhiều khó khăn, đa số các trường phải lấy sân trường làm nơi lên lớp và hoạt động ngoại khoá thể dục - thể thao. Vì vậy đã ảnh hưởng đến quá trình giáo dục thể chất trong trường học.
- Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động thi đấu và đào tạo vận động viên của cấp huyện và tỉnh còn thô sơ, chưa đáp ứng được với nhu cầu tổ chức các hoạt động thi đấu, đào tạo vận động viên thành tích cao hiện nay và trong thời gian tới.
3. Những nguyên nhân chủ yếu
Những kết quả mà ngành thể dục - thể thao đã đạt được trong thời gian qua, tuy chưa cao, nhưng trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp không ít khó khăn, các thiết chế phục vụ cho sự nghiệp thể dục - thể thao còn thô sơ và thiếu thốn thì kết quả đó rất đáng trân trọng, thể hiện sự quan tâm thường xuyên của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với sự nghiệp thể dục - thể thao, sự ủng hộ giúp đỡ của các ngành, các cấp, sự tham gia nhiệt tình của đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sự nỗ lực cố gắng không ngừng của đội ngũ cán bộ công chức, huấn luyện viên, hướng dẫn viên toàn ngành thể dục - thể thao. Những mặt tồn tại chưa làm được của ngành thể dục - thể thao do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể chưa đặt đúng vị trí vai trò của công tác thể dục - thể thao trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bồi dưỡng nhân tố con người. Do vậy chưa đầu tư trí tuệ và các điều kiện một cách đúng mức để phát triển phong trào thể dục - thể thao, xây dựng lực lượng vận động viên và tăng cường cơ sở vật chất cho thể dục - thể thao.
- Bộ máy tổ chức của ngành thể dục - thể thao không ổn định, biên chế cán bộ nghiệp vụ thể dục - thể thao quá ít, nhất là ở cấp huyện, thị (mỗi huyện mới chỉ có 02 cán bộ thể dục - thể thao), nên không đủ sức quản lý, xây dựng phong trào thể dục - thể thao phát triển toàn diện.
- Ngành thể dục - thể thao các cấp chưa làm tốt việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền để chỉ đạo và tổ chức thực hiện các mặt công tác lớn của ngành, trước xu thế phát triển cao của sự nghiệp thể dục - thể thao trong giai đoạn mới.
- Là một tỉnh miền núi, kinh tế chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nên việc đầu tư cơ sở vật chất, chế độ chính sách để đào tạo phát huy tài năng thể thao, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển phong trào thể dục - thể thao toàn tỉnh còn hạn chế.
III. NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP THỂ DỤC - THỂ THAO TỈNH SƠN LA
1. Thuận lợi
- Thành tựu to lớn đạt được qua hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện và phát triển đất nước. Đặc biệt trong những năm gần đây, Đảng và Chính phủ quan tâm ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo điều kiện cho miền núi có sự phát triển nhanh hơn, cộng với sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Trung ương, của tỉnh và các cấp các ngành đã tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp thể dục - thể thao ngày càng có điều kiện để phát triển.
- Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh trong quá trình xây dựng, phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao, đầu tư kinh phí để xây dựng một số công trình thể dục - thể thao phục vụ cho việc tập luyện của quần chúng, đào tạo vận động viên và tổ chức các cuộc thi đấu thể dục - thể thao.
- Ngành thể dục - thể thao thường xuyên được sự quan tâm chỉ đạo của Uỷ ban Thể dục - Thể thao, sự giúp đỡ về chuyên môn của các Vụ, Liên đoàn thể thao, trong quá trình xây dựng, duy trì, phát triển thể dục - thể thao quần chúng và tuyển chọn, đào tạo vận động viên thành tích cao.
- Nhà nước đầu tư xây dựng thuỷ điện Sơn La sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và là cơ hội mới để phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao trong thời gian tới.
- Nhân dân các dân tộc Sơn La có truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, có truyền thống thượng võ và ham thích các hoạt động thể dục - thể thao.
- Đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, hướng dẫn viên của tỉnh có phẩm chất đạo đức tốt, say mê nghề nghiệp, có trách nhiệm với sự nghiệp thể dục - thể thao nói riêng, với công cuộc đổi mới đất nước nói chung, sẵn sàng vượt mọi khó khăn, phát huy các kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước, nhằm từng bước đưa sự nghiệp thể dục - thể thao của tỉnh phát triển một cách toàn diện và vững chắc.
2. Khó khăn
- Là một tỉnh kinh tế - xã hội chậm phát triển và phát triển chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn, phong tục tập quán nhiều nơi còn lạc hậu.
- Các thiết chế thể dục - thể thao của tỉnh, đặc biệt là ở cấp huyện, các thị tứ, xã, phường, thị trấn còn nghèo nàn thô sơ, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của quần chúng và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đề ra. Cơ sở vật chất phục vụ thực hiện chương trình giáo dục thể chất trong trường học và các hoạt động ngoại khoá của học sinh còn rất hạn chế, vì vậy đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục thể chất và phong trào thể dục - thể thao trong trường học.
- Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác thể dục - thể thao còn mỏng về số lượng (đặc biệt ở cấp huyện), hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, đời sống của cán bộ thể dục - thể thao còn khó khăn.
- Một bộ phận quần chúng chưa nhận thức đúng đắn về vai trò, lợi ích, tác dụng của công tác thể dục - thể thao.
- Mặt trái của cơ chế thị trường và chiến lược "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, nghiện hút, mê tín, mại dâm... có ảnh hưởng và tác động cản trở các mặt phát triển tích cực của xã hội,
1. Đối với sự nghiệp thể dục - thể thao của cả nước
Tiếp tục thực hiện chủ trương mở cửa và hội nhập quốc tế một cách toàn diện của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẽ góp phần quan trọng phát triển nền kinh tế, từng bước nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân. Sự nghiệp thể dục - thể thao của nước ta sẽ có điều kiện thuận lợi để giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm bè bạn quốc tế trong quá trình phát triển thể dục - thể thao một cách toàn diện.
Đối với phong trào thể dục - thể thao quần chúng, do nền kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên, vì vậy nhu cầu tham gia tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên của đông đảo nhân dân sẽ có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Đối với thể thao thành tích cao, căn cứ vào điều kiện thực tế của nước ta và thể trạng của con người Việt Nam. Thể thao thành tích cao chủ yếu tập trung vào các môn thể thao cá nhân và các môn thể thao trí tuệ, các môn thể thao tập thể như: bóng đá, bóng chuyền sẽ là một trong những đội mạnh của khu vực Đông Nam Á và từng bước có vị trí nhất định ở Châu Á.
2. Đối với các tỉnh trong khu vực
Đối với 8 tỉnh khu vực Tây Bắc, phong trào thể dục - thể thao sẽ có bước phát triển khá và từng bước phát triển ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Các môn thể thao có ưu thế là các môn thể thao dân tộc, môn thể thao cá nhân phù hợp với điều kiện sống và đặc thù của từng dân tộc. Đối với các môn tập thể như: bóng chuyền, bóng rổ sẽ là một trong những đội mạnh của toàn quốc, tập trung ở các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Môn bóng đá ở một số tỉnh có tiềm năng là: Tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
3. Đối với tỉnh Sơn La
Là một trong những tỉnh có phong trào thể dục - thể thao mạnh trong khu vực. Các môn thể thao có ưu thế là các môn thể thao dân tộc, môn thể thao cá nhân đòi hỏi sức mạnh và sức bền cao. Với việc khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng công trình thủy điện Sơn La, đây sẽ là cơ hội tốt để Sơn La có thể xây dựng một số đội thể thao ở các môn như: bóng chuyền, bóng đá, bơi thuyền, du lịch leo núi...
4. Kêu gọi các nhà đầu tư cho các hoạt động thể dục - thể thao
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc xây dựng xong thuỷ điện Sơn La đi vào hoạt động, sẽ có nhiều các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở kinh tế tại tỉnh. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để ngành thể dục - thể thao vận động sự tài trợ của các doanh nghiệp đối với các hoạt động thể dục - thể thao, chủ yếu tập trung tài trợ tổ chức các giải thi đấu và đào tạo vận động viên, phấn đấu tìm kiếm nhà tài trợ lâu dài để xây dựng được một đội bóng chuyền hạng A1 và một đội bóng đá trong độ tuổi từ U17 trở xuống tập luyện thường xuyên để tham gia các giải khu vực và toàn quốc. Kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng các dịch vụ thể dục - thể thao phục vụ quần chúng tập luyện và đào tạo vận động viên như: xây dựng sân tenis, bể bơi, nhà tập luyện cầu lông, bóng bàn...
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP THỂ DỤC - THỂ THAO ĐẾN NĂM 2020
1. Quy hoạch sự nghiệp thể dục - thể thao phải trên quan điểm của Đảng về phát triển thể dục - thể thao trong giai đoạn mới. Trong điều kiện thực tế của tỉnh ta, phải vận dụng sáng tạo và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Nghị quyết nêu rõ: “Xây dựng, kiện toàn bộ máy và đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chuyên môn và huấn luyện viên, đáp ứng yêu cầu phát triển thể dục thể thao. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho sự nghiệp thể dục - thể thao. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất trong các trường học, xây dựng các mô hình hoạt động thể dục thể thao ở các địa bàn nông thôn và người cao tuổi; chú trọng phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng. Thực hiện tốt việc đào tạo, huấn luyện đội tuyển thể thao thành tích cao...”
2. Phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao phải đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh, thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Nâng cao sức khoẻ để sản xuất và bảo vệ Tổ quốc, góp phần từng bước nâng cao thể trạng của người Việt Nam. Giáo dục nhân cách đạo đức, lối sống lành mạnh, làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.
3. Từng bước thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ nòng cốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp thể dục - thể thao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực sự trở thành trung tâm đại diện của vùng Tây Bắc.
4. Gắn phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao với phát triển sự nghiệp văn hoá - thông tin, xây dựng gia đình văn hoá mới nhằm thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân được tham gia hoạt động đóng góp vào quá trình phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao để mọi người dân đều được hưởng thụ các giá trị văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao.
5. Đảm bảo động viên, khuyến khích, thu hút được các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động thể dục - thể thao. Từ đó đẩy nhanh công tác xã hội hoá thể dục - thể thao, nhằm phát huy được mọi tiềm năng, sức mạnh tổng hợp trong nhân dân, phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao một cách toàn diện.
6. Sự nghiệp thể dục - thể thao phải đóng góp tích cực vào việc vận động nhân dân tham gia tập luyện để nâng cao sức khoẻ, đẩy lùi bệnh tật, từng bước nâng cao thể trạng cho nhân dân các dân tộc Sơn La như: chiều cao, cân nặng... Các tố chất như: sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sự khéo léo, thông minh để sử dụng các công nghệ tiên tiến, kỹ năng sử dụng khí tài hiện đại trong học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc.
II. MỤC TIÊU NHIỆM VỤ ĐẾN NĂM 2020
1. Mục tiêu tổng quát
1.1 Tạo bước phát triển mới về phong trào thể dục - thể thao quần chúng, nâng cao chất lượng hoạt động thể dục - thể thao ở thị xã, thị trấn, trong các cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang, khu vực đông dân cư (dọc các trục đường quốc lộ). Từng bước phát triển phong trào thể dục - thể thao tới các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, phù hợp với điều kiện thực tế, phong tục tập quán của từng dân tộc, thông qua đó để sưu tầm và khai thác các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian mang tính thể thao. Phấn đấu đạt 31% dân số tham gia tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên, 24% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao, 100% số trường thực hiện chương trình giáo dục thể chất theo quy định, 75% số trường tổ chức hoạt động ngoại khoá thường xuyên, 80% học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.
1.2 Thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của ngành là: Thể thao cho mọi người, đào tạo và nâng cao thành tích thể thao hoà nhập với các tỉnh trong khu vực. Xây dựng kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thể dục - thể thao từ cơ sở đến cấp tỉnh, phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao toàn diện, vững chắc, đảm bảo tính dân tộc, hiện đại và đại chúng.
1.3 Phát huy kết quả thực hiện Đề án đào tạo vận động viên năng khiếu và vận động viên thành tích cao giai đoạn 2004 - 2010; xây dựng Đề án đào tạo vận động viên thành tích cao giai đoạn 2011 - 2020. Phấn đấu là một trong những tỉnh có thành tích thể thao khá đối với các tỉnh miền núi trong cả nước, có vận động viên đóng góp cho các đội tuyển quốc gia. Tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học và y học thể dục - thể thao, những công nghệ và kỹ thuật tiên tiến liên quan đến thể dục - thể thao như: huấn luyện đào tạo vận động viên thành tích cao, thể thao với sức khoẻ con người. Đến năm 2020 có 15 vận động viên đạt kiện tướng, 30 vận động viên đạt cấp I.
1.4 Ổn định bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước về thể dục - thể thao các cấp, đủ về số lượng, mạnh về chất lượng để thực hiện nhiệm vụ được giao. Thành lập Trường Năng khiếu thể dục - thể thao tỉnh, đổi tên Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh thành Trung tâm huấn luyện thể thao thành tích cao tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên thành tích cao, thành lập Trung tâm hoạt động thi đấu thể thao tỉnh, thành lập Trung tâm Thể dục - Thể thao các huyện, thị trên cơ sở tách sự nghiệp thể dục - thể thao ra khỏi Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao. Thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của các liên đoàn thể thao: Liên đoàn cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, tenis...
1.5 Hoàn thành quy hoạch về cơ sở vật chất, phấn đấu 100% các huyện, thị xây dựng xong và đưa vào sử dụng có hiệu quả các công trình thể thao cơ bản là: sân vận động, nhà thi đấu và bể bơi. Quy hoạch và xây dựng sân thể thao, nhà văn hoá - thể thao các trung tâm cụm xã và của 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Các làng, bản, tổ dân phố đều quy hoạch giành đất cho tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao của quần chúng. Hoàn thiện các công trình thể dục - thể thao cấp tỉnh và thành phố Sơn La, đủ điều kiện về cơ sở vật chất để đăng cai tổ chức một số giải khu vực và toàn quốc.
1.6 Phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao một cách toàn diện trên mọi địa bàn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, góp phần cùng các ngành khác nâng tỷ lệ tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân. Nâng tuổi thọ cho nhân dân các dân tộc Sơn La bằng tuổi thọ trung bình của cả nước đến năm 2020 là từ 70 đến 73 tuổi.
2. Mục tiêu cụ thể từng giai đoạn
2.1 Giai đoạn từ năm 2006 - 2010
a) Phong trào thể dục - thể thao quần chúng
Tạo bước phát triển mới về phong trào thể dục - thể thao quần chúng, từng bước đưa phong trào thể dục - thể thao về vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng biên giới, khu căn cứ cách mạng. Khai thác, sưu tầm và phát triển một số môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, làm phong phú thêm các hình thức hoạt động thể thao cho nhân dân các dân tộc. Đẩy mạnh phong trào tập luyện võ dưỡng sinh cho người cao tuổi, phong trào phổ cập bơi trong toàn tỉnh ở các đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh. Phát triển phong trào tập luyện thể dục - thể thao của người khuyết tật... Phấn đấu 20% tỷ lệ người tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên, 15% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao, 450 câu lạc bộ thể dục - thể thao.
a1) Đối với trường học: Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục thể chất ở các trường khu vực thị xã, thị trấn, thị tứ dọc đường quốc lộ (các trường thuộc vùng I và vùng II). Đối với các trường thuộc vùng III thực hiện đúng và đủ số tiết giáo dục thể chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phấn đấu có 100 % số trường có giáo viên thể dục - thể thao, 100% số trường tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng hàng năm, 100% huyện, thị và đơn vị tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng và tham gia Hội khoẻ Phù Đổng toàn tỉnh lần thứ X năm 2008.
a2) Đối với lực lượng vũ trang: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục - thể thao, chất lượng kiểm tra chiến sĩ khoẻ, chiến sĩ công an khoẻ, thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao cho cán bộ, chiến sĩ, từng bước xây dựng các đội tuyển thể thao tập luyện và tham gia thi đấu, từ đó vận động nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân cùng tham gia tập luyện. 97% chiến sĩ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khoẻ, chiến sĩ công an khoẻ.
a3) Đối với khối cán bộ, công nhân, viên chức: Từng bước phát triển phong trào tập luyện nhiều môn thể thao, nhiều hình thức hoạt động phù hợp với điều kiện làm việc của từng ngành nghề. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào thể dục - thể thao trong các cơ quan hành chính - sự nghiệp. Phối hợp tốt với Ban quản lý Dự án Nhà máy thuỷ điện Sơn La phát triển phong trào tập luyện thể dục - thể thao của công nhân xây dựng thuỷ điện, đồng thời tham gia vào các hoạt động thể dục - thể thao chung trong toàn tỉnh.
a4) Đối với khối xã, phường, thị trấn: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thể dục - thể thao đối với xã vùng I, hình thành các câu lạc bộ, các tụ điểm hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Phát triển phong trào thể dục - thể thao ở các xã vùng II và vùng III với bước đi và giải pháp phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 100/2005/QĐ-TTg ngày 10/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển thể dục - thể thao xã, phường, thị trấn đến năm 2010. Phấn đấu 80% xã có phong trào thể dục - thể thao. Khai thác và phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, xây dựng các đội tuyển thể thao, trong đó tập trung cho các môn thể thao dân tộc như: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, đua thuyền...
a5) Đối với người cao tuổi, người khuyết tật: Tập trung chỉ đạo, thành lập các câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, câu lạc bộ thể dục - thể thao cho người cao tuổi và câu lạc bộ thể dục - thể thao cho người khuyết tật ở các thị trấn, thị xã, phường, tổ dân phố và các xã vùng thấp. Định kỳ tổ chức các giải thi đấu thể thao cho người cao tuổi và người khuyết tật.
b) Thể thao thành tích cao
Thực hiện tốt Đề án đào tạo vận động viên năng khiếu và vận động viên thành tích cao giai đoạn 2004 - 2010 đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đạt được các chỉ tiêu đề ra ở các môn thể thao mũi nhọn là điền kinh, cầu lông, bóng đá thiếu niên, nhi đồng, taekwondo (16 vận động viên cấp I, 6 vận động viên kiện tướng), phấn đấu đạt 46 huy chương tại các giải khu vực và toàn quốc, trong đó có từ 7 - 10 huy chương Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc lần thứ VI, đồng thời thông qua quá trình thực hiện Đề án đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên thành tích cao năm 2004 - 2010, rút kinh nghiệm để xây dựng Đề án đào tạo vận động viên thành tích cao giai đoạn 2011 - 2020.
Duy trì các lớp năng khiếu, lớp tập trung tại Trung tâm huấn luyện thể thao thành tích cao tỉnh. Chỉ đạo, giúp đỡ một số huyện có điều kiện như: huyện Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu, Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu tổ chức tốt các lớp năng khiếu làm cơ sở để tuyển chọn, bổ sung lực lượng vận động viên cho Trung tâm huấn luyện thể thao thành tích cao tỉnh.
c) Công tác xã hội hoá các hoạt động thể dục - thể thao
Từng bước triển khai công tác xã hội hoá các hoạt động thể dục - thể thao một cách có hiệu quả, trước mắt tập trung sự đóng góp sức lao động và một phần kinh phí trong nhân dân để xây dựng sân, bãi và trang bị một số dụng cụ để phục vụ tập luyện. Động viên và huy động vốn trong các cơ quan hành chính - sự nghiệp, các doanh nghiệp xây dựng sân bãi phục vụ cho cán bộ, công chức tập luyện và đầu tư xây dựng một số công trình thể thao đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để tổ chức thi đấu và làm dịch vụ. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động các đơn vị có điều kiện tài trợ cho một số giải thi đấu cấp tỉnh, đồng thời phối hợp với các ngành để tổ chức các giải thể thao toàn tỉnh với phương châm đôi bên cùng đóng góp kinh phí tổ chức. Xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục - thể thao, nhằm huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội cùng tham gia vào các hoạt động thể dục - thể thao.
d) Công tác quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho thể dục - thể thao
Tổ chức quản lý và khai thác tốt sân vận động và nhà thi đấu tỉnh, xây dựng bể bơi và văn phòng Sở Thể dục - Thể thao, nâng cấp sân vận động 3/2 đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để nâng cao chất lượng đào tạo vận động viên thành tích cao. Hoàn thiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho Trường Năng khiếu Thể dục - Thể thao tỉnh. Triển khai dự án xây dựng các công trình thể thao cơ bản cho các huyện, thị theo đúng tiêu chuẩn. Hoàn thành việc quy hoạch đất cho các công trình thể thao từ cơ sở đến toàn tỉnh, đồng thời hoàn thành việc san ủi mặt bằng các sân bóng đá và một số thiết chế thể thao cơ bản khác cho 201 xã, phường, thị trấn (thực hiện Quyết định 100/2005/QĐ-TTg ngày 10/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển thể dục - thể thao xã, phường, thị trấn đến năm 2010). 5/13 huyện, thị hoàn thiện sân vân động có tường bao quanh và khán đài A có mái che. 100% các huyện, thị có nhà luyện tập thể thao đưa vào sử dụng có hiệu quả. Quy hoạch đất xây dựng sân vận động cho khu công nghiệp Tà Xa, khu công nghiệp Mộc Châu. 100% xã, phường, thị trấn, 50% trung tâm cụm xã và 50% bản (từ 50 hộ trở lên) có sân, nhà văn hoá - thể thao (trước mắt ưu tiên các bản vùng I và vùng II, một số bản có điều kiện ở vùng III, vùng biên giới).
Từng bước hình thành các công trình dịch vụ thể dục - thể thao ở thị xã và một số huyện có điều kiện như: huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Mường La... Hoàn thành xây dựng khu văn hoá - thể thao thanh niên đưa vào sử dụng, hoàn thiện sân tập luyện, thi đấu thể thao cho 9 Đồn Biên phòng, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ có cơ sở vật chất để tập luyện và tổ chức các hoạt động văn hoá - thể thao với nhân dân nơi Đồn đóng quân, nhằm thắt chặt tình đoàn kết quân dân, góp phần bảo vệ an ninh nơi biên giới.
2.2 Giai đoạn 2011 - 2015
a) Phong trào thể dục - thể thao quần chúng
Tiếp tục đẩy mạnh và phát triển phong trào thể dục - thể thao quần chúng, phấn đấu đạt 25% dân số tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên, 19% gia đình thể thao, 600 câu lạc bộ thể dục - thể thao.
a1) Đối với khối trường học: 100% các trường có giáo viên thể dục - thể thao được đào tạo chuyên ngành, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất. 58% các trường tổ chức hoạt động thể dục - thể thao ngoại khoá, có đủ cơ sở vật chất, sân bãi dụng cụ phục vụ cho tập luyện.
a2) Đối với lực lượng vũ trang: 100% cán bộ chiến sĩ tự chọn cho mình một môn thể thao để tập luyện thường xuyên, 97% chiến sĩ đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khoẻ, chiến sĩ công an khoẻ. Từng bước xây dựng các đội tuyển thể thao để có kế hoạch tập luyện thường xuyên tham gia các giải thi đấu toàn tỉnh.
a3) Đối với khối cán bộ, công nhân, viên chức: Tập luyện thể dục - thể thao phải trở thành hoạt động thường xuyên của đại bộ phận cán bộ công chức, mở rộng nhiều hình thức tập luyện đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện của từng đối tượng, từng ngành. Xây dựng và phát triển phong trào tập luyện thể dục - thể thao trong các tổ chức, doanh nghiệp...
a4) Khối xã, phường, thị trấn: Phát huy kết quả thực hiện Quyết định 100/2005/QĐ-TTg ngày 15/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển thể dục - thể thao xã, phường, thị trấn đến năm 2010. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào thể dục - thể thao ở vùng I, phát triển phong trào tập luyện thể dục - thể thao cho nhân dân các dân tộc ở vùng II, vùng III. Tập trung xây dựng phong trào tập luyện thể dục - thể thao vùng III, vùng biên giới, khu căn cứ cách mạng, xây dựng các câu lạc bộ thể dục - thể thao, gia đình thể thao phù hợp với điều kiện thực tế, phong tục tập quán của từng dân tộc, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn có phong trào thể dục - thể thao trong đó có 40% xã có phong trào thể dục - thể thao khá trở lên.
a5) Đối với người cao tuổi, người khuyết tật: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào tập luyện thể dục - thể thao cho người cao tuổi và người khuyết tật. Từng bước hình thành các giải thể thao truyền thống nhằm động viên, khuyến khích đông đảo lực lượng người cao tuổi và người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục - thể thao.
b) Thể thao thành tích cao:
Triển khai thực hiện Đề án đào tạo vận động viên thành tích cao 2011 - 2020. Trên cơ sở kết quả công tác đào tạo vận động viên giai đoạn 2004 - 2010, mở rộng đào tạo thêm vận động viên ở một số môn như: whusu, boxing, cử tạ... trong chương trình đào tạo vận động viên, ngoài một số môn thể thao cá nhân, hình thành và duy trì các đội tuyển trẻ các môn thể thao tập thể như: bóng đá, bóng chuyền. Duy trì tốt hệ thống đào tạo vận động viên năng khiếu của Trung tâm Thể dục - Thể thao các huyện, thị để cung cấp và bổ sung lực lượng vận động viên cho Trường Năng khiếu thể dục - thể thao tỉnh và Trung tâm huấn luyện thể thao thành tích cao. Phấn đấu đạt 56 huy chương các loại trong các giải khu vực và toàn quốc, trong đó có từ 10 - 12 huy chương tại Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc lần thứ VII, có 22 vận động viên cấp I, 10 vận động viên kiện tướng.
c) Công tác xã hội hoá các hoạt động thể dục - thể thao
Tăng cường công tác xã hội hoá các hoạt động thể dục - thể thao trên mọi lĩnh vực, huy động được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tài trợ kinh phí tổ chức các giải thể thao và đào tạo vận động viên, đỡ đầu cho một số đội tuyển trẻ môn bóng đá, bóng chuyền của tỉnh để có điều kiện tập luyện thường xuyên và tham gia thi đấu các giải khu vực và toàn quốc. Có cơ chế, chính sách phù hợp kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và các dịch vụ thể dục - thể thao. Từng bước chuyển việc tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh cho các Liên đoàn thể thao, các ngành tổ chức.
d) Công tác quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho thể dục - thể thao
Từng bước nâng cấp một số công trình thể thao cấp tỉnh, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Xây dựng nhà thi đấu thể thao với quy mô 3.000 chỗ ngồi. 100% huyện, thị có nhà thể thao đa năng và sân vận động có tường bao quanh, khán đài A có mái che. 40% số huyện, thị xã xây dựng bể bơi, sân quần vợt, đưa vào sử dụng và khai thác có hiệu quả. Đồng thời đề nghị khởi công xây dựng Khu thể thao thuộc thị xã Mộc Châu trong đó có các công trình là: sân vận động, nhà thi đấu đa năng, khu đua xe đạp địa hình, sân tenis, sân gôn 18 lỗ, sân đua ngựa vừa phục vụ khách du lịch, vừa từng bước phát triển các môn thể thao này trong toàn tỉnh. Đồng thời, từng bước trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật để Khu thể thao thị xã Mộc Châu trở thành trung tâm thể dục - thể thao khu vực Tây Bắc. Xây dựng nhà văn hoá thể thao công nhân. Mỗi huyện có tối thiểu 01 cơ sở thể dục - thể thao ngoài công lập, riêng thành phố, thị xã có tối thiểu 02 cơ sở thể dục - thể thao ngoài công lập. 100% xã, phường, thị trấn, bản, cụm dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trung tâm cụm xã có sân, nhà văn hoá - thể thao. Nâng cấp và bổ sung một số trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện cho Trung tâm huấn luyện thể thao thành tích cao và từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất của Trường Năng khiếu thể dục - thể thao tỉnh.
2.3 Giai đoạn 2016 - 2020
a) Phong trào thể dục - thể thao quần chúng
Nâng cao chất lượng với nhiều loại hình hoạt động đa dạng và phong phú. Phấn đấu 31% dân số tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên, 24% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao, 1.000 câu lạc bộ thể dục - thể thao.
a1) Đối với khối trường học: Chất lượng giáo dục thể chất tiếp tục được nâng cao, đại bộ phận các trường thành lập được các đội tuyển các môn thể thao như: điền kinh, cờ vua, bóng đá, bóng chuyền, bắn nỏ, bóng bàn... thường xuyên tập luyện. Tập luyện thể dục - thể thao phải là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các em học sinh kể cả nội khoá và ngoại khoá. Một số trường thành lập được các lớp năng khiếu thể dục - thể thao.
a2) Đối với lực lượng vũ trang: Tập luyện thể dục - thể thao phải trở thành nhu cầu thường xuyên của 100% cán bộ, chiến sĩ, một số đơn vị được xây dựng và trang bị một số trang thiết bị, dụng cụ cơ bản phục vụ cho tập luyện và huấn luyện nâng cao một số đội tuyển thể thao; đồng thời thông qua phong trào thể dục - thể thao, lực lượng vũ trang sẽ đóng góp cho các đội tuyển thể thao của tỉnh một số vận động viên có trình độ chuyên môn cao tham gia thi đấu các giải trong khu vực và toàn quốc.
a3) Đối với khối cán bộ, công nhân, viên chức: Tiếp tục mở rộng nhiều hình thức hoạt động, phát triển phong trào tập luyện ở nhiều môn thể thao, đẩy mạnh phong trào tập luyện thể dục - thể thao trong các doanh nghiệp. Mọi đối tượng, ở mọi ngành nghề không phân biệt lao động trực tiếp hay làm việc ở văn phòng, đều có điều kiện về thời gian để tham gia tập luyện.
a4) Đối với khối xã, phường, thị trấn: Tập luyện thể dục - thể thao phải trở thành nhu cầu thường xuyên, hàng ngày ở các lứa tuổi. Từng bước rút ngắn khoảng cách chất lượng phong trào thể dục - thể thao ở nông thôn với thị xã, thị trấn và trong các cơ quan hành chính - sự nghiệp. Phát triển sâu rộng các môn thể thao hiện đại với các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian. Chú trọng phát triển phong trào thể dục - thể thao tới bản làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 100% xã có phong trào thể dục - thể thao trong đó 60% xã có phong trào khá trở lên.
a5) Đối với người cao tuổi, người khuyết tật: Đa dạng hoá các loại hình hoạt động thể dục - thể thao cho người cao tuổi và người khuyết tật ở tất cả các địa bàn trong toàn tỉnh, trọng tâm là xây dựng câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ thể dục - thể thao của người khuyết tật, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi và người khuyết tật được tham gia vào nhiều hoạt động thể dục - thể thao.
b) Thể thao thành tích cao
Tiếp tục mở rộng một số môn thể thao là: cờ vua, vật, bóng bàn... Tăng cường số lượng vận động viên được đào tạo tập trung, nâng cao chất lượng các đội tuyển trẻ các môn bóng chuyền, bóng đá. Hình thành rõ 3 tuyến đào tạo đó là: Tại Trung tâm thể dục - thể thao cấp huyện, thị, các lớp năng khiếu và các đội dự tuyển các môn thể thao của tỉnh tại Trường Năng khiếu thể dục - thể thao tỉnh và các đội tuyển được đào tạo tập trung tại Trung tâm huấn luyện thể thao thành tích cao. Có dự án gửi các vận động viên đi tập huấn dài ngày tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và ở nước ngoài một số môn trọng điểm. Phấn đấu đạt 60 huy chương (trong đó đạt từ 15 - 20 huy chương tại Đại hội thể dục - thể thao toàn quốc lần thứ VIII), có 30 vận động viên cấp I, 15 vận động viên kiện tướng.
c) Công tác xã hội hoá các hoạt động thể dục - thể thao
Mở rộng phạm vi kêu gọi các doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài tỉnh (kể cả người nước ngoài), có điều kiện đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định, đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi giải trí và đào tạo vận động viên (theo đúng pháp luật quy định). Tăng cường công tác liên doanh, liên kết tài trợ trong quá trình tổ chức các giải thể thao, đồng thời tìm các biện pháp huy động các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tài trợ dài hạn cho các đội tuyển thể thao của tỉnh. Vận động quần chúng nhân dân đóng góp kinh phí và ngày công lao động để cải tạo, tu sửa các công trình thể thao ở cơ sở, các tụ điểm... đảm bảo phục vụ cho đông đảo quần chúng đến tập luyện.
d) Công tác quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho thể dục - thể thao
Hiện đại hoá các công trình thể dục - thể thao cấp tỉnh đủ điều kiện để đăng cai một số giải thể thao toàn quốc các môn: bóng đá, bóng chuyền, điền kinh... 100% các huyện, thị có đủ các công trình thể thao cơ bản theo quy định, đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và quy mô công trình đưa vào sử dụng phục vụ quần chúng tập luyện. 100% các xã, phường, thị trấn có sân bóng đá theo quy định, các bản, tổ dân phố đều có các tụ điểm vui chơi giải trí, các câu lạc bộ, đáp ứng được nhu cầu của quần chúng. Từng bước nâng cấp các công trình thể thao của các trung tâm cụm xã đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động văn hoá - thể thao từng vùng và đăng cai tổ chức các giải thể thao của huyện, thị và một số giải thi đấu cấp tỉnh. Một số các ngành lớn: Công an, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có nhà thể thao đúng tiêu chuẩn. Các Sở, Ban, Ngành của tỉnh đều có các sân thể thao đơn giản để phục vụ tập luyện một số môn như: cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, cờ vua... Tiếp tục nâng cấp và hiện đại hoá Khu thể thao thị xã Mộc Châu đủ điều kiện để đăng cai tổ chức tập huấn các đội dự tuyển trẻ quốc gia, dự tuyển quốc gia các môn: bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, đua xe đạp địa hình và đăng cai tổ chức các giải thể thao khu vực và toàn quốc. Đồng thời là trung tâm thu hút các đội tuyển các tỉnh thường xuyên đến tham gia tập huấn.
1. Giải pháp về tăng cường công tác tuyên truyền
Đẩy mạnh toàn diện công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở và nhân dân về vai trò của công tác thể dục - thể thao trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; về lợi ích, tác dụng của thể dục - thể thao đối với sức khoẻ và hạnh phúc gia đình; tăng cường phổ biến chủ trương, giải pháp, chính sách khuyến khích xã hội hoá, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm của mọi người dân trong tham gia các hoạt động thể dục - thể thao. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
2. Giải pháp về vốn đầu tư
2.1. Đầu tư cho sự nghiệp: Các hoạt động thể dục - thể thao, giải thi đấu, thể thao quần chúng, đào tạo vận động viên.
- Ngân sách Nhà nước: Cấp đủ theo định mức cho các hoạt động thể dục - thể thao, các giải thi đấu thể thao và kinh phí cho việc đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên thành tích cao.
- Xã hội hoá: Huy động sự đóng góp của mọi cá nhân, tổ chức tự lo kinh phí để tập luyện thi đấu, thông qua mô hình các đội thể thao, câu lạc bộ thể dục - thể thao. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền phối hợp để huy động các nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước.
2.2. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất
- Các công trình thể thao do ngành thể dục - thể thao quản lý, khai thác sử dụng: Đầu tư 100% ngân sách nhà nước gồm các công trình thể thao cơ bản của cấp tỉnh, cấp huyện.
- Các công trình thể thao xã, phường, bản, tiểu khu, tổ dân phố: Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí san ủi mặt bằng, phần còn lại do nhân dân, các cá nhân, tổ chức đóng góp xây dựng.
- Các công trình thể thao của các cơ quan, các ngành do các ngành tự cân đối và vận động tài trợ để đầu tư xây dựng. Tranh thủ đầu tư của các bộ, ngành Trung ương theo ngành dọc để xây dựng các công trình thể thao của các ngành: Trung tâm văn hoá thể thao thanh niên, Trung tâm văn hoá thể thao công nhân lao động.
- Các công trình dịch vụ thể thao: Nhà nước cho thuê đất, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng để kinh doanh theo quy định của pháp luật.
3. Giải pháp về thu hút và đào tạo nguồn nhân lực
- Kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy, biên chế ngành thể dục - thể thao từ tỉnh đến huyện, xã theo quy định hiện hành. Đến năm 2020, 70% cán bộ văn hoá - thể thao xã, phường, thị trấn có trình độ sơ cấp, 30% có trình độ trung cấp thể dục - thể thao. 100% các tổ, bản, có từ 2 - 3 hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục - thể thao đã qua đào tạo ngắn hạn.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, huấn luyện viên bằng nhiều hình thức: đào tạo tại chỗ, cử đi học tập huấn tại các trường, các trung tâm trong nước và nước ngoài.
- Hỗ trợ kinh phí cho các xã, phường, thị trấn sửa sang, xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ nhân dân đến tập luyện.
- Xây dựng chính sách thu hút huấn luyện trong và ngoài nước, vận động viên đạt thành tích xuất sắc đến công tác tại Sơn La.
- Tổ chức thực hiện tốt công tác thi đua - khen thưởng các huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích xuất sắc. Ưu tiên tạo điều kiện học nghề, bố trí công tác cho các vận động viên khi hết tuổi thi đấu, đồng thời tích cực đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong thể dục - thể thao, xây dựng sự nghiệp thể dục - thể thao trong sạch, vững mạnh.
- Tăng cường sự giúp đỡ của các Liên đoàn thể thao, các Trung tâm huấn luyện quốc gia, trường Đại học Thể dục - Thể thao, các tỉnh bạn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên, cán bộ chuyên môn, đào tạo vận động viên thành tích cao...
4. Quy hoạch đất và kế hoạch sử dụng đất đai
- Quy hoạch đất cho xây dựng các công trình thể thao phải đủ diện tích, vị trí thuận lợi.
- Giao đất, chống lấn chiếm.
- Quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả...
(Có phụ lục chi tiết kèm theo)
5. Giải pháp về áp dụng khoa học công nghệ
Tăng cường áp dụng thành tựu khoa học tiên tiến trong công tác tuyển chọn và đào tạo vận động viên thành tích cao như: y học thể dục - thể thao, các bài kiểm tra tuyển chọn vận động viên, phương pháp huấn luyện nâng cao..., tạo ra sự chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả cao trong công tác đào tạo vận động viên thành tích cao của tỉnh.
1. Kết luận
Sự nghiệp thể dục - thể thao phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và nằm trong sự phát triển toàn diện kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh. Vì vậy, việc xây dựng Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao đến năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành thể dục - thể thao. Đây là những định hướng và mục tiêu cơ bản mà ngành thể dục - thể thao phải bám sát và cụ thể hoá theo từng giai đoạn, từng năm để tổ chức triển khai thực hiện. Trong thời gian qua sự nghiệp thể dục - thể thao đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới và những chỉ tiêu cơ bản đã xác định, ngành thể dục - thể thao cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thể dục - thể thao, tranh thủ hơn nữa sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh; sự chỉ đạo và giúp đỡ chuyên môn của Uỷ ban Thể dục - Thể thao, các Vụ, Liên đoàn thể thao quốc gia cùng với sự hưởng ứng của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội.
Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thể dục - thể thao, lợi ích, tác dụng của việc tập luyện thể dục - thể thao để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác thể dục - thể thao. Phát huy tính tự giác tham gia tập luyện của quần chúng, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg ngày 10/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển thể dục - thể thao ở xã, phường, thị trấn đến 2010; Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục - thể thao, từ đó đẩy mạnh quy mô và chất lượng của phong trào thể dục - thể thao quần chúng. Triển khai thực hiện tốt Đề án đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên thành tích cao giai đoạn 2004 - 2010. Nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học về quản lý, huấn luyện, tuyển chọn, đào tạo vận động viên. Đẩy mạnh ứng dụng y học thể dục - thể thao, khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian. Tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất cho thể dục - thể thao, công tác xã hội hoá các hoạt động thể dục - thể thao. Nâng cao chất lượng phong trào thể dục - thể thao quần chúng, gia đình thể thao, hoạt động của các câu lạc bộ thể dục - thể thao.
Sự nghiệp thể dục - thể thao phải tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trong quá trình phát triển toàn diện của tỉnh, nhằm góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xây dựng tỉnh Sơn La ngày một giàu đẹp hơn. Sự nghiệp thể dục - thể thao của tỉnh phát triển vững chắc, toàn diện phấn đấu trở thành một trong những tỉnh có phong trào thể dục - thể thao mạnh của các tỉnh trong khu vực và các tỉnh miền núi phía Bắc.
2. Kiến nghị
2.1 Chính phủ
Đề nghị Chính phủ có chính sách ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp thể dục - thể thao đối với các tỉnh miền núi, nhất là các tỉnh trong diện đặc biệt khó khăn, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu của quần chúng các dân tộc đến tập luyện và các điều kiện đáp ứng chuyên môn để đào tạo vận động viên thành tích cao.
2.2 Uỷ ban Thể dục - Thể thao
- Xây dựng chương trình ưu tiên phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao cho các tỉnh miền núi, trong đó có chương trình phát triển thể dục - thể thao ở các xã đặc biệt khó khăn về kinh phí xây dựng sân bãi, dụng cụ tập luyện thể dục - thể thao, chương trình nghiên cứu, khai thác các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, để từng bước phát triển rộng rãi trong quần chúng.
- Chỉ đạo các Vụ, các Liên đoàn thể thao, các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia giúp đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên và cử các huấn luyện viên lên giúp quá trình tuyển chọn, xây dựng kế hoạch huấn luyện đào tạo vận động viên, đồng thời tạo điều kiện và có cơ chế để tỉnh có thể gửi các vận động viên học tập, tập luyện tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia.
- Với điều kiện về môi trường, khí hậu và địa lý thuận lợi của cao nguyên Mộc Châu, đề nghị Uỷ ban Thể dục - Thể thao nghiên cứu đầu tư xây dựng Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại Cao nguyên Mộc Châu - tỉnh Sơn La.
- Chỉ đạo xây dựng thống nhất hệ thống bộ máy tổ chức, biên chế cán bộ ngành thể dục - thể thao trong toàn quốc, làm cơ sở để các tỉnh, thành phố xây dựng bộ máy tổ chức biên chế đảm bảo đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của phong trào./.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Quyết định 384/QĐ-TTg năm 2011 bổ sung kinh phí thành lập mới, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác Ban hành: 16/03/2011 | Cập nhật: 23/07/2011
Quyết định 384/QĐ-TTg năm 2008 tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 3 tập thể và 3 cá nhân thuộc thành phố Hà Nội Ban hành: 16/04/2008 | Cập nhật: 21/04/2008
Quyết định 384/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt kế hoạch cổ phần hoá đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2007 - 2008 Ban hành: 03/04/2007 | Cập nhật: 27/12/2012
Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ban hành: 07/09/2006 | Cập nhật: 16/09/2006
Quyết định 384/QĐ-TTg năm 2006 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2006 - 2020 Ban hành: 09/03/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao Ban hành: 18/04/2005 | Cập nhật: 09/12/2008
Quyết định 384/QĐ-TTg năm 2005 về việc thay đổi thành viên hội đồng khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Ban hành: 11/05/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Quyết định 100/2005/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển thể dục thể thao ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010 Ban hành: 10/05/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Quyết định 01/2004/QĐ-UB ban hành quy định tạm thời trong quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Lai Châu Ban hành: 17/02/2004 | Cập nhật: 08/12/2015
Quyết định 01/2004/QĐ-UB áp dụng cơ chế "một cửa" đối với lĩnh vực công việc ở Ủy ban nhân dân huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh Ban hành: 13/01/2004 | Cập nhật: 07/07/2012
Quyết định 01/2004/QĐ-UB phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Ban hành: 06/01/2004 | Cập nhật: 06/02/2010
Quyết định 01/2004/QĐ-UB quy định việc xác nhận có nơi để xe, hợp đồng trông giữ xe để được đăng ký xe ô tô do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Ban hành: 06/01/2004 | Cập nhật: 27/03/2013
Quyết định 12/2003/QĐ-UB về việc ủy quyền cho Giám đốc Sở Công nghiệp thành phố cấp Giấy phép hoạt động điện lực do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Ban hành: 23/01/2003 | Cập nhật: 23/12/2009
Quyết định 12/2003/QĐ-UB sửa đổi Điều 6 - Qui định về tổ chức, hoạt động của Ban Thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hà Nội, kèm theo Quyết định 43/2000/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành Ban hành: 17/01/2003 | Cập nhật: 27/03/2013
Quyết định 57/2002/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thể dục thể thao đến năm 2010 Ban hành: 26/04/2002 | Cập nhật: 07/09/2011
Quyết định 01/2004/QĐ-UB ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ chức Giám định tư pháp về xây dựng, trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Ban hành: 05/01/2004 | Cập nhật: 20/01/2010
Quyết định 01/2004/QĐ-UB thành lập Sở Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Ban hành: 02/01/2004 | Cập nhật: 17/01/2013
Quyết định 01/2004/QĐ-UB thành lập Sở Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Ban hành: 01/01/2004 | Cập nhật: 04/12/2015
Quyết định 12/2003/QĐ-UB về bản Quy chế quản lý Đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn Ban hành: 03/06/2003 | Cập nhật: 26/03/2013