Quyết định 12/2003/QĐ-UB về bản Quy chế quản lý Đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Số hiệu: 12/2003/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Đoàn Bá Nhiên
Ngày ban hành: 03/06/2003 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2003/QĐ-UB

Lạng Sơn, ngày 03 tháng 6 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY CHẾ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000;

- Căn cứ Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ và Nghị định số 27/2003/NĐ- CP ngày 19/3/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2000/NĐ- CP ngày 31/7/2000 quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

- Căn cứ Thông tư 12/2000/TT-BKH ngày 15/9/2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn hoạt động Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

- Căn cứ Quyết định số 233/1998/QĐ-TTg ngày 01/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp, uỷ quyền cấp Giấy phép đầu tư trực tiếp nước ngoài;

- Căn cứ Nghị quyết số 13 NQ/TU ngày 02/5/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường thu hút vốn Đầu tư nước ngoài giai đoạn 2003-2010;

- Xét đề nghị của Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 195/KH-HTĐT ngày 30/10/2002.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế quản lý Đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Điều 2. Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ dự án, chủ trì thẩm định dự án và tổ chức quản lý hoạt động Đầu tư nước ngoài theo quy định tại Quy chế này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 66/1999/QĐ-UB ngày 16/11/1999 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có dự án Đầu tư trực tiếp nước ngoài chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4.
- Văn phòng Chính phủ.
- Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
- TT Tỉnh Uỷ.
- TT HĐND tỉnh.
- CT, PCT UBND tỉnh.
- PVP, các tổ CV. - Lưu VT.

T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH




Đoàn Bá Nhiên

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2003/QĐ-UB ngày /5/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bản Quy chế này quy định những nội dung về việc xúc tiến và quản lý Đầu tư trực tiếp nước ngoài (sau đây gọi tắt là FDI) thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn trên cơ sở thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan khác.

Điều 2. Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tất cả các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thực hiện dự án FDI trên địa bàn theo phân cấp quản lý của chính phủ.

Điều 3. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ làm đầu mối chịu trách nhiệm chính về xúc tiến đầu tư, hướng dẫn đầu tư và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành, triển khai, thực hiện dự án FDI trên địa bàn.

Chương II

XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HÌNH THÀNH DỰ ÁN

Điều 4. Xây dựng, công bố danh mục dự án và các biện pháp khuyến khích đầu tư:

1-Trên cơ sở Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Lạng Sơn trong từng thời kỳ, các Sở, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh có trách nhiệm lập tóm tắt dự án cần kêu gọi đầu tư thuộc lĩnh vực mình phụ trách và có trách nhiệm hướng dẫn nhà đầu tư trình tự, thủ tục liên quan đến lập hồ sơ dự án thuộc thẩm quyền.

2- Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

a- Phổ biến nội dung xây dựng dự án gọi vốn, tổng hợp các dự án, sắp xếp danh mục dự án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đăng ký danh mục dự án với Chính phủ và công bố danh mục dự án kêu gọi vốn FDI từng thời kỳ. Chủ trì lập kế hoạch xúc tiến, kêu gọi đầu tư hàng năm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

b- Hướng dẫn các chủ đầu tư trong nước và ngoài nước về chủ trương chính sách và các lĩnh vực ưu tiên đầu tư cũng như các quy định của pháp luật để các nhà đầu tư tiến hành lựa chọn.

c- Hướng dẫn, giúp đỡ các nhà đầu tư lập hồ sơ dự án và tiếp nhận, kiểm tra sự hợp lệ của hồ sơ dự án.

d- Hướng dẫn thủ tục mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện, Trạm bảo hành của các doanh nghiệp có vốn FDI thuộc các tỉnh, thành phố khác đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Điều 5. Đối với những dự án nằm ngoài danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư quy định tại phụ lục kèm theo Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định 24/2000/NĐ-CP), chủ đầu tư thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn xin ý kiến về chủ trương đầu tư trước khi lập hồ sơ dự án.

Điều 6. Trong quá trình hình thành và triển khai xin cấp Giấy phép đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư (nếu có yếu cầu) phối hợp với chủ đầu tư đàm phán ký kết hợp đồng liên doanh (đối với dự án liên doanh), phối hợp hoặc thay mặt nhà đầu tư làm việc trực tiếp với các Sở, ngành liên quan để giải quyết các thủ tục liên quan đến dự án như địa điểm, quy hoạch, giá thuê đất, đền bù giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường sinh thái...

Điều 7. Các Sở, Ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp thông tin cần thiết và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở lưạ chọn, lập dự án và triển khai thực hiện việc đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Điều 8. Quy trình cấp Giấy phép đầu tư.

1-Việc cấp Giấy phép đầu tư được thực hiện theo một trong hai quy trình sau:

a-Đăng ký cấp Giấy phép đầu tư.

b-Thẩm định cấp Giấy phép đầu tư.

2- Các dự án thuộc diện Đăng ký cấp Giấy phép đầu tư phải đồng thời đáp ứng được các điều kiện sau:

a- Không thuộc dự án nhóm A theo quy định tại Điều 114 của Nghị định 24/2000/NĐ-CP .

b- Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

c- Không thuộc danh mục dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

d- Ngoài ra còn phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: Có tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm trên 50%; thuộc lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn đến 5 triệu Đô la Mỹ (USD).

3- Các dự án còn lại thuộc diện thẩm định cấp Giấy phép đầu tư.

Điều 9. Hồ sơ dự án:

Hồ sơ dự án được lập theo mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành và nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

1- Hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép đầu tư bao gồm:

a- Đơn đăng ký cấp Giấy phép đầu tư.

b- Hợp đồng liên doanh (đối với Doanh nghiệp liên doanh) hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh (đối với hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh).

c- Điều lệ Doanh nghiệp liên doanh (đối với hình thức Doanh nghiệp liên doanh) hoặc điều lệ Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (đối với hình thức Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài).

d- Văn bản xác nhận tư cách pháp lý, tình hình tài chính của các bên.

2- Hồ sơ thẩm định cấp Giấy phép đầu tư gồm:

a- Đơn xin cấp Giấy phép đầu tư.

b- Các hồ sơ nêu tại Điểm b, c, d Khoản 1 Điều này.

c- Giải trình kinh tế kỹ thuật của dự án.

d- Các hồ sơ liên quan đến chuyển giao công nghệ (nếu có).

3- Số bộ hồ sơ và hình thức hồ sơ:

a- Hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép đầu tư được lập thành 05 bộ, trong đó ít nhất có 01 bộ gốc.

b- Hồ sơ thẩm định cấp Giấy phép đầu tư bao gồm 08 bộ đối với dự án nhóm B và 12 bộ đối với dự án nhóm A, trong đó ít nhất có 01 bộ gốc.

c- Hồ sơ phải đóng thành quyển chắc chắn để lưu trữ lâu dài.

d- Từng trang phải có chữ ký của đại diện hoặc dấu giáp lai của các bên hợp tác đầu tư.

e- In ấn rõ ràng bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài thông dụng, không được tẩy xoá.

Chương III

THẨM ĐỊNH DỰ ÁN VÀ CẤP GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ.

Điều 10. Nội dung thẩm định dự án.

1- Tư cách pháp lý, năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.

2- Mức độ phù hợp của dự án với quy hoạch.

3- Lợi ích kinh tế xã hội (khả năng tạo năng lực mới, ngành nghề mới, sản phẩm mới, mở rộng thị trường, khả năng tạo việc làm cho người lao động, lợi ích kinh tế của dự án và các khoản nộp cho ngân sách… ).

4- Trình độ kỹ thuật, công nghệ áp dụng, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.

5- Tính hợp lý của việc sử dụng đất, định giá tài sản góp vốn của bên Việt Nam (nếu có).

Điều 11. Quy trình thẩm định dự án.

1- Đối với những dự án thuộc thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến của các Sở, ban, ngành (sau đây gọi tắt là các sở) có liên quan; tổng hợp và lập báo cáo thẩm định dự án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định cấp Giấy phép đầu tư.

2- Đối với những dự án vượt thẩm quyền cấp Giấy phép đầu tư của Uỷ ban nhân dân tỉnh, trong trường hợp cần thiết Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của các Sở liên quan trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Chính phủ cấp Giấy phép đầu tư.

Điều 12. Thời hạn thẩm định và cấp Giấy phép đầu tư:

1- Đối với những dự án thuộc thẩm quyền cấp Giấy phép đầu tư của Uỷ ban nhân dân tỉnh:

a- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ Hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản kèm theo hồ sơ dự án gửi các Sở liên quan lấy ý kiến tham gia thẩm định.

b- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các nội dung được yêu cầu tại quy định này. Quá thời hạn nêu trên nếu không có ý kiến trả lời bằng văn bản thì coi như chấp thuận nội dung dự án và chịu trách nhiệm về sự chấp thuận đó.

c- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định của các Sở, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp và lập báo cáo thẩm định trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét cấp Giấy phép đầu tư.

d- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản báo cáo thẩm định dự án của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm thẩm định lại hồ sơ dự án trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ký cấp Giấy phép đầu tư.

2- Đối với những dự án không thuộc thẩm quyền cấp phép của Uỷ ban nhân dân tỉnh thì việc thẩm định và thời hạn thẩm định được quy định tại Điều 109 Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

Trong thời hạn 06 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ dự án hoặc văn bản lấy ý kiến tham gia thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân tỉnh có ý kiến thẩm định bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

Điều 13. Trong trường hợp cần thiết, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp tư vấn mời đại diện các ngành hữu quan tham gia trực tiếp về những vấn đề có liên quan đến dự án. Nếu có những ý kiến không thống nhất thì Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

Điều 14. Sửa đổi, bổ sung hồ sơ dự án.

Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ dự án, mọi yêu cầu sửa đổi bổ sung hồ sơ dự án phải được thực hiện bằng văn bản. Thời hạn trên không tính vào thời gian thẩm định, cấp Giấy phép đầu tư.

Điều 15. Giấy phép đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép hành nghề; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần thông báo, hoặc đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành trước khi tiến hành triển khai hoạt động kinh doanh của mình theo mục tiêu ngành nghề đã quy định tại Giấy phép đầu tư.

Chương IV

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN VÀ QUẢN LÝ DỰ ÁN

Điều 16. Sau khi được cấp Giấy phép đầu tư, chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án theo quy định tại các Điều 30, 31 Thông tư 12/2000/TT- BKH ngày 15/9/2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể như sau:

1- Đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp trên Báo trung ương hoặc Báo địa phương ít nhất là trong 03 số liên tiếp.

2- Đăng ký trụ sở Doanh nghiệp và danh sách nhân sự tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

3- Khắc và đăng ký con dấu tại Công an tỉnh.

4- Mở tài khoản của Doanh nghiệp tại Ngân hàng.

5- Làm thủ tục xin Giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Sở Lao động Thương binh Xã hội.

6- Thực hiện việc đăng ký các thủ tục xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại cho người nước ngoài; đăng ký hành nghề; đăng ký sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; đăng ký chất lượng, nhãn hiệu hàng hoá …(nếu có).

7- Làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

8- Đăng ký kế hoạch nhập khẩu tại Sở Thương mại và Du lịch.

9- Làm thủ tục duyệt thiết kế kỹ thuật công trình (nếu có).

10- Thực hiện việc đấu thầu hoặc tuyển chọn tư vấn, thiết kế, mua sắm hàng hoá (nếu có) theo quy định.

Điều 17. Điều chỉnh Giấy phép đầu tư.

Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư có nhu cầu bổ sung mục tiêu dự án, tăng vốn điều lệ hoặc thay đổi đối tác... thì thực hiện việc bổ sung, sửa đổi Giấy phép đầu tư theo quy định tại Điều 111 Nghị định 24/2000/NĐ-CP và Điều 17 Thông tư 12/2000/TT-BKH ngày 15/9/2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đối với trường hợp do bổ sung, điều chỉnh Giấy phép đầu tư mà quy mô dự án vượt quá tổng mức vốn đầu tư được phân cấp, thay đổi mục tiêu hoạt động hoặc bổ sung mục tiêu hoạt động thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo xin ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp Giấy phép điều chỉnh.

Thời gian xem xét, điều chỉnh, bổ sung Giấy phép đầu tư là 15 ngày làm việc (không kể thời gian nhà đầu tư bổ sung Hồ sơ dự án hoặc xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nội dung điều chỉnh dự án vượt quá thẩm quyền của tỉnh).

Điều 18. Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

1- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có trụ sở chính đặt tại các tỉnh, thành phố khác xin thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện tại tỉnh Lạng Sơn nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Quyết định.

Hồ sơ gồm:

Giấy giới thiệu của doanh nghiệp.

Đơn xin thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

Bản sao Giấy phép đầu tư (có công chứng).

Hợp đồng thuê địa điểm đặt Văn phòng, Chi nhánh.

Quyết định bổ nhiệm Trưởng Văn phòng đại diện hoặc Giám đốc Chi nhánh.

Báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

* Đối với trường hợp mở Chi nhánh làm cơ sở sản xuất ngoài những hồ sơ trên còn cần có:

Phương án kinh doanh (giải trình cụ thể về thị trường, vốn, lao động, sản phẩm ...).

2- Sau khi có Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được mở Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Lạng Sơn; Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải gửi báo cáo hoạt động định kỳ (tháng, quý, năm) cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và Cục thống kê tỉnh Lạng Sơn.

3- Hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với Giấy phép đầu tư được cấp.

Điều 19. Chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy phép đầu tư.

Các trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 52 Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn quá trình thanh lý doanh nghiệp, tiếp nhận hồ sơ và thẩm định hồ sơ. Thời hạn xem xét, thẩm định hồ sơ thanh lý không quá 15 ngày làm việc (không kể thời hạn doanh nghiệp tiến hành các thủ tục thanh lý). Trong trường hợp cần thiết, Sở Kế hoạch và Đầu tư có thể tiến hành trưng cầu ý kiến của các Sở liên quan. Các Sở có văn bản trả lời ý kiến trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 20. Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động đối với Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

1- Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các Bên hợp doanh trên địa bàn phải được thực hiện đúng chức năng, đúng thẩm quyền và tuân thủ quy định của Pháp luật về đầu tư nước ngoài và Pháp luật về thanh tra, kiểm tra. Việc thanh tra, kiểm tra các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện định kỳ, theo chuyên ngành hoặc đột xuất thông qua cơ quan đầu mối của tỉnh là Sở Kế hoạch và Đầu tư.

2- Kiểm tra định kỳ được thực hiện không quá 01 lần trong 01 năm. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với đại diện một số cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hoạt động của Doanh nghiệp trên một số nội dung sau:

a- Việc thực hiện các quy định của Giấy phép đầu tư.

b- Đánh giá hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp.

c- Tiếp thu các kiến nghị, vướng mắc của Doanh nghiệp.

Trong vòng 05 ngày sau khi kết thúc kiểm tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải báo cáo bằng văn bản với Uỷ ban nhân dân tỉnh những nội dung và kết quả kiểm tra, kết luận kiến nghị của đoàn kiểm tra kèm theo những biên bản kiểm tra.

3- Kiểm tra chuyên ngành: Việc kiểm tra chuyên ngành do cơ quan quản lý chuyên ngành chủ trì nhằm đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành mình. Việc kiểm tra chuyên ngành được thực hiện không quá 01 lần trong 01 năm

4- Kiểm tra đột xuất: Kiểm tra đột xuất chỉ được thực hiện khi Doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có vụ việc phát sinh và được thực hiện theo đúng các trình tự thủ tục do Pháp luật quy định.

Đối với những vụ việc lớn, phức tạp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi tiến hành kiểm tra.

5- Thời hạn kiểm tra: Kế hoạch kiểm tra phải được thông báo tới Doanh nghiệp ít nhất 07 ngày trước khi tiến hành kiểm tra (kể cả kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra chuyên ngành) và thời gian kiểm tra tại Doanh nghiệp tối đa không vượt quá 05 ngày làm việc. Riêng kiểm tra chuyên ngành, cơ quan chủ trì việc kiểm tra phải thông báo kế hoạch và nội dung kiểm tra tới cơ quan đầu mối (Sở Kế hoạch và Đầu tư) ít nhất 10 ngày làm việc trước khi tiến hành kiểm tra.

Chương V

PHÂN CÔNG GIẢI QUYẾT CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VÀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI

Điều 21. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Kế hoạch và Đầu tư được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ làm cơ quan đầu mối, phối hợp với các ngành chức năng khác tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn theo quy định tại Điều 116 Nghị định 24/2000/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1- Chủ trì thẩm định, trình cấp Giấy phép đầu tư và điều chỉnh Giấy phép đầu tư, trình quyết định giải thể doanh nghiệp và thu hồi Giấy phép đầu tư đối với những dự án đầu tư thuộc thẩm quyền.

2- Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh nội dung tham gia ý kiến thẩm định đối với những dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3- Chịu trách nhiệm làm đầu mối trong công tác quản lý nhà nước đối với Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài, tổng hợp và giúp đỡ nhà đầu tư giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành, thực hiện dự án và chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

4- Chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc các Bộ, ngành trung ương về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn, tình hình triển khai hoạt động của các dự án, những tồn tại vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án cũng như trong quá trình quản lý. Đề xuất các cơ chế, chính sách và biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh.

Điều 22. Sở Xây dựng.

1- Có trách nhiệm thực hiện quy định tại các Điều 94,95, 96, 97 Nghị định 24/2000/NĐ-CP và Thông tư số 16/2000/TT-BXD ngày 11/12/2000 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc quản lý xây dựng đối với hoạt động đầu tư nước ngoài và quản lý các nhà thầu nước ngoài nhận thầu xây dựng và tư vấn xây dựng công trình tại Việt Nam. cụ thể như sau:

a- Giới thiệu địa điểm xây dựng phù hợp với quy hoạch và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh thoả thuận về địa điểm để chủ đầu tư có cơ sở lập dự án đầu tư. Thời hạn thực hiện không quá 15 ngày.

b.- Thẩm định sơ bộ về quy hoạch và kiến trúc trong các dự án có công trình xây dựng.

c- Cấp Chứng chỉ quy hoạch.

d- Thẩm định thiết kế kỹ thuật đối với những công trình xây dựng thuộc dự án nhóm B.

e- Quản lý giám sát chất lượng công trình xây dựng.

2- Các Điểm a, b, c Khoản 1 Điều này được thực hiện trong giai đoạn xin cấp Giấy phép đầu tư; các Điểm d, e Khoản 1 Điều này được thực hiện sau khi cấp Giấy phép đầu tư.

Điều 23. Sở Địa chính.

Có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ dự án xin thuê đất theo Thông tư 679 TT/ĐC ngày 12-5-1997 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn việc thuê đất để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thời gian thực hiện không quá 10 ngày làm việc (không kể thời gian lập bản đồ đo đạc địa chính)

Điều 24. Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn và thẩm định:

1- Hồ sơ theo quy định tại Mục II.1 của Thông tư số 490/1998/TT- BKH CNMT ngày 29-4-1998 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường về việc hướng dẫn lập và báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư.

2- Phần thiết bị, chuyển giao công nghệ.

3- Quản lý về chuyển giao công nghệ được phân cấp theo Nghị định số 45/1998/NĐ- CP ngày 01/07/1998 của Chính phủ.

Thời gian thực hiện không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 25. Sở Tài chính-Vật giá.

Có trách nhiệm đề xuất đơn giá tiền thuê đất và thời hạn miễn giảm đối với từng dự án FDI phù hợp với khung giá thuê đất và các điều kiện miễn giảm hiện hành. Thẩm định và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng của các dự án FDI. Thời hạn thực hiện các công việc trên không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ (được xác định và thực hiện trước khi cấp Giấy phép đầu tư).

Điều 26. Sở Thương mại và Du lịch.

Căn cứ vào hồ sơ dự án FDI và Giấy phép đầu tư cấp cho Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện việc phê duyệt kế hoạch nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu hàng hoá của Doanh nghiệp phù hợp với các quy định hiện hành. Thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ xin phê duyệt kế hoạch nhập khẩu của Doanh nghiệp.

Điều 27. Công An tỉnh hướng dẫn Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khắc và đăng ký con dấu và cấp dấu cho Doanh nghiệp trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Việc cấp Visa, gia hạn tạm trú cho nhà đầu tư, lao động, thân nhân người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn được thực hiện trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ; mọi trường hợp từ chối phải có văn bản nêu rõ lý do.

Điều 28. Ngoài những công việc cụ thể nêu trên, các Sở, ban, ngành liên quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của ngành mình, có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài theo quy định hiện hành.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm tổng hợp và báo cáo gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

Điều 30. Nghiêm cấm các công chức, viên chức thuộc các Sở lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để gây khó khăn, phiền hà cho các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình xem xét, cấp Giấy phép đầu tư và quản lý dự án. Nếu vi phạm các quy định liên quan của Nhà nước và các điều khoản của Quy chế này, thì tuỳ mức độ nặng nhẹ sẽ bị sử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có gì vướng mắc các đơn vị cần phản ánh ngay với Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh kịp thời điểu chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương./.