Chỉ thị 22/CT-UBND tăng cường công tác quản lý điều hành bình ổn giá, ổn định thị trường cuối năm 2013 và phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014
Số hiệu: 22/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Văn Cao
Ngày ban hành: 19/12/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tài chính, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 12 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH BÌNH ỔN GIÁ, ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CUỐI NĂM 2013 VÀ PHỤC VỤ TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP NGỌ 2014

Ngay từ đầu năm 2013, UBND tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện quyết liệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013. Với sự nỗ lực các cấp, các sở ngành, địa phương đến nay cơ bản thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh đến 11/2013 vẫn tăng khá cao so với mức tăng của cả nước, ảnh hưởng của nhiều đợt bão lụt, diễn biến thời tiết bất lợi trong năm 2013 gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân ở khu vực nông thôn.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2013 và chuẩn bị triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2014, tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá cả, thị trường, chuẩn bị tốt các điều kiện cho người dân được đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 vui tươi, an toàn, tiết kiệm; UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, các cơ quan trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung triển khai ngay một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

1. Các Sở, Ban ngành, Cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế:

a) Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP , số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Kế hoạch, Chương trình hành động của UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh sản xuất tăng lượng cung hàng hóa, giữ ổn định giá thành sản phẩm.

b) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể các cấp triển khai kế hoạch cụ thể phục vụ Tết trên địa bàn, đảm bảo cho nhân dân đón xuân vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; mọi gia đình đều được vui xuân đón Tết. Chủ động biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, ứng phó thời tiết bất lợi, hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; bảo đảm kinh phí cho nhiệm vụ phục vụ an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ, tốt chế độ, chính sách cho người nghèo, đối tượng chính sách, người già, neo đơn để mọi người đều no đủ, vui xuân, đón Tết trong không khí đầm ấm, nghĩa tình.

c) Tập trung thực hiện các biện pháp bảo đảm hoàn thành kế hoạch thu ngân sách theo dự toán được giao, tăng cường quản lý chi ngân sách theo đúng quy định; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc tổ chức hội nghị, tổng kết cuối năm; chủ động xây dựng kế hoạch công tác, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch trực tết để bảo đảm các hoạt động thông suốt trước và sau Tết Nguyên đán.

2. Ban chỉ đạo 127/TTH: xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch liên ngành, chủ động triển khai các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường tập trung vào khoảng thời gian và chủng loại hàng hóa phục vụ Tết. Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng trong Ban Chỉ đạo để kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ động thực hiện Quy chế phối hợp xử lý biến động thị trường bất thường trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, gom hàng, gây sốt giá làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, trật tự, an toàn xã hội.

3. Sở Công Thương:

a) Triển khai thống nhất, đồng bộ các giải pháp theo sự chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 24/CT-BCT ngày 06/11/2012; tích cực triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch của ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn liền với phát triển thị trường, phát triển hệ thống phân phối, tăng cường thực hiện các chương trình khuyến mại, các phiên chợ bán hàng về nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin thị trường để duy trì tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường, rà soát cân đối cung cầu, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trực tiếp phục vụ cho nhu cầu của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, tập trung nguồn lực dự trữ hàng, triển khai công tác dự trữ các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo đúng quy trình, nghiệp vụ được quy định.

d) Tăng cường công tác quản lý các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình khuyến mại để bảo đảm chất lượng và giá cả hàng hóa; bảo đảm trật tự xã hội và mỹ quan tại các địa điểm tổ chức Hội chợ Xuân.

4. Sở Tài chính:

a) Tham mưu UBND tỉnh việc đẩy mạnh thu ngân sách và tăng cường quản lý hoạt động thu chi ngân sách; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý chi ngân sách; giám sát việc tuân thủ quy định về tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu của các tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

b) Triển khai thực hiện Luật giá và các văn bản hướng dẫn liên quan; kiểm soát chặt chẽ mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quy định giá, hàng hóa mua sắm bằng ngân sách hoặc trợ giá, hàng hóa dịch vụ, dịch vụ công ích. Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ diễn biến, các yếu tố hình thành giá, xác định giá bán của hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá.

c) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá để góp phần ổn định thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh; tích cực phối hợp với Sở Công Thương tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

5. Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh tăng cường các biện pháp đảm bảo thu ngân sách, chống gian lận thuế, nhanh chóng thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, phối hợp thực hiện tốt công tác phòng chống buôn lậu góp phần bình ổn thị trường trong nước.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, cân đối các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau xanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, vắc xin, hóa chất; theo dõi chặt chẽ, dự báo tình hình dịch bệnh vật nuôi, cây trồng để ra các giải pháp kịp thời khống chế khi có dịch bệnh xảy ra; thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ chứa, rà soát các công trình thủy lợi bị hư hỏng để có giải pháp xử lý kịp thời.

7.  Sở Y tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và quản lý giá thuốc chữa bệnh, dich vụ y tế đối với các nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc tư nhân đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Phối hợp với sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Bệnh viện Trung ương Huế, Sở Y tế (chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm Y tế tại các huyện, thị xã, thành phố) bố trí đội ngũ y, bác sĩ trực cấp cứu 24/24 và chuẩn bị dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, bảo đảm tốt việc bảo vệ sức khỏe, điều trị và cấp cứu, cứu chữa thương tích, tai nạn giao thông trong các ngày Tết.

8. Sở Giao thông vận tải phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức phân luồng giao thông và điều tiết giao thông hợp lý tại các giao lộ, nhất là tại các khu vực trung tâm thành phố Huế và các điểm có công trình đang thi công, ùn tắc giao thông; điều hành tốt việc vận chuyển hàng hóa, hành khách tại các bến xe, bến tàu, không để ứ đọng, ách tắc; không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến về vận tải, vận chuyển trong những ngày cao điểm; xây dựng kế hoạch tăng chuyến, đảm bảo xe buýt phục vụ nhân dân đi lại bình thường trong dịp Tết.

Tổ chức phối hợp với Công an tỉnh và UBND các địa phương tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thủy và áp dụng các biện pháp đồng bộ, quyết liệt để đảm bảo trật tự giao thông, giảm tai nạn giao thông ở mức thấp nhất.

9. Công an tỉnh phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế lập kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; triệt phá các băng nhóm tội phạm, gây rối trật tự công cộng, xử lý các tụ điểm tệ nạn xã hội, bài trừ mê tín dị đoan; bảo vệ tuyệt đối an toàn các địa bàn trọng điểm và các điểm vui chơi, giải trí đông người; chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn, làm thất bại âm mưu của các thế lực phản động lợi dụng dịp Tết để kích động, gây rối, phá hoại.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng trong ngành phối hợp thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm làm mất ổn định thị trường; xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, nhập khẩu và sử dụng trái phép các loại pháo trong dịp Tết.

10. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các chính sách về tiền tệ, tín dụng góp phần tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngân hàng để bảo đảm các tổ chức tín dụng tuân thủ đúng các quy định về hoạt động ngân hàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoạt động thu đổi, mua bán ngoại tệ, vàng không đúng quy định của pháp luật.

11. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Thừa Thiên Huế, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan truyền thông báo chí: thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị về công tác thông tin, tuyên truyền, làm tốt công tác cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu văn hóa, giải trí của nhân dân trong các dịp Lễ, Tết; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội xuân bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ nội dung thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng, các hoạt động, chương trình vui chơi giải trí đảm bảo văn hóa, phù hợp với thuần phong, mỹ tục.

12. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

- Chủ động triển khai thực hiện tốt chế độ, chính sách cho đối tượng chính sách, người nghèo, người già, neo đơn theo quy định, đảm bảo an sinh xã hội tại địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn theo dõi diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa trên địa bàn, phối hợp với các lực lượng của Ban Chỉ đạo 127/TTH tổ chức thông tin tuyên truyền, kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả, niêm yết giá, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống cháy nổ tại các chợ, siêu thị, điểm kinh doanh mua bán trên địa bàn.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức trang trí hoa, đèn, bố trí cây xanh, dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các trục đường trung tâm, các khu vui chơi giải trí; xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, đậu xe trái phép; bố trí lực lượng giải quyết nhanh ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Tổ chức tốt, an toàn các Hội hoa Xuân, Hội chợ Xuân và các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh trên địa bàn phục vụ nhân dân trong dịp Tết, thực hiện nghiêm quy định cấm đốt pháo, cờ bạc, mê tín dị đoan.

- Chỉ đạo phường, xã, thị trấn, cơ quan đơn vị tổ chức làm tổng vệ sinh, dọn dẹp đường phố, cơ quan sạch đẹp. Tổ chức chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ, các nhà bia, các đài liệt sĩ… để nhân dân đến thăm viếng trong dịp Tết. Chủ tịch UBND thành phố Huế chỉ đạo Công ty Môi trường và Công trình đô thị thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển rác và vệ sinh trên địa bàn thành phố Huế trong thời gian Tết Nguyên đán; riêng tại các chợ, điểm bán hoa kiểng hoàn thành trước 22 giờ 00 ngày 30 tháng 01 năm 2014 (30 Tết).

13. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, Công ty TNHH NN1TV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế có kế hoạch đảm bảo cung cấp ổn định và liên tục điện, nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt trong suốt thời gian Tết Nguyên đán.

14. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả hơn; thực hiện rà soát các định mức kinh tế kỹ thuật, đổi mới công nghệ và tiết giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành, giảm áp lực tăng giá hàng hóa, dịch vụ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước, nhất là các mặt hàng mà doanh nghiệp có lợi thế.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Cơ quan trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao