Chỉ thị 11/2006/CT-UBND tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do tỉnh Long An ban hành
Số hiệu: 11/2006/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Long An Người ký: Dương Quốc Xuân
Ngày ban hành: 05/05/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Khiếu nại, tố cáo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2006/CT-UBND

Tân An, ngày 05 tháng 5 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, tại kỳ họp thứ 8 ngày 29/11/2005 đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2006. Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực nhằm khắc phục và đẩy lùi tình trạng tham nhũng đang là một vấn đề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Thực hiện Quyết định số 30/2006/QĐ-TTg ngày 06/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 11/2006/QĐ-UBND ngày 06/4/2006 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; để nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ công chức và nhân dân trong việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Xét văn bản đề nghị số 1658/TTr.TT ngày 28/4/2006 của Thanh tra tỉnh và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại công văn số 390/STP-VBPQ ngày 19/4/2006.

UBND tỉnh chỉ thị Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thực hiện một số nội dung như sau:

1- Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng, nhằm làm cho cán bộ công chức và nhân dân trong đơn vị và địa phương thông suốt để thực hiện tốt các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Quyết định số 11/2006/QĐ-UBND ngày 06/4/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

2- Các cấp, các ngành tiến hành hệ thống hóa các quy định về thủ tục giấy tờ cần thiết, công khai minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng và công sở gắn với xây dựng Chương trình kế hoạch cụ thể từng cấp, từng ngành về phòng chống tham nhũng. Ban hành các quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, những việc phải làm, không được làm, chống nhũng nhiễu phiền hà, đề cao sự liêm chính của cán bộ công chức trong thi hành nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội, giữa các công chức với doanh nghiệp và người dân.

3- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đơn vị, cơ quan mình quản lý, loại bỏ (hoặc đề xuất, kiến nghị nếu không có thẩm quyền) ngay những nội dung quy định không còn phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, không để sơ hở lỏng lẻo để phát sinh tham nhũng.

4- Các địa phương, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm làm rõ, trả lời các cơ quan báo chí khi có nội dung đăng, phát tin về chống tham nhũng liên quan trách nhiệm quản lý của mình; trả lời các yêu cầu, đề nghị của các cơ quan báo chí về nội dung liên quan đến tham nhũng trong địa phương đơn vị mình phụ trách.

5- Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức trong đấu tranh chống tham nhũng, tăng cường thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; có cơ chế bảo vệ, khen thưởng người có công. Xử lý dứt điểm nghiêm minh các vụ việc tham nhũng đã được kết luận ở đơn vị địa phương mình dù là bất cứ ai, đương chức, nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác.

6- Công an tỉnh chủ động có kế hoạch phòng ngừa và nâng cao biện pháp nghiệp vụ nhằm điều tra phát hiện kịp thời, xử lý theo pháp luật các vụ việc tham nhũng, phát động phong trào quần chúng nhân dân đấu tranh phát hiện tội phạm tham nhũng tại cơ sở.

7- Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Tài chính …tổ chức thanh tra thực thi công vụ ở một số lĩnh vực: quản lý nhà, đất; cấp phép đầu tư; xây dựng; thuế; hải quan; đăng kiểm, đăng ký phương tiện giao thông; cấp giấy phép lái xe cơ giới; đăng ký hộ tịch, hộ khẩu và một số vụ việc cụ thể được nhân dân, công luận phản ánh.

8- Thanh tra tỉnh có trách nhiệm:

- Xây dựng Chương trình hành động ngành Thanh tra thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, triển khai quán triệt thực hiện trong toàn ngành.

- Ban hành văn bản chỉ đạo trong ngành, tổ chức thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng; xem đây là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của công tác thanh tra (thanh tra xét khiếu tố, thanh tra kinh tế - xã hội, chống tham nhũng).

- Xem xét có kế hoạch bổ sung Chương trình công tác Thanh tra năm 2006 trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, tập trung vào lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý tài sản công gắn thanh tra thực thi chức trách công vụ với một số lĩnh vực nhạy cảm được dư luận quan tâm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Văn hoá-Thông tin tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ công chức viên chức, doanh nghiệp về các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Chính trị đưa nội dung Phòng chống tham nhũng vào chương trình đào tạo.

9- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phối hợp với các ngành chức năng có kế hoạch triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

10- Các cơ quan: Báo Long An, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã phối hợp với ngành Tư pháp, Thanh tra có kế hoạch tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng đạt hiệu quả.

Nhận được Chỉ thị nầy, yêu cầu Thủ trưởng các cấp, các ngành có kế hoạch triển khai thực hiện. Giao Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các đơn vị địa phương trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị nầy./.

 

 

Nơi nhận:
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- Cục kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành, Đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã;
- Phòng NCTH (2b);
- Lưu VT,TT,U.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Dương Quốc Xuân