Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2013 tăng cường giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: 10/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Lê Phước Thanh
Ngày ban hành: 18/06/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Quảng Nam, ngày 18 tháng 06 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH TỈNH QUẢNG NAM

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần làm cho Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Quảng Nam từng bước được cải thiện, thuộc nhóm có chỉ số tốt, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần giải quyết lao động, tăng nguồn thu ngân sách và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Tuy nhiên, công tác cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là trong việc chỉ đạo điều hành, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp; việc giải quyết thủ tục đầu tư, kiến nghị của doanh nghiệp có nơi, có lúc chưa nhất quán, đồng bộ; công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho nhà đầu tư còn nhiều vướng mắc; công tác đào tạo lao động chưa đáp ứng yêu cầu các dự án đầu tư; bên cạnh đó một số dự án đầu tư chậm tiến độ, nhiều dự án có dấu hiệu giữ đất, chờ cơ hội chuyển nhượng..., từ đó đã dẫn đến tình trạng thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh không ổn định, một số chỉ số thành phần PCI của tỉnh có điểm số còn tương đối thấp.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, giữ vững và phấn đấu nâng chỉ số PCI lên thứ hạng cao hơn trong những năm tới; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố gắn trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; chịu trách nhiệm quán triệt cán bộ, công chức, viên chức tuyệt đối chấp hành và thực hiện các chủ trương, giải pháp của lãnh đạo tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; chấm dứt ngay tình trạng UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương, nhưng địa phương không triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa nhất quán, một bộ phận cán bộ thừa hành gây khó khăn như phản ánh của doanh nghiệp thời gian qua. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trên các mặt: thái độ, phong cách, phẩm chất, tính minh bạch trong thực thi công vụ.

2. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nói chung và thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng; thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, các Quy chế phối hợp đã được ban hành trước đây; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, phổ biến rộng rãi và niêm yết công khai tại trụ sở các quy chế, quy trình và các thủ tục hành chính; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện quy trình, quy định ở cơ quan, đơn vị để cán bộ được phân công không gây cản trở đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

3. Các ngành, các cấp tiếp tục triển khai Nghị quyết 09-NQ-TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 15/Ctr-TU ngày 06/6/2012 của Tỉnh ủy Quảng Nam, Kế hoạch số 4349/KH-UBND ngày 13/11/2012 của UBND tỉnh về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Quảng Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 09- NQ/TU ngày 04/5/2009 của Tỉnh ủy và Chương trình hành động theo Quyết định số 553/QĐ-UBND ngày 03/02/2010 của UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư.

4. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của PCI trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, minh bạch về vị trí, vai trò của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và của tỉnh.

5. Tiếp tục duy trì và từng bước nâng cao hơn nữa điểm số các Chỉ số thành phần đã có vị trí cao trong năm 2012; tập trung cải thiện các chỉ số thành phần có điểm số và vị trí thấp trong năm 2012, trong thời gian đến yêu cầu thủ trưởng các cơ quan triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:

a) Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chủ trương, chính sách, quy định của tỉnh tại các ngành và địa phương để kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý những đơn vị, địa phương chấp hành không nghiêm chủ trương của tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu tổ chức các hình thức lấy ý kiến thăm dò, góp ý của doanh nghiệp trước khi ban hành những chủ trương, cơ chế liên quan đến doanh nghiệp.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu UBND tỉnh những giải pháp triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường; giải quyết nợ xấu và các chủ trương của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

c) Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế "một cửa liên thông" trong việc giải quyết thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức gặp mặt đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục phối hợp với các ngành và địa phương rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên tinh thần kiên quyết thu hồi những dự án có dấu hiệu giữ đất, đồng thời tích cực hỗ trợ các dự án có tính khả thi cao nhưng gặp khó khăn trong quá trình triển khai trên địa bàn.

d) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung rà soát công bố các thủ tục về đất đai đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, đúng quy định; thực hiện giải quyết hồ sơ theo đúng thủ tục, thời gian đã công bố; đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; tham mưu UBND tỉnh kịp thời giải quyết các vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

đ) Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng chung thiết yếu phục vụ yêu cầu của các dự án đầu tư như: cầu Cửa Đại, đường ven biển Hội An – Chu Lai, mở rộng Quốc lộ 1A, nâng cấp các tuyến đường ĐT, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp... theo đúng kế hoạch đã đề ra, sớm đưa các công trình vào hoạt động, phục vụ mục tiêu thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

e) Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung, công khai kịp thời các thông tin về các cơ chế, chính sách, các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu cấp tỉnh, cấp huyện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin và các cơ hội đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

f) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan củng cố và phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh và tăng cường tổ chức các phiên chợ việc làm tại các địa phương; thực hiện đào tạo lao động có địa chỉ và hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong việc tuyển dụng lao động phục vụ.

g) Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông, Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch để tìm đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Nam.

h) Sở Tư pháp chủ trì xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tư pháp, cơ quan thi hành án trong việc hỗ trợ và tư vấn pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tập huấn các luật, pháp lệnh liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

j) Sở Thông tin – Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện các chương trình, chuyên mục về công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp; nêu gương điển hình và phản ánh những đơn vị, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin điện tử tỉnh, kịp thời tuyên truyền những chủ trương, cơ chế, công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh và những nội dung liên quan đến doanh nghiệp, đến môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu hình thức cung cấp thông tin miễn phí cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh; nghiên cứu triển khai kế hoạch, lộ trình thực hiện đối thoại trực tuyến giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan, chính quyền.

k) Sở Nội vụ tăng cường thanh tra công vụ; theo dõi, giám sát các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cương quyết xử lý những trường hợp thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ trong thực thi công vụ, gắn việc thực hiện cải cách hành chính với công tác thi đua khen thưởng, đánh giá nhận xét cán bộ, công chức hàng năm.

l) Thanh tra tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành trong việc thanh tra doanh nghiệp theo hướng hạn chế tối đa số lần thực hiện thanh tra trong năm. Chỉ thanh tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

n) Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban Quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Chủ động rà soát các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý chậm triển khai, vi phạm tiến độ để có biện pháp tháo gỡ hoặc tham mưu UBND tỉnh thu hồi, nhằm tạo quỹ đất để kêu gọi các dự án đầu tư mới.

m) Cục Thuế chỉ đạo các Chi cục Thuế và các đơn vị trực thuộc tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về thuế; thực hiện thanh tra, kiểm tra về thuế theo đúng quy định của pháp luật.

i) Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại thực hiện việc cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, giảm lãi suất theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện cải cách thủ tục vay vốn theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; xử lý nghiêm các cán bộ Ngân hàng gây khó khăn khi giải quyết hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp.

o) Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nâng cao chất lượng xét xử sớm các vụ án kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp theo quy định, nhằm tạo thuận lợi, bình đẳng, công bằng cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh..

p) Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh củng cố tổ chức và hoạt động đảm bảo thực hiện tốt chức năng “cầu nối” giữa doanh nghiệp và chính quyền các cấp; tổng hợp và kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp đến UBND tỉnh và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết.

q) UBND các huyện, thành phố khẩn trương giải quyết dứt điểm các dự án khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án nhất là các dự án ven biển Điện Bàn - Hội An, các dự án trong Khu kinh tế mở Chu Lai, đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc; thực hiện ký cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng với nhà đầu tư; chỉ đạo các lực lượng chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ tài sản của nhà đầu tư trên địa bàn.

6. Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp theo dõi tình hình thực hiện, định kỳ 06 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Yêu cầu: Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Phước Thanh