Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2011 về tăng cường thực hiện tiết kiệm điện do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: 08/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Thế Thảo
Ngày ban hành: 13/04/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/CT-UBND

Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN TIẾT KIỆM ĐIỆN

Theo dự báo năm 2011 và một vài năm tới, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt vào các tháng mùa khô, nhất là khi gặp hạn hán kéo dài, không đủ nước cho các nhà máy thủy điện phát điện. Trong khi đó, việc thực hiện tiết kiệm điện trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng còn chưa được triệt để; tiết kiệm điện chưa được quan tâm thật sự của cộng đồng xã hội, người dân và các doanh nghiệp, gây lãng phí nguồn tài nguyên của đất nước và ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Thực hiện các Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện và Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 28/01/2011 của Bộ Công Thương về việc cung cấp điện và vận hành hệ thống điện mùa khô năm 2011, nhằm đảm bảo việc cung cấp điện ổn định cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của nhân dân, tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, UBND Thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm việc tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng mùa khô (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 hàng năm) với các biện pháp cụ thể sau đây:

1. Đối với các cơ quan, công sở

- Nghiêm túc triển khai các biện pháp tiết kiệm điện theo Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT/BTC-BCT ngày 1/6/2009 của liên Bộ: Tài chính - Công Thương hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước, đơn vị công lập; Căn cứ điều 3 của Thông tư: các cơ quan, công sở xây dựng phương án sử dụng điện, gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và Tổng Công ty Điện Thành phố Hà Nội; Căn cứ Điều 5 của Thông tư các cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp khi xét duyệt quyết toán hàng năm có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện tiết kiệm điện của các cơ quan thuộc phạm vi mình quản lý. Trường hợp có mức tiêu thụ điện cao hơn mức tiêu thụ điện đã đăng ký, cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo quy định.

- UBND các quận, huyện, thị xã; các Sở, ngành, các đơn vị trực thuộc UBND Thành phố có trách nhiệm đăng ký phương án và báo cáo tình hình sử dụng điện với UBND Thành phố. Các đăng ký phương án, báo cáo gửi UBND Thành phố thông qua Sở Công thương.

- Thủ trưởng các đơn vị thực hiện tuyên truyền, phổ biến việc sử dụng tiết kiệm điện đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đưa nội dung sử dụng điện tiết kiệm vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành nội quy, quy chế cơ quan và thi đua khen thưởng hàng năm; Xây dựng và ban hành quy định về sử dụng điện tiết kiệm theo nguyên tắc sau:

+ Tắt các thiết bị sử dụng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc. Trang thiết bị điện trong các phòng khi không có người làm việc đều phải cắt điện (trừ các thiết bị có tính chất đặc thù). Tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm, hạn chế số lượng đèn chiếu sáng chung ở hàng lang, khu vực sân, vườn, hàng rào. Thiết kế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hành lang, sân vườn, khu vực bảo vệ theo tiêu chuẩn,…

+ Chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và chỉ để chế độ làm mát từ 250C trở lên. Định kỳ tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng đường thông gió và đường dẫn nhiệt để tránh tổn thất điện năng. Dùng quạt thay thế điều hòa nhiệt độ khi thời tiết không quá nóng.

+ Khi thay thế hoặc lắp đặt mới phải sử dụng thiết bị hiệu suất cao, thiết bị sử dụng điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; Đối với các đèn treo trên trần, trên tường phải lắp máng, chao, chụp để tăng độ chiếu sáng. Bố trí các thiết bị đóng cắt phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế.

2. Đối với chiếu sáng công cộng

- Thực hiện kiểm tra, đánh giá chế độ chiếu sáng công cộng theo các tiêu chuẩn chiếu sáng hiện hành, đảm bảo nguyên tắc chiếu sáng tiết kiệm hiệu quả theo tiêu chuẩn Việt Nam TCXDVN 259:2001.

- Triển khai thực hiện đầu tư, trang bị hệ thống điều khiển tự động cho các hệ thống chiếu sáng đường phố chính, điều chỉnh thời gian chiếu sáng đường phố hợp lý theo mùa trong năm, phù hợp theo đặc điểm nhu cầu an toàn giao thông, trật tự an ninh công cộng, phát triển kinh tế - xã hội và các sự kiện quan trọng tại Thủ đô, tránh lãnh phí điện.

- Đối với các công trình đầu tư xây dựng mới hoặc thay thế đèn hư hỏng phải sử dụng nguồn sáng và các thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, chiếu sáng đường phố sử dụng bóng đèn natri cao áp và thấp áp; chiếu sáng ngõ nhỏ và đường dành cho người đi bộ sử dụng bóng đèn natri thấp áp công suất nhỏ và đèn compact; chiếu sáng quảng trường dùng đèn metal halide. Khuyến khích sử dụng bóng đèn LED tại các vị trí thích hợp.

- Tăng cường áp dụng hệ thống thiết bị điều khiển tự động có chế độ điều chỉnh công suất để giảm công suất chiếu sáng khi mật độ giao thông giảm.

- Đối với hệ thống chiếu sáng vườn hoa, công viên chỉ sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện, giảm 50% công suất chiếu sáng vào giờ cao điểm buổi tối của hệ thống điện trừ các dịp lễ, tết và các sự kiện lớn tại Thủ đô.

3. Đối với việc dùng điện trong hộ gia đình và kinh doanh dịch vụ

- Hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn (máy điều hòa, bình nước nóng, bàn là điện,…) trong thời gian cao điểm của hệ thống điện (từ 17 giờ đến 21 giờ hàng ngày). Tận dụng ánh sáng, thông gió tự nhiên; ngắt các thiết bị điện không sử dụng ra khỏi nguồn điện.

- Tăng cường sử dụng các thiết bị điện hiệu suất cao, các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng như đèn compact, đèn huỳnh quang T5, T8, chấn lưu hiệu suất cao, thiết bị bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.

- Đối với các nhà hàng, cơ sở dịch vụ thương mại giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối của hệ thống điện; trường hợp có yêu cầu đặc biệt, từ sau 22 giờ tắt toàn bộ đèn chiếu sáng các pano quảng cáo tấm lớn; Tuân thủ nghiêm các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện theo quy định, trong trường hợp xảy ra thiếu điện.

- Các hộ gia đình tích cực tham gia phong trào Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Thành phồ Hà Nội theo kế hoạch của Thành phố.

4. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

- Áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, biện pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất cao; sử dụng các dạng năng lượng thay thế có hiệu suất cao hơn trong dây chuyền sản xuất; xây dựng định mức tiêu hao năng lượng cho một đơn vị sản phẩm, xây dựng chỉ tiêu tiết kiệm điện gửi Sở Công thương theo quy định.

- Xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã ký kết trong hợp đồng mua bán điện. Bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn như các máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí, … vào giờ cao điểm; tăng cường bố trí sử dụng điện sản xuất vào giờ thấp điểm; không để các thiết bị điện hoạt động không tải.

- Tắt các thiết bị điện, đèn chiếu sáng khi không có nhu cầu sử dụng, nhất là trong thời gian nghỉ giữa ca sản xuất. Triệt để tiết kiệm điện chiếu sáng sân, vườn, đường nội bộ trong các khu công nghiệp.

- Chuẩn bị các nguồn dự phòng để đáp ứng nhu cầu sản xuất khi xảy ra thiếu điện, xây dựng phương án tự cắt giảm phụ tải khi xảy ra thiếu điện.

- Đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quy định tại Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện mỗi năm ít nhất 1%/năm.

5. Tổ chức thực hiện

a) Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội:

- Nghiêm túc thực hiện Quyết định số 769/QĐ-UBND ngày 14/02/2011 của UBND Thành phố về việc ban hành Kế hoạch cung cấp điện 6 tháng đầu năm 2011 trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Thực hiện điều hòa cắt giảm điện phải theo nguyên tắc luân phiên, công bằng, tránh tình trạng kéo dài ở một khu vực; Ưu tiên cấp điện cho các sự kiện chính trị - xã hội, các sự kiện quan trọng và các khách hàng sử dụng điện quan trọng được UBND Thành phố phê duyệt.

- Thực hiện nghiêm các quy định cụ thể về tiết kiệm điện trong phân phối điện. Tăng cường công tác quản lý trong kỹ thuật và trong kinh doanh, bố trí kế hoạch cải tạo lưới điện hợp lý, hạn chế sự cố và giảm tổn thất điện năng xuống mức thấp nhất. Triển khai các biện pháp quản lý nhu cầu điện như: Quản lý phụ tải, lắp công tơ điện tử nhiều giá,… nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả.

- Tổ chức thống kê, theo dõi và báo cáo tình hình sử dụng điện tại các công sở, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, có so sánh với mức sử dụng điện của tháng cùng kỳ năm trước, đối chiếu chỉ tiêu tiết kiệm 10% sản lượng điện sử dụng tại cơ quan công sở, thông báo cho khách hàng và báo cáo Sở Công thương, Sở Tài chính để có biện pháp xử lý đối với các đơn vị, khách hàng không thực hiện tiết kiệm điện.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để thông tin, tuyên truyền rộng rãi các biện pháp tiết kiệm điện, kế hoạch cung cấp điện của Thành phố.

b) Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch có trách nhiệm: Kiểm tra, giám sát các đơn vị tham gia quảng cáo, hạn chế sử dụng bóng đèn có công suất lớn, sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện trong các bảng quảng cáo có chiếu sáng đèn; Tổ chức vận hành bảng quảng cáo theo quy định. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền các giải pháp tiết kiệm điện.

c) Các Sở - Ngành khi thẩm định, cấp phép các công trình cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị sử dụng lắp đặt bóng đèn, thiết bị tiết kiệm điện đối với các công trình trụ sở, tòa nhà, hệ thống chiếu sáng trên địa bàn Thành phố.

d) Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Thành phố Hà Nội không thẩm định hồ sơ quyết toán, cấp phát kinh phí đối với các dự án, công trình xây dựng có sử dụng vốn ngân sách vi phạm Chỉ thị này.

đ) Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội có trách nhiệm phối hợp với Sở Công thương, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội xây dựng các chương trình phát thanh và truyền hình về tiết kiệm điện; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của Thành phố dành thời lượng thích hợp để tuyên truyền chủ trương của Thành phố về thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện.

e) Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất có trách nhiệm phối hợp với Sở Công thương tuyên truyền, phổ biến Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Hỗ trợ các đơn vị trong khu chế xuất triển khai việc tiết kiệm điện

g) UBND các Quận - huyện có trách nhiệm:

- Xây dựng chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chủ trương tiết kiệm điện cho nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo UBND các xã (phường, thị trấn) giám sát chặt chẽ thời gian bật, tắt đèn chiếu sáng công cộng các khu vực dân cư hợp lý theo mùa, mùa hè từ 18 giờ 30 phút ngày hôm trước đến 5 giờ 30 phút ngày hôm sau, mùa đông từ 17 giờ 30 ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau); Tổ chức tuyên truyền qua hệ thống phát thanh xã (phường, thị trấn) tối thiểu 1 lần/1 tuần về cách lựa chọn và sử dụng thiết bị tiết kiệm điện trong gia đình; nêu các tấm gương, kỹ năng, các điển hình sáng tạo trong sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả…

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, năm và báo cáo theo yêu cầu về kết quả thực hiện công tác tiết kiệm trong sử dụng điện với UNBD Thành phố, đồng thời gửi Sở Công Thương để tổng hợp.

h) Sở Công Thương Hà Nội:

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện tại các đơn vị trên địa bàn Thành phố; xử lý các trường hợp không thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện theo quy định.

- Đánh giá, tổng hợp thông tin các báo cáo và kế hoạch sử dụng năng lượng của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Có biện pháp xử lý các công sở, cơ quan không thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm 10% sản lượng điện theo quy định; xử lý các doanh nghiệp thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm không thực hiện xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện mỗi năm ít nhất 1%.

- Giám sát việc thực hiện cung cấp của Tổng Công ty điện lực Thành phố và các Công ty điện lực quận, huyện, giải quyết các khiếu nại của khách hàng về tình trạng cung cấp điện không tuân thủ các quy định trên địa bàn.

- Tổng hợp, tham mưu cho UBND Thành phố trong việc thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn Thành phố. Chỉ đạo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ các đơn vị, các hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện như: tư vấn kiểm toán năng lượng, lập báo cáo đầu tư, lập hồ sơ dự thi; triển khai các hoạt động phong trào tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình…

UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội; Thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; động viên, khen thưởng đối với các cá nhân thực hiện tốt việc tiết kiệm điện; xử lý kịp thời đối với tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện tiết kiệm điện; đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập gắn chỉ tiêu thực hiện tiết kiệm điện để đánh giá cán bộ, công chức,viên chức hàng năm của đơn vị./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương (để b/c);
- TT Thành ủy, TT HĐND TP;
- Các PCT UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành trực thuộc UBND TP;
- UBND các Quận, huyện, thị xã;
- Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội;
- Đài PT-TH, Báo HN mới, Báo KT-ĐT;
- CVP, các CVP, các phòng: TH, KT, CT;
- Lưu VT, CT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo