Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2013 triển khai giải pháp cấp bách chống hạn phục vụ sản xuất vụ Xuân và phòng chống cháy rừng
Số hiệu: 02/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Phùng Quang Hùng
Ngày ban hành: 06/03/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 06 tháng 03 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH CHỐNG HẠN PHỤC VỤ SẢN XUẤT VỤ XUÂN 2013 VÀ PHÒNG CHỐNG CHÁY RỪNG

Trong thời gian 2 tháng đầu năm 2013, thời tiết các tỉnh Bắc Bộ có những diễn biến bất thường so với các năm. Tình trạng khô hanh kéo dài, nắng nóng xuất hiện sớm, độ ẩm không khí giảm mạnh so với trung bình nhiều năm, lượng mưa thấp (bằng 25% so với cùng kỳ năm 2012). Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, hình thái thời tiết cực đoan hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Tình trạng trên đã làm cho hàng ngàn héc ta lúa vụ Xuân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đứng trước nguy cơ khô hạn, đồng thời tiền ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

Trước tình hình thời tiết bất lợi trên, để chủ động và kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn và phòng chống cháy rừng, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Sở Nông nghiệp & PTNT:

- Khẩn trương chỉ đạo các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi bám sát đồng ruộng, tranh thủ các nguồn nước tại các hồ, đập, sông ngòi, kênh tiêu; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; lắp đặt các máy bơm dã chiến tại các trạm bơm ven sông Hồng, sông Lô để chủ động lấy nước khi mực nước sông xuống thấp; vận hành các máy bơm dầu, bơm điện dã chiến di động bơm nước từ kênh tiêu, ao, hồ, kênh chính vào hệ thống kênh nhánh, kênh nội đồng để đảm bảo đủ nước chống hạn.

- Chủ động phối hợp với các huyện, thị xã và các ngành liên quan chỉ đạo sát sao công tác tưới và chống hạn phục vụ sản xuất; rà soát toàn bộ diện tích có thể bị hạn để xây dựng phương án giải pháp khắc phục.

- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, chủ rừng thực hiện trách nhiệm về PCCCR, bảo vệ rừng được giao, thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá rừng trái phép, gây cháy rừng.

- Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về rừng trong các tầng lớp nhân dân, thường xuyên dự báo và thông tin cấp dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng; Đội Kiểm lâm cơ động tăng cường tuần tra, truy quét ra khỏi rừng và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân hoạt động trái phép ở trong rừng, vi phạm quy định về PCCCR; Đảm bảo chế độ thường trực 24/24 giờ trong ngày.

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Cảnh sát PCCC trong việc chỉ huy, điều hành, huy động lực lượng, phương tiện chính xác, kịp thời ứng cứu chữa cháy rừng khi vượt quá khả năng của cấp huyện.

2. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra thường xuyên để phát hiện kịp thời những vùng có nguy cơ bị khô hạn để có biện pháp chỉ đạo cấp nước kịp thời.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn vận động nhân dân bám sát đồng ruộng, chủ động lấy nước vào ruộng khi có nguồn nước. Đối với các huyện, thị có rừng thực hiện tốt trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo Quyết định số 46/2011/QĐ-UBND ngày 16/12/2011.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng và các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng ở các cộng đồng dân cư thôn, buôn nơi có rừng; tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra, đôn đốc PCCCR của chủ rừng.

- Thực hiện quán triệt phương châm 4 tại chỗ và 1 ứng cứu; tập trung cao độ các biện pháp phòng cháy tại các trọng điểm cháy trên địa bàn, thực hiện thường trực 24/24, bố trí lực lượng canh phòng tại các khu vực trọng điểm cháy, không để phát sinh nguồn lửa, phát hiện sớm các điểm cháy và tổ chức huy động lực lượng quyết liệt dập tắt đám khi mới phát sinh.

3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối howph chặt chẽ với Sở Nông nghiệp & PTNT cân đối bố trí kinh phí kịp thời đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ công tác chống hạn, phòng chống cháy rừng, trình UBND tỉnh quyết định.

4. Điện lực Vĩnh Phúc: Ưu tiên chế độ cung cấp điện cho hệ thống trạm bơm điện, đặc biệt là các trạm bơm lớn như: Bạch Hạc, Đại Định, Liễu Trì, Cao Phong, Cầu Đọ, Then I, Đồi Cấm, Quán Bạc, Lũng Hạ…Đảm bảo cung cấp điện 24/24h cho tất cả các trạm bơm tưới trong thời kỳ dưỡng lúa.

5. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Vĩnh Phúc: Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến về thời tiết thủy văn và thông báo kịp thời, chính xác cho các ngành liên quan để chủ động phối hợp đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra.

6. Công an tỉnh, Sở Cảnh sát PCCC chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan Kiểm lâm huyện, thị xã thực hiện hiệp đồng chữa cháy rừng; kiểm tra các phương án, kế hoạch PCCCR, bảo vệ rừng; tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về PCCCR theo quy định của pháp luật; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi được huy động; đảm bảo trực 24/24 giờ trong ngày.

7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng huy động lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có nguy cơ xảy ra cháy lớn; đảm bảo trực 24/24 giờ trong ngày.

8. Các Chủ rừng nhà nước tăng cường kiểm tra, canh gác rừng, đảm bảo trực 24/24 giờ trong ngày.

9. Đề nghị các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân và đoàn viên tích cực tham gia chống hạn, chống cháy rừng.

10. Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc: Tăng thời lượng tuyên truyền, thông báo kịp thời chính xác các tin tức về thời tiết, khí tượng thủy văn, tình hình hạn hán, công tác chỉ đạo chống hạn của tỉnh và các địa phương phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, tuyên truyền phổ biến tới toàn thể nhân dân tích cực tham gia chống hạn, nâng cao ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của nhân dân trong việc PCCCR.

11. Văn phòng UBND tỉnh: Đôn đốc các sở, ngành, địa phương trong việc chống hạn, chống cháy rừng bảo vệ sản xuất và khắc phục hậu quả do hạn hán và cháy rừng gây ra.

UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan quán triệt Chỉ thị tới cơ sở và toàn dân, tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phùng Quang Hùng