Thông tư 84/2018/TT-BTC quy định về mẫu biểu báo cáo và công bố thông tin về nợ công
Số hiệu: 84/2018/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trần Xuân Hà
Ngày ban hành: 13/09/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 28/11/2018 Số công báo: Từ số 1063 đến số 1064
Lĩnh vực: Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/2018/TT-BTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2018

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MẪU BIỂU BÁO CÁO VÀ CÔNG BỐ THÔNG TIN VỀ NỢ CÔNG

Căn cứ Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 07 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định 91/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ;

Căn cứ Nghị định 93/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 06 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương;

Căn cứ Nghị định 94/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 06 năm 2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công;

Căn cứ Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 06 năm 2018 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mẫu biểu báo cáo và công bố thông tin về nợ công như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định mẫu biểu báo cáo và công bố thông tin về nợ công theo quy định tại các Điều 60 và Điều 61 Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14; Điều 27 và Điều 28 Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 về nghiệp vụ quản lý nợ công.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp và lập báo cáo về nợ của chính quyền địa phương theo mẫu biểu quy định tại Nghị định số 93/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan cho vay lại, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ thực hiện báo cáo về tình hình quản lý, thực hiện cho vay lại, thu hồi, hoàn trả vốn cho vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ và mẫu biểu quy định tại Thông tư 80/2018/TT-BTC ngày 28/8/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn mẫu biểu báo về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

4. Chủ dự án, ngân hàng chính sách được Chính phủ bảo lãnh vay vốn hoặc phát hành trái phiếu thực hiện báo cáo theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ và mẫu biểu tại phụ lục đính kèm Thông tư số 58/2018/TT-BTC ngày 10/7/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn biểu, mẫu cung cấp thông tin, báo cáo đối với các chương trình, dự án được Chính phủ bảo lãnh.

5. Đối với các số liệu, báo cáo khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này, các cơ quan, đơn vị báo cáo thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính liên quan tới quản lý nợ công.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Các Bộ, ngành, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Điều 3. Nội dung mẫu biểu báo cáo

1. Hệ thống mẫu biểu báo cáo bao gồm:

a) Mẫu biểu báo cáo liên quan đến kế hoạch 5 năm và hàng năm gồm 12 mẫu biểu báo cáo chi tiết theo Phụ lục I và Phụ lục II đính kèm.

b) Mẫu biểu báo cáo liên quan đến nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp gồm 03 mẫu biểu báo cáo chi tiết theo Phụ lục III đính kèm.

2. Đối với mẫu biểu báo cáo về nợ công hàng năm thực hiện theo Thông tư 74/2018/TT-BTC ngày 16/8/2018 hướng dẫn chế độ kế toán đối với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương; thống kê, theo dõi các khoản nợ cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ.

3. Đơn vị báo cáo và đơn vị nhận báo cáo:

a) Đơn vị báo cáo là các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Đơn vị báo cáo được ghi cụ thể tại góc trên bên trái của từng mẫu biểu báo cáo;

b) Đơn vị nhận báo cáo là Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại), được ghi cụ thể tại góc trên bên trái của từng mẫu biểu báo cáo, dưới dòng đơn vị báo cáo.

Điều 4. Mẫu biểu công bố thông tin

1. Bộ Tài chính thực hiện công bố thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia theo các mẫu biểu tại Phụ lục IV (từ Biểu 4.01 đến 4.06) đính kèm Thông tư này.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện công bố thông tin về vay, trả nợ của chính quyền địa phương theo mẫu biểu tại Nghị định số 93/2018/NĐ-CP quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương.

Điều 5. Thời hạn báo cáo và công bố thông tin về nợ công

1. Báo cáo định kỳ:

a) Báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 1/1 đến ngày 30/6 của năm báo cáo. Các đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trước ngày 31 tháng 07 hằng năm;

b) Báo cáo năm được tính từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 hằng năm. Các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trước ngày 15 tháng 02 của năm sau;

2. Báo cáo phục vụ lập kế hoạch vay trả nợ 5 năm và hàng năm:

a) Báo cáo phục vụ lập kế hoạch vay trả nợ 5 năm được tính từ năm n+1 đến n +5 (n: là năm báo cáo). Các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) cùng thời gian với kỳ lập kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm.

b) Báo cáo kế hoạch vay trả nợ hàng năm được tính từ năm n+1 đến năm n+3 (n: là năm báo cáo). Các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trước ngày 15/7 hằng năm.

3. Báo cáo đột xuất: Trường hợp cần báo cáo đột xuất để thực hiện yêu cầu về quản lý nhà nước đối về nợ công, cơ quan yêu cầu báo cáo phải đề nghị bằng văn bản, trong đó nêu rõ kỳ báo cáo, tiêu chí báo cáo, số liệu, thông tin cụ thể, thời hạn gửi báo cáo.

4. Bộ Tài chính tổng hợp các báo cáo về nợ công báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời gửi các cơ quan có liên quan theo quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định có liên quan.

5. Việc công bố thông tin về nợ công theo mẫu biểu quy định tại Điều 4 Thông tư này được thực hiện mỗi năm 2 kỳ; số liệu có độ trễ 6 tháng so với thời điểm công bố.

Điều 6. Hình thức báo cáo

1. Các báo cáo gửi về Bộ Tài chính được thực hiện dưới hình thức văn bản kèm theo tệp điện tử về địa chỉ taichinhdoingoai@mof.gov.vn.

2. Các nội dung công bố thông tin về nợ công được Bộ Tài chính thực hiện dưới hình thức phát hành Bản tin nợ công và đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

3. Các nội dung công bố thông tin về nợ chính quyền địa phương của từng địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 93/2018/NĐ-CP quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương.

Điều 7. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 12 năm 2018.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 126/2017/TT-BTC ngày 27/11/2017 của Bộ Tài chính về chế độ báo cáo và công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) để nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- VP TƯ Đảng và các Ban của Đảng;
- VP QH, VP Chủ tịch Nước, VP Tổng Bí thư;
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP;
- Viện kiểm sát NDTC; Toà án NDTC;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan TƯ của các đoàn thể;
- UBND, Sở TC các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Các Cơ quan cho vay lại;
- Cục Thuế các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Ban chỉ đạo TƯ về Phòng, chống tham nhũng;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT; QLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

Điều 60. Báo cáo thông tin về nợ công

1. Hằng năm hoặc theo yêu cầu, Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước thông tin về nợ công, bao gồm:

a) Tình hình nợ công và việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công, bao gồm số liệu về dư nợ, cơ cấu nợ, chủ nợ, đồng tiền vay;

b) Tình hình thực hiện kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ, của chính quyền địa phương và hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm;

c) Tình hình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về nợ công;

d) Tình hình cho vay lại, cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, bao gồm các dự án vay lại, bảo lãnh Chính phủ gặp khó khăn trong trả nợ và Quỹ tích lũy trả nợ phải ứng trả thay chi tiết theo từng dự án;

đ) Tình hình quản lý, sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ, bao gồm số liệu dư đầu kỳ, thu, chi phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ;

e) Tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nợ công;

g) Các thông tin khác có liên quan.

2. Hằng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nợ công theo phân công của Chính phủ.

3. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền thông tin về nợ công, bao gồm:

a) Tình hình nợ của chính quyền địa phương, bao gồm tình hình thực hiện kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương, nghĩa vụ trả nợ và số dư nợ của chính quyền địa phương;

b) Tình hình triển khai thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn vay của chính quyền địa phương;

c) Việc quản lý, giám sát nợ của chính quyền địa phương;

d) Các thông tin khác có liên quan.

Điều 61. Công bố thông tin về nợ công

1. Các chỉ tiêu nợ, số liệu nợ công được công bố bao gồm:

a) Nợ Chính phủ, trong đó nợ nước ngoài theo từng bên cho vay; công cụ nợ của Chính phủ theo từng hình thức huy động;

b) Nợ của chính quyền địa phương bao gồm phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, vay từ ngân quỹ nhà nước, các khoản vay khác;

c) Nợ được Chính phủ bảo lãnh bao gồm dư nợ vay và khoản ứng từ Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ thay (nếu có).

2. Việc cung cấp và công bố thông tin về nợ công thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Thẩm quyền công bố thông tin về nợ công được quy định như sau:

a) Bộ Tài chính công bố thông tin về nợ công;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố thông tin về nợ chính quyền địa phương.

4. Hình thức công bố thông tin về nợ công bao gồm:

a) Trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Họp báo, thông cáo báo chí;

c) Bản tin nợ công.

5. Bản tin nợ công được Bộ Tài chính phát hành 06 tháng một lần bằng tiếng Việt và được dịch ra tiếng Anh dưới dạng ấn phẩm và dữ liệu trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

6. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan cho vay lại, cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính đối chiếu, xác nhận số liệu nợ công và các số liệu có liên quan.

Xem nội dung VB
Điều 27. Báo cáo thông tin về nợ công

1. Nguyên tắc lập báo cáo thông tin về nợ công:

a) Bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời;

b) Đối với những thông tin không thuộc danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có thể cung cấp cho Bộ Tài chính bằng văn bản, fax hoặc dữ liệu điện tử trên vật mang tin truyền qua mạng máy tính;

c) Đối với những thông tin thuộc danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước, các tổ chức cung cấp cho Bộ Tài chính theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

2. Trách nhiệm báo cáo thông tin về nợ công:

a) Hằng năm hoặc theo yêu cầu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước thông tin về nợ công theo quy định tại Điều 60 của Luật Quản lý nợ công;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền thông tin về nợ chính quyền địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 60 của Luật Quản lý nợ công;

c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm báo cáo về các khoản tự vay tự trả nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo về tình hình nợ nước ngoài của quốc gia;

d) Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng vốn vay của các chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ;

đ) Cơ quan cho vay lại, đối tượng vay lại báo cáo theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ;

e) Đối tượng được bảo lãnh Chính phủ báo cáo theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về mẫu biểu báo cáo thông tin về nợ công.

Điều 28. Công bố thông tin về nợ công

1. Việc công bố thông tin về nợ công phải đảm bảo yêu cầu cập nhập, theo quy định tại Điều 61 Luật Quản lý nợ công.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức công tác theo dõi tình hình nợ của chính quyền địa phương, lựa chọn hình thức thích hợp để thực hiện việc công bố thông tin nợ của chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện đối chiếu, xác nhận số liệu nợ công và các số liệu có liên quan giữa các bộ, ngành, địa phương; quy định mẫu biểu cung cấp thông tin để áp dụng thống nhất, đảm bảo cập nhập đầy đủ, chính xác thông tin phục vụ cho việc phát hành Bản tin nợ công đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Xem nội dung VB
Điều 16. Công bố thông tin về nợ của chính quyền địa phương

1. Hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố thông tin về nợ của chính quyền địa phương.

2. Các chỉ tiêu vay, trả nợ của chính quyền địa phương được công bố thông tin, bao gồm:

a) Số dư nợ đầu năm (chi tiết theo từng nguồn vay);

b) Số vay trong năm (chi tiết vay trả nợ gốc, vay để bù đắp bội chi);

c) Số trả nợ trong năm (chi trả nợ lãi, phí và các chi phí khác liên quan đến các khoản vay của chính quyền địa phương; chi trả nợ gốc);

d) Số dư nợ cuối năm (chi tiết theo từng nguồn vay).

3. Nội dung thông tin công bố, gồm: số liệu và thuyết minh cơ sở số liệu theo các chỉ tiêu vay, trả nợ quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Thời gian công bố thông tin:

a) Đối với kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương, công bố cùng với dự toán ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, chậm nhất 30 ngày kể từ ngày văn bản được ban hành;

b) Đối với kết quả thực hiện kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương, công bố cùng với quyết toán ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn, chậm nhất 30 ngày kể từ ngày văn bản được ban hành.

5. Hình thức công bố thông tin: Đưa lên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của Sở Tài chính.

Xem nội dung VB




Nghị định 94/2018/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công Ban hành: 30/06/2018 | Cập nhật: 30/06/2018