Kế hoạch 89/KH-UBND năm 2017 triển khai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Số hiệu: 89/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Lê Văn Tâm
Ngày ban hành: 02/06/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 02 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN NHIỆM VỤ XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đồng thời, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 07 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, xây dựng và thực hiện Quy ước năm 2017; Quyết định số 4158/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về ban hành Bộ tiêu chí thành phố Cần Thơ về xã nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai thực hiện hiệu quả quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn thành phố (theo Quyết định số 619/QĐ- TTg ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ), tiêu chí “chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở” (theo Quyết định số 4158/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ), góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

b) Đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở để có giải pháp thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở.

2. Yêu cầu

a) Quán triệt về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, nội dung quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xác định rõ nội dung công việc, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện đánh giá, công nhận, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

b) Việc xây dựng và đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện đồng bộ từ thành phố đến cơ sở, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; mang tính lâu dài, bền vững, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn;

c) Kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm của chính quyền cấp xã.

II. NỘI DUNG

1. Triển khai, quán triệt Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan

a) Quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ) và Bộ tiêu chí thành phố Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 4158/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ).

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

- Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố Cần Thơ; Ủy ban nhân dân quận, huyện; cơ quan, tổ chức có liên quan;

- Thời gian thực hiện: Quý II năm 2017.

b) Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Thông tin, tuyên truyền đầy đủ nội dung, ý nghĩa của việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; Cổng Thông tin điện tử; bản tin của các cơ quan, đơn vị; hệ thống loa truyền thanh cơ sở và các hình thức phù hợp khác.

- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông;

- Cơ quan phối hợp: Báo Cần Thơ; Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố; sở, ban ngành thành phố; Ủy ban nhân dân quận, huyện;

- Thời gian thực hiện: Năm 2017 và những năm tiếp theo.

2. Rà soát, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020

Rà soát, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020 với cơ cấu phù hợp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện Bộ tiêu chí thành phố Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

a) Cơ quan chủ trì: Thường trực Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia thành phố Cần Thơ;

b) Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp;

c) Thời gian thực hiện: Năm 2017.

3. Hướng dẫn thực hiện tiêu chí “Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” theo quy định của Bộ tiêu chí thành phố Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020

a) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

b) Cơ quan phối hợp: Sở, ban ngành có liên quan; Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố Cần Thơ; Ủy ban nhân dân quận, huyện;

c) Thời gian thực hiện: Quý II năm 2017.

4. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

a) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

b) Cơ quan phối hợp: Sở, ban ngành có liên quan; Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố; Ủy ban nhân dân quận, huyện.

c) Đối tượng tập huấn: Công chức được giao theo dõi, tham mưu thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

d) Thời gian thực hiện: Quý III năm 2017.

5. Thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật để tư vấn, giúp Chủ tịch tổ chức việc đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và xây dựng, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng;

a) Cơ quan thực hiện: Phòng Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện (theo hướng dẫn của Sở Tư pháp);

b) Cơ quan phối hợp: Cơ quan, đơn vị liên quan;

c) Thời gian thực hiện: Quý III năm 2017.

6. Tổ chức đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

a) Cơ quan thực hiện: Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật;

b) Cơ quan phối hợp: Cơ quan, đơn vị liên quan;

c) Thời gian thực hiện: Theo quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

7. Thực hiện mô hình điểm xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Chọn điểm (mỗi năm ít nhất 01 xã) để chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, triển khai mô hình điểm xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020.

a) Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp;

b) Cơ quan phối hợp: Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc đơn vị chọn chỉ đạo điểm; cơ quan, đơn vị liên quan;

c) Thời gian thực hiện: Năm 2017 - 2010.

8. Kiểm tra; tổ chức sơ kết, tổng kết; khen thưởng nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

a) Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Công chức Tư pháp - Hộ tịch tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện;

b) Cơ quan phối hợp: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cơ quan, ban ngành có liên quan;

c) Thời gian thực hiện: Thực hiện định kỳ hàng năm theo quy định; tổ chức sơ kết năm 2018; tổng kết năm 2020.

III. KINH PHÍ

1. Kinh phí xây dựng nhiệm vụ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được bảo đảm, bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm của các cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân cơ sở, Nghị quyết số 19/2014/NQ- HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định một số mức chi đặc thù cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và công tác hòa giải ở cơ sở.

2. Huy động nguồn kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Tư pháp:

a) Chủ trì, phối hợp với sở, ban ngành thành phố, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch này; định kỳ tổng hợp kết quả, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

b) Hướng dẫn các nội dung liên quan về nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như điểm số, cách tính điểm các chỉ tiêu và biểu mẫu thực hiện đánh giá; thành phần và hoạt động của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật;

c) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật liên quan đến phạm vi quản lý; phối hợp với sở, ban ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

d) Xây dựng dự toán kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo nội dung của Kế hoạch gửi Sở Tài chính thẩm định trình cấp có thẩm quyền cấp kinh phí triển khai.

2. Sở, ban ngành thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, thống kê, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật liên quan đến phạm vi quản lý.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho thành viên, hội viên; giám sát, phản biện xã hội, vận động thành viên, hội viên tham gia xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; giám sát kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính; phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện Kế hoạch này.

4. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch này.

5. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan báo, đài tăng cường tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa và các quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thông báo công khai kết quả chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật trên đài, loa truyền thanh cơ sở một cách phù hợp theo quy định.

6. Giao Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn:

a) Chỉ đạo triển khai Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố; xây dựng Kế hoạch của địa phương về thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tổ chức thực hiện;

b) Phân công cơ quan chuyên môn và công chức làm đầu mối theo dõi, tham mưu thực hiện; bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; định kỳ, đột xuất báo cáo kết quả với cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quyết định ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện các nhiệm vụ được giao; chỉ đạo Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả trong giải quyết các thủ tục hành chính; đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính.

7. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch làm đầu mối tham mưu Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Trên đây là Kế hoạch triển khai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Trong quá trình thực hiện, phát sinh khó khăn, vướng mắc, cơ quan, đơn vị phản ánh về Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Tư pháp) để được kịp thời hướng dẫn và chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Vụ PBGDPL - BTP;
- Cục Công tác phía Nam - BTP;
- TT.TU, TT.HĐND TP;
- Sở, ban ngành TP;
- UBMTTQVN TP và các đoàn thể;
- VP Điều phối xây dựng nông thôn mới TP;
- UBND quận, huyện;
- Báo Cần Thơ;
- Đài Phát thanh và Truyền hình TP;
- VP UBND TP (2,3);
- Lưu:VT,P.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Tâm

 

 





Kế hoạch 10/KH-UBND triển khai thi hành Luật Đất đai Ban hành: 11/03/2014 | Cập nhật: 04/04/2014