Kế hoạch 10/KH-UBND năm 2016 triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2016-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Số hiệu: | 10/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thái Bình | Người ký: | Phạm Văn Xuyên |
Ngày ban hành: | 23/02/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Bổ trợ tư pháp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/KH-UBND |
Thái Bình, ngày 23 tháng 02 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ GIAI ĐOẠN 2016 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025; Quyết định số 1543/QĐ-BTP ngày 24/8/2015 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2016-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích.
- Triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp để đạt được mục tiêu của Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 (sau đây gọi tắt là Đề án), tạo điều kiện để đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL) hưởng dịch vụ TGPL với chất lượng ngày càng tốt hơn.
- Xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai các giải pháp của Đề án.
2. Yêu cầu.
- Bám sát các mục tiêu của Đề án, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Đề án.
- Các hoạt động của Kế hoạch phải bảo đảm tính khả thi, phát huy tối đa nguồn lực hiện có của các cơ quan, tổ chức có liên quan và tình hình thực tiễn tại địa phương trong việc triển khai Đề án.
- Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng thời bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa Sở Tư pháp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai hiệu quả Đề án.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Giai đoạn từ năm 2016 đến khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực.
1.1. Tổ chức Hội nghị quán triệt việc triển khai Đề án.
- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp tham mưu tổ chức quán triệt, triển khai phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.
- Thời gian thực hiện: Sau khi Kế hoạch được ban hành.
1.2. Về tổ chức, cán bộ và câu lạc bộ TGPL.
Hoạt động 1: Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ TGPL để có phương án xử lý theo điểm a khoản 1 mục II Đề án.
- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp (Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước).
- Thời gian thực hiện: Quý II, năm 2016.
- Kết quả: Báo cáo tổng hợp rà soát, đánh giá và thực hiện các giải pháp theo yêu cầu của Đề án.
Hoạt động 2: Xây dựng Đề án sắp xếp vị trí, việc làm của công chức, viên chức Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước phù hợp với nội dung Đề án: Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, nhu cầu TGPL, điều kiện xã hội hóa công tác TGPL trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.
- Đơn vị phối hợp: Sở Nội vụ và các cơ quan chuyên môn có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2016.
- Kết quả: Đề án sắp xếp vị trí, việc làm được phê duyệt.
1.3. Nâng cao chất lượng hoạt động TGPL
- Nội dung: Tập trung thực hiện vụ việc TGPL, trong đó chú trọng việc tham gia tố tụng, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự, hôn nhân và gia đình, các vụ việc đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn tiền tố tụng.
- Đơn vị chủ trì: Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, Sở Tư pháp (Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan tiến hành tố tụng, Đoàn Luật sư Thái Bình và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
- Kết quả: Xây dựng kế hoạch phối hợp, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; Các vụ việc TGPL cụ thể.
1.4. Hoạt động quản lý trợ giúp pháp lý.
Hoạt động 1: Truyền thông về TGPL, thiết lập và duy trì đường dây nóng về TGPL.
- Nội dung: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và các văn bản liên quan đến hoạt động TGPL.
- Hình thức: Trợ giúp pháp lý lưu động, truyền thông qua Báo Thái Bình, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, các tờ rơi, tờ gấp pháp luật và hỏi đáp pháp luật trên Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
- Kết quả: Đường dây nóng và các sản phẩm truyền thông.
Hoạt động 2: Thực hiện các hoạt động quản lý nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL.
- Nội dung: Xây dựng Kế hoạch phối hợp với Đoàn Luật sư Thái Bình để nâng cao trách nhiệm của luật sư tham gia trợ giúp pháp lý. Thực hiện công bố danh sách Trợ giúp viên pháp lý, luật sư trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp, đồng thời niêm yết tại trụ sở của cơ quan tiến hành tố tụng.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan tiến hành tố tụng, Đoàn Luật sư Thái Bình.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
- Kết quả cần đạt được: Tổ chức hành nghề luật sư, luật sư ký hợp đồng với cơ quan Nhà nước về TGPL, danh sách trợ giúp viên, luật sư, tổ chức hành nghề luật sư được công bố.
1.5. Về kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý.
Xây dựng dự toán kinh phí cho hoạt động TGPL ở địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh, bao gồm: Kinh phí chi lương, chi hành chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Trung tâm TGPL Nhà nước và các hoạt động TGPL ngoài nguồn hỗ trợ từ Trung ương và chi cho nghiệp vụ TGPL.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh).
- Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
- Kết quả: Dự toán kinh phí cho hoạt động TGPL.
2. Giai đoạn từ khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực đến năm 2025.
Hoạt động 1: Triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
- Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân tỉnh (Sở Tư pháp).
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
Hoạt động 2: Sơ kết 03 năm thực hiện Đề án.
- Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết thực hiện Đề án. Sở Tư pháp tham mưu tổ chức phù hợp với yêu cầu của Bộ Tư pháp và tình hình cụ thể của địa phương.
- Thời gian thực hiện: Năm 2018.
- Kết quả: Báo cáo sơ kết thực hiện Đề án.
Hoạt động 3: Tổng kết thực hiện Đề án.
- Đơn vị thực hiện: UBND tỉnh tổ chức tổng kết thực hiện Đề án. Sở Tư pháp tham mưu tổ chức phù hợp với yêu cầu của Bộ Tư pháp và tình hình cụ thể của địa phương.
- Thời gian thực hiện: Năm 2025.
- Kết quả: Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
- Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh) trong việc tăng số lượng, nâng cao chất lượng các vụ việc có sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý.
2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các đơn vị liên quan tham mưu tổng hợp kinh phí hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện các hoạt động TGPL.
3. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp trong việc hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí việc làm của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
4. Thủ trưởng các sở, ngành (Công an tỉnh, Sở Thông tin truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này.
5. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh tích cực phối hợp, chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp huyện phối hợp với Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh) thực hiện tốt trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
6. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên khuyến khích các hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý bằng hình thức phù hợp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Tuyên truyền sâu rộng đến các hội viên, đoàn viên và nhân dân về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, các đối tượng được trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý.
7. Đoàn Luật sư Thái Bình, Hội Luật gia tỉnh có trách nhiệm phối hợp Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh) trong việc triển khai Kế hoạch. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Đoàn Luật sư trong việc cử Luật sư, Luật gia tham gia tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng khi có yêu cầu.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh) trong việc triển khai có hiệu quả các hoạt động TGPL tại địa phương.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng các ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" Ban hành: 03/06/2020 | Cập nhật: 04/06/2020
Quyết định 1543/QĐ-BTP năm 2015 về Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 Ban hành: 24/08/2015 | Cập nhật: 29/08/2015
Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 Ban hành: 01/06/2015 | Cập nhật: 02/06/2015
Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2008 về việc các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Nội vụ Ban hành: 12/06/2008 | Cập nhật: 13/06/2008