Tờ trình 2657/TTr-BNN-CN giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi, bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm và bình ổn giá
Số hiệu: 2657/TTr-BNN-CN Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Diệp Kỉnh Tần
Ngày ban hành: 14/09/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2657/TTr-BNN-CN

Hà Nội, ngày 14 tháng 09 năm 2011

 

TỜ TRÌNH

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CHĂN NUÔI, BẢO ĐẢM ĐỦ NGUỒN CUNG THỰC PHẨM VÀ BÌNH ỔN GIÁ

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CHĂN NUÔI 8 THÁNG ĐẦU NĂM 2011

1. Tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi

1.1. Về tình hình sản xuất

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng thịt hơi các loại sản xuất trong cả nước 6 tháng đầu năm 2011 đạt 2,460 triệu tấn, ước đạt 1,681 triệu tấn thịt xẻ, tăng 6,67% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, thịt lợn 1,312 triệu tấn và thịt gia cầm 270,4 ngàn tấn thịt, chiếm tỷ lệ trên 90% tổng sản lượng thịt các loại. Sản lượng thịt sản xuất tăng nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Sản lượng trứng đạt gần 4 tỷ quả, tăng 19%. So với cùng kỳ năm 2010, chỉ có đàn gia cầm tăng trưởng khoảng 5,9%, còn các loại gia súc khác đều giảm. Cụ thể đàn lợn giảm 3,7%, trong đó đàn lợn nái giảm khá mạnh, đàn bò giảm 5,2%, đàn trâu giảm 3,4%. Các địa phương có đàn gia súc giảm nhiều là các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2010 và đầu năm 2011; cộng vào đó là tình hình sản xuất chăn nuôi không ổn định, không đều giữa các vùng đã xuất hiện sự thiếu hụt nguồn cung vào thời điểm cuối tháng 6 và đầu tháng 7, dẫn đến giá thực phẩm tăng và đứng ở mức cao, cao nhất vào tháng 7, sự thiếu nguồn cung cục bộ đưa đến sự chênh lệch giá, đặc biệt giá thịt lợn khá lớn (8.000 đến 10.000đ/kg lợn hơi) tại một số vùng, nhất là giữa miền Bắc và miền Nam.

1.2. Về xuất, nhập khẩu thịt

Nhìn chung khối lượng sản phẩm chăn nuôi xuất và nhập khẩu 8 tháng đầu năm không lớn, không có sự đột biến so với cùng kỳ năm 2010. Cụ thể:

a) Xuất khẩu:

- Tổng số lợn giống xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc 03 tháng đầu năm là 19.235 con, tương đương khoảng 1.250 tấn thịt hơi hoặc 887,7 tấn thịt xẻ (tháng 3 xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 69,5%). Từ tháng 5 đến nay không xuất khẩu lô hàng nào.

- Tổng số thịt lợn sữa và lợn choai đông lạnh xuất khẩu chính ngạch sang Hồng Kông, Malaysia là 2.584 tấn, chỉ bằng 50% so với 6 tháng đầu năm 2010 và tập trung chủ yếu 4 tháng đầu năm. Từ tháng 5 đến nay, khối lượng xuất khẩu giảm đáng kể do giá trong nước cao.

b) Nhập khẩu:

- Tổng lượng thịt nhập khẩu 8 tháng đầu năm gần 76 ngàn tấn, trong đó trên 90% là sản phẩm gia cầm, còn lại là sản phẩm thịt lợn và thịt bò (thịt lợn khoảng 3500 tấn).

- Tổng số trâu bò nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2011 từ Cămpuchia, Lào, Thái Lan vào nước ta để giết mổ là khoảng 70.000 con, tương đương khoảng 4.927 tấn thịt xẻ.

1.3. Về tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi

Như vậy, phần lớn sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong nước chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, bảy tháng đầu năm 2011 đã ghi nhận sự tăng giá kỷ lục một số sản phẩm chăn nuôi. Cụ thể như sau:

a) Giá sản phẩm chăn nuôi

- Giá thịt lợn hơi từ 38.000 đ/kg tháng 1/2011 đã tăng 64.000 đ/kg (ở miền Nam) và 72.000 đ/kg (ở miền Bắc) vào tháng 7/2011, tăng 40-50%. Trong khi đó giá thành 1 kg thịt lợn hơi tại 2 thời điểm tương ứng là 34.000 đ và 43.000 đ/kg, tăng khoảng 26%. Như vậy, đã có sự chênh lệch khá lớn, trên 20% giữa sự tăng giá bán so với tăng giá thành.

Trong tháng 8/2011, giá thịt lợn hơi đã giảm và không còn sự chênh lệch lớn giữa hai miền Nam, Bắc cụ thể giá hiện nay: tại miền Bắc giá lợn ngoại nuôi ở trang trại là 59.000-60.000 đ/kg, miền Trung là 59.000-60.000 đ/kg và miền Nam là 57.000-58.000 đ/kg và lợn lai nội x ngoại nuôi trong nông hộ tại 3 miền là 53-54.000 đ/kg. Như vậy so với thời điểm cao nhất của tháng 7, giá lợn hơi hiện nay đã giảm 15,3% ở miền Bắc và miền Nam giảm 9%.

- Giá gà thịt thả vườn từ 39.000 đ/kg tháng 1/2011 đã tăng 42.000 đ/kg (ở miền Nam) và 45.000 đ/kg (ở miền Bắc) vào tháng 7/2011, tăng từ 7,2-13,6%. Trong khi đó giá thành 1 kg thịt gà hơi tại 2 thời điểm tương ứng là 34.000 đ và 36.000 đ/kg, tăng khoảng 6%.

- Giá gà thịt lông trắng từ 23.000 đ/kg tháng 1/2011 đã tăng 35.000 đ/kg (ở miền Nam) và 42.000 đ/kg (ở miền Bắc) vào tháng 7/2011, tăng trên 52%. Trong khi đó giá thành sản xuất 1 kg thịt gà hơi lông trắng tại 2 thời điểm tương ứng là 22.000 đ và 33.000 đ/kg, tăng khoảng 50%.

Hiện nay giá gà lông trắng đã giảm dần, nhất là ở miền Bắc. Cụ thể: tại miền Bắc 36.000 đ/kg (giảm 14,3%), miền Nam là 34.000 đ (giảm 3%) so với thời điểm tháng 7/2011. Riêng gà lông màu vẫn giữ mức giá xấp xỉ trước đây là 42.000 đ/kg ở miền Bắc, 35.000 đ/kg ở miền Nam.

- Giá trứng gà từ 1.350 đ/quả tháng 1/2011 đã tăng lên 1.650 đ/quả vào tháng 7/2011, tăng 18,2%. Trong khi đó giá thành 1 quả trứng gà tại 2 thời điểm tương ứng là 1.300 đ và 1.450 đ/quả, tăng khoảng 10,4%. Thời điểm trung tuần tháng 8/2011, giá trứng gà ta dao động 32.000-35.000 đ/chục quả, gà công nghiệp dao động từ 25.000-25.500 đ/chục quả.

- Giá trứng vịt thương phẩm từ 1.750 đ/quả tháng 1/2011 đã tăng 2.050 đ/quả vào tháng 7/2011, tăng 15%. Trong khi đó giá thành 1 quả trứng vịt tại 2 thời điểm tương ứng là 1.600 đ và 1.800 đ/quả, tăng khoảng 11,2%. Giá trứng vịt thời điểm tháng 8/2011 dao động từ 25.000-30.500 đ/chục quả.

Đồng thời với xu hướng giảm giá sản phẩm thịt lợn và thịt gà, giá con giống cũng có xu hướng giảm nhẹ, nhưng vẫn đứng ở mức cao. Trong đó giá lợn giống giảm chậm (hiện nay lợn giống ngoại 130.000-150.000đ/kg, lợn lai 95.000-100.000đ/kg) và giá gà giống lông trắng giảm nhanh ở miền Bắc. So với đầu tháng 7 giá gà lông trắng ở miền Bắc đã giảm 30% và đạt xấp xỉ giá ở miền Nam. Ở miền Nam chỉ có gà lông màu giảm, còn gà giống lông trắng vẫn giữ nguyên giá so với tháng 7/2011 (20.000-21.000đ/con).

- Giá bán sữa bò từ 9.300 đ/lít tháng 1/2011 đã tăng lên 10.900 đ/lít vào tháng 7/2011, tăng 15%. Trong khi đó giá thành 1 lít sữa tại 2 thời điểm tương ứng là 6.500 đ/lít và 8.000 đ/lít, tăng khoảng 32%. Trong tháng 8/2011, giá sữa tươi nguyên liệu thu mua vẫn ổn định, dao động trong khoảng từ 11.000-11.500 đ/kg.

- Giá thịt bò hơi bình quân từ 30.500 đồng/kg trong tháng 01/2011 tăng lên 42.500 đồng/kg trong tháng 6/2011, tăng 39,3%.

b) Giá thức ăn chăn nuôi

Nhìn chung, giá nguyên liệu chính và giá thức ăn chăn nuôi dạng hỗn hợp trong 6 tháng đầu năm 2011 cũng liên tục tăng, cụ thể như sau:

- Giá ngô từ 6.825,0 đồng/kg trong tháng 01/2011 tăng lên 7.960 đồng/kg trong tháng 6/2011; tăng 16,3%.

- Giá cám hỗn hợp cho lợn thịt bình quân trong tháng 01/2011 từ 8.389 đồng/kg tăng lên 9.458 đồng/kg trong tháng 6/2011, tăng 12,74%.

- Giá cám hỗn hợp cho gà thịt bình quân trong tháng 01/2011 từ 9.565,5 đồng/kg tăng lên 10.665,5 đồng/kg trong tháng 6/2011, tăng 11,5%.

- Trong tháng 7, giá ngô, khô đậu các loại đã giảm 5-7%, giá ngô hiện nay là 7.350đ/kg, khô đậu tương là 10.000đ/kg.

- So với tháng 7/2011, trong tháng 8/2011 giá một số nguyên liệu TĂCN giảm nhẹ: giá ngô 7.245 đ/kg (giảm 1,4%), khô dầu đậu tương 9.660 đ/kg (giảm 3,2%), Lyzin 56.700 đ/kg (giảm 1,8%); các nguyên liệu khác không thay đổi: bột cá 18.900 đ/kg, cám gạo 6.510 đ/kg, sắn lát 6.300 đ/kg, Methionine 115.500 đ/kg. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm: thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh gà thịt 10.678,5đ/kg, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh lợn thịt giai đoạn từ 60kg đến xuất chuồng 9.471 đ/kg.

Giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục tăng, nhưng mức tăng thấp hơn sản phẩm chăn nuôi, thể hiện rõ nhất trong tháng 5 và 6/2011. Tháng 7 và 8 giá nguyên liệu thức ăn đã giảm nhẹ nhưng giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm vẫn còn cao

Nhận xét chung

- Từ tháng 1 đến tháng 7/2011, giá các sản phẩm chăn nuôi liên tục tăng, trong đó nhóm giá thịt lợn tăng cao nhất và tăng đột biến trong tháng 6 và 7/2011. Giá bán thịt lợn và gà trong giai đoạn này có sự chênh lệch lớn giữa miền Bắc và miền Nam (8.000-9.000 đ/kg thịt lợn và 6.000-7.000 đ/kg thịt gà)

- Đầu tháng 8/2011, giá lợn thịt và gia cầm thịt đã có xu hướng giảm và sự chênh lệch giá bán sản phẩm giữa miền Bắc và miền Nam đã được rút ngắn khoảng cách và đạt xấp xỉ

- Giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục tăng, nhưng mức tăng thấp hơn sản phẩm chăn nuôi, thể hiện rõ nhất trong tháng 5 và 6/2011.

- Giá các sản phẩm chăn nuôi hiện nay của nước ta xấp xỉ với giá của các nước trong khu vực (giá lợn thịt hơi hiện nay tại Thái Lan là 2,8 - 2,9 USD/kg; Lào, Cămpuchia 3,0-3,1 USD/kg; Trung Quốc 21-23 Tệ/kg).

2. Nhận định một số nguyên nhân giá sản phẩm chăn nuôi tăng cao và tăng đột biến trong 7 tháng đầu năm 2011

Việc tăng giá cao và đột biến các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 6 và tháng 7/2011 là do một số nguyên nhân chính sau:

Một là, thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là thịt lợn tại một số thời điểm và tại một số vùng, tạo ra sự khan hiếm cục bộ và gây áp lực tăng giá. Sự thiếu hụt này xảy ra trong tháng 6, tháng 7 và thiếu hụt ở miền Bắc là chủ yếu.

Trong năm 2010 và đầu năm 2011, do dịch bệnh tai xanh xảy ra trên diện rộng khiến đàn heo nái và heo thịt giảm so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó giảm nhiều nhất là đàn lợn được nuôi nhỏ, phân tán trong hộ gia đình, giảm 10-30%. Vì vậy, nguồn cung không đủ cấp cho thị trường vào các tháng 6 và tháng 7/2011.

Bệnh tai xanh đã trở thành bệnh mới nổi ở Việt Nam, từ tháng 3 năm 2007 cho đến nay, năm nào dịch cũng xảy ra, nặng nhất là năm 2008 và năm 2010. Năm 2008, dịch Tai xanh đã xuất hiện tại 982 xã, phường, thuộc 103 huyện của 28 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh là 309.586 con, số lợn chết và buộc phải tiêu hủy là 300.906 con và năm 2010, dịch đã xảy ra tại 2.065 xã, phường, thuộc 289 huyện của 49 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh là 833.641 con, số lợn chết và buộc phải tiêu hủy là 457.708 con, dịch đã gây thiệt hại cho đàn lợn, làm ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, nhất là đàn lợn giống.

Hai là, chi phí đầu vào tăng (giá điện tăng 15,5%, xăng dầu 43,26%, than 32,29%, thức ăn chăn nuôi tăng 12-14%, chi phí vận chuyển tăng 20,19%, lãi suất tăng 9,21% so với tháng 1/2011) đã thiết lập mặt bằng giá mới đối với tất cả sản phẩm chăn nuôi.

Ba là, khâu lưu thông phân phối sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bất cập. Có sự chênh lệch lớn về giá thu mua tại chuồng và giá bán ở chợ đến người tiêu dùng, giá giữa các vùng miền cũng khác biệt lớn.

Bốn là, người chăn nuôi tiếp cận vốn khó và lãi suất vốn vay quá cao.

Năm là, có biểu hiện yếu tố đầu cơ, làm giá tại một số nơi.

3. Dự báo cung cầu giống lợn gia cầm các tháng cuối năm

a) Về giống gà

- Ước tính, mỗi tháng số lượng gà giống 1 ngày tuổi sản xuất trong cả nước là 35-36 triệu con, trong đó khoảng 12 triệu gà lông trắng (riêng Công ty CP Thái Lan sản xuất khoảng 4 triệu con gà 1 ngày tuổi lông trắng/tháng chiếm hơn 30% thị phần).

- Nhu cầu gà giống lông trắng khoảng 13-14 triệu con/tháng. Trong khi đó nguồn cung trong nước hai tháng 7 và 8 mới đáp ứng khoảng 12 triệu con. Như vậy, thiếu hụt khoảng 1-2 triệu con/tháng dẫn đến sốt giá, nhất là ở miền Bắc. Tuy vậy, dự báo từ tháng 9/2011, nguồn cung giống gà về cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Các loại giống gia cần khác như: gà lông màu, gà chuyên trứng, vịt chuyên trứng không thiếu. Tuy nhiên, từ nay đến hết tháng 10/2011, vịt siêu thịt thiếu với số lượng ít, khoảng 500.000-1.000.000 con/tháng, số lượng thiếu hụt này sẽ được nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

b) Về giống lợn

Căn cứ số lượng đàn nái tại các vùng hiện nay, năng lực sản xuất lợn thịt hàng năm thì có 6/8 vùng trong cả nước tự đáp ứng cho nhu cầu đàn lợn giống để nuôi thịt nội vùng là các vùng chăn nuôi lợn thịt không nhiều (vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung). Các vùng thiếu con giống tại chỗ là vùng ĐBSH và vùng ĐB sông Cửu Long, cụ thể như sau: ĐB sông Hồng thiếu khoảng 20% và ĐB sông Cửu Long thiếu khoảng 5%. Sự thiếu hụt này sẽ được bù đắp bằng việc cân đối con giống nuôi thịt giữa các vùng trong cả nước. Bên cạnh đó, một số các công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch mua nhập khẩu giống ông bà, bố, mẹ từ nước ngoài.

II. KIẾN NGHỊ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM BÌNH ỔN GIÁ SẢN PHẨM CHĂN NUÔI CÁC THÁNG CUỐI NĂM 2011 VÀ NĂM 2012

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 192/TB-VPCP ngày 18/8/2011 về việc đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cung ứng thực phẩm bình ổn giá thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn sau đây:

1. Trong ngắn hạn

a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn tín dụng cho các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại để mua con giống phát triển sản xuất, áp dụng cho các khoản vay kể từ ngày 01/9/2011. Thời gian ân hạn 03 năm kể từ ngày được vay vốn. Đồng thời khoanh nợ, giản nợ cho người chăn nuôi đang vay vốn đã đến thời hạn trả được kéo dài 1 năm kể từ ngày đáo hạn.

Vì hiện nay, các trang trại chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu vốn để duy trì và mở rộng quy mô đàn. Với lãi suất vay vốn 18-22%/năm như hiện nay, đối với chăn nuôi sẽ khó đạt được lợi nhuận. Ước tính toàn quốc có khoảng 18.000 trang trại chăn nuôi, trong đó trên 80% cần vay vốn, tức là 14.400 trang trại. Trung bình mỗi trang trại được vay 500 triệu đồng với lãi suất được hỗ trợ 8,5%/năm. Như vậy, ngân sách cấp bù lãi suất mỗi năm khoảng 612 tỷ đồng.

(18.000 x 80% x 0,5 tỷ/trang trại x 8,5%/năm = 612 tỷ/năm)

b) Giảm thuế nhập khẩu ngô (mã số HS: 1005.909000) từ 5% xuống 2%; lúa mì để sản xuất thức ăn chăn nuôi (mã số HS: 1001.10.00.00; 1104.19.90.11 và 1104.29.90.11) từ 5% xuống 0% nhằm giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi. Thuế suất nhập khẩu này được áp dụng cho các lô hàng nhập khẩu từ 15/9/2011.

c) Hỗ trợ 100% tiền mua vắc xin tai xanh để dự phòng tiêm bao vây khẩn cấp khi có dịch xảy ra, phạm vi tiêm phòng cho các loại lợn ở những xã có dịch của các nông hộ, gia trại dưới 50 con, thực hiện từ tháng 9/2011 đến 30/9/2012.

(Ước tính khoản hỗ trợ này 35,0 ngàn đồng/lần tiêm x 500.000 đầu lợn = 17,5 tỷ đồng)

- Ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí mua vắc xin tai xanh để dự trữ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý nguồn vắc xin dự trữ, tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị bảo quản cung ứng vắc xin, cho phép đơn vị trúng thầu luân chuyển để đảm bảo hạn sử dụng của vắc xin. Đến 30/8/2012 nếu vắc xin không sử dụng hết, đơn vị trúng thầu sẽ hoàn trả lại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số lượng vắc xin còn tồn (bằng tiền theo giá thanh toán vắc xin là giá trúng thầu). Nếu việc dự phòng vắc xin phòng chống dịch có hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trao đổi, thống nhất với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ chuyển vắc xin tai xanh dự phòng 500.000 liều sang hình thức dự trữ quốc gia, nhưng xin cơ chế xuất vắc xin khi có dịch xảy ra như vắc xin dự phòng.

- Hình thức cấp phát: Khi có dịch Tai xanh xảy ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cấp vắc xin cho địa phương có dịch trên cơ sở đề nghị của Cục Thú y (kèm theo báo cáo bằng văn bản của Chi cục Thú y về tình hình dịch tại địa phương).

- Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí tổ chức tiêm phòng, mua dụng cụ, bảo hộ lao động cho người tiêm phòng và các chi phí khác (chỉ đạo tiêm phòng, giám sát tiêm phòng…) mức chi công tiêm phòng theo Quyết định 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2008 về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

+ Lợi ích: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có ngay nguồn vắc xin để chống dịch khẩn cấp khi dịch ở diện hẹp, giảm thiểu lây lan và thiệt hại do dịch gây ra.

+ Khó khăn: Ngân sách Trung ương phải chi trả kinh phí bảo quản và vận chuyển vắc xin tới vùng dịch cho Công ty dự trữ vắc xin.

d) Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương kinh phí mua vắc xin tiêm phòng dịch tả lợn cho các loại lợn đối với các hộ chăn nuôi có quy mô từ 50 con trở xuống. Thời gian thực hiện từ tháng 9/2011 đến 30/9/2012.

(Ước tính khoản hỗ trợ này 1,250 ngàn đồng/liều x 2 lần x 17 triệu đầu lợn = 42,5 tỷ đồng)

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào đề nghị bằng văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (về số lượng lợn thuộc diện tiêm phòng, số liều vắc xin dịch tả lợn) báo cáo Bộ Tài chính về số lượng vắc xin cần sử dụng của từng địa phương.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm hướng dẫn các địa phương sử dụng chủng loại vắc xin, thời gian tiêm phòng.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng nguồn vắc xin này.

- Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí tổ chức tiêm phòng.

- Riêng đối với 6 tỉnh là thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương tự đảm bảo kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng.

+ Lợi ích: Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn là tương đối phổ biến và gây thiệt hại đáng kể cho chăn nuôi, tuy nhiên bệnh này có thể phòng triệu để bằng cách tiêm vắc xin. Trong nước cũng đã sản xuất được vắc xin với hiệu quả phòng bệnh rất cao, giá thành rẻ. Nếu tiêm phòng tốt sẽ góp phần làm giảm thiệt hại do bệnh dịch tả lợn và cả bệnh tai xanh gây ra. Theo quy định, bệnh Dịch tả lợn là bệnh bắt buộc phải phòng bằng vắc xin, nhưng thực tế việc chấp hành quy định này tại nhiều địa phương chưa được tốt do người dân (đa phần là dân nghèo, quy mô chăn nuôi dưới 50 con) không chấp hành, đặc biệt trong giai đoạn lạm phát cao như hiện nay.

+ Khó khăn: Ngân sách Nhà nước bỏ ra một khoản đáng kể cho phòng dịch mà đáng lẽ do Người chăn nuôi phải tự chi trả.

2. Trong dài hạn

a) Để các cơ sở chăn nuôi đủ tiêu chí trang trại không phân biệt vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 về việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đề nghị sửa đổi bổ sung Điều 2 như sau “Nhà đầu tư nhận ưu đãi và hỗ trợ quy định tại Nghị định là doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, các trang trại sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này”

b) Nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, an toàn dịch bệnh, bảo đảm ATVSTP, tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi công nghệ cao được hỗ trợ như sau:

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 30% kinh phí để xây dựng hạ tầng thông tin, điện nước, hệ thống xử lý chất thải.

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn ngân hàng trong 3 năm đầu và 30% trong 3 năm tiếp theo.

- Thực hiện thuế suất nhập khẩu bằng 0% đối với thiết bị chuồng trại, ấp trứng mà trong nước chưa sản xuất được.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Tài chính;
- Ngân hàng NN Việt Nam;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- BT. Cao Đức Phát (để b/c);
- Lưu VT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Diệp Kỉnh Tần