Thông báo 192/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp bàn biện pháp đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cung ứng thực phẩm, bình ổn giá cả thị trường
Số hiệu: | 192/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Văn Trọng Lý |
Ngày ban hành: | 18/08/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài chính, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 192/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2011 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP BÀN BIỆN PHÁP ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT, BẢO ĐẢM CUNG ỨNG THỰC PHẨM, BÌNH ỔN GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG
Ngày 15 tháng 8 năm 2011, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì họp bàn biện pháp đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cung ứng thực phẩm, bình ổn giá cả thị trường. Tham dự họp có lãnh đạo và đại diện các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:
1. Để bảo đảm đủ nguồn lương thực, thực phẩm cung ứng cho tiêu dùng, góp phần bình ổn giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt là Tết nguyên đán Nhâm Thìn 2012, các Bộ, ngành và địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1120/CĐ-TTg ngày 9 tháng 7 năm 2011, đồng thời tập trung thực hiện tốt các biện pháp sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và phòng chống dịch bệnh hiệu quả, hỗ trợ kịp thời vắc xin tiêm phòng và con giống để bảo vệ và phát triển nhanh đàn vật nuôi.
b) Bộ Công Thương làm việc với Tổng cục Thống kê và ngành hải quan về phương pháp thống kê lưu thông hàng hóa, nhất là đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tiểu ngạch; nghiên cứu, phân tích và có các giải pháp tổ chức thực hiện điều tiết cung cầu nguồn hàng cụ thể, đảm bảo đủ nguồn cung cấp cho thị trường nhằm duy trì mặt bằng giá phù hợp. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biện pháp kiểm soát hoạt động phân phối hàng hóa của thương nhân nước ngoài theo đúng pháp luật hiện hành và các cam kết quốc tế; kiểm soát hoạt động biên mậu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu trên cơ sở hợp đồng thương mại và các phương thức chủ động điều tiết nguồn hàng, tránh bị ép giá; dự báo nhu cầu, biến động thị trường trong nước và chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nghiên cứu đề xuất các chính sách, cơ chế để xây dựng, hình thành vành đai và hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn cho đô thị và các khu vực đông dân cư.
c) Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao đổi và thống nhất với các cơ quan truyền thông trong việc đưa tin về giá cả thị trường, để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và phục vụ công tác điều hành của các cơ quan nhà nước, tránh tình trạng đưa tin không đúng tình hình thị trường, tạo tâm lý mua hàng dự trữ, đẩy giá tăng cao.
c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại bảo đảm nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất vay vốn; tiếp tục xem xét việc giãn nợ cho người chăn nuôi vay vốn đến hạn trả theo quy định.
d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất và chuẩn bị đủ lực lượng hàng nông sản thực phẩm cung ứng cho thị trường; có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi về con giống, vắc xin để phát triển chăn nuôi; hỗ trợ lãi suất vốn vay để bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trên địa bàn.
2. Đồng ý giao các Bộ xử lý một số vấn đề cụ thể sau đây:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2011 về cơ chế, chính sách hỗ trợ một số loại vắc xin tiêm phòng cho lợn và kinh phí hỗ trợ con giống cho người chăn nuôi lợn.
b) Bộ Tài chính xem xét việc tiếp tục thực hiện thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y, góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm; xem xét việc miễn giảm thuế nhập khẩu đối với ngô, lúa mì chuyên dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi.
c) Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu muối công nghiệp, vừa bảo đảm nhu cầu nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, vừa bảo vệ sản xuất muối trong nước.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Công điện 1120/CĐ-TTg về nguy cơ lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế nước ta trong năm 2011 do Thủ tướng Chính phủ điện Ban hành: 09/07/2011 | Cập nhật: 12/07/2011