Báo cáo 255/BC-UBND năm 2016 tổng kết 5 năm Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Số hiệu: 255/BC-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình Người ký: Nguyễn Tiến Hoàng
Ngày ban hành: 28/11/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Khiếu nại, tố cáo, Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 255/BC-UBND

Quảng Bình, ngày 28 tháng 11 năm 2016

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT 5 NĂM ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG TRONG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NHÂN DÂN TỪ NĂM 2012 ĐẾN NĂM 2016” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Quyết định số 4061/QĐ-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016 (gọi tắt là Đề án), UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án và đạt kết quả như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án

a) Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án

UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 329/KH-UBND ngày 03/4/2012 thực hiện Đề án 4061 từ năm 2012 đến năm 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Quyết định số 1695/QĐ-UBND ngày 27/7/2012 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 4061 giai đoạn 2012-2016 trên địa bàn tỉnh và lồng ghép ban hành trên 13 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án (có danh mục kèm theo). Quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo Đề án 4061 phối hợp với Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh và các Ban chỉ đạo các chương trình, đề án khác về công tác PBGDPL để lồng ghép phổ biến, quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ làm công tác PBGDPL, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo Đề án 4061 đã ban hành 17 văn bản chỉ đạo, điều hành trong đó có lồng ghép triển khai thực hiện Đề án (có danh mục kèm theo). Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Đề án đã ban hành 59 văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện (có danh mục kèm theo) có lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, các doanh nghiệp Nhà nước do tỉnh quản lý, UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là các cơ quan, đơn vị, địa phương) đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Đề án hoặc lồng ghép trong kế hoạch PBGDPL hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

b) Công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai, thực hiện Đề án

Công tác kiểm tra việc thực hiện Đề án được lồng ghép trong các kế hoạch kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, quy ước, hương ước hàng năm của Hội đồng phối hợp PBGDPL, hoặc Sở Tư pháp lồng ghép vào việc kiểm tra công tác tư pháp chung hàng năm. Đồng thời, tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện kiểm tra công tác PBGDPL tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Hàng năm, Hội đồng PHPBGDPL tỉnh tổ chức mỗi năm bình quân 3 đoàn kiểm tra, mỗi đoàn kiểm tra khoảng 4 đơn vị, địa phương và theo hình thức xoay vòng. Thành viên của các đoàn kiểm tra là thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL và các Ban chỉ đạo các đề án về PBGDPL, trong đó có Ban Chỉ đạo Đề án 4061. Kết thúc các đợt kiểm tra, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đều có báo cáo kết quả kiểm tra gửi các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan có liên quan và cơ quan, đơn vị được kiểm tra, trong đó có nội dung đánh giá kết quả, những việc đã làm được và tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Định kỳ 6 tháng và cuối năm cơ quan Thường trực đã ban hành văn bản hướng dẫn báo cáo kết quả chỉ đạo thực hiện đề án.

2. Kết quả thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án

a) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong PBGDPL về phòng, chống tham nhũng

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện, đưa nhiệm vụ PBGDPL về phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của đơn vị, địa phương. Đặc biệt các cơ quan tham gia Đề án đã xác định rõ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác PBGDPL nói chung, tuyên truyền, PBGDPL về phòng chống tham nhũng nói riêng nên thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này ở ngành, địa phương mình.

Sở Tư pháp phát huy tốt vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Đề án 4061, đã tham mưu định hướng, hướng dẫn công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Quá trình triển khai thực hiện, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đã có sự phối chặt chẽ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống tham nhũng.

b) Các nội dung pháp luật về phòng, chống tham nhũng và nội dung pháp luật liên quan được phổ biến

Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng; Hiến pháp năm 2013; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2011; Luật Tiếp công dân năm 2013; Luật Xây dựng năm 2014; Luật Bảo hiểm năm 2014; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Quản lý và sử dụng vốn của nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014; Luật Doanh nghiệp năm 2014; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở...Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ về hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập và các văn bản khác có liên quan ; Quyết định 4061/QĐ-BTP ngày 14/10/2012 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống, tham nhũng trong cán bộ công chức, viên chức và nhân dân, từ năm 2012 đến năm 2016; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06/12/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21 KL/TW ngày 25/5/2012 của BCHTW Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, BCHTW (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2012 - 2016, Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 21/12/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI) về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí", gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…

c) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL về phòng chống tham nhũng

Hình thức tuyên truyền, phổ biến bao gồm: Tổ chức hội nghị, nói chuyện chuyên đề; hòa giải ở cơ sở; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; thông qua phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng mô hình điểm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xuất bản Bản tin Tư pháp; biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu có nội dung tuyên truyền luật; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và lồng ghép trong sinh hoạt của các câu lạc bộ, sinh hoạt Ngày pháp luật, hội thi, toạ đàm, thông qua trung tâm giáo dục cộng đồng, qua bản tin của các huyện, thành phố… Cụ thể: trong 5 năm qua các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã lồng ghép tổ chức được khoảng 16.334 hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, buổi tuyên truyền, PBGDPL… cho hơn 127.812 lượt người. Cấp phát trên 245.972 cuốn tài liệu (sách, sổ tay, tài liệu khác..); in ấn và phát hành 390.930 tờ gấp, 714.248 tấm (tờ) băng rôn, pa nô, áp phích, trong đó có lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn được chuyển tải thông qua các số của Mục “Tiếp chuyện bạn nghe Đài”; Chuyên mục “Với khán giả xem truyền hình”; Chuyên mục “Pháp luật và đời sống” trên sóng phát thanh, sóng truyền hình của địa phương và Chuyên mục “Phòng chống tham nhũng” trên trang 7 Báo Quảng Bình… Đây là những kênh thông tin phổ biến những quy định mới của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các quy định của pháp luật có liên quan, trả lời các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân… Trong 5 năm, trên sóng Phát thanh và Truyền hình đã chuyển tải gần 5.000 tin, bài, phóng sự; 124 chuyên mục, 235 chương trình, trong đó có nhiều nội dung, chương trình, tin bài có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Hệ thống loa truyền thanh cơ sở đã phát thanh trên 1.768 tin, bài PBGDPL, trong đó có nhiều tin, bài về phòng, chống tham nhũng. Báo Quảng Bình đã đăng tải gần 500 tin, bài tuyên truyền về lĩnh vực PCTN; không ngừng cải tiến nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng nội dung của chuyên mục “Phòng, chống tham nhũng”; dành phần lớn thời lượng của chuyên mục “Pháp luật và bạn đọc” trên báo in hàng ngày, chuyên mục “Phòng, chống tham nhũng” trên Báo Quảng Bình cuối tuần và chuyên mục “Pháp luật” trên Báo Quảng Bình điện tử; thông tin kịp thời, chính xác đến bạn đọc tất cả các vụ việc tham nhũng được các cơ quan chức năng phát hiện hoặc đã xử lý theo quy định của pháp luật…

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đa dạng và đổi mới hình thức như: Tuyên truyền pháp luật thông qua câu lạc bộ pháp luật, tổ tư vấn pháp luật, sinh hoạt ngoại khóa, đưa vào chương trình giáo dục; các buổi chào cờ, cuộc họp, buổi giao ban, qua phiên tòa xét xử lưu động, qua triển khai thực hiện Ngày pháp luật... theo hướng tăng cường trao đổi, đối thoại, thảo luận, giải đáp những yêu cầu từ phía người được tuyên truyền giúp họ hiểu sâu hơn vấn đề vướng mắc, cần giải đáp. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung pháp luật phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong các trường THPT, TCCN trên địa bàn theo quy định của Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong 5 năm, Toà án 2 cấp đã thụ lý sơ thẩm 18 vụ/38 bị cáo; đã xét xử 18 vụ/38 bị cáo liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, Tòa án nhân dân 2 cấp đã tổ chức xét xử lưu động mỗi năm khoảng 120 phiên tòa các vụ án hình sự khác. Thanh tra tỉnh đã phối hợp với sở Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Đại học Quảng Bình, Trung cấp Kỹ thuật Công Nông nghiệp, Trung cấp Kinh tế và Trường Chính trị tỉnh đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong nhà trường từ năm học 2013-2014… Sở Tư pháp đã in và phát hành 11.800 pa nô, áp phích, 2.330 băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Tuyên truyền hướng về cơ sở, chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng đặc thù, người lao động trong doanh nghiệp…; lựa chọn nội dung tuyên truyền, PBGDPL về phòng chống tham nhũng gắn với quyền và nghĩa vụ của công dân, kết hợp phương pháp truyền đạt diễn thuyết với phương pháp nêu vấn đề, tình huống pháp luật cần giải quyết để thảo luận, giải quyết, từ đó giúp họ hiểu sâu hơn vấn đề vướng mắc, cần giải đáp.

- Lồng ghép trong chức hội thi, trang thông tin điện tử; giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát đầu tư cộng đồng, thanh tra, kiểm tra... Trong 5 năm, tỉnh đã tổ chức 02 hội thi “Hòa giải viên giỏi” cấp tỉnh (lần thứ V, thứ VI) và tham gia Hội thi “Hòa giải viên giỏi” toàn quốc lần thứ III. Tại vòng sơ khảo khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, tỉnh Quảng Bình được Ban Tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi” toàn quốc lần thứ III trao giải khuyến khích và giải tiểu phẩm xuất sắc nhất với tên gọi “Ra biển”. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong 5 năm đã tổ chức 37 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 44 cơ quan, đơn vị, trong đó có lồng ghép nội dung về phòng, chống tham nhũng. Qua thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh và thực hiện tốt công tác lý vật tư, tài sản, tài chính, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả...

Hình thức tuyên truyền, PBGDPL thông qua tổ chức hội thi hòa giải viên ở cấp xã kết hợp với tuyên truyền pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở đã góp phần phát huy vai trò tích cực trong việc tuyền truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống ngay tại cơ sở. Trong 5 năm với việc tổ chức 02 hội thi “Hòa giải viên giỏi” từ cấp tỉnh đến cấp xã, các hội thi đã được phát trên hệ thống truyền thanh - truyền hình, truyền thanh ở cơ sở đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, PBGDPL trong đó có pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Việc áp dụng thường xuyên đã tạo ra những làn sóng nhà nhà học luật, người người học luật, hiệu quả lan tỏa cao hơn.

- Mô hình “Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư" gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng “Gia đình văn hóa", "Khu dân cư tiên tiến". Các hoạt động trên đã và đang phát huy vai trò tích cực trong việc tuyền truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa pháp luật về phòng, chống tham nhũng vào thực tiễn cuộc sống. Toàn tỉnh đã xây dựng được khoảng 258 “Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư", riêng trong năm 2016 xây dựng thêm được 22 điểm sáng.

- Riêng Sở Tư pháp đã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tham nhũng cho công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành, tham mưu Hội đồng PBGDPL và các Ban Chỉ đạo về PBGDPL triển khai thực hiện trong toàn tỉnh. Tiếp tục tuyên truyền thông qua tổ chức hội nghị, các cuộc họp giao ban, phát hành tờ gấp, 99.000 sách bỏ túi[1] các loại, qua Bản tin tư pháp, qua các chuyên mục, trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua Website, niêm yết công khai các TTHC, qua tổng kết và góp ý các dự án luật, qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, qua khảo sát sự hài lòng của khách hàng đối với một số hoạt động của Ngành, tiếp tục phổ biến, quán triệt nội dung của Đề án 4061; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, pháp luật về hình sự, đầu tư kinh doanh, đất đai, đấu giá, đấu thầu, khiếu nại, tố cáo, dân chủ cơ sở, các quy định về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính... cho mọi đối tượng.

Kết quả, đã lồng ghép tổ chức và phối hợp tổ chức hơn 212 hội nghị, lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho hơn 22.837 lượt người, trong đó có pháp luật về phòng, chống tham nhũng. In ấn và phát hành 40.000 tờ gấp Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Điểm nổi bật đã xây dựng mô hình điểm tại Phòng Công chứng số 1 và xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh. Phòng Công chứng số 1 đã niêm yết công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí tại trụ sở làm việc, xây dựng các biểu, bảng chỉ dẫn về thủ tục hành chính, tổ chức đường dây nóng, bố trí cán bộ thường trực để tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức... Tại xã Tân Ninh, đã cấp phát 2.000 tờ gấp Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chỉ đạo phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã 12 chuyên đề về phòng, chống tham nhũng. Tổ chức trên 26 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo cho hơn 2600 hoà giải viên và cốt cán ở các thôn, bản... In và phát hành 30.830 cuốn Bản tin Tư pháp định kỳ và chuyên đề, trong đó có chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

c) Việc thực hiện các giải pháp để huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng

- Các cấp ủy Đảng trong toàn tỉnh đã coi trọng việc chỉ đạo các tổ chức thuộc khối Mặt trận ở cơ sở tham gia công tác phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hoạt động thiết thực như: Tuyên truyền, PBGDPL, vận động nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư, thúc đẩy phong trào toàn dân tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là cấp xã và “Nhóm nòng cốt”, “Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” tuyên truyền, vận động các tổ chức cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp với Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 4061 và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng các hình thức tuyên truyền với nội dung sáng tạo, linh hoạt về chính sách, pháp luật và thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng cho tổ chức, cá nhân như: giáo dục liêm chính và phòng chống tham nhũng đối với thanh niên, phối hợp kiểm tra, giám sát về việc tinh giản biên chế; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện chính sách thuế; việc thực hiện các nguồn quỹ nhân đạo, từ thiện; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư… để đảm bảo hiệu quả và bền vững trong công tác phòng, chống tham nhũng.

d) Kinh phí thực hiện: Kinh phí thực hiện Đề án được cấp chung trong nguồn kinh phí cấp cho công tác PBGDPL mỗi năm 2,610 tỷ đồng và được cấp ổn định từ năm 2012 đến nay. Trong đó, kinh phí cấp riêng cho Ban chỉ đạo hoạt động mỗi năm 50.000.000 đồng. UBND các huyện, thành phố cấp kinh phí thực hiện Đề án chung trong kinh phí thực hiện công tác PBGDPL ở địa phương. Chưa có kinh phí cấp riêng cho công tác PBGDPL tại các Sở, ban, ngành.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

a) Mức độ, tỷ lệ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra

Thực hiện các mục tiêu đã đề ra, thời gian qua, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Đề án 4061 đã phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức triển khai đạt kết quả sau:

- Đạt 100% mục tiêu có 100% báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật phòng, chống tham nhũng để tuyên truyền, phổ biến tại cơ quan, đơn vị, địa phương;

- Đạt 100% mục tiêu có trên 95% cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành được quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức về pháp luật phòng, chống tham nhũng, nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng;

- Những nội dung cơ bản của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng đã được phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.

b) Hiệu quả thực tế từ thực hiện Đề án

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng được các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là Sở Tư pháp – cơ quan Thường trực của Hội đồng PBGDPL tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 4061 tỉnh triển khai kịp thời, nghiêm túc. Quá trình triển khai các cơ quan, đơn vị, địa phương đã bám sát kế hoạch của UBND tỉnh để tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đậm nét, thiết thực. Việc tuyên truyền được thực hiện thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Quá trình thực hiện đã bám sát định hướng, chỉ đạo thống nhất của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp.

- Việc triển khai thực hiện Đề án trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương về vị trí, vai trò của pháp luật về phòng chống tham nhũng và công tác PBGDPL, từ đó thường xuyên có sự quan tâm chỉ đạo trong việc thực hiện công tác này. Đồng thời, đã tăng cường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả trong công tác PBGDPL về phòng chống tham nhũng nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là trong thực thi công vụ, giải quyết các vấn đề liên quan đến công dân, doanh nghiệp.

- Việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án đã cơ bản phổ biến kịp thời, cơ bản đầy đủ những nội dung pháp luật về phòng chống tham nhũng liên quan thiết thực đến nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân; đồng thời tạo điều kiện để cán bộ và nhân dân sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần giữ gìn trật tự, kỷ cương, ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi tham nhũng.

c) Các mô hình sáng tạo, hiệu quả cần nhân rộng

Quá trình thực hiện Đề án 4061 ở tỉnh Quảng Bình, bên cạnh các hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo PBGDPL, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và một số hình thức khác đã nêu ở mục 2.3 phần I, thì các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đa dạng và đổi mới hình thức tuyên truyền, đặc biệt đã xây dựng được một số mô hình mang lại hiệu quả tuyên truyền cao như Mô hình “Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Mô hình điểm về tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tham nhũng thông qua hòa giải viên, thông qua các Hội thi. Đây là những mô hình hay cần được nhân rộng trong thời gian tới.

2. Khó khăn, tồn tại và nguyên nhân

a) Khó khăn, tồn tại

- Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành triển khai thực hiện Đề án:

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, sự phối hợp giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký thực hiện Đề án đôi lúc chưa được thường xuyên, chặt chẽ, chưa thực sự chủ động trong nhiệm vụ được phân công. Quá trình triển khai các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ yếu tập trung vào xây dựng kế hoạch và hướng dẫn đơn vị cơ sở triển khai thực hiện nên phần lớn các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa triển khai rộng và sâu các hình thức PBGDPL, trong đó có PBGDPL về phòng, chống tham nhũng.

- Về thể chế, chính sách, nhận thức, công tác phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện

+ Mức chi cho hoạt động PBGDPL đã được quy định nhưng khó thực hiện vì ngân sách khó khăn, thu không đủ chi, trong đó có chi cho thực hiện Đề án.

+ Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo có lúc chưa kịp thời, nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị về công tác PBGDPL chưa cao. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế, ý thức pháp luật chưa cao, chưa quan tâm đến giá trị của nhận thức pháp luật. Người dân thường chỉ quan tâm tới pháp luật khi các quy định đó liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích trực tiếp của mình đang bị xâm hại, hoặc cần bảo vệ... Dẫn đến, việc tổ chức tuyên truyền PBGDPL nói chung và về phòng, chống tham nhũng nói riêng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

+ Sự phối hợp giữa một số ngành, địa phương có lúc chưa được thường xuyên, chặt chẽ. Đội ngũ làm công tác PBGDPL chủ yếu kiêm nhiệm, chưa thật sự chủ động và chưa làm tốt vai trò tham mưu về công tác PBGDPL về phòng, chống tham nhũng; khả năng cập nhật thông tin, văn bản pháp luật mới còn hạn chế.

- Nguồn lực và các điều kiện bảo đảm để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ

Điều kiện, nguồn lực để triển khai thực hiện còn thiếu, nhất là về kinh phí. Vì vậy, việc thực hiện Đề án gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc triển khai thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn.

b) Nguyên nhân của khó khăn, tồn tại

Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác PBGDPL còn mỏng và kiêm nhiệm nên chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao. Chưa có chế độ thù lao cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Số lượng văn bản phải tuyên truyền, phổ biến nhiều, văn bản dài, phức tạp, đòi hỏi tính chuyên sâu cao nhưng tinh thần tự giác chủ động nghiên cứu tìm hiểu, tự học hỏi pháp luật của một bộ phận công chức, viên chức và nhân dân chưa cao. Kinh phí cấp cho công tác PBGDPL ở các cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức đối với công tác PBGDPL về phòng chống tham nhũng; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức và người dân còn hạn chế.

3. Bài học kinh nghiệm

- Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng; nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo của các ban, ngành, các địa phương trong công tác PBGDPL về phòng chống tham nhũng, từ đó tạo sự gắn kết giữa hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và hoạt động quản lý, điều hành của các ban, ngành, địa phương đối với công tác này.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL phải đảm bảo đủ về số lượng, có tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao; đảm bảo có cán bộ chuyên trách về PBGDPL ở các đơn vị, địa phương để làm đầu mối thực hiện nội dung hoạt động PBGDPL nói chung và của Đề án 4061 nói riêng.

- Trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền PBGDPL về phòng chống tham nhũng cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, lựa chọn hình thức phù hợp, lồng ghép vào thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án về PBGDPL khác, chương trình phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các ngành và địa phương; phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lựa chọn nội dung thiết thực nhất gắn với đối tượng phổ biến, lồng ghép trong các cuộc họp, hội thi, cuộc thi..., tăng cường tuyên truyền hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; coi trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc thực hiện, sơ kết, tổng kết và kịp thời phát hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

- Phát huy vai trò của cơ quan thường trực, các cơ quan chủ trì thực hiện Đề án trong việc phối hợp, điều hành giữa các cơ quan, tổ chức, tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện; huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực để tiến hành triển khai sâu rộng, toàn diện, đồng bộ và có hiệu quả trên toàn tỉnh.

- Phải kết hợp công tác PBGDPL về phòng chống tham nhũng, gắn công tác PBGDPL với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, văn hoá, truyền thống cho cán bộ và nhân dân. Xác định đúng, rõ đối tượng được PBGDPL và nhu cầu của đối tượng để lựa chọn hình thức, nội dung phù hợp.

- Quan tâm hỗ trợ về kinh phí và bố trí phương tiện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

III. PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP GIAI ĐOẠN 2017-2021

1. Đánh giá bối cảnh, thực trạng xã hội, trình độ dân trí và dự báo nhu cầu đối với việc tiếp tục xây dựng Đề án cho giai đoạn 2017-2021

Tham nhũng là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với sự nghiệp xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tình hình tham nhũng diễn biến ngày càng phức tạp; hành vi tham nhũng tinh vi hơn; đối tượng tham ô, tham nhũng là những người có chức, có quyền, có ảnh hưởng lớn đến cơ quan, đơn vị, địa phương; tham nhũng xảy ra ở nhiều lĩnh vực như: Đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, thương mại, tài chính,…trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, voi vĩnh; cố ý làm trái những quy định, quy trình công tác để vụ lợi. Theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và Luật phòng, chống tham nhũng thì phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân mà trước hết và chủ yếu là của các cấp uỷ Đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, phương châm thực hiện là vừa tích cực chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là cơ bản. Tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân về phòng, chống tham nhũng là một trong những giải pháp phòng ngừa hết sức quan trọng. Do đó việc tiếp tục xây dựng Đề án giai đoạn 2017-2021 là rất cần thiết.

2. Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2017-2021

a) Phương hướng, nhiệm vụ

- Tiếp tục ban hành Đề án “Tăng cường tính hiệu quả của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh” thực hiện trong giai đoạn mới; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân pháp luật về phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, dân chủ ở cơ sở; các văn bản của Bộ chính trị, Ban Bí thư, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng, chống tham nhũng, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn khác có liên quan sau khi có Quyết định của Chính phủ.

- Tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Chỉ thị số 32 - CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân và Kế hoạch số 19-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 - CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) và các văn bản về công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL về phòng chống tham nhũng nói riêng;

- Duy trì và đẩy mạnh các hình thức PBGDPL phù hợp như: Tổ chức “Ngày pháp luật”, biên soạn, cấp phát tài liệu, in ấn; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; hội thi; tủ sách pháp luật, hoạt động hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, sinh hoạt câu lạc bộ …; lồng ghép tuyên truyền trong Bản tin Tư pháp; tổ chức hội thảo, tọa đàm đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp các chuyên đề pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phát động sâu rộng và đề ra những việc làm cụ thể cho cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, các văn bản pháp luật quy định về công khai minh bạch tài chính trong hoạt động của cơ quan, đơn vị một cách thường xuyên.

- Thực hiện phổ biến pháp luật với giáo dục ý thức pháp luật, nêu gương các điển hình tiêu biểu về phòng, chống tham nhũng, lên án những hành vi tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực của Đề án 4061 tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan thực hiện Đề án có hiệu quả; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo; xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; nhân rộng mô hình điểm về tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng ra các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh.

b) Giải pháp

- Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong công tác tuyên truyền PBGDPL về phòng chống tham nhũng, từ đó tạo sự gắn kết giữa hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, ban, ngành và của chính quyền địa phương đối với công tác này.

- Các thành viên của Ban Chỉ đạo Đề án phải tích cực, chủ động hơn đối với nhiệm vụ được phân công, đổi mới phương thức hoạt động để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng hiện nay.

- Phát huy tính tích cực, chủ động của các đơn vị, địa phương trong PBGDPL cho cán bộ, nhân dân và các đối tượng do ngành, đơn vị, địa phương mình quản lý, đồng thời phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền PBGDPL về phòng chống tham nhũng.

- Quan tâm xây dựng, củng cố kiện toàn và tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL. Phân loại, lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp sát thực với từng nhóm đối tượng tuyên truyền. Hình thức phổ biến phong phú, đa dạng và vận dụng linh hoạt, khắc phục sự rập khuôn, nhàm chán; lồng ghép việc tuyên truyền PBGDPL các văn bản pháp luật mới kết hợp với nội dung Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng.

- Gắn kết hoạt động PBGDPL với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo mô hình hoạt động điểm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

- Thực hiện khen thưởng kịp thời người có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tham nhũng và người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng. Làm tốt công tác thống kê, báo cáo theo quy định

3. Đề xuất, kiến nghị cụ thể về triển khai công tác phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2017 – 2021

Đề nghị Bộ Tư pháp:

- Tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án thực hiện giai đoạn 2017-2021; có chính sách thù lao cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, người làm công tác PBGDPL (tương tự báo cáo viên khối Đảng).

- Phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án để thực hiện các nội dung theo kế hoạch Bộ Tư pháp đề ra trong giai đoạn tiếp theo, trong đó quan tâm chú trọng các địa phương không tự cân đối ngân sách như tỉnh Quảng Bình./.

 

 

Nơi nhận:
- BCĐ Đề án 4061 – Bộ Tư pháp;
- Vụ PBGDPL - Bộ Tư pháp;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Ban PC- HĐND tỉnh;
- Ban chỉ đạo Đề án 4061 tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Lưu VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Hoàng



[1] In ấn, phát hành tái bản 4.500 cuốn sách bỏ túi Tìm hiểu các quy định về Hiến pháp với số lượng; Tìm hiểu một số quy định của pháp luật về đất đai năm 2013 với số lượng 4.500 cuốn; phát hành 13.400 tờ gấp tìm hiểu pháp luật về phòng chống ma túy, bảo vệ rừng; 15.000 cuốn tìm hiểu Luật Tổ chức Quốc hội, 15.000 cuốn Luật Tổ chức chính quyền địa phương; 26.000 cuốn tìm hiểu Luật bầu cử đại biểu Quốc họi và đại biểu HĐND, 17.000 cuốn Luật hộ tịch; 17.000 cuốn tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình; 100.000 tờ gấp có lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, bảo vệ và phát triển rừng, khiếu nại, tố cáo.