Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2017 về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng
Số hiệu: 10/CT-TTg Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 27/03/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 03/04/2017 Số công báo: Từ số 223 đến số 224
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA VÀ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (gọi tắt là Kỳ thi) từ năm 2015. Kết quả của Kỳ thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Với sự phối hợp chỉ đạo của các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 và 2016 vừa qua về cơ bản đã đạt được các mục đích, yêu cầu đề ra, nhất là về công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, bảo đảm trung thực, khách quan và công bằng đối với tất cả các thí sinh; giảm áp lực, tốn kém đối với thí sinh và xã hội.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 và những năm tiếp theo cần phát huy những kết quả đã đạt được trong hai năm qua, khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục bảo đảm gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện những công việc trọng tâm sau đây:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo:

a) Hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức Kỳ thi và công tác tuyển sinh; dự báo sát thực tế các khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện để chủ động phương án xử lý; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt Kỳ thi và sử dụng kết quả Kỳ thi để tuyển sinh đại học, cao đẳng bảo đảm công bằng, khách quan, thuận lợi cho thí sinh và nhà trường;

b) Tăng cường công tác truyền thông nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các quy định, thông tin cần thiết về Kỳ thi và công tác tuyển sinh, nhất là kết quả thi, kết quả tuyển sinh; giải đáp đầy đủ, kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến Kỳ thi và công tác tuyển sinh; cung cấp kết quả Kỳ thi, kết quả tuyển sinh đại học cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường cao đẳng, trung cấp để thực hiện công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tổ chức Kỳ thi và sử dụng kết quả Kỳ thi để tuyển sinh trình độ cao đẳng trong phạm vi quản lý; kịp thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về những nội dung liên quan đến công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc dạy và học, hoàn thành kế hoạch năm học và ôn tập cho học sinh lớp 12; chuẩn bị chu đáo và triển khai tổ chức tốt cụm thi tại địa phương;

b) Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức Kỳ thi, kể cả kinh phí chi trả cho cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng được Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động về địa phương tham gia tổ chức thi. Chỉ đạo thực hiện không thu phí dự thi đối với tất cả các đối tượng thí sinh tham dự Kỳ thi tại địa phương;

c) Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở các địa điểm thi; tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh là con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, học sinh khuyết tật, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh ở vùng sâu, vùng xa và thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự Kỳ thi; không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại;

d) Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự tại cụm thi, bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia tổ chức thi và thí sinh.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về Kỳ thi và công tác tuyển sinh; chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin bảo đảm các điều kiện về cơ sở hạ tầng viễn thông tạo thuận lợi cho việc công bố kết quả thi, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và chuyển phát hồ sơ nhập học của thí sinh; chỉ đạo các cơ quan hữu quan trực thuộc Bộ dự báo các tình huống an ninh mạng, dự kiến các biện pháp hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố liên quan đến bảo mật cơ sở dữ liệu của Kỳ thi.

5. Bộ Tài chính:

Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng phương án tài chính bảo đảm tổ chức Kỳ thi và thực hiện tuyển sinh hiệu quả, tiết kiệm.

6. Bộ Công an:

Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh cho Kỳ thi, đặc biệt là công tác bảo mật đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi; bảo đảm an toàn khu vực in sao đề thi, khu vực chấm thi giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn tại các địa điểm tổ chức thi trong các ngày thi.

7. Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài:

Chỉ đạo các cơ quan hữu quan tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh là người Việt Nam ở nước ngoài, học sinh là người nước ngoài ở Việt Nam tham gia Kỳ thi hoặc tham gia xét tuyển vào các các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng trong nước nếu có nguyện vọng.

8. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải:

Chỉ đạo các ngành, các cấp hữu quan tạo điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối việc vận chuyển đề thi, bài thi; bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra ách tắc giao thông ảnh hưởng tới việc tổ chức thi. Cục Hàng không Việt Nam tạo mọi điều kiện để việc vận chuyển đề thi bằng máy bay thuận lợi và bảo đảm an toàn tuyệt đối.

9. Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương:

Chỉ đạo các ngành hữu quan phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng phương án phòng chống lụt bão; hỗ trợ xử lý và khắc phục kịp thời hậu quả các tình huống bất thường về thời tiết và thiên tai, bảo đảm an toàn cho Kỳ thi.

10. Bộ Y tế:

Chỉ đạo các sở y tế, bệnh viện các tuyến của các tỉnh, thành phố chuẩn bị các loại vật tư thiết yếu và cơ số thuốc phù hợp để đáp ứng kịp thời các yêu cầu chữa trị chăm sóc y tế; có phương án hỗ trợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đề phòng ngăn ngừa các loại dịch bệnh; kịp thời xử lý các tình huống khi có dịch bệnh hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các địa điểm tổ chức thi.

11. Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

Chỉ đạo các đơn vị thành viên cung cấp điện ổn định cho địa điểm ra đề thi, địa điểm in sao đề thi, các địa điểm coi thi và chấm thi.

12. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:

Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tiếp tục triển khai các chương trình “Sinh viên tình nguyện”, “Tiếp sức mùa thi”, hỗ trợ các địa phương bảo đảm trật tự, an toàn pho Kỳ thi; hỗ trợ thí sinh và người thân có khó khăn trong đi lại, ăn, ở tại các địa điểm tổ chức thi.

13. Các bộ, ban, ngành khác chủ động tham gia, tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương triển khai tổ chức Kỳ thi theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt những nhiệm vụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, kiến nghị trong kế hoạch phối hợp tổ chức thi và tuyển sinh.

14. Các đại học, học viện, các trường đại học, các trường cao đẳng:

Xây dựng và công bố công khai Đề án tuyển sinh trước khi thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; chấp hành sự phân công của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điều động cán bộ, giảng viên tham gia tổ chức Kỳ thi tại các địa phương; tăng cường tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi và tuyển sinh, bảo đảm tuyển sinh công bằng, minh bạch.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.