Thông tư liên tịch 37/2014/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Quyết định 131/2009/QĐ-TTg về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Số hiệu: 37/2014/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT Loại văn bản: Thông tư liên tịch
Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính Người ký: Nguyễn Văn Hiếu, Trần Văn Hiếu, Hoàng Văn Thắng
Ngày ban hành: 31/10/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 05/12/2014 Số công báo: Từ số 1031 đến số 1032
Lĩnh vực: Tài nguyên, Nông nghiệp, nông thôn, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2014/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 131/2009/QĐ-TTG NGÀY 02 THÁNG 11 NĂM 2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ VÀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ;

Căn cứ Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về quy định thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;

Căn cứ Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn cụ thể các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung (bao gồm công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp) và quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung phục vụ cho sinh hoạt và các mục đích khác của cộng đồng dân cư nông thôn.

2. Các công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình (giếng đào, giếng khoan, lu, bể chứa nước...) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, hợp tác xã, tổ hợp tác, tư nhân (sau đây gọi chung là các đơn vị cấp nước) thực hiện toàn bộ hoặc một số công đoạn trong các hoạt động đầu tư xây dựng, chuyển giao công nghệ, quản lý khai thác, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ về cung cấp nước sạch nông thôn.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia hoạt động đầu tư, quản lý và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn.

Điều 3. Các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ cấp nước sạch nông thôn

1. Ưu đãi về đất đai.

2. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

3. Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và huy động vốn.

4. Hỗ trợ giá tiêu thụ nước sạch.

Chương II

CÁC CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH, HỖ TRỢ TRONG HOẠT ĐỘNG CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN

Điều 4. Ưu đãi về đất đai

1. Các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung phục vụ cho cộng đồng dân cư nông thôn được Nhà nước miễn tiền cho thuê đất.

a) Đất được thuê cho xây dựng công trình cấp nước bao gồm: Đất để xây dựng công trình khai thác và xử lý nước; đất xây dựng đường ống và công trình trên mạng lưới đường ống cấp nước và các công trình hỗ trợ quản lý, vận hành hệ thống cấp nước (nhà hành chính, nhà quản lý, điều hành, nhà xưởng, kho bãi vật tư, thiết bị).

b) Các tỉnh dành quỹ đất để xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy hoạch cấp nước được phê duyệt.

2. Đất được nhà nước cho thuê đối với các công trình sử dụng đất để xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn phải bảo đảm các quy định sau:

a) Không được tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị tài sản của công trình đầu tư.

b) Không được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất thuê.

c) Không được thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất để vay vốn.

d) Không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh.

3. Trình tự, thủ tục hồ sơ để được thuê đất thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

4. Trình tự để được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế, Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Điều 5. Ưu đãi về thuế

Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm phát sinh.

Điều 6. Hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước

1. Các công trình đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt được ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và viện trợ quốc tế) hỗ trợ theo các mức như sau:

a) Không quá 90% tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư công tư công trình cấp nước, thì nguồn kinh phí và mức hỗ trợ đầu tư thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

b) Không quá 75% tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với vùng nông thôn khác.

c) Không quá 60% tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với vùng đồng bằng, vùng duyên hải.

d) Không quá 45% tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với vùng thị trấn, thị tứ.

2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng vùng trên địa bàn nhưng không vượt quá mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều này và công khai công trình được hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên trên phương tiện thông tin đại chúng trong vòng 30 ngày.

3. Phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch nông thôn ở các địa phương không thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, có khả năng tính đúng, tính đủ chi phí thì phải hoàn trả ngân sách bằng khấu hao cơ bản tài sản cố định.Việc xác định khấu hao phải theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định và Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 4/5/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

Điều 7. Huy động vốn

Các đơn vị đầu tư xây dựng các công trình (bao gồm cả công trình cải tạo) cấp nước nông thôn:

1. Được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng phát triển Việt Nam nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có); được vay vốn tín dụng từ Quỹ đầu tư phát triển địa phương theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP .

2. Được ưu tiên vay lại từ nguồn vốn của các tổ chức quốc tế cho Chính phủ Việt Nam vay ưu đãi.

3. Được nhận vốn tài trợ không hoàn lại của tổ chức quốc tế (nếu có).

4. Được phép huy động vốn dưới dạng góp cổ phần đối với công ty cổ phần, góp vốn từ người lao động trong đơn vị, cộng đồng; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Đơn vị cấp nước có trách nhiệm quản lý chặt chẽ nguồn vốn, đầu tư hiệu quả, thực hiện đúng cam kết đã thoả thuận khi huy động vốn.

Điều 8. Hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt nông thôn

1. Mức hỗ trợ giá: là phần chênh lệch giữa giá bán nước sạch thấp hơn phương án giá nước sạch được tính đúng tính đủ theo quy định theo hướng dẫn tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117 và Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

2. Điều kiện, quy trình xét cấp hỗ trợ:

a) Đơn vị cấp nước lập kế hoạch đề nghị cấp hỗ trợ cùng kỳ lập kế hoạch dự toán Ngân sách hàng năm của địa phương gửi Sở Tài chính thẩm định.

b) Sở Tài chính thẩm định, ghi vào dự toán ngân sách theo hạng, mục quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt.

3. Thời gian hỗ trợ giá

a) Kế hoạch ngân sách địa phương sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt (trong đó có phần hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt nông thôn), cơ quan tài chính cấp hỗ trợ giá cho các đơn vị cấp nước theo phân cấp của địa phương.

b) Thời gian hỗ trợ giá được thực hiện 2 lần trong năm:

Lần 1 trước quý 3 hàng năm cấp 70% kế hoạch hỗ trợ giá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lần 2 vào quý 1 năm sau, cấp hết số còn lại sau khi đã quyết toán.

4. Hồ sơ, thủ tục hỗ trợ trợ giá: Thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính.

Chương III

MÔ HÌNH QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN

Điều 9. Lựa chọn mô hình quản lý

Tuỳ theo điều kiện cụ thể về quy mô công trình, nguồn nước, công nghệ xử lý và cấp nước, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương có thể áp dụng các mô hình tổ chức đơn vị cấp nước như sau:

1. Tư nhân.

2. Hợp tác xã.

3. Đơn vị sự nghiệp công lập: Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Ban quản lý nước sạch.

4. Doanh nghiệp: Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, Công ty quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Điều 10. Quy trình tham gia đầu tư, quản lý các hoạt động cấp nước sạch nông thôn

1. Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp danh mục các công trình cấp nước sạch nông thôn theo quy hoạch cần đầu tư hoặc thay đổi mô hình quản lý trên địa bàn báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, niêm yết công khai hoặc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hoặc quản lý vận hành.

a) Đối với trường hợp có 01 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đầu tư hoặc quản lý, khai thác công trình cấp nước mới hoặc cải tạo, nâng cấp theo danh mục công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện các thủ tục chỉ định thầu theo quy định hiện hành của pháp luật về đấu thầu.

b) Đối với các trường hợp khác thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về đấu thầu.

2. Đối với những công trình cấp nước đã có tổ chức, cá nhân đang thực hiện dịch vụ cấp nước nhưng yêu cầu phải đầu tư, cải tạo, nâng cấp hoặc phải thay đổi mô hình quản lý để công trình cấp nước đáp ứng nhu cầu phục vụ tốt hơn, xử lý như sau:

a) Trường hợp đầu tư cải tạo, nâng cấp:

Tổ chức, cá nhân đang quản lý tốt công trình, có đủ điều kiện làm chủ đầu tư thì được giao làm chủ đầu tư thực hiện công trình.

Trường hợp đầu tư cải tạo, nâng cấp và thay đổi mô hình quản lý thì cơ quan có thẩm quyền quyết định lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để làm chủ đầu tư và quản lý khai thác công trình.

b) Trường hợp cần thay đổi mô hình quản lý để đảm bảo quản lý có hiệu quả hơn, cần lựa chọn tổ chức, cá nhân có năng lực quản lý, khai thác cung cấp dịch vụ cấp nước sạch tham gia. Tổ chức, cá nhân tham gia quản lý phải có phương án tổ chức lại sản xuất, quản lý cung cấp nước sạch, ký kết với cơ quan có thẩm quyền các thỏa thuận về yêu cầu quản lý mới đảm bảo khai thác, cung cấp nước sạch nông thôn. Cơ quan có thẩm quyền sẽ lựa chọn tổ chức, cá nhân mới để quản lý theo hướng dẫn tại các điểm a, b khoản 1 Điều 10.

3. Trường hợp đặc biệt: Không có tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thì nhà nước đầu tư. Cấp quyết định đầu tư quyết định lựa chọn cơ quan, tổ chức có đủ năng lực làm chủ đầu tư theo qui định của pháp luật.

Điều 11. Xử lý tài sản

1. Đối với các loại tài sản, công trình được đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước khi có nhu cầu điều chuyển công trình, cho thuê quyền khai thác công trình, chuyển nhượng, thanh lý công trình thực hiện theo Điều 23, 24, 25, 26 và 30 Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

2. Đối với loại tài sản, công trình hình thành từ các nguồn vốn ngoài vốn ngân sách nhà nước hoặc không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, khi chuyển đổi chủ sở hữu, bán lại hoặc tổ chức lại theo các loại hình đơn vị cấp nước khác được thực hiện theo quy định của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư của địa phương.

2. Chỉ đạo, tổ chức lập, rà soát quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về cấp nước sạch nông thôn. Lập danh mục đầu tư cụ thể trên từng địa bàn để kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư và quản lý vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn; có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với những vùng đặc biệt khó khăn.

3. Thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong lĩnh vực nước sạch nông thôn, phân công, phân cấp cụ thể cho các cơ quan chuyên môn và Uỷ ban nhân dân cấp dưới để thực hiện.

4. Hàng năm, có kế hoạch và tổ chức thực hiện việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cấp nước sạch nông thôn, ưu tiên thực hiện tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.

5. Chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn triển khai các biện pháp để thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh về quản lý nhà nước đối với các hoạt động cung cấp nước sạch ở nông thôn trên địa bàn.

2. Tổ chức lập, rà soát quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về cung cấp nước sạch nông thôn; lập danh mục đầu tư trên từng địa bàn. Kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư các công trình nước sạch phục vụ nông thôn đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Uỷ ban nhân dân tỉnh các cơ chế chính sách khuyến khích đặc thù ở địa phương (nếu có). Tuyên truyền, phổ biến các chính sách ưu đãi của nhà nước, của địa phương đối với hoạt động cấp nước sạch ở nông thôn.

4. Rà soát, kiểm tra hoạt động của các đơn vị cấp nước; tổng kết kinh nghiệm các mô hình quản lý, đề xuất các biện pháp đảm bảo đơn vị cấp nước hoạt động hiệu quả, bền vững.

5. Xây dựng kế hoạch tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, quản lý, vận hành công trình cho các tổ chức, cá nhân quản lý khai thác vận hành quản lý công trình trên địa bàn tỉnh.

6. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp các nhu cầu hỗ trợ vốn hàng năm theo các công trình xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thẩm định các phương án giá tiêu thụ nước sạch nông thôn phù hợp với khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt do Bộ Tài chính ban hành và thực tế của địa phương.

2. Chủ trì, phối hợp với các Sở liên quan bố trí vốn cho công trình cấp nước sạch nông thôn

3. Căn cứ điều kiện thực tế, Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể hồ sơ, thủ tục hỗ trợ, quyết toán kinh phí hỗ trợ giá phù hợp với các quy định hiện hành của nhà nước.

4. Xem xét, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ giá nước sạch ghi vào kế hoạch ngân sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Hướng dẫn các thành phần kinh tế tổ chức quản lý tài chính ở các đơn vị cấp nước.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập danh mục đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn và các công trình phải chuyển đổi mô hình quản lý, vận hành trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt để kêu gọi đầu tư trên địa bàn.

2. Hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện các phương thức tham gia hoạt động cấp nước sạch nông thôn trong đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn (như thỏa thuận, đấu thầu và đặt hàng).

3. Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phân bổ vốn nước sạch nông thôn; tổ chức thực hiện lồng ghép với các Chương trình có cùng mục tiêu trên địa bàn.

4. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét mức hỗ trợ đầu tư cho các công trình về nước sạch trên địa bàn trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư và quản lý các công trình cấp nước sạch nông thôn có trách nhiệm:

1. Nghiên cứu quy hoạch cấp nước nông thôn, danh mục đầu tư các công trình cấp nước tập trung và các công trình phải chuyển đổi mô hình quản lý vận hành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn để đăng ký tham gia.

2. Điều tra, khảo sát lập dự án đầu tư, hoặc phương án quản lý các hoạt động khai thác, cung cấp nước sạch nông thôn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Thực hiện thủ tục đề nghị cho thuê đất, hỗ trợ vốn và miễn giảm thuế.

4. Đối với các đơn vị cấp nước đang hoạt động gặp khó khăn về vốn, có phương án đề xuất các biện pháp khắc phục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2014.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Hiếu

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Hiếu

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Văn Thắng

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTg;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các Đoàn thể, hội quần chúng ở TW;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, KBNN, Cục Thuế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Ban Điều hành CTNSVSMTNT các tỉnh, thành phố;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư Pháp;
- Website Chính phủ; Website Bộ Tài chính;
- Website Bộ NN&PTNT; Website Bộ KH&ĐT;
- Bộ trưởng các Bộ: NN và PTNT, Tài chính, KH và ĐT (để b/c);
- Lưu: VT Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT.

 

 

Điều 23. Điều chuyển công trình

1. Các trường hợp điều chuyển công trình

a) Để mang lại hiệu quả cao hơn;

b) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc điều chuyển công trình chỉ được thực hiện giữa các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định điều chuyển công trình giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

4. Trình tự, thủ tục điều chuyển công trình

a) Khi có công trình cần điều chuyển, đơn vị quản lý công trình lập hồ sơ đề nghị điều chuyển, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị điều chuyển của đơn vị có công trình;

- Văn bản đề nghị được tiếp nhận của đơn vị nhận công trình;

- Danh mục công trình đề nghị xử lý theo Mẫu số 01-DM/CTNSNT ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này xem xét, ban hành quyết định điều chuyển công trình. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

- Đơn vị có công trình điều chuyển;

- Đơn vị nhận công trình điều chuyển;

- Danh mục công trình điều chuyển;

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

c) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định điều chuyển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này:

- Đơn vị có công trình điều chuyển chủ trì, phối hợp với đơn vị nhận công trình điều chuyển tổ chức bàn giao, tiếp nhận, thực hiện hạch toán tăng, giảm, báo cáo kê khai bổ sung theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

- Đơn vị nhận công trình điều chuyển có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ về quyền sử dụng đất đối với công trình nhận điều chuyển.

d) Việc bàn giao công trình phải lập thành Biên bản theo Mẫu số 02/BB-CTNSNT ban hành kèm theo Thông tư này.

đ) Chi phí hợp lý có liên quan trực tiếp đến việc bàn giao, tiếp nhận do đơn vị nhận công trình chi trả theo quy định.

Điều 24. Cho thuê quyền khai thác công trình

1. Các trường hợp cho thuê quyền khai thác công trình

a) Để quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn;

b) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc cho thuê quyền khai thác công trình được thực hiện theo phương thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật; trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký tham gia và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì được cho thuê chỉ định.

3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định cho thuê quyền khai thác công trình thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

4. Trình tự, thủ tục cho thuê quyền khai thác công trình

a) Đơn vị quản lý công trình lập hồ sơ đề nghị cho thuê quyền khai thác công trình, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị cho thuê quyền khai thác công trình;

- Giá và thời hạn cho thuê quyền khai thác công trình (được xác định theo các tiêu chí: số thu tiền nước của năm trước liền kề trước khi thực hiện cho thuê quyền khai thác công trình, tốc độ tăng trưởng của số hộ dân dùng nước hàng năm của công trình đó và các tiêu chí khác có liên quan).

- Danh mục công trình đề nghị xử lý theo Mẫu số 01-DM/CTNSNT ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này xem xét, ban hành quyết định cho thuê quyền khai thác công trình. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

- Công trình cho thuê quyền khai thác;

- Phương thức cho thuê quyền khai thác (đấu giá, chỉ định);

- Giá và thời hạn cho thuê quyền khai thác;

- Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác;

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

c) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có quyết định cho thuê quyền khai thác công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này, đơn vị quản lý công trình thực hiện việc cho thuê quyền khai thác theo quy định của pháp luật.

5. Quản lý, sử dụng tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác công trình:

a) Số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác công trình, sau khi trừ các chi phí có liên quan quy định tại điểm b khoản này được quản lý, sử dụng như sau:

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp;

- Đối với doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp xã: Nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

b) Chi phí hợp lý liên quan đến việc cho thuê quyền khai thác công trình gồm:

- Chi phí kiểm kê;

- Chi phí tổ chức lựa chọn đơn vị thuê;

- Chi phí khác có liên quan.

Điều 25. Chuyển nhượng công trình

1. Các trường hợp chuyển nhượng công trình

a) Để mang lại hiệu quả cao hơn;

b) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc chuyển nhượng công trình được thực hiện bằng phương thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật; trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký tham gia và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì được chuyển nhượng chỉ định.

3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định chuyển nhượng công trình thuộc phạm vi quản lý của địa phương cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng công trình

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập hồ sơ đề nghị chuyển nhượng, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Hồ sơ đề nghị chuyển nhượng gồm:

- Văn bản đề nghị chuyển nhượng;

- Danh mục công trình đề nghị xử lý theo Mẫu số 01-DM/CTNSNT ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định chuyển nhượng công trình. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

- Danh mục công trình chuyển nhượng;

- Phương thức chuyển nhượng (đấu giá, chỉ định);

- Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ chuyển nhượng;

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

c) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có quyết định chuyển nhượng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chuyển nhượng theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều này.

5. Chuyển nhượng công trình bằng hình thức đấu giá

a) Xác định giá khởi điểm:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá xác định giá công trình (không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất) gửi Sở Tài chính để chủ trì xem xét báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá khởi điểm. Trường hợp không thuê được tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá thì Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thành lập Hội đồng để xác định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xác định giá khởi điểm.

Giá khởi điểm của công trình phải đảm bảo phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản để bán đấu giá công trình; trường hợp không thuê được tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản thì thành lập Hội đồng để bán đấu giá.

6. Chuyển nhượng công trình bằng hình thức chỉ định

a) Xác định giá chuyển nhượng chỉ định:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá xác định giá công trình (không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất) gửi Sở Tài chính để chủ trì xem xét báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá chuyển nhượng. Trường hợp không thuê được tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá thì Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thành lập Hội đồng để xác định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá chuyển nhượng.

Giá chuyển nhượng của công trình phải đảm bảo phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại.

b) Căn cứ quyết định chuyển nhượng công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và giá chuyển nhượng quy định tại điểm a khoản này; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chuyển nhượng cho người mua công trình theo quy định của pháp luật về dân sự.

7. Quản lý, sử dụng tiền thu được từ chuyển nhượng công trình

a) Số tiền thu được từ chuyển nhượng công trình, sau khi trừ các chi phí có liên quan quy định tại điểm b khoản này được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

b) Chi phí hợp lý liên quan đến việc chuyển nhượng gồm:

- Chi phí kiểm kê;

- Chi phí xác định giá;

- Chi phí tổ chức bán đấu giá;

- Chi phí khác có liên quan.

Điều 26. Thanh lý công trình

1. Các trường hợp thanh lý công trình

a) Công trình bị hư hỏng không thể sử dụng được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả.

b) Phá dỡ công trình cũ để đầu tư công trình mới.

c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch làm cho một phần hoặc toàn bộ công trình không sử dụng được vào mục đích ban đầu.

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Phương thức thanh lý công trình

a) Công trình được thanh lý theo một trong các phương thức sau

- Bán.

- Phá dỡ, hủy bỏ.

b) Việc thanh lý công trình theo phương thức bán được thực hiện đấu giá theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp sau đây được bán chỉ định:

- Giá trị còn lại của công trình theo đánh giá lại dưới 50 triệu đồng/công trình.

- Đã hết hạn thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có một tổ chức, cá nhân đăng ký mua và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm.

3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý công trình thuộc phạm vi quản lý của địa phương

4. Trình tự, thủ tục thanh lý công trình

a) Đơn vị có công trình thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này lập hồ sơ đề nghị thanh lý, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị thanh lý;

- Danh mục công trình đề nghị xử lý theo Mẫu số 01-DM/CTNSNT ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này xem xét, ban hành quyết định thanh lý công trình. Quyết định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

- Đơn vị có công trình thanh lý;

- Danh mục công trình thanh lý;

- Phương thức thanh lý;

- Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý;

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

c) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có quyết định thanh lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này, đơn vị có công trình tổ chức thanh lý theo quy định tại khoản 5 Điều này.

d) Sau khi hoàn thành việc thanh lý, đơn vị có công trình thanh lý thực hiện hạch toán giảm, báo cáo kê khai bổ sung theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

5. Tổ chức thanh lý công trình

a) Tổ chức thanh lý công trình theo phương thức bán:

- Việc xác định giá khởi điểm và tổ chức bán đấu giá công trình thanh lý được thực hiện như sau:

+ Đơn vị có công trình thanh lý thành lập Hội đồng để xác định giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá để làm căn cứ xác định giá khởi điểm. Giá khởi điểm của công trình phải đảm bảo phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại.

+ Đơn vị có công trình thanh lý thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản hoặc thành lập Hội đồng để bán đấu giá.

- Việc xác định giá bán và tổ chức bán chỉ định công trình thanh lý được thực hiện như sau:

+ Đơn vị có công trình thanh lý thành lập Hội đồng để xác định giá bán hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá để làm căn cứ quyết định giá bán. Giá bán của công trình phải đảm bảo phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại.

+ Căn cứ vào quyết định bán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và giá bán theo quy định trên; đơn vị có công trình thanh lý thực hiện bán cho người mua theo quy định của pháp luật về dân sự.

b) Tổ chức thanh lý công trình theo phương thức phá dỡ, hủy bỏ:

- Đơn vị có công trình thanh lý tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc phá dỡ, hủy bỏ công trình theo quy định của pháp luật.

- Tài sản thu hồi từ việc phá dỡ công trình được xử lý bán theo quy định tại điểm a khoản này.

6. Quản lý, sử dụng tiền thu được từ thanh lý công trình

a) Số tiền thu được từ thanh lý công trình, sau khi trừ các chi phí có liên quan quy định tại điểm b khoản này được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (đối với doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp xã), được bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (đối với đơn vị sự nghiệp công lập). Trường hợp số tiền thu được từ thanh lý không đủ bù đắp chi phí thì phần còn thiếu được bố trí từ dự toán ngân sách nhà nước (đối với doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp xã), từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (đối với đơn vị sự nghiệp công lập).

b) Chi phí hợp lý liên quan đến việc thanh lý gồm:

- Chi phí kiểm kê;

- Chi phí phá dỡ, hủy bỏ;

- Chi phí xác định giá;

- Chi phí tổ chức bán đấu giá;

- Chi phí khác có liên quan.

...

Điều 30. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý và khai thác công trình được đầu tư từ nhiều nguồn vốn

Số tiền thu được từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng, thanh lý công trình sau khi trừ các chi phí có liên quan được quản lý, sử dụng như sau:

1. Đối với phần tài sản thuộc sở hữu nhà nước

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

- Đối với doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp xã: Nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Đối với phần tài sản không thuộc sở hữu nhà nước: Hoàn trả cho chủ sở hữu dưới hình thức trừ vào giá tiêu thụ nước sạch hoặc các hình thức hoàn trả khác theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Xem nội dung VB