Thông tư 41/2017/TT-BQP quy định nội dung và phương pháp tổ chức kiểm tra đánh giá nâng bậc trình độ kỹ năng nghề; cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, điều kiện miễn kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề của công nhân quốc phòng
Số hiệu: 41/2017/TT-BQP Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng Người ký: Bế Xuân Trường
Ngày ban hành: 27/02/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 19/03/2017 Số công báo: Từ số 193 đến số 194
Lĩnh vực: Quốc phòng, Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/2017/TT-BQP

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2017

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ NÂNG BẬC TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ; CẤP CHỨNG CHỈ KỸ NĂNG NGHỀ, ĐIỀU KIỆN MIỄN KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ CỦA CÔNG NHÂN QUỐC PHÒNG

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 83/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định bậc trình độ kỹ năng nghề, điều kiện nâng bậc của công nhân quốc phòng;

Theo đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định nội dung và phương pháp tổ chức kiểm tra đánh giá nâng bậc trình độ kỹ năng nghề; cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, điều kiện miễn kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề của công nhân quốc phòng.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về phân loại khung bậc trình độ, nội dung và phương pháp tổ chức kiểm tra trình độ kỹ năng nghề; cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, điều kiện miễn kiểm tra, tạm hoãn kiểm tra và chọn nghề kiểm tra trình độ kỹ năng nghề; công tác bảo đảm, chế độ báo cáo, lưu trữ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với công nhân quốc phòng, cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Kiểm tra, đánh giá nâng bậc trình độ kỹ năng nghề (sau đây viết tắt là kiểm tra trình độ kỹ năng nghề) là tiến hành các hoạt động kiểm tra, đánh giá kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và quy trình an toàn lao động, vệ sinh lao động của công nhân quốc phòng tham dự kiểm tra tại các cơ sở tổ chức kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng ở bậc thấp lên bậc cao hơn của một nghề.

2. Cơ sở tổ chức kiểm tra, đánh giá nâng bậc trình độ kỹ năng nghề (sau đây viết tắt là cơ sở kiểm tra trình độ kỹ năng nghề) là đơn vị được giao nhiệm vụ hoạt động phục vụ kiểm tra, đánh giá nâng bậc trình độ kỹ năng nghề.

3. Người kiểm tra trình độ kỹ năng nghề là người có trình độ, năng lực về kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành, được giao nhiệm vụ kiểm tra đánh giá kiến thức chuyên môn hoặc kiểm tra kỹ năng thực hành đối với công nhân quốc phòng tại một bậc trình độ kỹ năng nghề nhất định.

4. Kiểm tra lý thuyết chuyên môn (sau đây viết tắt là kiểm tra lý thuyết) là việc đánh giá trình độ kiến thức chuyên môn trên cơ sở kết quả kiểm tra lý thuyết cơ sở ngành, lý thuyết chuyên môn nghề và các nội dung liên quan.

5. Kiểm tra kỹ năng thực hành (sau đây viết tắt là kiểm tra thực hành) là việc đánh giá kiến thức chuyên môn, kỹ năng được áp dụng vào thực tế công việc đang thực hiện.

Chương II

PHÂN LOẠI KHUNG BẬC TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ; NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC KIỂM TRA TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ

Mục 1. PHÂN LOẠI KHUNG BẬC TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ

Điều 4. Khung bậc trình độ kỹ năng nghề

1. Khung bậc trình độ kỹ năng nghề của công nhân quốc phòng được quy định theo tiêu chuẩn bậc trình độ kỹ năng nghề của các chuyên ngành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Đối với các ngành nghề trong lĩnh vực tương ứng với ngành, nghề dân dụng thực hiện theo tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Điều 5. Phân loại khung bậc trình độ kỹ năng nghề

1. Khung bậc trình độ kỹ năng nghề có 7 bậc, gồm:

a) Bậc thấp: Từ bậc 1/7 đến bậc 4/7;

b) Bậc cao: Từ bậc 5/7 đến bậc 7/7.

2. Khung bậc trình độ kỹ năng nghề có 6 bậc, gồm:

a) Bậc thấp: Từ bậc 1/6 đến bậc 4/6;

b) Bậc cao: Bậc 5/6 và bậc 6/6.

3. Khung bậc trình độ kỹ năng nghề có 5 bậc, gồm:

a) Bậc thấp: Từ bậc 1/5 đến bậc 4/5;

b) Bậc cao: Bậc 5/5.

4. Khung bậc trình độ kỹ năng nghề có 4 bậc, gồm:

a) Bậc thấp: Từ bậc 1/4 đến bậc 3/4;

b) Bậc cao: Bậc 4/4.

5. Đối với những nghề có khung bậc từ 2 đến 3 bậc trình độ kỹ năng, không phân định bậc thấp hoặc bậc cao.

Mục 2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ

Điều 6. Nội dung kiểm tra

1. Kiểm tra lý thuyết:

a) Lý thuyết cơ sở ngành;

b) Lý thuyết chuyên môn nghề (lý thuyết chuyên ngành);

c) Nội dung điều lệ, chế độ, quy định của chuyên ngành có liên quan đến kỹ năng thực hành và an toàn, vệ sinh lao động;

d) Đối với trình độ kỹ năng nghề bậc cao, thực hiện kiểm tra theo quy định tại Điểm a, b, c Khoản này và kiểm tra nội dung quản lý, kinh nghiệm sản xuất, sửa chữa hoặc sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sửa chữa, sản xuất, bảo dưỡng vũ khí trang bị kỹ thuật.

2. Kiểm tra thực hành:

a) Chế tạo hoặc gia công sản phẩm;

b) Sử dụng, điều khiển vũ khí trang bị kỹ thuật;

c) Sử dụng các dụng cụ đo lường, dụng cụ kiểm tra, kỹ năng đo lường;

d) Bảo quản, bảo dưỡng, hiệu chỉnh, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật;

đ) Tác phong làm việc, kỹ năng sử dụng các trang thiết bị, công nghệ và an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 7. Phương pháp kiểm tra

1. Kiểm tra lý thuyết, lựa chọn một trong những hình thức sau:

a) Trắc nghiệm;

b) Tự luận (viết trên giấy);

c) Vấn đáp (hỏi, đáp trực tiếp).

2. Kiểm tra thực hành:

a) Thao tác trên phương tiện, thiết bị, công cụ;

b) Tác nghiệp trên giấy để xử lý, giải quyết các tình huống;

c) Đối với trình độ kỹ năng nghề bậc cao, nội dung kiểm tra theo quy định và căn cứ yêu cầu cụ thể của từng nghề, kiểm tra thông qua việc sản xuất, chế thử theo đề tài nghiên cứu, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Điều 8. Phương pháp chấm điểm

1. Chủ tịch Hội đồng kiểm tra phê duyệt đáp án và thang điểm chuẩn của nội dung kiểm tra (gồm lý thuyết và thực hành).

2. Giám khảo căn cứ vào đáp án và thang điểm chuẩn của từng nội dung kiểm tra để chấm điểm.

3. Một bài kiểm tra lý thuyết hoặc thực hành phải có ít nhất 02 (hai) giám khảo chấm điểm độc lập. Điểm của bài kiểm tra (lý thuyết hoặc thực hành) là trung bình cộng điểm chấm của các giám khảo, lấy kết quả đến hai chữ số ở phần thập phân.

4. Công nhân quốc phòng là người dân tộc thiểu số hoặc quân số các đơn vị đóng quân trên địa bàn thuộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thời gian công tác từ 12 tháng trở lên, được ưu tiên cộng 01 (một) điểm vào bài kiểm tra lý thuyết và 01 (một) điểm vào bài kiểm tra thực hành.

5. Điểm kiểm tra tính theo thang điểm 10, là kết quả trung bình cộng của bài kiểm tra lý thuyết và bài kiểm tra thực hành, lấy đến một chữ số ở phần thập phân.

6. Đối với một số ngành, nghề kỹ thuật không áp dụng thang điểm 10, thực hiện theo quy định của các chuyên ngành kỹ thuật, nhưng phải phù hợp với tiêu chuẩn bậc trình độ kỹ năng nghề của công nhân quốc phòng.

Điều 9. Đánh giá kết quả

1. Phân loại kết quả của bài kiểm tra:

a) Trường hợp áp dụng thang điểm 10:

- Loại giỏi: Từ 8 điểm đến 10 điểm;

- Loại khá: Từ 6,6 điểm đến dưới 8 điểm;

- Loại trung bình: Từ 5 điểm đến dưới 6,6 điểm;

- Không đạt: Dưới 5 điểm.

b) Trường hợp không áp dụng thang điểm 10, Hội đồng kiểm tra trình độ kỹ năng nghề quyết định lựa chọn một trong những phương pháp sau để công nhận kết quả:

- Quy đổi kết quả điểm kiểm tra lý thuyết hoặc kết quả điểm kiểm tra thực hành về thang điểm 10 để phân loại đánh giá theo Điểm a Khoản này;

- Áp dụng đánh giá kết quả theo quy định chấm điểm của một số ngành, nghề dân dụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

c) Trường hợp kết quả đạt từ 4 điểm đến dưới 5 điểm bài kiểm tra lý thuyết, nhưng bài kiểm tra thực hành đạt 7,5 điểm trở lên thì được xét và công nhận đạt yêu cầu.

2. Công nhận kết quả: Căn cứ vào biên bản và kết quả điểm kiểm tra lý thuyết và điểm kiểm tra thực hành của Ban giám khảo, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra quyết định công nhận kết quả đối với công nhân quốc phòng tham dự kỳ kiểm tra đạt yêu cầu và đề nghị cấp có thẩm quyền cấp chứng chỉ nghề bậc mới.

Điều 10. Thẩm quyền giám sát

1. Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác bồi dưỡng, kiểm tra trình độ kỹ năng nghề đối với công nhân quốc phòng của các cơ sở được giao nhiệm vụ kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề.

2. Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác bồi dưỡng, kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề đối với công nhân quốc phòng của các cơ sở sản xuất thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

3. Thủ trưởng chuyên ngành kỹ thuật, thủ trưởng quân khu, quân đoàn và tương đương, chỉ đạo tổ chức giám sát quá trình bồi dưỡng, kiểm tra trình độ kỹ năng nghề đối với công nhân quốc phòng của các cơ sở kiểm tra trình độ kỹ năng nghề thuộc quyền quản lý.

Điều 11. Xử lý vi phạm

1. Trường hợp khi kiểm tra lý thuyết hoặc kiểm tra thực hành, nếu người kiểm tra vi phạm quy chế, thì Ban giám khảo lập biên bản và đề nghị Hội đồng kiểm tra xử lý theo quy định.

2. Trường hợp khi kiểm tra lý thuyết hoặc kiểm tra thực hành, nếu người kiểm tra cố ý gây hư, hỏng phương tiện, thiết bị, công cụ, dụng cụ tác nghiệp và đo kiểm, nguyên vật liệu, vật tư thì bị xử lý theo quy chế kiểm tra và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp cá nhân hoặc tổ chức được giao nhiệm vụ phúc tra bài kiểm tra trình độ kỹ năng nghề được quy định tại Điều 20 của Thông tư này, nếu thực hiện không chính xác, không đúng quy định hoặc kết quả bị sai lệch thì cá nhân, tổ chức bị xử lý kỷ luật theo quy định của quân đội.

Điều 12. Bồi dưỡng lý thuyết và thực hành

1. Cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và rèn luyện kỹ năng thực hành cho công nhân quốc phòng tại cơ sở công tác trước khi tham dự kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề.

2. Cơ sở được giao nhiệm vụ kiểm tra trình độ kỹ năng nghề, tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và rèn luyện kỹ năng thực hành cho công nhân quốc phòng trước kỳ tổ chức kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề.

Mục 3. TỔ CHỨC KIỂM TRA TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ

Điều 13. Thời gian tổ chức kiểm tra

1. Kiểm tra, đánh giá trình độ kỹ năng nghề được tổ chức định kỳ 01 (một) năm 01 (một) lần tại các cơ sở kiểm tra trình độ kỹ năng nghề.

2. Đối với các ngành, nghề dân dụng, công nhân quốc phòng được tham dự kiểm tra tại các cơ sở kiểm tra trình độ kỹ năng nghề trong quân đội hoặc tại các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.

Điều 14. Quy trình tổ chức kiểm tra

1. Thành lập hội đồng, ban giám khảo kiểm tra trình độ kỹ năng nghề.

2. Lập kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kiểm tra trình độ kỹ năng nghề.

3. Tổ chức kiểm tra, đánh giá kiến thức chuyên môn; kiểm tra, đánh giá kỹ năng thực hành và quy trình an toàn, vệ sinh lao động của người tham dự kiểm tra theo các bậc trình độ kỹ năng của từng nghề.

4. Giám sát quá trình kiểm tra trình độ kỹ năng nghề.

5. Công nhận kết quả kiểm tra trình độ kỹ năng nghề.

6. Cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho công nhân quốc phòng tham dự kiểm tra đạt yêu cầu.

Điều 15. Phân cấp tổ chức kiểm tra

1. Tổng cục Kỹ thuật chủ trì tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra trình độ kỹ năng nghề bậc cao các ngành, nghề dân dụng đối với công nhân quốc phòng trong toàn quân.

2. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chủ trì tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra trình độ kỹ năng nghề đối với công nhân quốc phòng các cơ sở sản xuất thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

3. Các quân khu, quân đoàn và tương đương chủ trì tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra trình độ kỹ năng nghề bậc thấp đối với công nhân quốc phòng thuộc quyền.

4. Các chuyên ngành kỹ thuật

a) Chủ trì tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra trình độ kỹ năng nghề bậc cao của chuyên ngành kỹ thuật đối với công nhân quốc phòng trong toàn quân;

b) Chủ trì tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra trình độ kỹ năng nghề bậc thấp đối với công nhân quốc phòng làm việc trong các ngành, nghề thuộc các chuyên ngành kỹ thuật khác của các đơn vị trực thuộc.

Điều 16. Thành lập Hội đồng kiểm tra

1. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch và các ủy viên.

2. Thẩm quyền thành lập Hội đồng:

a) Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra bậc cao khu vực;

b) Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra trình độ kỹ năng nghề của các cơ sở sản xuất thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng;

c) Tư lệnh quân khu, quân đoàn và tương đương quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra trình độ kỹ năng nghề của quân khu, quân đoàn và tương đương;

d) Tư lệnh quân chủng, binh chủng và Thủ trưởng cục chuyên ngành quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra trình độ kỹ năng nghề chuyên ngành kỹ thuật.

Điều 17. Nhiệm vụ của Hội đồng kiểm tra

1. Chủ tịch Hội đồng

a) Phê duyệt kế hoạch kiểm tra;

b) Phê duyệt danh sách tham dự kiểm tra;

c) Phê duyệt đề kiểm tra, đáp án, thang điểm;

d) Ban hành nội quy, quy định chấm điểm và quy chế kiểm tra;

đ) Quyết định thành lập Ban giám khảo;

e) Phê duyệt và công nhận kết quả kiểm tra của từng thí sinh;

g) Báo cáo kết quả kiểm tra và đề nghị cấp có thẩm quyền cấp chứng chỉ kỹ năng nghề theo quy định tại Điều 25 Thông tư này;

h) Báo cáo kết quả về các chuyên ngành kỹ thuật liên quan để xét cấp chứng chỉ bậc kỹ năng nghề bậc mới (đối với thợ bậc cao);

i) Thông báo kết quả về cơ quan, đơn vị.

2. Các ủy viên

a) Xây dựng và báo cáo Chủ tịch Hội đồng phê duyệt kế hoạch kiểm tra, nội quy, quy định chấm điểm, quy chế kiểm tra;

b) Tổng hợp đánh giá kết quả kiểm tra trình độ kỹ năng nghề.

Điều 18. Nhiệm vụ của Ban giám khảo

1. Biên soạn đề, đáp án, thang điểm trình Chủ tịch Hội đồng phê duyệt.

2. Phối hợp với các cơ quan liên quan, chuẩn bị địa điểm kiểm tra, vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật, phụ tùng, dụng cụ, trang thiết bị công nghệ phục vụ kiểm tra.

3. Giám sát quá trình kiểm tra theo quy chế của Hội đồng kiểm tra.

4. Chấm điểm và tổng hợp kết quả kiểm tra.

Điều 19. Nhiệm vụ của Ủy viên thư ký

1. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, nội quy, quy định chấm điểm và quy chế làm việc của Hội đồng kiểm tra.

2. Chuẩn bị văn bản, tài liệu liên quan của các kỳ họp hội đồng.

3. Tổng hợp kết quả kiểm tra, báo cáo hội đồng và cấp trên theo quy định.

Điều 20. Phúc tra bài kiểm tra

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được thông báo kết quả kiểm tra, thí sinh được quyền nộp đơn đề nghị Hội đồng kiểm tra phúc tra bài kiểm tra.

2. Khi nhận được đơn đề nghị của thí sinh theo quy định, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra thành lập Hội đồng phúc tra và tổ chức phúc tra theo quy chế, thông báo kết quả phúc tra đến cơ quan, đơn vị và thí sinh kiểm tra biết.

Điều 21. Điều kiện của cơ sở kiểm tra

1. Bảo đảm cơ sở vật chất

a) Phòng huấn luyện chuyên môn kỹ thuật, nhà xưởng và mặt bằng đạt tiêu chuẩn theo quy định;

b) Đầy đủ phương tiện, thiết bị, dụng cụ thực hành và phương tiện đo kiểm theo danh mục đánh giá trình độ kỹ năng cho từng nghề, bảo đảm tương ứng với số lượng công nhân quốc phòng tham dự đánh giá ở một bậc trình độ kỹ năng của mỗi nghề trong cùng một thời điểm.

2. Bảo đảm nhân lực

Đối với một bậc trình độ kỹ năng của mỗi nghề, có ít nhất 03 (ba) người đạt tiêu chuẩn được quy định tại Điều 22 Thông tư này; trong đó, có người đang làm việc tại cơ sở được giao nhiệm vụ kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề.

Điều 22. Điều kiện của người được giao nhiệm vụ kiểm tra

1. Điều kiện chung:

a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

b) Đáp ứng được một trong các điều kiện về trình độ kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 của Điều này;

2. Điều kiện cụ thể:

a) Kiểm tra trình độ kỹ năng nghề bậc 1, phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 3 trở lên của nghề tương ứng và có ít nhất 02 (hai) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có trình độ cao đẳng trở lên tương ứng với ngành, nghề và có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề.

b) Kiểm tra trình độ kỹ năng nghề từ bậc 1 đến bậc 2, phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 4 trở lên của nghề tương ứng và có ít nhất 02 (hai) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có trình độ cao đẳng trở lên tương ứng với ngành, nghề và có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề.

c) Kiểm tra trình độ kỹ năng nghề từ bậc 1 đến bậc 3, phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 5 trở lên của nghề tương ứng và có ít nhất 02 (hai) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có trình độ đại học trở lên tương ứng với ngành, nghề và có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm làm việc trong nghề.

d) Kiểm tra trình độ kỹ năng nghề từ bậc 1 đến bậc 4, phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 5 trở lên của nghề tương ứng và có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có trình độ đại học trở lên tương ứng với ngành, nghề và có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề.

đ) Kiểm tra trình độ kỹ năng nghề từ bậc 1 đến bậc 5, phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 5 của nghề tương ứng và có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 6 của nghề tương ứng và có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có trình độ đại học trở lên tương ứng với ngành, nghề và có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề.

e) Kiểm tra trình độ kỹ năng nghề từ bậc 1 đến bậc 6, phải đáp ứng một trong các điều sau đây:

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 6 của nghề tương ứng và có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 7 của nghề tương ứng và có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có trình độ đại học trở lên tương ứng với ngành, nghề và có ít nhất 07 (bảy) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề.

g) Kiểm tra trình độ kỹ năng nghề từ bậc 1 đến bậc 7, phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc 7 của nghề tương ứng và có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề;

- Có trình độ đại học trở lên tương ứng với ngành, nghề và có ít nhất 09 (chín) năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề.

Chương III

CHỨNG CHỈ KỸ NĂNG NGHỀ

Điều 23. Chứng chỉ kỹ năng nghề

1. Mẫu chứng chỉ kỹ năng nghề của công nhân quốc phòng thực hiện theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Tổng cục Kỹ thuật cấp phôi và quản lý chứng chỉ kỹ năng nghề đối với công nhân quốc phòng của các chuyên ngành kỹ thuật trong toàn quân.

3. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cấp phôi, in và quản lý chứng chỉ kỹ năng nghề đối với công nhân quốc phòng của các cơ sở sản xuất thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

Điều 24. Điều kiện cấp chứng chỉ kỹ năng nghề

Công nhân quốc phòng được cấp chứng chỉ trình độ kỹ năng nghề bậc mới khi tham dự kỳ kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề đạt yêu cầu và được Chủ tịch Hội đồng kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề công nhận kết quả theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.

Điều 25. Thẩm quyền cấp chứng chỉ kỹ năng nghề

1. Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật cấp chứng chỉ kỹ năng nghề bậc cao đối với công nhân quốc phòng các ngành, nghề dân dụng.

2. Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cấp chứng chỉ kỹ năng nghề đối với công nhân quốc phòng khối sản xuất của các đơn vị trực thuộc.

3. Thủ trưởng các quân khu, quân đoàn và tương đương cấp chứng chỉ bậc kỹ năng nghề bậc thấp đối với công nhân quốc phòng thuộc quyền.

4. Thủ trưởng các chuyên ngành kỹ thuật cấp chứng chỉ kỹ năng nghề bậc cao đối với công nhân quốc phòng các ngành, nghề đặc thù của chuyên ngành trong toàn quân và chứng chỉ kỹ năng nghề bậc thấp của công nhân quốc phòng đơn vị trực thuộc.

Điều 26. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kiểm tra và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề

1. Hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra

a) Tờ khai đăng ký tham dự kiểm tra trình độ kỹ năng nghề kèm theo 02 (hai) ảnh màu (kích cỡ 3x4 cm) có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý;

b) Một (01) bản tài liệu có công chứng hoặc xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý theo quy định tại Điều 6 Nghị định 83/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Trình tự thực hiện

a) Công nhân quốc phòng tham dự kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề, có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, gửi đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn công nhân quốc phòng hoàn thiện hồ sơ theo quy định và gửi văn bản kèm theo danh sách, hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cấp có thẩm quyền thẩm tra tính hợp lệ của hồ sơ và quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra trình độ kỹ năng nghề, chỉ đạo tổ chức kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, có văn bản thông báo về cơ quan, đơn vị và nêu rõ lý do;

d) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được công nhận kết quả kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề, cấp có thẩm quyền cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho công nhân quốc phòng theo quy định tại Điều 25 Thông tư này.

Điều 27. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp đổi hoặc cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề

1. Chứng chỉ kỹ năng nghề được xét và cấp đổi khi trường hợp thông tin trong chứng chỉ kỹ năng nghề bị sai lệch hoặc bị hư, hỏng, rách, nát.

2. Chứng chỉ kỹ năng nghề được xét và cấp lại trong trường hợp bị mất chứng chỉ.

3. Hồ sơ đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề, gồm:

a) Tờ trình và tờ khai đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề kèm theo 01 (một) ảnh màu (kích cỡ 3x4cm) có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý;

b) Chứng chỉ kỹ năng nghề đã được cấp đối với trường hợp cấp đổi.

4. Trình tự, thủ tục

a) Người đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 3 Điều này và gửi đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý lập danh sách kèm theo hồ sơ và gửi đến cấp có thẩm quyền được quy định tại Điều 25 Thông tư này;

b) Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cấp có thẩm quyền được quy định tại Điều 25 Thông tư này có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu và cấp đổi hoặc cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề. Trường hợp không cấp hoặc chưa cấp thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 28. Hủy bỏ, thu hồi chứng chỉ kỹ năng nghề

1. Chứng chỉ kỹ năng nghề bị hủy bỏ khi người được cấp thôi việc hoặc chuyển công tác khác.

2. Chứng chỉ kỹ năng nghề bị thu hồi khi người được cấp chứng chỉ vi phạm trường hợp giả mạo nội dung kê khai trong hồ sơ để tham dự kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, cấp có thẩm quyền được quy định tại Điều 25 Thông tư này ra quyết định hủy bỏ hoặc thu hồi chứng chỉ kỹ năng nghề và thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức và công nhân quốc phòng biết.

4. Khi nhận được quyết định hủy bỏ hoặc thu hồi, người được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề phải nộp chứng chỉ cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý để báo cáo cấp trên theo quy định.

Chương IV

ĐIỀU KIỆN MIỄN KIỂM TRA, TẠM HOÃN KIỂM TRA VÀ CHỌN NGHỀ KIỂM TRA TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ

Điều 29. Điều kiện miễn kiểm tra

Công nhân quốc phòng trong thời gian giữ bậc trình độ kỹ năng nghề, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được miễn kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề và được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề bậc mới trong các trường hợp sau:

1. Đối với thời hạn giữ bậc nghề là 03 năm: Có ít nhất 02 năm liên tục được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên trong thời gian giữ bậc (kể từ kỳ kiểm tra trình độ kỹ năng nghề lần kế tiếp trước).

2. Đối với thời hạn giữ bậc nghề từ 06 năm trở lên: Có ít nhất 03 năm liên tục được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên trong thời gian giữ bậc (kể từ kỳ kiểm tra trình độ kỹ năng nghề lần kế tiếp trước).

3. Công nhân quốc phòng đã được đào tạo tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp hoặc đại học trực tiếp tham gia lao động, sản xuất đúng ngành nghề đào tạo được miễn kiểm tra lý thuyết cơ sở nhưng vẫn phải kiểm tra lý thuyết chuyên môn nghề, điều lệ công tác kỹ thuật, công tác an toàn, vệ sinh lao động và thực hành.

4. Trường hợp miễn kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề, phải được Hội đồng kiểm tra trình độ kỹ năng nghề (ở từng cấp) thẩm định trước khi đề nghị cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 25 Thông tư này xem xét, quyết định, mỗi lần đạt danh hiệu chỉ được ưu tiên xét một lần (không xét miễn kiểm tra 2 lần liên tiếp đối với trường hợp là Chiến sĩ thi đua). Trường hợp miễn kiểm tra một số môn, do Hội đồng kiểm tra xem xét, quyết định.

Điều 30. Điều kiện tạm hoãn kiểm tra

1. Công nhân quốc phòng đến thời hạn kiểm tra trình độ kỹ năng nghề, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị phải đi công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, ở nước ngoài; tham gia diễn tập do Bộ Quốc phòng hoặc quân chủng, binh chủng, quân khu, quân đoàn và tương đương tổ chức vào kỳ kiểm tra trình độ kỹ năng nghề, đơn vị không thể bố trí tham dự được.

2. Công nhân quốc phòng gửi đơn đề nghị xét tạm hoãn kiểm tra trình độ kỹ năng nghề, có xác nhận của thủ trưởng đơn vị (cấp trung đoàn và tương đương trở lên) đến Hội đồng kiểm tra xem xét, quyết định.

3. Công nhân quốc phòng được xét tạm hoãn kiểm tra trình độ kỹ năng nghề, được cấp có thẩm quyền xét nâng lương theo thời hạn quy định, phải tham gia vào kỳ kiểm tra ngay lần kế tiếp.

Điều 31. Chọn nghề tham dự kiểm tra

1. Công nhân quốc phòng làm nhiều nghề trong cùng ngành được chọn nghề thạo nhất để kiểm tra; công nhân quốc phòng làm trái nghề đào tạo, được chọn nghề thực tế đang làm để kiểm tra nâng bậc trình độ kỹ năng nghề.

2. Công nhân quốc phòng không làm đúng việc theo tiêu chuẩn bậc trình độ kỹ năng nghề hiện giữ từ một năm trở lên hoặc chỉ làm công việc kỹ thuật đơn giản, không có công việc bậc cao hơn cho rèn luyện tay nghề, trước kỳ kiểm tra trình độ kỹ năng nghề ít nhất 6 tháng phải được đơn vị (chuyên ngành kỹ thuật, quân khu, quân đoàn và tương đương) tổ chức huấn luyện và kiểm tra bậc kỹ năng nghề đang giữ, nếu đạt yêu cầu thì tiếp tục bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, rèn luyện kỹ năng thực hành và được tham dự kiểm tra đánh giá trình độ kỹ năng nghề.

3. Công nhân quốc phòng đang hưởng bậc lương cao hơn bậc trình độ kỹ năng nghề tương ứng, phải kiểm tra trình độ kỹ năng nghề theo quy định.

4. Công nhân quốc phòng đang hưởng bậc lương thấp hơn bậc trình độ kỹ năng nghề tương ứng, đến niên hạn nâng lương được hội đồng tiền lương đơn vị xét nâng lương mà không phải kiểm tra trình độ kỹ năng nghề.

Chương V

CÔNG TÁC BẢO ĐẢM, CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ LƯU TRỮ

Điều 32. Kinh phí bảo đảm

Do chuyên ngành kỹ thuật hoặc cơ quan kỹ thuật cùng cấp bảo đảm từ nguồn ngân sách kỹ thuật thường xuyên; ngoài ra, được bổ sung từ nguồn thu do kết hợp việc kiểm tra trình độ kỹ năng nghề với nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa, chế tạo sản phẩm mới hoặc các khoản thu hợp pháp khác.

Điều 33. Nội dung bảo đảm

1. Bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật, thiết bị công nghệ phục vụ cho kiểm tra thực hành.

2. Bảo đảm, xăng dầu, vật tư kỹ thuật.

3. Chi phí công tác tổ chức kiểm tra (khai mạc, bế mạc, văn phòng phẩm).

4. Chi phí cho hoạt động của Hội đồng, giáo viên lên lớp bồi dưỡng cho người tham dự kiểm tra; biên soạn đề kiểm tra, đáp án; giám khảo chấm bài.

5. Chi phí cho việc mua phôi phẩm và một số vật tư bảo đảm khác.

Điều 34. Chế độ báo cáo

1. Báo cáo định kỳ

a) Báo cáo kế hoạch tổ chức kiểm tra;

b) Báo cáo kết quả kiểm tra (chậm nhất sau 15 ngày, kể từ ngày ký quyết định công nhận bậc trình độ kỹ năng nghề mới cho công nhân quốc phòng).

2. Báo cáo đột xuất thực hiện theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 35. Chế độ lưu trữ

Hồ sơ, tài liệu liên quan của người tham dự kiểm tra trình độ kỹ năng nghề và chứng chỉ kỹ năng nghề được lưu trữ và bảo quản tại cấp trên trực tiếp của cơ sở kiểm tra trình độ kỹ năng nghề theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2017.

Điều 37. Trách nhiệm thi hành

Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Thư
ng tướng Bế Xuân Trường

 

PHỤ LỤC 01

MẪU CHỨNG CHỈ KỸ NĂNG NGHỀ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2017/TT-BQP ngày 27 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng BQP)

1. Kích thước: 190 mm x 125 mm

2. Hình thức và nội dung của chứng chỉ kỹ năng nghề như sau:

a) Mặt ngoài:

 

 

 

QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHỨNG CHỈ KỸ NĂNG NGHỀ

 

Mặt ngoài bên phải có khung màu vàng kích thước 110 mm x 80 mm, nền màu đỏ sẫm và khoảng cách từ mép khung đến mép giây phía ngoài là 10 mm. Nội dung trong khung được trình bày bằng kiểu chữ Times New Roman, cụ thể như sau:

- Hàng chữ “QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM” được trình bày kiểu chữ in hoa đứng, đậm, màu vàng;

- Quân hiệu có đường kính 30 mm;

- Hàng chữ “CHỨNG CHỈ KỸ NĂNG NGHỀ” được trình bày kiểu chữ in hoa đứng, đậm, màu vàng.

b) Mặt trong

 

 

 

 

 

 

BỘ QUỐC PHÒNG

.......................(1)............................

 

 

 

 

 

(2)

 

 

 

 

 

 

Số: (16)      (17)        (18)

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------------

CHỨNG CHỈ KỸ NĂNG NGHỀ

Chứng nhận đồng chí: (3)

Sinh ngày                     (4)

Nghề nghiệp                 (5)

Đơn vị:                          (6)

Đã dự kiểm tra trình độ kỹ năng nghề: ....(7)

Đạt yêu cầu ở bậc trình độ kỹ năng nghề bậc (8)......

Xếp loại:......... (9)

Tại Hội đồng kiểm tra trình độ kỹ năng nghề: (10)

  

 

 

(11),ngày    tháng    năm (12)
(13)
(14)

Số vào sổ:     (15)

 

 

 

 

 

b) Mặt trong

Mặt trong chứng chỉ nền màu trắng có 2 khung, viền đỏ, kích thước mỗi khung 115 mm x 85 mm, chính giữa mỗi khung có in chìm quân hiệu màu vàng nhạt, bao quanh mặt trong là khung hoa văn màu xanh nhạt; khoảng cách từ khung đến mép giấy phía ngoài là 05 mm, khoảng cách giữa 2 khung là 10 mm. Nội dung trong khung được trình bày bằng kiểu chữ Times New Roman, cụ thể như sau:

- Hàng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” được trình bày kiểu chữ in hoa đứng, đậm, màu đen;

- Hàng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được trình bày kiểu chữ in thường đứng, đậm, màu đen;

- Hàng chữ “CHỨNG CHỈ KỸ NĂNG NGHỀ” được trình bày kiểu chữ in hoa đứng, đậm, màu đỏ;

- Hàng chữ “BỘ QUỐC PHÒNG” được trình bày kiểu chữ in hoa đứng, đậm, màu đen;

c) Các nội dung khác trên chứng chỉ kỹ năng nghề

(1) Tên của chuyên ngành kỹ thuật, quân khu, quân đoàn và tương đương cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, kiểu chữ in hoa đứng, màu đen;

(2) Ảnh 03 x 04 cm của người được cấp chứng chỉ;

(3) Ghi họ và tên đầy đủ của người được cấp chứng chỉ bằng kiểu chữ in hoa đứng, màu đen;

(4), (5), (6): Ghi theo hồ sơ quản lý của đơn vị bằng kiểu chữ in thường đứng, màu đen;

(7) Ghi nghề đăng ký kiểm tra nâng bậc kỹ năng nghề bằng kiểu chữ in thường đứng, màu đen;

(8), (9) Ghi bậc dự kiểm tra và kết quả kiểm tra đã được Hội đồng kiểm tra công nhận bằng chữ số kiểu đứng, màu đen;

(10) Ghi tên Hội đồng kiểm tra nâng bậc nghề bằng kiểu chữ in thường đứng, màu đen;

(11) Ghi tên địa danh nơi cơ sở kiểm tra bậc kỹ năng nghề đóng quân bằng kiểu chữ in thường đứng, màu đen;

(12) In chức danh của người ký chứng chỉ bằng kiểu chữ in hoa đứng, đậm, màu đen;

(13) Chữ ký và dấu của cơ quan người ký cấp chứng chỉ kỹ năng nghề;

(14) Ghi họ và tên đầy đủ của người ký chứng chỉ kỹ năng nghề bằng kiểu chữ in thường đứng, đậm, màu đen;

(15) Ghi theo số trong sổ cấp chứng chỉ kỹ năng nghề của chuyên ngành kỹ thuật quản lý bằng chữ số kiểu đứng, màu đen;

(16), (17) Ghi số thứ tự, mã ký hiệu của chuyên ngành kỹ thuật và đơn vị theo Phụ lục 02 bằng chữ số kiểu đứng, màu đen;

(18) Ghi năm cấp chứng chỉ kỹ năng nghề bằng chữ số kiểu đứng, màu đen.

 

PHỤ LỤC 02

QUY ĐỊNH SỐ THỨ TỰ, MÃ KÝ HIỆU CỦA CÁC CHUYÊN NGÀNH KỸ THUẬT VÀ ĐƠN VỊ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2017/TT-BQP ngày 27 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng BQP)

TT

Mã ký hiệu

Ký hiệu

TT

Mã ký hiệu

Ký hiệu

1

Bộ Tổng Tham mưu

BTTM

24

Quân khu 1

QK1

2

Tổng cục Chính trị

TCCT

25

Quân khu 2

QK2

3

Tổng cục Hậu cần

TCHC

26

Quân khu 3

QK3

4

Tổng cục Kỹ thuật

TCKT

27

Quân khu 4

QK4

5

Tổng cục II

TC2

28

Quân khu 5

QK5

6

Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

CNQP

29

Quân khu 5

QK5

7

Biên phòng

BP

30

Quân khu 7

QK7

8

Công binh

CB

31

Quân khu 9

QK9

9

Cơ yếu

CY

32

Quân đoàn 1

QĐ1

10

Công nghệ Thông tin

CNTT

33

Quân đoàn 2

QĐ2

11

Đặc công

ĐC

34

Quân đoàn 3

QĐ3

12

Hải quân

HQ

35

Quân đoàn 4

QĐ4

13

Hóa học

HH

36

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

BTLTĐ

14

Phòng không - Không quân

PKKQ

37

Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

BTLBV

15

Quân khí

QK

38

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển

CSB

16

Tác chiến điện tử

TCĐT

39

Học viện Quốc phòng

HVQP

17

Tàu thuyền

TT

40

Học viện Lục quân

HVLQ

18

Tăng thiết giáp

TTG

41

Học viện Chính trị

HVCT

19

Tên lửa khí tài đặc chủng

TLKT

42

Học viện Hậu cần

HVHC

20

Thông tin liên lạc

TTLL

43

Học viện Kỹ thuật quân sự

HVKT

21

Tình báo

TB

44

Trường Sĩ quan Lục quân 1

SQ1

22

Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng

ĐL

45

Trường Sĩ quan Lục quân 2

SQ2

23

Xe - Máy

XM

46

Trường Sĩ quan Chính trị

SQCT

 

 

 

47

Viện Khoa học và Công nghệ quân sự

KHCN

 

Điều 6. Quy định Điều kiện nâng bậc trình độ kỹ năng nghề

1. Phải đủ các Điều kiện được quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều này tương ứng với từng bậc trình độ kỹ thuật nghề và phải dự thi đánh giá bậc trình độ kỹ năng nghề, kết quả thi phải đạt yêu cầu.

2. Công nhân quốc phòng có nhu cầu đều được dự thi đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề ở trình độ kỹ năng nghề bậc 1 của một nghề.

Để được dự thi đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề ở trình độ kỹ năng nghề bậc 1 của một nghề, công nhân quốc phòng phải có chứng chỉ sơ cấp hoặc bằng nghề, công nhân kỹ thuật tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 01 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ đó.

3. Để được dự thi đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề ở trình độ kỹ năng nghề bậc 2 của một nghề, công nhân quốc phòng phải đáp ứng được một trong các Điều kiện sau:

a) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 1 hoặc chứng chỉ sơ cấp, bằng nghề, công nhân kỹ thuật tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp đó;

b) Học xong chương trình trung cấp, trung cấp nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp tương ứng với nghề dự thi.

4. Để được dự thi đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề ở trình độ kỹ năng nghề bậc 3 của một nghề, công nhân quốc phòng phải đáp ứng được một trong các Điều kiện sau:

a) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 2 hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp đó;

b) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 1 hoặc chứng chỉ sơ cấp, bằng nghề, công nhân kỹ thuật tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 06 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ đó;

c) Học xong chương trình cao đẳng, cao đẳng nghề tương ứng với nghề dự thi.

5. Để được dự thi đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề ở trình độ kỹ năng nghề bậc 4 của một nghề, công nhân quốc phòng phải đáp ứng được một trong các Điều kiện sau:

a) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 3 hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp đó;

b) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 2 hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 06 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp đó;

c) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 1 hoặc chứng chỉ sơ cấp, bằng nghề, công nhân kỹ thuật tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 09 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ đó;

d) Học xong chương trình đại học tương ứng với nghề dự thi.

6. Để được dự thi đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề ở trình độ kỹ năng nghề bậc 5 của một nghề, công nhân quốc phòng phải đáp ứng được một trong các Điều kiện sau:

a) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 4 hoặc bằng tốt nghiệp đại học tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 06 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp đó;

b) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 3 hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 09 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp đó;

c) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 2 hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 12 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp đó;

d) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 1 hoặc chứng chỉ sơ cấp, bằng nghề, công nhân kỹ thuật tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 15 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ đó.

7. Để được dự thi đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề ở trình độ kỹ năng nghề bậc 6 của một nghề, công nhân quốc phòng phải đáp ứng được một trong các Điều kiện sau:

a) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 5 tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 06 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ đó;

b) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 4 hoặc bằng tốt nghiệp đại học tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 12 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp đó;

c) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 3 hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 15 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp đó;

d) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 2 hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 18 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp đó;

đ) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 1 hoặc chứng chỉ sơ cấp, bằng nghề, công nhân kỹ thuật tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 21 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ đó.

8. Để được dự thi đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề ở trình độ kỹ năng nghề bậc 7 của một nghề, công nhân quốc phòng phải đáp ứng được một trong các Điều kiện sau:

a) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 6 tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 06 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ đó;

b) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 5 tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 12 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ đó;

c) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 4 hoặc bằng tốt nghiệp đại học tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 18 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp đó;

d) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 3 hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 21 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp đó;

đ) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 2 hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 24 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp đó;

e) Có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 1 hoặc chứng chỉ sơ cấp, bằng nghề, công nhân kỹ thuật tương ứng với nghề dự thi và có ít nhất 27 năm kinh nghiệm làm việc liên tục trong nghề kể từ khi có chứng chỉ đó.

Xem nội dung VB