Thông báo 204/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải – Trưởng Ban chỉ đạo tại phiên họp Ban chỉ đạo nhà nước công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải
Số hiệu: 204/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Văn Trọng Lý
Ngày ban hành: 31/08/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 204/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2011

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI – TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TẠI PHIÊN HỌP BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ngày 22 tháng 8 năm 2011, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải – Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo để kiểm điểm tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải quý II/2011. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện Văn phòng Chính phủ, các chủ đầu tư dự án trọng điểm và một số cơ quan, đơn vị có liên quan. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải – Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Ngành giao thông vận tải đã có nỗ lực lớn trong công tác quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải từ khâu lập quy hoạch, chuẩn bị dự án đầu tư và phối hợp với địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy vậy, một số dự án thực hiện còn chậm, công tác giải phóng mặt bằng còn để kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư. Yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương rà soát lại tình hình thực hiện các dự án để có giải pháp tích cực tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo điều hành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ, từ nay đến cuối năm 2011 tiếp tục kiên định mục tiêu thắt chặt đầu tư công; đồng thời, các Bộ liên quan rà soát, chọn lọc để ưu tiên vốn cho các dự án cấp bách, dở dang và vốn cho đền bù giải phóng mặt bằng thuộc các dự án này.

Nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng hạ tầng giao thông thời gian tới là rà soát, điều chỉnh cơ chế quản lý đầu tư nhằm khuyến khích tối đa các phương thức đầu tư BOT, BT, PPP nhằm phát huy được mọi nguồn lực đầu tư trong xã hội. Các địa phương cần sớm có giải pháp quyết liệt để xử lý những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

II. VỀ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo tại các phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức năng, đồng thời tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Nhiệm vụ chung:

a) Bộ Giao thông vận tải:

- Rà soát và tổng hợp nhu cầu vốn cho công tác giải phóng mặt bằng đối với những dự án quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đã được địa phương hoàn thành hồ sơ về giải phóng mặt bằng nhưng chưa có vốn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 30 tháng 9 năm 2011.

- Tập trung phối hợp các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, họp giao ban thường kỳ để giải quyết từng việc cụ thể. Trường hợp công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc về cơ chế chính sách thì các Chủ đầu tư và các địa phương làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để có hướng dẫn cụ thể.

- Dự thảo Báo cáo Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia theo quy định (Dự án đường Hồ Chí Minh; Dự án đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Suối Tiên).

- Khẩn trương hoàn thiện việc lập quy hoạch hệ thống đường ngang thuộc Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh và quy hoạch hệ thống đường gom dân sinh, các điểm dừng, điểm dịch vụ trên đường Hồ Chí Minh, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2011.

- Rà soát lại mô hình Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long; trường hợp bất hợp lý, yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

- Đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BTO và BT: đây là hình thức đầu tư cần được triển khai rộng, tuy nhiên trong thời gian qua việc thực hiện còn nhiều bất cập. Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện cơ chế cho phù hợp đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu hoàn chỉnh nhóm chuyên gia về hình thức đầu tư này, trường hợp cần thiết có thể đề xuất phương án thành lập bộ phận chuyên trách theo dõi và quản lý các dự án BOT, BTO, BT, PPP.

- Nghiên cứu xây dựng phương án phân luồng phương tiện để khai thác có hiệu quả đường Hồ Chí Minh nhằm tránh ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A.

- Khẩn trương rà soát, điều chỉnh hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ theo Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ.

- Về giải pháp kỹ thuật xử lý tại các vị trí tiếp giáp giữa đường đầu cầu và mố cầu: Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát các quy định đã ban hành để có phương án thiết kế cho phù hợp, trường hợp cần thiết ban hành quy chuẩn yêu cầu áp dụng chung cho toàn ngành.

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng trong việc xử lý những khó khăn vướng mắc theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3586/VPCP-KTTH ngày 02 tháng 6 năm 2011 về việc xử lý khó khăn khi đình hoãn các dự án theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ.

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương để quản lý về giá đất năm 2012 và những năm sau, bảo đảm ổn định.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 130/TB-VPCP ngày 31 tháng 5 năm 2011, nghiên cứu và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19 tháng 06 năm 2010 của Quốc hội theo hướng cho phép Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh khi dự án có kinh phí vượt 10% tổng mức đầu tư dự án.

d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: phối hợp tốt với các Chủ đầu tư, tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu tiến độ của các dự án; thực hiện ổn định giá đất theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Đối với các dự án cụ thể:

a) Dự án đường Hồ Chí Minh:

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh rà soát để tập trung triển khai theo Nghị quyết số 38/2004/NQ-QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Quốc hội, ưu tiên những gói thầu, những đoạn có khả năng hoàn thành trong năm 2011, 2012 và công tác đảm bảo giao thông.

- Bộ Tài chính kiểm tra, xem xét giải quyết các nội dung kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải (Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh) trong việc giải ngân các hạng mục của Dự án, bảo đảm thực hiện đúng qui định.

- Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng nút giao Xuân Mai dài 397m tại Thôn Đồng Vai và hệ thống đường dây thông tin của Huyện Chương Mỹ.

b) Dự án đường Láng – Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long):

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các bên liên quan khẩn trương thực hiện các hạng mục còn lại của Dự án để hoàn thành trong năm 2011, theo dõi lún mặt đường để có giải pháp xử lý phù hợp, xác định thời điểm làm phẳng lại mặt đường theo tiêu chuẩn kỹ thuật.

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm các vướng mắc còn tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, cụ thể: Cầu vượt Bắc Phú Cát (Km28+900 – Km29+000); nút giao Hòa Lạc (Km29+600 – Km 31+064); đường Ram 2 (phía Tây Bắc); đường Ram 3 (phía Tây Nam); đường Ram 4 (phía Đông Nam), hệ thống đường viễn thông Bưu điện Hà Nội 3 và đường điện hạ thế.

c) Dự án đường vành đai 3 thành phố Hà Nội (giai đoạn 2):

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai thi công đảm bảo không gây ách tắc giao thông, đồng thời đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và vệ sinh môi trường.

d) Dự án xây dựng cầu Thanh Trì:

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thành dự án bảo đảm hoàn thành xong Cầu Phù Đổng trong năm 2011.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm 9 hộ dân tại quận Hoàng Mai (đất nông nghiệp) và các hộ dân thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng ở Nhánh H đi cầu Giẽ.

đ) Dự án đường cao tốc Giẽ - Ninh Bình:

- Bộ Tài chính tiếp tục xem xét, bảo lãnh cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) huy động vốn theo phương thức phát hành trái phiếu công trình đã được duyệt.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tìm nguồn vốn để xử lý ngay nhu cầu vốn của VEC trong năm 2011 nhằm triển khai công tác hoàn thiện phục vụ cho việc thông xe đoạn từ đầu tuyến đến điểm nối vào quốc lộ 21, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án, trước mắt tập trung vốn để thi công đạt tiến độ thông xe kỹ thuật đoạn từ đầu tuyến đến cầu Chằm Thị vào quý III/2011 và hoàn thành dự án trong năm 2012.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan tập trung chỉ đạo hoàn thành dứt điểm các tồn tại về vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ yêu cầu.

e) Dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai:

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, quản lý chặt chẽ các nhà thầu điều kiện hợp đồng, bảo đảm chất lượng công trình.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan tập trung chỉ đạo hoàn thành dứt điểm các tồn tại về vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng: Thành phố Hà Nội tại huyện Sóc Sơn ở vị trí trạm bơm xã Tân Dân, vị trí đất thổ cư 15 hộ thuộc hình thức tái định cư phân tán, 27 thửa ở vị trí hầm chui quốc lộ 2 giao với đường 18; tỉnh Vĩnh Phúc tại khu Nghĩa Trang, nhà máy gạch Vicentech, 2 trạm bơm thuộc xã Hương Sơn – Bình Xuyên và một số đường dây điện; tỉnh Phú Thọ tại huyện Cẩm Khê xã Sai Nga, xã Sơn Ngan, Phùng Xá, Phương Xá, Tuy Lộc, các công trình công cộng.

g) Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng:

- Yêu cầu Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đang thi công, hoàn thành các thủ tục để khởi công các gói thầu còn lại, đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ đã cam kết.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên và Hải Phòng tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 và xem xét thống nhất, phê duyệt các khu đất để bàn giao cho VIDIFI triển khai thực hiện.

- Về vấn đề thu xếp vốn cho dự án: Ngân hàng phát triển Việt Nam có giải pháp an toàn và khả thi trong việc thu xếp vốn cho các gói thầu còn lại, bảo đảm tiến độ dự án.

h) Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây:

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các bên liên quan triển khai thực hiện dự án thành phần 1 đoạn từ An Phú – Vành đai 2, bảo đảm tiến độ chung của cả dự án.

- Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng:

+ Thành phố Hồ Chí Minh: tại vị trí Trung tâm điều hành (còn vướng 2 hộ);

+ Tỉnh Đồng Nai: tại tuyến chính (còn 4/162 hộ tại huyện Thống Nhất, 4 hộ tại Tam An, 5 hộ tại Thị trấn, 61 hộ thuộc Long An, 8 hộ tại Bình Sơn, 1 hộ tại Bình An; 1 hộ tại huyện Cẩm Mỹ, 6 hộ tại huyện Thống Nhất).

i) Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành:

- Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan làm việc với JICA để sớm ký kết Hiệp định vay vốn cho dự án; chỉ đạo VEC đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định thiết kế kỹ thuật.

- Tại thời điểm này chưa tính đến việc kết nối với đường Rừng Sác để bảo đảm đáp ứng yêu cầu của Nhà tài trợ.

k) Dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục để công bố luồng tàu với công suất 100.000 DWT vào khai thác khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; chỉ đạo tập trung lực lượng thi công hạng mục đường nối cảng với quốc lộ 51 đúng tiến độ.

l) Dự án luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu: Yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 170/TB-VPCP ngày 21 tháng 7 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan liên quan hoàn thành công tác đấu thầu của dự án.

m) Dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện: Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo các bên liên quan rà soát lại dự án; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tiếp tục làm việc với JICA để đàm phán Hiệp định vay vốn cho dự án.

n) Dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động):

- Bộ Giao thông vận tải xem xét việc Chủ đầu tư (Vinalines) xin điều chỉnh lại tổng mức đầu tư dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Vinalines tiếp tục chủ động huy động các nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện, sớm xây dựng phương án khai thác cảng sau khi dự án hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

o) Dự án cảng hàng không Phú Quốc: yêu cầu Tổng công ty cảng hàng không miền Nam hiện đang tích cực, chủ động và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ khai thác các hạng mục đường băng, sân đỗ vào năm 2012.

p) Các dự án đường sắt:

- Dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện Dự án theo đúng mục tiêu đã đề ra.

- Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư tranh thủ tối đa điều kiện mặt bằng hiện có để đẩy nhanh tiến độ thi công. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đặc biệt là khu depot Hà Đông và khu nghĩa trang Vân Nội, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công của toàn dự án.

- Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn – ga Hà Nội: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện gói thầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu depot và khởi công các gói thầu còn lại theo kế hoạch.

- Dự án đường sắt Yên Viên – Ngọc Hồi: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công dự án.

- Dự án đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Suối Tiên: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương phê duyệt điều chỉnh Dự án và triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1108/TTg-KTN ngày 08 tháng 7 năm 2011; đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để báo cáo Quốc hội.

q) Các dự án xây dựng: cầu Nhật Tân, đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, Nhà ga T2-Sân bay quốc tế Nội Bài: Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan tích cực chỉ đạo, phối hợp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 180/TB-VPCP ngày 29 tháng 7 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ.

r) Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận: Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam khẩn trương hoàn tất các thủ tục liên quan để ký kết hợp đồng dự án và triển khai thi công đáp ứng tiến độ theo kế hoạch.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo;
- Các Bộ: GTVT, KH&ĐT, TC, XD, TN&MT, CT;
- UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai.
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam;
- Các Tổng công ty: Hàng hải VN, Đường sắt VN, PT hạ tầng và Đầu tư tài chính VN, Cảng hàng không miền Nam, ĐTPT đường cao tốc VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTN (4)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý