Thông báo 150/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang
Số hiệu: 150/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Mai Tiến Dũng
Ngày ban hành: 21/03/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 150/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH TUYÊN QUANG.

Ngày 26 tháng 02 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2017. Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Giao thông vận tải, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Chính phủ biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, cầu thị, quyết tâm cao, khát vọng vươn lên, phấn đấu khắc phục khó khăn để đạt được thành tựu đáng kể trong những năm qua. Năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tỉnh hoàn thành 21/21 chỉ tiêu đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19,7%; thu hút 1,44 triệu lượt khách du lịch; thu ngân sách nhà nước tăng 19,6%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,48%. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển ổn định các vùng chuyên canh, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như chè, mía, vùng gỗ nguyên liệu, cây ăn quả... Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai bài bản (16 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 60%. Đã có nhiều nỗ lực triển khai các chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông, nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân.

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân từng bước cải thiện; cải cách hành chính, phòng, an ninh và trật tự - an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn là tỉnh còn nghèo, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, tiềm năng lợi thế chưa được phát huy; quy mô kinh tế còn nhỏ phát triển chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; năng lực cạnh tranh năng suất lao động còn thấp (hiện có 1.180 doanh nghiệp, tỷ lệ 647 người dân/doanh nghiệp là rất thấp so với mức trung bình cả nước). Rừng chưa là thế mạnh, thâm canh còn thấp, nguồn thu ngân sách còn thấp so với tổng chi ngân sách địa phương; ngành nông, lâm nghiệp, du lịch và dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế; khó khăn trong thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng về công nghiệp chế biến, nông nghiệp hàng hóa, du lịch... Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng còn thấp (48/63). Chất lượng nguồn lao động chưa cao. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; có nơi vẫn còn tiềm ẩn sự phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Minh chưa được xóa bỏ. Giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân của cả nước.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Về cơ bản nhất trí phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Tỉnh đặt ra cho năm 2017 và các năm tiếp theo, Tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2017, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.

2. Tiếp tục thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4-5%/năm, hướng ra của Tuyên Quang là nông, lâm nghiệp công nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái. Đặc biệt Tuyên Quang phải là hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, là một tỉnh điển hình về năng lực thoát nghèo để cải thiện sinh kế bền vững, tối ưu hóa tài nguyên cho phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân. Thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển theo cơ chế thị trường, xóa bỏ tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ trong đồng bào dân tộc. Thực hiện tích tụ đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế rừng bền vững, tập trung một số cây trồng, vật nuôi chủ lực tạo vùng nguyên liệu lớn với năng suất chất lượng cao (chè, mía, cam, lạc, gỗ nguyên liệu; chăn nuôi trâu, cả đặc sản...) và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Củng cố, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể.

3. Triển khai quyết liệt kế hoạch hành động của Tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh và có khả năng cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Tuyên Quang tăng gấp 2 lần hiện nay.

4. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm có tính liên vùng như dự án đường Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai,...). Chú trọng các ngành dịch vụ, nhất là du lịch (đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch). Tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án (dự án khu du lịch Mỹ Lâm, Na Hang, Lâm Bình). Phấn đấu đến năm 2020 thu hút trên 3 triệu lượt khách du lịch.

5. Tăng cường phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề, thay đổi phương thức phù hợp có trọng tâm, trọng điểm ở các trường nội trú, trường dạy nghề cho lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Phải thay đổi cơ bản mục tiêu giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc để góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững; Tuyên Quang phải xây dựng đề án tái cơ cấu dân cư theo hướng tập trung để tiếp tục giảm chi phí về hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm... Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội.

6. Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, phát triển chính quyền điện tử, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (phấn đấu đứng trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số PCI).

Các cấp ủy đảng, chính quyền Tỉnh phải đề cao trách nhiệm công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, hướng đến nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Nâng cao chất lượng xử lý thông tin phản hồi của các doanh nghiệp, người dân; công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; phòng chống tham nhũng, lãng phí.

7. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, làm tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh vững chắc. Tăng cường an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn có biện pháp ngăn chặn hoạt động tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

8. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập trung đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

III. MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương để bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng đường kết nối Tuyên Quang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất, đề xuất nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện trong năm 2017; Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ để thống nhất thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng bảo đảm tiến độ.

2. Về bố trí vốn để triển khai cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2C đoạn từ Nông Tiến (thành phố Tuyên Quang) tới thị trấn Na Hang qua khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét nguồn vốn để thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải bố trí nguồn vốn bảo trì đường bộ để sửa chữa mặt đường đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

3. Về bổ sung số vốn còn thiếu của dự án di dân, tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan tìm nguồn vốn bổ sung cho Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Về vốn còn thiếu cho công trình cấp bách kè bảo vệ bờ sông Gâm hạ lưu thủy điện Tuyên Quang: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Về cổ phần hóa Công ty thủy điện Tuyên Quang: Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu phương án (trong đó nhà nước nắm cổ phần chi phối), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Bố trí vốn thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ nguồn vốn ODA: Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và các Bộ, cơ quan liên quan xác định nhu cầu và khả năng tham gia dự án theo quy định tại Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Về Dự án Phát triển kinh doanh nông nghiệp thích ứng với Biến đổi khí hậu tỉnh Tuyên Quang vay vốn Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD); Quỹ khí hậu xanh (GCF) và Chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông hộ (ASAP): Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng trình tự, thủ tục và quy định hiện hành.

8. Về bổ sung huyện Na Hang, Lâm Bình vào danh sách các huyện thực hiện theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; huyện Chiêm Hóa được hưởng chính sách theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ: Tỉnh căn cứ vào Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2017 và Quyết định số 2115/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

9. Về xếp hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình là danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt và Khu Di sản thiên nhiên Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) - Vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) vào Danh mục dự kiến xây dựng Hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới: Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa.

10. Về bổ sung vào quy hoạch sân golf tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang: Đồng ý về chủ trương, Tỉnh căn cứ quy định tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2009 và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

11. Về chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng: Tỉnh thực hiện theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9 tháng 9 năm 2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 và Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2016 về một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính tổng hợp, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Về cho các tổ chức, hộ gia đình được vay vốn tín dụng ưu đãi để trồng rừng: Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, xử lý, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

12. Về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sơn Dương để thành lập một huyện mới: Tỉnh căn cứ vào Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để rà soát, đối chiếu, lập đề án gửi Bộ Nội vụ thẩm định theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ;
- Ủy ban Dân tộc;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang;
- UBND tỉnh Phú Thọ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NN, CN, NC, ĐMĐN, TCCV, KGVX, QHQT;
- Lưu: VT, QHĐP (3b). Thg

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 





Chỉ thị 01/CT-TTg năm 2014 triển khai thi hành Luật đất đai Ban hành: 22/01/2014 | Cập nhật: 24/01/2014