Quyết định 98/2006/QĐ-UBND về Đề án đào tạo và thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn cao giai đoạn 2006 - 2010
Số hiệu: 98/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai Người ký: Phạm Thế Dũng
Ngày ban hành: 13/11/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 98/2006/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 13 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO VÀ THU HÚT CÁN BỘ CÓ TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN CAO GIAI ĐOẠN 2006 -2010.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003,

Căn cứ Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 15/02/2006 về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006-2010; Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 18/5/2005 phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010'' của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 114/2005/QĐ-UBND ngày 05/9/2005 về việc ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định số 93/2005/QĐ-UB về việc quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và thu hút người có trình độ chuyên môn cao của Ủy ban nhân dân tỉnh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Đề án đào tạo và thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn cao (thạc sỹ, tiến sỹ) giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh.

Điều 2. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Đề án này trên địa bàn tỉnh và báo cáo kết quả việc thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc các Sở; Trưởng các Ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

ĐỀ ÁN

ĐÀO TẠO VÀ THU HÚT CÁN BỘ CÓ TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN CAO GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 98/2006/QĐ-UBND ngày 13/11/2006 của UBND tỉnh Gia Lai)

I. THỰC TRẠNG CÁN BỘ CÓ TRÌNH ĐỘ SAU ĐẠI HỌC CỦA TỈNH

Hiện nay, trong hệ thống chính trị 3 cấp của tỉnh Gia Lai có 223 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học và 42 công chức đang đi học sau đại học (chiếm tỷ lệ 0,8% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh), trong đó có 05 tiến sỹ, 120 thạc sỹ, 95 bác sỹ chuyên khoa (03 chuyên khoa cấp II).

Thạc sỹ chuyên ngành Giáo dục có 106 người và bác sỹ chuyên khoa trong các cơ sở y tế tuyến tỉnh có 107 người, đã chiếm 86%; khối quản lý hành chính, khối đảng có 18 người (cấp huyện có 2 người đang đi học); các đơn vị sự nghiệp nông lâm, thủy lợi, giao thông, cơ khí, điện tử, công nghệ hầu như chưa có lực lượng này, sự nghiệp văn hóa có 3 người; bệnh viện tuyến huyện thiếu bác sỹ chuyên khoa; ít cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc, cán bộ chủ chốt có trình độ sau đại học.

Từ năm 2001 đến nay, mỗi năm bình quân có 20 - 25 cán bộ, công chức đi học sau đại học, đa số là giáo viên, bác sỹ Cán bộ, công chức hành chính, Đảng, đoàn thể đi học sau đại học không đáng kể. Sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi, xuất sắc, thạc sỹ, tiến sỹ chưa mặn mà về tỉnh công tác.

Việc quy hoạch và xem xét cho cán bộ ở tỉnh đi học sau đại học đến nay chưa có văn bản quy định làm căn cứ thực hiện nên quy trình cho đi học mang tính chủ quan, bị động. Việc đánh giá tiềm năng, môi trường thu hút và khai thác tiềm năng chất xám trong các cơ quan, đơn vị chưa được xem xét nghiêm túc.

Cán bộ có trình độ sau đại học chưa thực sự giữ vai trò quan trọng trong nghiên cứu, sáng tạo, chuyên môn, kỹ thuật hoặc tham gia tư vấn, góp trí tuệ vào các quyết sách lớn ở địa phương.

Phân tích trên cho thấy đội ngũ này mỏng, rải rác, chưa đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Bước vào thời kỳ mới của đất nước, phát triển kinh tế trí thức, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững, cấp thiết phải chủ động phát triển lực lượng cán bộ trình độ cao để tạo động lực thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở ngành, lĩnh vực. Công tác nhân sự phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ then chốt trong quản lý, chuyên môn vừa có phẩm chất chính trị, đạo đức vừa có trình độ hiểu biết, giàu năng lực tư duy, sức sáng tạo, làm việc hiệu quả.

II. MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG CÁN BỘ CÓ TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN CAO

1. Mục tiêu chung: Vừa đào tạo vừa thu hút cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao như thạc sỹ, tiến sỹ (dưới đây gọi tắt là cán bộ trình độ cao) trong những ngành nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh; điều chỉnh cơ cấu cán bộ trình độ cao; thiết lập cơ chế sử dụng và đãi ngộ thích hợp để người có tài phát huy tố chất đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.

2. Mục tiêu: Từ năm 2007 đến 2010 cử đi đào tạo và thu hút khoảng 120 cán bộ trình độ cao trong những lĩnh vực ngành nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh

Chia ra: Khu vực quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể 70 người. Khu vực sự nghiệp nhà nước 50 người.

3. Đối tượng:

Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể, sự nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý;

Những người có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ ở ngoài tỉnh có nguyện vọng về phục vụ cho tỉnh Gia Lai phù hợp với ngành nghề của tỉnh cần.

4. Tiêu chuẩn.

- Đào tạo: Cán bộ có thời gian công tác ở tỉnh từ đủ 3 năm trở lên, không vi phạm kỷ luật và hoàn thành tốt nhiệm vụ; có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tu dưỡng, gắn bó nghề nghiệp, có đủ sức khoẻ, dưới 40 tuổi.

Ưu tiên đào tạo người có thành tích xuất sắc; chuyên ngành cần thiết, những ngành nghề đào tạo, thu hút khó khăn; có thời gian công tác cơ sở; cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số;

- Thu hút: Những người có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ ở ngoài tỉnh; người có lý lịch rõ ràng, kê khai trung thực, tình nguyện công tác lâu dài ở Gia Lai và phù hợp với ngành nghề của tỉnh cần.

5. Ngoài những ngành nghề và số lượng cần đào tạo, thu hút theo Đề án này, các ngành, các cấp chủ động việc đào tạo cán bộ các ngành nghề khác theo tiêu chuẩn chuyên môn và theo Kế hoạch số 1537/KH-UBND ngày 19/7/2005 của UBND tỉnh Gia Lai về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC giai đoạn 2006 - 2010.

III. CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Quy hoạch đủ số lượng, đối tượng, ngành nghề cần đào tạo và thu hút, có tiến độ thực hiện cụ thể; tạo cơ chế chủ động để đào tạo và thu hút nhân tài.

a) Thủ trưởng Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố căn cứ mục tiêu, định hướng nói trên, đối chiếu ngành mình, cấp mình, xác định những lĩnh vực công việc nhất thiết phải có cán bộ trình độ chuyên môn cao; ngành chuyên môn, số lượng cán bộ cần đào tạo hoặc thu hút; vị trí công tác tương ứng sau khi đào tạo; tiến độ đào tạo; cử đi đào tạo tại trường Đại học nào (kể cả đi đào tạo ngoài nước nếu có).

Cấp ủy và thủ trưởng cơ quan từ cấp cơ sở căn cứ quy hoạch sử dụng cán bộ để lập quy hoạch đào tạo hoặc thu hút cán bộ; cân nhắc nghiêm túc, tích cực; tránh quy hoạch theo quan hệ cá nhân, thân quen.

b) Sau khi đơn vị quy hoạch xong báo cáo đăng ký về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp chung). Quy hoạch đào tạo sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt là căn cứ để thực hiện công tác chuyên môn liên quan. Hằng năm, nếu thật cần thiết điều chỉnh trong phạm vi quy hoạch được duyệt, thì chủ động xây dựng theo trình tự này và báo cáo đầy đủ

Sở Nội vụ hướng dẫn xây dựng quy hoạch, tổng hợp cho cả khối Đảng, đoàn thể và phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy cân đối, điều tiết giữa các địa phương, các ngành trình cấp thẩm quyền duyệt một lần.

c) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ quy hoạch được duyệt để đăng ký nhu cầu đào tạo hoặc thu hút cán bộ, thu xếp cho cán bộ đi ôn thi ngoại ngữ và chuyên môn, thi đạt thì đề nghị cơ quan thẩm quyền giải quyết cho đi học. Cán bộ thi tuyển không đạt thì đưa ra khỏi quy hoạch.

Sở Nội vụ thông tin kịp thời việc tuyển sinh của các trường đại học để các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức biết, tham gia, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề xuất đào tạo cán bộ theo đơn đặt hàng.

d) Khuyến khích cơ quan, đơn vị sắp xếp cho cán bộ quy hoạch đi học theo các chương trình, dự án khác; chủ động thu hút, tiếp nhận cán bộ trình độ cao từ doanh nghiệp và địa phương khác.

Khi có đề nghị, giới thiệu của các cơ quan về tiếp nhận cán bộ trình độ cao, Sở Nội vụ phối hợp giải quyết và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh tháo gỡ các vướng mắc để bảo đảm việc thu hút thuận lợi.

2. Về quản lý và sử dụng: Đánh giá lại tình hình sử dụng cán bộ trình độ chuyên môn cao và xây dựng cơ chế sử dụng, khích lệ thích hợp để những người có tài có thể phát huy đầy đủ khả năng, nâng cao tinh thần cống hiến.

a) Đối với số cán bộ đã đào tạo trước khi có Đề án này: Thủ trưởng các cơ quan đơn vị đánh giá thành tích cống hiến, hiệu quả công tác, mức độ đáp ứng giữa trình độ, năng lực với chức danh, chức trách được giao. Trên cơ sở đó, điều chỉnh, phân công nhiệm vụ phù hợp hoặc đề nghị địa chỉ sử dụng tốt nhất trong thời gian đến; cán bộ công tác lâu năm phù hợp Đề án này và có quá trình cống hiến cần đề nghị chế độ khích lệ thỏa đáng.

Những đánh giá, nhận xét và đề nghị của đơn vị báo cáo về Sở Nội vụ tổng hợp, trình cấp thẩm quyền xem xét cho chủ trương.

b) Đối với số cán bộ chuẩn bị cử đi đào tạo hoặc thu hút: Các cơ quan, đơn vị phải thực hiện đúng trình tự quy hoạch, đào tạo và thu hút nói trên; theo dõi ý thức học tập, tu dưỡng, nhận xét, đánh giá hằng năm. Bố trí sử dụng đúng quy hoạch, giao chức trách, nhiệm vụ rõ ràng; tạo thuận lợi để tiếp cận kiến thức mới và tham gia hoạt động khoa học của ngành, địa phương; tiếp tục xem xét, bổ sung vào quy hoạch cán bộ chủ chốt, quan tâm lương, ngạch, đề bạt cho những cán bộ có thành tích công tác tốt.

Cán bộ khi đi học phải có cam kết về phục vụ địa phương đủ thời gian quy định. Thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cấp trên việc quản lý cán bộ đi học. Khuyến khích cán bộ khi đi học chọn các luận văn, nghiên cứu gắn với các đề tài nghiên cứu của ngành, địa phương

c) Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Khoa học và Công nghệ và cơ quan liên quan sớm đề xuất cấp thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi các quy định bảo đảm cho cán bộ trình độ cao tham gia tư vấn, phản biện, chủ nhiệm các đề tài, đề án, tham gia đào tạo tại trường chuyên nghiệp hoặc thành lập các đơn vị tư vấn, nghiên cứu khoa học; sinh hoạt các câu lạc bộ khoa học; tham quan, học tập; xây dựng tiêu chí đánh giá thành tích cống hiến của cán bộ trình độ cao; chế độ hỗ trợ cho cán bộ công tác ở vùng kém thuận lợi; chế độ đề bạt, lương, ngạch, khen thưởng cho người có thành tích.

3. Kinh phí thực hiện Đề án:

a) Cân đối riêng kinh phí thực hiện Đề án trong dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC hằng năm của tỉnh. Dự kiến kinh phí thực hiện Đề án từ năm 2007 - 2010 khoảng 06 tỷ đồng. Ngoài nguồn này, huy động kinh phí từ các dự án đào tạo của TW và của các cơ quan, đơn vị đài thọ thêm (nếu có).

Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư chịu trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện Đề án theo tiến độ hằng năm để Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh. Kinh phí này sẽ cấp bổ sung (ngoài chi thường xuyên) về các cơ quan, đơn vị để thanh toán tương ứng với số người thực tế đi học.

b) Cán bộ đi học được thanh toán kinh phí đào tạo theo quy định hiện hành. Chế độ hỗ trợ làn luận văn tốt nghiệp và thu hút cán bộ trình độ cao thực hiện theo Quyết định 93/2005/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Cán bộ đi học nếu chủ trì hoặc tham gia làm luận văn tốt nghiệp gắn với đề tài nghiên cứu khoa học của ngành, địa phương thì được hưởng kinh phí thực hiện đề tài khoa học theo quy định.

c) Cán bộ đi học để chuẩn hóa chuyên môn theo tiêu chuẩn ngành nghề hoặc theo nhu cầu cá nhân thì cơ quan, đơn vị đài thọ kinh phí học tập từ chi thường xuyên hằng năm theo quy định hoặc hỗ trợ thời gian, kinh phí học tập tùy khả năng cho phép.

d) Cán bộ sau khi đào tạo mà chưa phục vụ hết thời gian yêu cầu, tự ý bỏ việc hoặc xin chuyển đi nơi khác vì động cơ cá nhân phải bị xử lý kỷ luật và bồi thường chi phí đào tạo theo quy định hiện hành. Cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ chịu trách nhiệm xử lý kỷ luật cán bộ và thu hồi kinh phí nộp lại Sở Tài chính./.